Hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vững lòng
Hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vững lòng
“Khi ta kêu-cầu Đức Giê-hô-va, ắt Ngài sẽ nghe lời ta”.—THI 4:3.
1, 2. (a) Đa-vít đã đối mặt với tình huống nguy hiểm nào? (b) Chúng ta sẽ phân tích những bài Thi-thiên nào?
Vua Đa-vít đã cai trị nước Y-sơ-ra-ên được một thời gian, nhưng nay phải đối mặt với một tình huống nguy hiểm. Con trai mưu mô của ông là Áp-sa-lôm tự xưng mình là vua, và Đa-vít phải chạy khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Ông cũng bị một mưu sĩ ông tin cậy phản bội. Giờ đây, cùng một số người trung thành, ông đi qua núi Ô-li-ve, vừa đi chân không vừa khóc. Sau đó, Si-mê-i, người thuộc một gia đình trong nhà vua Sau-lơ, vừa ném đá và hất bụi lên Đa-vít vừa rủa sả ông.—2 Sa 15:30, 31; 16:5-14.
2 Thử thách ấy có khiến Đa-vít chết cách đau buồn và nhục nhã không? Không, vì ông tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Điều này được thấy rõ trong bài Thi-thiên 3 do Đa-vít sáng tác, nói về cuộc chạy trốn này. Đa-vít cũng viết bài Thi-thiên 4. Cả hai bài đều bày tỏ lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời lắng nghe và đáp lời cầu nguyện (Thi 3:4; 4:3). Những bài Thi-thiên này đảm bảo với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va ở với các tôi tớ trung thành ngày lẫn đêm, ban phước cho họ qua việc nâng đỡ cũng như che chở họ được bình an và yên ổn (Thi 3:5; 4:8). Vậy, hãy phân tích những bài Thi-thiên này và xem làm thế nào chúng giúp chúng ta vững lòng và tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
Khi ‘lắm kẻ dấy lên cùng chúng ta’
3. Như được nói nơi Thi-thiên 3:1, 2, Đa-vít rơi vào tình huống nào?
3 Một người báo tin nói: “Lòng của dân Y-sơ-ra-ên nghiêng về Áp-sa-lôm” (2 Sa 15:13). Không biết sao nhiều người hùa theo Áp-sa-lôm đến thế, Đa-vít thốt lên: “Đức Giê-hô-va ôi! Kẻ cừu-địch tôi đã thêm nhiều dường bao! Lắm kẻ dấy lên cùng tôi thay! Biết bao kẻ nói về linh-hồn tôi rằng: Nơi Đức Chúa Trời chẳng có sự cứu-rỗi cho nó” (Thi 3:1, 2). Nhiều người Y-sơ-ra-ên nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không giải cứu Đa-vít khỏi tay Áp-sa-lôm và đồng bọn.
4, 5. (a) Đa-vít tin chắc điều gì? (b) Cụm từ “Đấng làm cho tôi ngước đầu lên” có nghĩa gì?
4 Dù vậy, Đa-vít vững lòng vì ông hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Ông hát: “Nhưng, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên chở-che tôi; Ngài là sự vinh-hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên” (Thi 3:3). Đa-vít tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ che chở ông như cái khiên che chở người lính. Thật vậy, vị vua cao tuổi đang chạy trốn, trùm đầu và cúi xuống trong nhục nhã. Nhưng Đấng Chí Cao sẽ thay đổi tình huống, làm cho Đa-vít được vinh hiển. Đức Giê-hô-va sẽ giúp ông đứng thẳng lên, ngước cao đầu như trước. Đa-vít thốt lên với lòng tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời ông. Bạn có thể hiện lòng tin cậy như thế nơi Đức Giê-hô-va không?
