Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Ôi! Sâu-nhiệm thay là sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời!’

‘Ôi! Sâu-nhiệm thay là sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời!’

‘Ôi! Sâu-nhiệm thay là sự khôn-ngoan của Đức Chúa Trời!’

“Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!”.—RÔ 11:33.

1. Đặc ân lớn nhất của tín đồ Đấng Christ đã báp-têm là gì?

Đặc ân lớn nhất mà bạn nhận được là gì? Thoạt tiên, có lẽ bạn nghĩ đến một số nhiệm vụ hoặc đặc ân mà bạn có. Tuy nhiên, đối với các tín đồ Đấng Christ đã báp-têm, đặc ân lớn nhất là có được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời có một và thật, là Đức Giê-hô-va. Đó là kết quả của việc ‘Đức Chúa Trời biết chúng ta’.—1 Cô 8:3; Ga 4:9.

2. Tại sao biết Đức Giê-hô-va và được Ngài biết đến là đặc ân lớn?

2 Tại sao biết Đức Giê-hô-va và được Ngài biết đến là đặc ân lớn? Vì Ngài không chỉ là Đấng Chí Cao trong vũ trụ mà còn là Đấng Bảo Vệ những người Ngài yêu mến. Nhà tiên tri Na-hum được soi dẫn viết: “Đức Giê-hô-va là tốt-lành, làm đồn-lũy trong ngày hoạn-nạn, và biết những kẻ ẩn-náu nơi Ngài” (Na 1:7; Thi 1:6). Hơn nữa, triển vọng sống vĩnh cửu tùy thuộc vào việc chúng ta biết Đức Chúa Trời và Con Ngài là Chúa Giê-su.—Giăng 17:3.

3. Biết Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

3 Biết Đức Chúa Trời bao hàm nhiều hơn là chỉ biết danh của Ngài. Chúng ta phải biết Ngài như một Người Bạn, hiểu điều Ngài thích và ghét. Sống phù hợp với sự hiểu biết ấy đóng vai trò quan trọng trong việc cho thấy chúng ta biết rõ về Đức Chúa Trời (3 Giăng 11). Ngoài ra, còn có điều cần thiết khác nếu chúng ta thật sự muốn biết về Đức Giê-hô-va. Đó là không chỉ biết điều Ngài đã làm mà còn hiểu cách và lý do Ngài hành động như thế. Càng hiểu về những ý định của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng thán phục ‘sự khôn-ngoan sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời’.—Rô 11:33.

Đức Chúa Trời có ý định

4, 5. (a) Như được dùng trong Kinh Thánh, từ “ý định” muốn nói đến gì? (b) Hãy minh họa làm thế nào một ý định có thể được thực hiện bằng nhiều cách.

4 Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có ý định, và Kinh Thánh nói đến “ý định đời đời” của Ngài (Ê-phê 3:10, 11). Cụm từ này có nghĩa gì? Như được dùng trong Kinh Thánh, từ “ý định” muốn nói đến một mục tiêu cụ thể có thể đạt được bằng nhiều cách.

5 Để minh họa: Một người muốn đi đến một địa điểm cụ thể. Thế nên, mục tiêu hoặc ý định của ông là đến địa điểm ấy. Ông có thể có nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển và lộ trình. Khi đi trên lộ trình đã chọn, ông có thể gặp thời tiết bất lợi, tắc nghẽn giao thông và đường bị cấm, khiến ông phải đi đường khác. Dù phải thay đổi gì đi nữa, ông vẫn thực hiện được mục tiêu của mình khi đến địa điểm ấy.

6. Đức Giê-hô-va cho thấy tính uyển chuyển trong việc hoàn thành ý định của Ngài như thế nào?

6 Tương tự, Đức Giê-hô-va cũng uyển chuyển trong việc thực hiện ý định đời đời của Ngài. Nghĩ đến sự tự do ý chí của các tạo vật thông minh, Ngài linh động thay đổi cách thực hiện để hoàn thành ý định. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem làm thế nào Đức Giê-hô-va hoàn thành ý định Ngài liên quan đến Dòng Dõi đã hứa. Ban đầu, Đức Giê-hô-va phán với cặp vợ chồng đầu tiên: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng 1:28). Ý định ấy có thất bại vì cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen không? Chắc chắn không! Đức Giê-hô-va nhanh chóng phản ứng trước tình huống mới bằng cách dùng “lộ trình” khác để thực hiện ý định Ngài. Đức Chúa Trời báo trước sự xuất hiện của một “dòng-dõi” sẽ sửa chữa tổn hại mà những kẻ phản nghịch gây ra.—Sáng 3:15; Hê 2:14-17; 1 Giăng 3:8.

