‘Đường lối bạn được thành công’—Như thế nào?
‘Đường lối bạn được thành công’—Như thế nào?
“Thành công”—điều mà ai cũng ao ước! Một số người đã leo lên bậc thang thăng tiến và thành công trong việc làm giàu cũng như nổi tiếng. Những người khác mơ về sự thành công nhưng lại hoàn toàn thất bại.
Sự thành công phần lớn tùy thuộc vào điều mà bạn đặt trọng tâm trong đời sống. Cũng có hai yếu tố quan trọng khác: một là bạn dùng thời gian và năng lực như thế nào, và hai là bạn có năng động hay không.
Nhiều tín đồ Đấng Christ nhận thấy tham gia trọn vẹn vào thánh chức mang lại sự thỏa lòng. Xem thánh chức trọn thời gian là sự nghiệp đã giúp người trẻ cũng như người lớn tuổi thành công. Tuy nhiên, một số người có lẽ cảm thấy thánh chức có phần nào buồn chán, và xem đó là điều thứ yếu trong đời sống trong khi theo đuổi những mục tiêu khác. Tại sao điều này có thể xảy ra? Bạn nên làm gì để không mất tập trung vào điều thật sự quan trọng? Và làm thế nào bạn có thể làm ‘đường lối mình được thành công’?—Giô-suê 1:8, Bản Dịch Mới.
Hoạt động ngoại khóa và sở thích riêng
Tín đồ Đấng Christ trẻ cần duy trì thái độ thăng bằng giữa việc phụng sự Đức Chúa Trời và tham gia vào những hoạt động khác. Những em làm thế đang hướng đến sự thành công trong đời sống và đáng được khen.
Tuy nhiên, một số tín đồ trẻ chú trọng hoạt động ngoại khóa và sở thích riêng. Những hoạt động ấy có lẽ không có gì là sai. Nhưng các em nên tự hỏi: “Chúng đòi hỏi tôi phải mất bao nhiêu thời gian? Khi tham gia các hoạt động ấy, những người tôi giao tiếp là ai? Tôi có nguy cơ bị nhiễm thái độ nào? Và điều gì sẽ trở thành mục tiêu của đời sống tôi?”. Chắc hẳn bạn nhận ra rằng một người có thể chú trọng các hoạt động đó đến nỗi không còn nhiều thời gian và năng lực để duy trì mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Vậy, bạn có thể thấy tại sao việc đặt ra những điều ưu tiên là quan trọng.—Ê-phê 5:15-17.
Hãy xem xét trường hợp của anh Wiktor *. Anh kể lại: “Khi 12 tuổi, tôi gia nhập một câu lạc bộ bóng chuyền. Theo thời gian, tôi đạt được nhiều giải thưởng. Tôi đã có cơ hội trở thành ngôi sao”. Nhưng dần dần anh Wiktor bắt đầu cảm thấy lo lắng vì việc theo đuổi môn thể thao này đã ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của anh. Một ngày kia, anh ngủ gục khi cố đọc Kinh Thánh. Anh cũng nhận thấy anh không có nhiều niềm vui trong thánh chức nữa. Anh nói: “Môn thể thao đó đã lấy hết năng lực của tôi, và tôi sớm nhận ra rằng nó cũng lấy mất lòng sốt sắng của tôi về thiêng liêng. Tôi biết mình đã không làm hết sức trong sự thờ phượng”.
Học lên cao?
Theo Kinh Thánh, một tín đồ Đấng Christ có bổn phận chăm sóc gia đình, bao hàm việc cung cấp về vật chất (1 Ti 5:8). Tuy nhiên, điều này có thật sự đòi hỏi phải học lên cao * không?
Chúng ta nên xem xét việc học lên cao có thể ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va. Hãy xem điều này qua một gương trong Kinh Thánh.
Ông Ba-rúc là thư ký của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Có một lúc, thay vì tập trung vào đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va, Ba-rúc có tham vọng. Đức Giê-hô-va đã nhận thấy điều này, và qua tiên tri Giê-rê-mi, Ngài cảnh báo ông: “Ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm-kiếm”.—“Việc lớn” mà Ba-rúc tìm kiếm là gì? Có lẽ là sự giàu có hoặc danh tiếng trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Dù trường hợp nào đi nữa, ông không còn đặt ưu tiên cho những điều quan trọng hơn, những điều có giá trị về thiêng liêng (Phi-líp 1:10). Tuy nhiên, Ba-rúc hẳn đã lắng nghe lời cảnh báo của Đức Giê-hô-va qua Giê-rê-mi và nhờ đó, giữ được mạng sống.—Giê 43:6.
Chúng ta rút ra bài học nào từ lời tường thuật này? Lời khuyên mà Ba-rúc nhận được cho thấy ông có một điều gì đó sai. Ông tìm việc lớn cho mình. Nếu có đủ khả năng tự nuôi thân, bạn có thật sự cần dành thời gian, tiền bạc và năng lực để học lên cao chỉ vì muốn thực hiện khát vọng của mình hoặc của cha mẹ hay bà con không?