5 Qua cụm từ “Đấng làm cho tôi ngước đầu lên”, Đa-vít quy sự hỗ trợ mà ông sẽ nhận được là đến từ Đức Giê-hô-va. Một bản Kinh Thánh (Today’s English Version) dịch câu này như sau: “Ôi CHÚA! Ngài luôn là cái khiên che chở tôi khỏi nguy hiểm; Chúa ban sự chiến thắng và khôi phục lòng can đảm trong tôi”. Ngoài ra, nói về cụm từ “Đấng làm cho tôi ngước đầu lên”, một tài liệu tham khảo cho biết: “Khi Đức
Chúa Trời làm cho một người ngước “đầu” lên... Ngài giúp người đó tràn đầy hy vọng và vững lòng”. Hoàn cảnh buộc Đa-vít phải rời bỏ ngôi vua, nên ông có lý do để ngã lòng. Tuy nhiên, việc “ngước đầu lên” sẽ giúp Đa-vít khôi phục sự can đảm, được vững lòng và tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời.‘Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời’
6. Tại sao Đa-vít cầu xin Đức Giê-hô-va đáp lời từ núi thánh của Ngài?
6 Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và vững lòng, Đa-vít nói tiếp: “Tôi lấy tiếng tôi mà kêu-cầu Đức Giê-hô-va, từ núi thánh Ngài đáp lời tôi” (Thi 3:4). Theo lệnh của Đa-vít, hòm giao ước—tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời—đã được mang đến núi Si-ôn. (Đọc 2 Sa-mu-ên 15:23-25). Thế nên, Đa-vít cầu xin Đức Giê-hô-va đáp lời từ núi thánh của Ngài là thích hợp.
7. Tại sao Đa-vít không sợ hãi?
7 Tin chắc rằng việc cầu nguyện với Đức Chúa Trời sẽ không vô ích, nên Đa-vít không sợ hãi. Ngược lại, ông hát: “Tôi nằm xuống mà ngủ; tôi tỉnh-thức, vì Đức Giê-hô-va nâng-đỡ tôi” (Thi 3:5). Ngay cả ban đêm, là lúc dễ bị tấn công đột ngột nhất, Đa-vít vẫn yên tâm ngủ. Đa-vít biết chắc ông sẽ thức dậy, vì những trải nghiệm trước đây giúp ông hoàn toàn tin rằng ông có thể tin cậy nơi sự hỗ trợ chắc chắn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể làm thế nếu theo sát “các đường-lối của Đức Giê-hô-va” và không bao giờ lìa bỏ Ngài.—Đọc 2 Sa-mu-ên 22:21, 22.
8. Thi-thiên 27:1-4 cho thấy Đa-vít đã tin cậy nơi Đức Chúa Trời như thế nào?
8 Đa-vít cho thấy sự vững lòng và tin cậy tuyệt đối nơi Đức Chúa Trời trong một bài Thi-thiên khác. Ông viết những lời được soi dẫn sau: “Đức Giê-hô-va là ánh-sáng và là sự cứu-rỗi tôi: Tôi sẽ sợ ai? Đức Giê-hô-va là đồn-lũy của mạng-sống tôi: Tôi sẽ hãi-hùng ai?... Dầu một đạo-binh đóng đối cùng tôi, lòng tôi sẽ chẳng sợ... Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm-kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu-hỏi trong đền của Ngài” (Thi 27:1-4). Khi có cùng một tâm tình ấy và hoàn cảnh cho phép, bạn sẽ đều đặn nhóm lại với những người cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Hê 10:23-25.
9, 10. Dù Đa-vít nói những lời nơi Thi-thiên 3:6, 7, tại sao bạn có thể nói rằng ông không có tinh thần trả thù?
9 Dù đương đầu với sự phản bội của Áp-sa-lôm và sự bất trung của rất nhiều người khác, Đa-vít hát: “Tôi sẽ không nao muôn người vây tôi khắp bốn bên. Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy chỗi-dậy; hỡi Đức Chúa Trời tôi, hãy cứu tôi! Vì Chúa đã vả má các kẻ thù-nghịch tôi, và bẻ gãy răng kẻ ác”.—Thi 3:6, 7.