7. Chúng ta học được gì từ cách Đức Giê-hô-va miêu tả về chính mình như được ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14?

7 Trong quá trình hoàn thành ý định, khả năng thích ứng của Đức Giê-hô-va trước hoàn cảnh mới phù hợp với điều Ngài miêu tả về chính mình. Khi Môi-se trình bày với Đức Giê-hô-va về những trở ngại có thể xảy ra trong nhiệm vụ được giao, Ngài bảo đảm: “Ta sẽ trở thành Đấng ta sẽ trở thành; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi” (Xuất 3:14, NW). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va có thể trở thành bất cứ điều gì Ngài muốn để thực hiện trọn vẹn ý định của Ngài! Điều này được Phao-lô minh họa rất hay nơi chương 11 của sách Rô-ma. Ông nói về một cây ô-li-ve tượng trưng. Dù có hy vọng lên trời hoặc sống đời đời trên đất, xem xét minh họa này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự khôn ngoan sâu nhiệm của Đức Giê-hô-va.

Ý định của Đức Giê-hô-va về Dòng Dõi được báo trước

8, 9. (a) Bốn điểm cơ bản nào sẽ giúp chúng ta hiểu minh họa về cây ô-li-ve? (b) Câu trả lời cho câu hỏi nào cho thấy tính uyển chuyển của Đức Giê-hô-va trong việc hoàn thành ý định Ngài?

8 Trước khi có thể hiểu minh họa về cây ô-li-ve, chúng ta cần biết bốn điểm liên quan đến việc Đức Giê-hô-va thực hiện ý định về dòng dõi đã hứa. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham rằng ‘các dân thế-gian đều sẽ được phước’ nhờ dòng dõi hoặc con cháu của ông (Sáng 22:17, 18). Thứ hai, dân Y-sơ-ra-ên ra từ Áp-ra-ham có triển vọng trở thành “một nước thầy tế-lễ” (Xuất 19:5, 6). Thứ ba, khi đa số người Y-sơ-ra-ên không chấp nhận Đấng Mê-si, Đức Giê-hô-va thực hiện những bước khác để lập nên “một nước thầy tế-lễ” (Mat 21:43; Rô 9:27-29). Cuối cùng, dù Chúa Giê-su là thành phần chính của dòng dõi Áp-ra-ham, người khác cũng nhận được đặc ân trở thành một phần của dòng dõi ấy.—Ga 3:16, 29.

9 Dựa trên bốn điểm cơ bản này, chúng ta học được trong sách Khải-huyền là tổng số 144.000 người sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su với tư cách là vua và thầy tế lễ ở trên trời (Khải 14:1-4). Họ cũng được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên” (Khải 7:4-8). Nhưng có phải tất cả 144.000 người này đều có gốc Do Thái không? Câu trả lời cho thấy tính uyển chuyển của Đức Giê-hô-va trong việc hoàn thành ý định Ngài. Lá thư của Phao-lô viết cho anh em ở Rô-ma sẽ giúp chúng ta biết câu trả lời.

“Một nước thầy tế-lễ”

10. Dân Y-sơ-ra-ên có triển vọng đặc biệt nào?

10 Như được đề cập ở trên, chỉ dân Y-sơ-ra-ên có triển vọng là thành viên của “một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh”. (Đọc Rô-ma 9:4, 5). Nhưng điều gì xảy ra khi Dòng Dõi đã hứa xuất hiện? Có phải những người gốc Do Thái này sẽ cung cấp đủ số 144.000 người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, là những người thuộc thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham không?

11, 12. (a) Việc lựa chọn những người hợp thành Nước Trời bắt đầu khi nào, và phần lớn người Do Thái sống vào thời đó phản ứng thế nào? (b) Làm thế nào Đức Giê-hô-va có thể làm cho số người trở thành dòng dõi Áp-ra-ham “được đầy đủ”?

11 Đọc Rô-ma 11:7-10. Với tư cách là một dân, những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất đã chối bỏ Chúa Giê-su. Vì vậy, cơ hội trở thành dòng dõi Áp-ra-ham không còn dành riêng cho họ nữa. Tuy nhiên, khi việc chọn những người hợp thành “nước thầy tế-lễ” trên trời bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, một số người Do Thái có lòng ngay thẳng đã nhận lời mời. Vì chỉ có vài ngàn người, họ giống như “một phần còn sót lại” so với cả dân Do Thái.—Rô 11:5.

