Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thật sự vui thích Lời Đức Chúa Trời?

Bạn có thật sự vui thích Lời Đức Chúa Trời?

Bạn có thật sự vui thích Lời Đức Chúa Trời?

“Khi bắt đầu đọc Kinh Thánh đều đặn, tôi cảm thấy đây là việc phải làm nhưng không thích thú. Kinh Thánh khó hiểu, nên tôi thường suy nghĩ lan man”, chị Lorraine nhận xét.

Người khác cũng công nhận rằng họ bắt đầu đọc Kinh Thánh mà không cảm thấy thích thú. Nhưng họ vẫn làm thế vì biết đọc Kinh Thánh là điều đúng. Anh Marc nói: “Thật là dễ để những chuyện khác xen vào thời gian đọc Kinh Thánh và học hỏi cá nhân. Tôi phải cầu nguyện và nỗ lực nhiều để việc đọc Kinh Thánh là một phần trong sinh hoạt hằng ngày”.

Bạn có thể làm gì để ngày càng quý trọng Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh? Làm thế nào bạn có thể vui thích đọc Kinh Thánh? Hãy xem xét những đề nghị sau.

Mục tiêu và phương pháp

Cầu nguyện và tập trung khi đọc Kinh Thánh. Cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn có lòng sốt sắng học Lời Ngài. Xin Ngài mở lòng và trí để bạn hiểu nhiều hơn về sự khôn ngoan của Ngài (Thi 119:34). Nếu không làm thế, việc học Kinh Thánh có thể nhanh chóng trở nên máy móc, và bạn không còn muốn tiếp tục. Chị Lynn nói: “Đôi khi tôi đọc quá nhanh và không thấy những điểm phụ thú vị. Tôi thường không hiểu rõ những ý chính. Nhưng tôi cầu nguyện để có sự tự chủ, và điều này giúp tôi không suy nghĩ mông lung”.

Quý trọng những gì bạn học được. Hãy nhớ rằng hiểu và áp dụng các lẽ thật của Kinh Thánh mang lại sự sống cho bạn. Vì vậy, hãy nỗ lực tìm những điểm thiết thực và áp dụng. Anh Chris cho biết: “Tôi tìm những điểm giúp tôi nhận ra thái độ và động cơ xấu trong lòng. Thật vui thích khi thấy Kinh Thánh và các ấn phẩm của chúng ta chứa đựng những thông tin hữu ích cho bản thân, dù tôi và người viết chưa bao giờ gặp nhau”.

Đặt mục tiêu có thể đạt được. Cố gắng học một điều mới về các nhân vật trong Kinh Thánh. Bạn có thể tìm ra những điểm thú vị về nhiều người trong số họ khi tham khảo sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures) hoặc Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh (Watch Tower Publications Index) hoặc Thư viện Tháp Canh trong CD (Watchtower Library CD). Khi bạn dần quen thuộc với những nhân vật trong Kinh Thánh và xem họ là những người thật có cá tính và cảm xúc, họ sẽ trở nên sống động trong tâm trí bạn.

Tìm những cách mới để lý luận dựa trên Kinh Thánh (Công 17:2, 3). Chị Sophia học Kinh Thánh với mục tiêu ấy. Chị nói: “Tôi thích học hỏi và tìm những cách lý luận mới để dùng trong thánh chức và vào những lúc khác. Khi làm thế, tôi có thể trình bày rõ ràng về các lẽ thật trong Kinh Thánh. Tháp Canh là công cụ tuyệt vời để giúp tôi làm điều này”.—2 Ti 2:15.

Hình dung những lời tường thuật trong Kinh Thánh. Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống”. Khi đọc Kinh Thánh, hãy để thông điệp của Đức Chúa Trời sống động trong tâm trí bạn qua việc hình dung những gì mà các nhân vật trong Kinh Thánh nhìn thấy. Cố gắng nghe điều họ đang nghe và cảm nhận cảm xúc của họ. Liên kết kinh nghiệm của họ với hoàn cảnh cụ thể trong đời sống bạn. Rút ra bài học từ cách họ đối phó với các tình huống. Nhờ thế, bạn có thể hiểu rõ và nhớ lâu hơn những lời tường thuật trong Kinh Thánh.

Dành thời gian cho những câu Kinh Thánh khó và các lời giải thích để có thể hiểu rõ chúng. Hãy dành đủ thời gian cho mỗi buổi học hỏi. Rất có thể bạn sẽ thấy có những câu hỏi thích thú cần nghiên cứu thêm. Hãy tra những từ lạ và xem cước chú cũng như phần đối chiếu trong Kinh Thánh, nếu có. Càng hiểu và áp dụng những gì bạn đọc, bạn sẽ càng vui thích Lời Đức Chúa Trời. Rồi bạn có thể nói như người viết Thi-thiên: “Chứng-cớ Chúa [Đức Giê-hô-va] là cơ-nghiệp tôi đến đời đời; vì ấy là sự mừng-rỡ của lòng tôi”.—Thi 119:111.