10 Đa-vít không có tinh thần trả thù. Nếu kẻ thù của ông phải bị “vả má” thì Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó. Vua Đa-vít đã sao chép một bản Luật pháp riêng, và biết trong đó Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Sự báo-thù sẽ thuộc về ta, phần đối-trả sẽ qui về ta” (Phục 17:14, 15, 18; 32:35). Việc “bẻ gãy răng kẻ ác” cũng tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời. Bẻ răng kẻ ác có nghĩa là làm chúng không còn khả năng hại người. Đức Giê-hô-va biết ai là kẻ ác vì Ngài “nhìn-thấy trong lòng” (1 Sa 16:7). Chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va cho chúng ta đức tin và nghị lực để đứng vững chống lại Sa-tan, kẻ độc ác chính yếu—là kẻ không lâu nữa sẽ bị quăng xuống vực sâu, như một con sư tử gầm rống nhưng không có răng, để dành cho sự hủy diệt!—1 Phi 5:8, 9; Khải 20:1, 2, 7-10.
“Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va”
11. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện cho anh em cùng đức tin?
11 Đa-vít nhận ra chỉ Đức Giê-hô-va có thể cung cấp sự giải cứu mà ông rất cần. Nhưng người viết Thi-thiên này không những nghĩ đến bản thân, mà còn cả tập thể dân được Đức Giê-hô-va chọn. Thế nên, Đa-vít kết luận bài Thi-thiên được soi dẫn này như sau: “Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va. Nguyện phước Ngài giáng trên dân-sự Ngài!” (Thi 3:8). Đa-vít đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhưng ông vẫn nhớ đến cả dân sự và tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho họ. Chẳng phải chúng ta cũng nên nhớ đến anh em cùng đức tin sao? Hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va ban thánh linh để họ có thể thu hết can đảm và dạn dĩ trong việc công bố tin mừng.—Ê-phê 6:17-20.
12, 13. Chuyện gì đã xảy ra cho Áp-sa-lôm? Và Đa-vít phản ứng thế nào?
12 Cuộc đời Áp-sa-lôm kết thúc trong nhục nhã—một lời cảnh báo cho tất cả những ai ngược đãi người khác, đặc biệt là người được Đức Chúa Trời xức dầu, như Đa-vít. (Đọc Châm-ngôn 3:31-35). Quân Áp-sa-lôm bại trận trong một cuộc chiến. Khi cưỡi con la chạy trốn, mái tóc dày và đẹp của Áp-sa-lôm vướng vào chạc thấp của một cây lớn. Ông bị treo trên cây, còn sống nhưng bất lực, cho đến khi Giô-áp giết ông bằng cách đâm ba cây giáo vào trái tim ông.—2 Sa 18:6-17.
13 Đa-vít có vui mừng khi biết chuyện xảy ra cho con mình không? Không. Trái lại, ông căng thẳng đi qua đi lại, khóc than: “Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! Con trai ta!” (2 Sa 18:24-33). Chỉ có lời Giô-áp mới giúp Đa-vít tỉnh táo trước nỗi đau lớn lao này. Thật là một kết cục thảm thương cho Áp-sa-lôm, người đã vì tham vọng mù quáng mà chống lại chính cha mình—người được Đức Giê-hô-va xức dầu—và tự rước họa vào thân!—2 Sa 19:1-8; Châm 12:21; 24:21, 22.
Một lần nữa Đa-vít biểu lộ sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời
14. Chúng ta có thể nói gì về việc sáng tác bài Thi-thiên 4?
14 Như bài Thi-thiên 3, bài Thi-thiên 4 là lời cầu nguyện tha thiết của Đa-vít cho thấy ông hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va (Thi 3:4; 4:3). Có lẽ Đa-vít sáng tác bài hát này để biểu lộ sự khuây khỏa và lòng biết ơn Đức Chúa Trời sau khi hành động mưu phản của Áp-sa-lôm thất bại. Hoặc ông đã sáng tác bài này cho những người ca hát thuộc dòng Lê-vi. Dù trường hợp nào đi nữa, suy ngẫm bài Thi-thiên này có thể củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va.
15. Tại sao chúng ta có thể vững tin cầu nguyện với Đức Giê-hô-va qua trung gian Con Ngài?
Thi 4:1). Chúng ta có thể có lòng tin cậy như thế nếu sống theo đường lối công bình. Ý thức rằng Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời của sự công-bình”, ban phước cho người ngay thẳng, chúng ta có thể vững tin cầu nguyện qua trung gian Con Ngài và với đức tin nơi giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su (Giăng 3:16, 36). Điều này mang lại bình an biết bao!