12 Vậy, làm thế nào Đức Giê-hô-va có thể làm cho số người trở thành dòng dõi Áp-ra-ham “được đầy đủ”? (Rô 11:12, 25). Hãy lưu ý câu trả lời của sứ đồ Phao-lô: “Ấy chẳng phải lời Đức Chúa Trời là vô-ích. Vì những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sanh-hạ [gốc Y-sơ-ra-ên], chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên. Cũng không phải vì là dòng-dõi [con cháu] của Áp-ra-ham thì hết thảy đều là con-cái người [thành phần của dòng dõi Áp-ra-ham]... nghĩa là chẳng phải con-cái thuộc về xác-thịt là con-cái Đức Chúa Trời, nhưng con-cái thuộc về lời hứa thì được kể là dòng-dõi Áp-ra-ham vậy” (Rô 9:6-8). Vì vậy, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi những người thuộc thành phần của dòng dõi phải là con cháu Áp-ra-ham theo nghĩa đen.

Cây ô-li-ve tượng trưng

13. Điều gì được tượng trưng bởi (a) cây ô-li-ve, (b) rễ cây, (c) thân cây và (d) nhánh cây?

13 Sứ đồ Phao-lô so sánh những người là thành phần của dòng dõi Áp-ra-ham với những nhánh của cây ô-li-ve tượng trưng * (Rô 11:21). Cây ô-li-ve được trồng này tượng trưng cho việc hoàn thành ý định Đức Chúa Trời liên quan đến giao ước Áp-ra-ham. Rễ cây ô-li-ve là thánh và tượng trưng cho Đức Giê-hô-va, Đấng ban sự sống cho dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Ê-sai 10:20; Rô 11:16). Thân cây tượng trưng cho Chúa Giê-su, thành phần chính yếu của dòng dõi Áp-ra-ham. Các nhánh tượng trưng ‘số đầy đủ’ của những người thuộc thành phần thứ hai của dòng dõi Áp-ra-ham.

14, 15. Ai “bị cắt đi” khỏi cây ô-li-ve, và ai được tháp vào cây ấy?

14 Trong minh họa về cây ô-li-ve, dân gốc Do Thái chối bỏ Chúa Giê-su được ví như những nhánh ô-li-ve “bị cắt đi” (Rô 11:17). Vì vậy, họ mất cơ hội trở thành một phần của dòng dõi Áp-ra-ham. Nhưng ai sẽ thay thế họ? Theo quan điểm của những người gốc Do Thái—những người tự cao là mình thuộc con cháu của Áp-ra-ham—việc dân khác thay thế họ là điều không thể xảy ra. Nhưng Giăng Báp-tít đã cảnh báo với họ rằng nếu Đức Giê-hô-va muốn, Ngài có thể khiến đá sinh con cái cho Áp-ra-ham.—Lu 3:8.

15 Vậy, Đức Giê-hô-va đã làm gì để hoàn thành ý định Ngài? Phao-lô giải thích rằng những nhánh ô-li-ve hoang được tháp vào cây ô-li-ve để thay thế những nhánh đã bị cắt. (Đọc Rô-ma 11:17, 18). Thế nên, những người được xức dầu bằng thánh linh đến từ các nước, chẳng hạn như một số người trong hội thánh ở Rô-ma, được tháp vào cây ô-li-ve tượng trưng. Qua cách này, họ trở thành một phần của dòng dõi Áp-ra-ham. Ban đầu, họ như những nhánh ô-li-ve hoang, không có cơ hội trở thành một phần của giao ước đặc biệt này. Nhưng Đức Giê-hô-va mở đường để họ thuộc về dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.​—Rô 2:28, 29.

16. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích thế nào về sự hình thành một dân thiêng liêng mới?

16 Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích tình trạng này như sau: “Vậy nên, cho anh em [dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, gồm các tín đồ Dân Ngoại] là kẻ đã tin, thì [Chúa Giê-su] là đá quí; nhưng cho những kẻ không tin, thì Hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đá góc nhà, là đá gây cho vấp-váp, là đá lớn làm cho sa-ngã... Nhưng anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương-xót, mà bây giờ được thương-xót”.—1 Phi 2:7-10.

17. Điều Đức Giê-hô-va làm là “nghịch tánh” như thế nào?

17 Đức Giê-hô-va đã làm một điều mà nhiều người hoàn toàn không ngờ. Phao-lô miêu tả điều đã xảy ra như là “nghịch tánh” (Rô 11:24). Như thế nào? Việc tháp nhánh ô-li-ve hoang vào cây ô-li-ve dường như là điều khác thường, thậm chí trái tự nhiên. Nhưng một số nông dân vào thế kỷ thứ nhất đã làm điều đó *. Tương tự thế, Đức Giê-hô-va đã làm một điều lạ thường. Theo quan điểm của dân Do Thái, Dân Ngoại không thể sinh trái mà Đức Chúa Trời chấp nhận. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va làm cho những người này trở thành một phần của “nước” sinh bông trái Nước Trời (Mat 21:43). Vào năm 36 CN, khởi đầu với việc xức dầu ông Cọt-nây là người ngoại không cắt bì cải đạo đầu tiên, những người không cắt bì và không thuộc dân Do Thái có cơ hội được tháp vào cây ô-li-ve tượng trưng.—Công 10:44-48 *.