Hãy xem trường hợp của anh Grzegorz, một lập trình viên vi tính. Các đồng nghiệp thuyết phục anh theo một khóa học nâng cao chuyên ngành đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Không lâu sau, anh không còn thì giờ cho những hoạt động thiêng liêng. Anh nhớ lại: “Lúc nào tôi cũng thấy bất an. Lương tâm tôi ray rứt vì không đạt được những mục tiêu thiêng liêng đã đề ra”.
Mê mải trong công việc
Lời Đức Chúa Trời khuyến khích tín đồ Đấng Christ làm việc chăm chỉ, là người chủ và người làm công có tinh thần trách nhiệm. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô 3:22, 23). Tuy nhiên, dù làm việc chăm chỉ là đáng khen nhưng có một điều cần thiết hơn: mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa (Truyền 12:13). Nếu một tín đồ mê mải với công việc ngoài đời, những điều thiêng liêng có thể dễ bị đặt vào hàng thứ yếu.
Mê mải công việc ngoài đời có thể cướp đi năng lực mà một tín đồ Đấng Christ cần để giữ thăng bằng về thiêng liêng cho bản thân và giúp gia đình về mặt thiêng liêng. Vua Sa-lô-môn nhận xét rằng ‘đầy cả hai bàn tay mà bị lao-khổ’ thường đi đôi với việc “theo luồng gió thổi”. Nếu quá vùi đầu vào công việc, một tín đồ có thể bị căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài. Thậm chí người đó trở thành nô lệ của nghề nghiệp đến nỗi kiệt sức. Nếu thế, làm sao anh có thể “vui-vẻ... và hưởng lấy phước của công-lao mình”? (Truyền 3:12, 13; 4:6). Quan trọng hơn, liệu anh có đủ sức về thể chất và tình cảm để chu toàn bổn phận trong gia đình và tham gia các hoạt động thiêng liêng không?
Anh Janusz, sống ở Đông Âu, đã say mê với việc kinh doanh làm vườn của mình. Anh nhớ lại: “Người thế gian thán phục vì tôi năng động và có thể hoàn thành mọi công việc được giao. Nhưng tình trạng thiêng liêng của tôi thì sa sút, và tôi không tham gia thánh chức nữa. Không lâu sau, tôi ngưng đi nhóm họp. Tôi trở nên quá kiêu ngạo, lờ đi lời khuyên của các trưởng lão và trôi dạt khỏi hội thánh”.
Bạn có thể làm đời mình thành công
Chúng ta đã xem xét ba lĩnh vực mà một tín đồ Đấng Christ có thể mải mê theo đuổi, hậu quả là sa sút về thiêng liêng. Bạn có rơi
vào các lĩnh vực ấy không? Nếu có, những câu hỏi, câu Kinh Thánh và lời bình luận sau đây có thể giúp xác định bạn có thật sự ở trên con đường thành công không.Hoạt động ngoại khóa và sở thích riêng: Bạn tham gia những hoạt động ấy đến độ nào? Chúng có chiếm thời gian trước đây bạn dành cho các hoạt động thiêng liêng không? Bạn có thấy mình không còn thích kết hợp với anh em cùng đức tin nhiều như trước không? Nếu có, hãy noi gương vua Đa-vít, người nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin chỉ cho tôi biết con đường phải đi”.—Thi 143:8.
Một giám thị lưu động đã giúp anh Wiktor, người được nói đến ở trên. Anh giám thị nhận xét: “Anh thật hăng hái khi nói về sự nghiệp bóng chuyền của mình”. Anh Wiktor nói: “Điều đó khiến tôi sực tỉnh. Tôi ý thức rằng mình đã đi quá xa. Không lâu sau, tôi cắt đứt quan hệ với bạn bè thế gian trong câu lạc bộ và tìm bạn trong hội thánh”. Hiện nay, anh Wiktor sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va trong hội thánh của mình. Anh khuyên: “Hãy hỏi bạn bè, cha mẹ hoặc các trưởng lão trong hội thánh xem liệu họ thấy các hoạt động ở trường giúp bạn đến gần hay rời xa Đức Giê-hô-va”.
Sao không cho trưởng lão của hội thánh biết bạn muốn nhận thêm đặc ân trong việc phụng sự Đức Chúa Trời? Bạn có thể giúp đỡ những người lớn tuổi cần có bạn bè và sự hỗ trợ, có lẽ giúp họ đi mua sắm hoặc làm việc nhà không? Dù ở độ tuổi nào, bạn cũng có thể tham gia thánh chức trọn thời gian, chia sẻ với người khác về điều mang lại niềm vui cho mình.