15 Một lần nữa Đa-vít biểu lộ lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời, tin chắc Ngài nghe và đáp lời cầu nguyện của ông. Đa-vít hát: “Hỡi Đức Chúa Trời của sự công-bình tôi, khi tôi kêu-cầu, xin hãy đáp lời tôi. Khi tôi bị gian-truân Ngài để tôi trong nơi rộng-rãi; xin hãy thương-xót tôi, và nghe lời cầu-nguyện tôi” (16. Đa-vít có thể đã ngã lòng vì lý do gì?
16 Đôi khi chúng ta có thể gặp một hoàn cảnh làm chúng ta mất sự vững lòng. Có lẽ Đa-vít đã nhất thời trải qua hoàn cảnh như thế, vì ông hát: “Hỡi các con loài người, sự vinh-hiển ta sẽ bị sỉ-nhục cho đến chừng nào? Các ngươi sẽ ưa-mến điều hư-không, và tìm sự dối-trá cho đến bao giờ?” (Thi 4:2). Cụm từ “các con loài người” dường như muốn nói đến nhân loại theo nghĩa tiêu cực. Kẻ thù của Đa-vít “ưa-mến điều hư-không”. Một bản Kinh Thánh khác (New International Version) dịch câu này như sau: “Các ngươi sẽ yêu mến điều hư không và tìm kiếm thần giả cho đến bao giờ?”. Dù ngã lòng vì những điều người khác làm, chúng ta hãy tiếp tục tha thiết cầu nguyện và thể hiện sự tin cậy hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời có một và thật.
17. Hãy giải thích làm thế nào chúng ta có thể hành động phù hợp với Thi-thiên 4:3.
17 Lòng tin cậy của Đa-vít nơi Đức Chúa Trời được thể hiện rõ qua những lời này: “Phải biết rằng Đức Giê-hô-va đã để riêng cho mình người nhân đức. Khi ta kêu-cầu Đức Giê-hô-va, ắt Ngài sẽ nghe lời ta” (Thi 4:3). Để giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta cần can đảm và hoàn toàn tin cậy nơi Ngài. Chẳng hạn, một gia đình tín đồ Đấng Christ cần có những đức tính này khi có người thân bị khai trừ vì phạm tội mà không ăn năn. Đức Chúa Trời ban phước cho những người trung thành với Ngài và đường lối Ngài. Hơn nữa, sự trung thành và tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va mang lại nhiều niềm vui trong vòng dân sự Ngài.—Thi 84:11, 12.
18. Phù hợp với Thi-thiên 4:4, nếu bị người khác nói hoặc đối xử thiếu tử tế thì chúng ta nên làm gì?
18 Nếu một người nói hoặc làm điều khiến chúng ta phiền lòng thì sao? Chúng ta vẫn giữ được niềm vui khi làm theo lời Đa-vít: “Các ngươi khá e-sợ, chớ phạm tội; trên giường mình hãy suy-gẫm trong lòng, và làm thinh” (Thi 4:4). Nếu người khác nói hoặc đối xử thiếu tử tế với chúng ta, hãy nhớ đừng phạm tội qua việc trả đũa (Rô 12:17-19). Chúng ta có thể bày tỏ cảm nghĩ của mình về vấn đề đó trong lời cầu nguyện trước khi ngủ. Khi cầu nguyện, chúng ta có thể có cái nhìn mới và được thôi thúc để tha thứ vì tình yêu thương (1 Phi 4:8). Chúng ta nên lưu ý đến lời khuyên của sứ đồ Phao-lô về điều này, có lẽ ông dựa trên Thi-thiên 4:4: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma-quỉ nhân dịp”.— Ê-phê 4:26, 27.