18. Người gốc Do Thái có cơ hội nào sau năm 36 CN?

18 Có phải điều này có nghĩa là sau năm 36 CN, người gốc Do Thái không còn cơ hội trở thành một phần của dòng dõi Áp-ra-ham? Không. Phao-lô giải thích: “Về phần họ [người gốc Do Thái], nếu không ghì-mài trong sự chẳng tin, thì cũng sẽ được tháp; vì Đức Chúa Trời có quyền lại tháp họ vào. Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!”.—Rô 11:23, 24.

“Cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu”

19, 20. Như minh họa về cây ô-li-ve tượng trưng, Đức Giê-hô-va thực hiện điều gì?

19 Thật vậy, ý định của Đức Giê-hô-va về ‘dân Y-sơ-ra-ên của Ngài’ được hoàn thành một cách kỳ diệu (Ga 6:16). Như Phao-lô nói, “cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu” (Rô 11:26). Vào đúng thời điểm của Đức Giê-hô-va, “cả dân Y-sơ-ra-ên”—đủ số người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng—sẽ phụng sự với tư cách là vua và thầy tế lễ ở trên trời. Không điều gì có thể làm ý định của Đức Giê-hô-va thất bại!

20 Như được báo trước, dòng dõi của Áp-ra-ham—gồm Chúa Giê-su cùng 144.000 người—sẽ mang lại ân phước cho cả “thế-gian” (Rô 11:12; Sáng 22:18). Nhờ thế, dân Đức Chúa Trời sẽ nhận lợi ích từ sự sắp đặt này. Đúng vậy, khi suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va thực hiện ý định đời đời của Ngài, chúng ta không thể không thán phục ‘sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời’.—Rô 11:33.

[Chú thích]

^ đ. 13 Dù dân Y-sơ-ra-ên xưa có vua và thầy tế lễ, nước này không trở thành “nước thầy tế-lễ”—tức một nước có vua kiêm chức thầy tế lễ. Theo luật pháp, các vua Y-sơ-ra-ên không được trở thành thầy tế lễ. Vì thế, dân Y-sơ-ra-ên không được tượng trưng bởi cây ô-li-ve. Qua minh họa này, Phao-lô cho thấy ý định của Đức Chúa Trời về “nước thầy tế-lễ” được thực hiện như thế nào qua dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Sự giải thích này được cập nhật so với Tháp Canh ngày 1-12-1984, trang 18-22.

^ đ. 17 Đó là vào cuối giai đoạn ba năm rưỡi mà người gốc Do Thái có cơ hội trở thành một phần của nước thiêng liêng mới. Lời tiên tri về 70 tuần lễ năm báo trước diễn biến này.—Đa 9:27.

Bạn còn nhớ không?

• Từ cách Đức Giê-hô-va hoàn thành ý định, chúng ta học được gì về Ngài?

• Nơi Rô-ma chương 11, điều gì được tượng trưng bởi...

cây ô-li-ve?

rễ cây?

thân cây?

những nhánh cây?

• Tại sao quá trình tháp cây là “nghịch tánh”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 24]

Tháp nhánh ô-li-ve hoang​—Tại sao?

 ▪ Ông Lucius Junius Moderatus Columella là lính La Mã và làm nghề nông, sống vào thế kỷ thứ nhất. Ông được biết đến nhờ 12 quyển sách viết về đời sống nông thôn và nghề nông.

Trong quyển thứ năm, ông trích một câu châm ngôn xưa: “Khi cày vườn ô-li-ve, như thể một người ‘xin’ cây ra trái. Khi bón phân, như thể ông ‘nài xin’ cây ra trái. Khi tỉa nhánh, như thể ông ‘ép’ cây ra trái”.

Sau khi nói về những cây xanh tốt nhưng không ra trái, ông khuyên làm theo cách sau: “Phương pháp tốt là dùng dụng cụ xoi một lỗ trên cây và tháp chặt nhánh ô-li-ve hoang vào đó. Kết quả là khi cây thụ phấn sẽ sinh trái, và trở nên sai quả hơn”.

[Hình nơi trang 23]

Bạn có hiểu minh họa về cây ô-li-ve tượng trưng không?