Học lên cao: Chúa Giê-su cảnh báo việc “tìm vinh-hiển riêng mình” (Giăng 7:18). Dù quyết định học đến trình độ nào, bạn đã “phân biệt điều tốt nhất” chưa?—Phi-líp 1:9, 10, An Sơn Vị.
Anh Grzegorz, lập trình viên vi tính được đề cập ở trên, đã thực hiện một số thay đổi trong đời sống. Anh nói: “Sau khi suy nghĩ kỹ về lời khuyên của trưởng lão, tôi đơn giản hóa đời sống. Tôi nhận ra rằng tôi không cần phải nâng cao trình độ chuyên ngành nữa. Điều đó chỉ lấy mất thời gian và năng lực của tôi”. Anh Grzegorz tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của hội thánh. Sau đó, anh tốt nghiệp một trường nay gọi là Trường Kinh Thánh cho các anh độc thân. Thật vậy, anh đã “lợi-dụng thì-giờ” để nâng cao trình độ thiêng liêng.—Ê-phê 5:16.
Nghề nghiệp: Bạn có quá bận rộn trong công việc đến nỗi đặt những điều thiêng liêng sang một bên không? Bạn có dành đủ thời gian để trò chuyện với gia đình không? Và trong hội thánh, bạn có cải thiện chất lượng bài giảng được giao không? Còn về việc nói chuyện xây dựng với người khác thì sao? Hãy “kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”, và bạn sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cũng như “hưởng phước của lao-khổ mình”.—Truyền 2:24; 12:13.
Anh Janusz, được đề cập ở trên, cuối cùng không phát đạt trong công việc kinh doanh, ngược lại, anh làm ăn thất bại. Không có thu nhập và nợ nần chồng chất, anh trở lại với Đức Giê-hô-va. Janusz dần giải quyết các vấn đề của mình, giờ đây anh là tiên phong đều đều và là trưởng lão. Anh nói: “Khi tôi thỏa nguyện với những điều cơ bản, đồng thời dùng năng lực cho hoạt động thiêng liêng, tôi có bình an trong lòng và trí”.—Phi-líp 4:6, 7.
Hãy dành thời gian để thành thật xem xét động lực và những điều ưu tiên của mình. Phụng sự Đức Giê-hô-va là lối sống đem lại thành công lâu dài. Hãy xem đó là trọng tâm đời sống.
Có lẽ bạn cần thực hiện một số thay đổi, thậm chí giảm thiểu những việc không cần thiết nhằm cảm nghiệm “ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô 12:2). Nhưng bạn có thể làm ‘đường lối mình được thành công’ qua việc phụng sự Ngài hết linh hồn.
[Chú thích]
^ đ. 8 Một số tên đã đổi.
^ đ. 10 Xin xem định nghĩa của việc “học lên cao” nơi Tháp Canh ngày 1-10-2005, trang 27, đoạn 6.
[Khung/Hình nơi trang 31]
Làm thế nào để đường lối bạn được thành công?
Có quá nhiều điều có thể khiến bạn phân tâm, vậy làm thế nào để tập trung vào những điều thật sự quan trọng? Hãy dành thời gian để xem xét động lực và những điều ưu tiên qua những câu hỏi sau đây:
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA VÀ SỞ THÍCH RIÊNG
▪ Khi tham gia các hoạt động này, bạn có nguy cơ bị nhiễm thái độ nào?
▪ Chúng đòi hỏi bạn phải mất bao nhiêu thời gian?
▪ Chúng có thể trở thành trọng tâm của đời sống bạn không?
▪ Chúng có lấy mất thời gian mà trước đây bạn dành cho các hoạt động thiêng liêng không?
▪ Những người bạn giao tiếp là ai?
▪ Bạn có thấy mình thích kết hợp với họ hơn là với anh em cùng đức tin không?
HỌC LÊN CAO
▪ Nếu có đủ khả năng tự nuôi thân, bạn có thật sự cần dành thời gian, tiền bạc và năng lực để học thêm không?
▪ Để tự nuôi thân, bạn có thật sự cần học lên cao không?
▪ Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc bạn tham dự nhóm họp?
▪ Bạn đã “phân biệt điều tốt nhất” chưa?
▪ Bạn có cần củng cố lòng tin nơi khả năng cung cấp của Đức Giê-hô-va không?
NGHỀ NGHIỆP
▪ Sự lựa chọn của bạn có cho phép bạn ‘vui-vẻ và hưởng lấy phước của công-lao mình’ không?
▪ Bạn có còn đủ sức về thể chất và tình cảm để chu toàn bổn phận trong gia đình và tham gia các hoạt động thiêng liêng không?
▪ Bạn có dành đủ thời gian để trò chuyện với gia đình không?
▪ Bạn có quá bận rộn trong công việc đến nỗi đặt những điều thiêng liêng sang một bên không?
▪ Công việc của bạn có ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng được giao không?
[Hình nơi trang 30]
Đức Giê-hô-va cảnh báo Ba-rúc về tham vọng