19. Về của lễ thiêng liêng, Thi-thiên 4:5 giúp chúng ta như thế nào?
19 Nhấn mạnh việc tin cậy nơi Đức Chúa Trời là điều cần thiết, Đa-vít hát: “Hãy dâng sự công-bình làm của-lễ, và để lòng tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va” (Thi 4:5). Của lễ mà người Y-sơ-ra-ên dâng cho Đức Chúa Trời chỉ có giá trị nếu họ có động cơ đúng (Ê-sai 1:11-17). Để của lễ thiêng liêng của chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta cũng phải có động cơ đúng và tin cậy hoàn toàn nơi Ngài.—Đọc Châm-ngôn 3:5, 6; Hê-bơ-rơ 13:15, 16.
20. ‘Sự sáng của mặt Đức Giê-hô-va’ ám chỉ điều gì?
20 Đa-vít nói tiếp: “Nhiều người nói: Ai sẽ cho chúng ta thấy phước? Hỡi Đức Giê-hô-va, xin soi trên chúng tôi sự sáng mặt Ngài” (Thi 4:6). ‘Sự sáng của mặt Đức Giê-hô-va’ ám chỉ ân huệ của Ngài (Thi 89:15). Khi cầu nguyện: “Xin soi trên chúng tôi sự sáng mặt Ngài”, Đa-vít muốn nói ‘xin ban ân huệ cho chúng tôi’. Nhờ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận được ân huệ của Ngài và vui mừng khi vững lòng làm theo ý muốn Ngài.
21. Nếu tham gia trọn vẹn vào công việc gặt hái thiêng liêng ngày nay, chúng ta được bảo đảm gì?
21 Mùa gặt mang lại niềm vui, nhưng niềm vui mà Đa-vít mong đợi nơi Đức Chúa Trời còn trội hơn nữa. Ông hát cho Đức Giê-hô-va: “Chúa khiến lòng tôi vui-mừng nhiều hơn chúng nó, dầu khi chúng nó có lúa-mì và rượu-nho dư-dật” (Thi 4:7). Nếu tham gia trọn vẹn vào công việc gặt hái thiêng liêng ngày nay, chắc chắn lòng chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui (Lu 10:2). Với sự dẫn đầu của ‘dân thêm nhiều’, tức những người được xức dầu, ngày nay chúng ta vui mừng khi số “con gặt” ngày càng gia tăng (Ê-sai 9:2). Bạn có thật sự cảm thấy thỏa nguyện về phần mình làm trong mùa gặt vui vẻ này không?
Tiếp tục vững lòng nhờ hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời
22. Theo Thi-thiên 4:8, khi giữ Luật pháp Đức Chúa Trời, tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?
22 Đa-vít kết luận bài Thi-thiên này bằng những lời sau: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình-an; vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên-ổn” (Thi 4:8). Khi dân Y-sơ-ra-ên giữ Luật pháp của Đức Giê-hô-va, họ được hòa thuận với Ngài và cảm thấy yên ổn. Chẳng hạn, “dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự” vào triều đại của Sa-lô-môn (1 Vua 4:25). Thậm chí khi bị các dân tộc xung quanh thù ghét, những người tin cậy nơi Đức Chúa Trời vẫn được bình an. Như Đa-vít, chúng ta “ngủ bình-an” vì Đức Chúa Trời làm cho chúng ta cảm thấy yên ổn.
23. Nếu hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều gì?
23 Chúng ta hãy tiếp tục vững lòng phụng sự Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta cũng cầu nguyện với đức tin, và nhờ thế cảm nghiệm “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết” (Phi-líp 4:6, 7). Điều này mang lại vui mừng biết bao! Và nếu tiếp tục tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta có thể vững lòng đối mặt với tương lai.
Bạn trả lời thế nào?
• Vì Áp-sa-lôm, Đa-vít phải đối mặt với những vấn đề nào?
• Bài Thi-thiên 3 giúp chúng ta vững lòng như thế nào?
• Bằng cách nào bài Thi-thiên 4 củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?
• Chúng ta có thể nhận lợi ích thế nào qua việc hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 29]
Ngay cả khi phải chạy trốn khỏi Áp-sa-lôm, Đa-vít vững tin nơi Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 32]
Bạn có hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va không?