Tránh đọc tài liệu cách vội vã. Hãy dành thời gian hợp lý cho việc học hỏi cá nhân, và cân bằng nó với thời gian chuẩn bị cho các buổi nhóm. Chị Raquel nói: “Tôi thường cảm thấy lo lắng nên khó tập trung. Vì thế, tôi thấy các buổi học ngắn hữu hiệu hơn, và tôi nhận được nhiều lợi ích từ những buổi học như thế”. Anh Chris thừa nhận: “Khi tôi học vội, lương tâm tôi bứt rứt vì không nhớ gì nhiều. Thường thì tài liệu ấy không động đến lòng tôi”. Vì vậy, hãy học từ từ.

Tập ham thích Lời Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn” (1 Phi 2:2). Em bé không cần tập ham thích sữa, vì đó là bản năng. Nhưng Kinh Thánh thừa nhận rằng chúng ta phải tập ham thích lời của Đức Chúa Trời. Nếu mỗi ngày chỉ đọc một trang Kinh Thánh, chẳng bao lâu bạn sẽ có ham thích đó. Điều mà thoạt đầu có vẻ khó sẽ trở thành thích thú.

Suy ngẫm các đoạn Kinh Thánh. Việc suy ngẫm những gì bạn đọc cũng mang lại nhiều lợi ích. Suy ngẫm sẽ giúp bạn liên kết những chủ đề trong Kinh Thánh mà bạn đã nghiên cứu. Chẳng bao lâu bạn sẽ có một chuỗi ngọc quý báu là sự khôn ngoan dựa trên Kinh Thánh—một tài sản quý giá.—Thi 19:14; Châm 3:3.

Thật đáng công

Duy trì thói quen học hỏi tốt cần phải nỗ lực, nhưng ân phước thì vô giá. Sự hiểu biết về thiêng liêng của bạn nhờ đó được nâng cao (Hê 5:12-14). Sự thông sáng và khôn ngoan mà bạn có được nhờ Kinh Thánh mang lại phước hạnh, khoái lạc và bình an. Sự khôn ngoan tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời là “cây sự sống” cho ai nắm giữ và áp dụng nó.—Châm 3:13-18.

Học hỏi kỹ lưỡng Lời Đức Chúa Trời giúp bạn có tấm lòng thông sáng (Châm 15:14). Nhờ đó bạn có thể đưa ra những lời khuyên chân thành dựa trên Kinh Thánh. Nếu các quyết định của bạn căn cứ vào những gì bạn đọc trong Kinh Thánh và các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, Lời Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn cảm nghiệm được sự yên ổn và vui thích (Mat 24:45). Bạn sẽ tích cực, lạc quan hơn và hướng đến những điều thiêng liêng. Hơn nữa, mọi điều liên quan đến mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời sẽ tốt đẹp.—Thi 1:2, 3.

Tấm lòng tràn đầy tình yêu thương với Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc bạn chia sẻ niềm tin của mình. Đó cũng là điều mang lại sự thỏa nguyện rất lớn. Chị Sophia có mục tiêu ghi nhớ và dùng những câu Kinh Thánh khác nhau để thu hút sự chú ý của chủ nhà cũng như giúp thánh chức của chị hữu hiệu, thích thú. Chị cho biết: “Tôi rất phấn khởi khi thấy phản ứng của người ta với điều Kinh Thánh nói”.

Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của việc vui thích Lời Đức Chúa Trời là có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Học hỏi Kinh Thánh giúp bạn biết tiêu chuẩn và cảm kích tình yêu thương, tính rộng rãi cũng như sự công bình của Ngài. Không có mục tiêu nào quan trọng hơn và mang lại sự thỏa nguyện hơn. Hãy chăm chú học hỏi Lời Đức Chúa Trời. Làm thế thật đáng công.—Thi 19:7-11.

[Khung/​Hình nơi trang 5]

ĐỌC LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI: MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP

▪ Cầu nguyện và tập trung khi đọc Kinh Thánh.

▪ Quý trọng những gì bạn học được.

▪ Đặt mục tiêu có thể đạt được.

▪ Tìm những cách mới để lý luận dựa trên Kinh Thánh.

▪ Hình dung những lời tường thuật trong Kinh Thánh.

▪ Dành thời gian cho những câu Kinh Thánh khó và các lời giải thích để có thể hiểu rõ chúng.

▪ Tránh đọc tài liệu cách vội vã.

▪ Tập ham thích Lời Đức Chúa Trời.

▪ Suy ngẫm các đoạn Kinh Thánh.

[Hình nơi trang 4]

Khi đọc lời tường thuật của Kinh Thánh, hãy hình dung bạn đang ở trong tình huống đó