‘Hãy đem sách-vở, nhứt là những sách bằng giấy da’
‘Hãy đem sách-vở, nhứt là những sách bằng giấy da’
Phao-lô nói những lời trên khi hối thúc giáo sĩ cùng làm việc là Ti-mô-thê mang đến cho ông một số sách vở. “Sách-vở”, hay cuộn sách, và sách bằng giấy da mà Phao-lô đề cập là gì? Tại sao ông nói điều này? Và chúng ta có thể học được gì từ yêu cầu của ông?
Vào giữa thế kỷ thứ nhất CN, khi Phao-lô viết những lời này, 39 sách phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được chia thành 22 hoặc 24 sách, có thể phần lớn là các cuộn sách riêng lẻ. Giáo sư Alan Millard cho biết những cuộn sách này, dù đắt tiền, nhưng “những người khá giả có thể mua được”. Một số người có thể có ít nhất một trong các cuộn sách ấy. Chẳng hạn, viên quan người Ê-thi-ô-bi có cuộn sách tiên tri Ê-sai trên xe và đang đọc sách đó. Ông “làm quan hầu của Can-đác, nữ-vương nước Ê-thi-ô-bi, coi-sóc hết cả kho-tàng bà”. Hẳn ông có đủ khả năng để sở hữu nhiều phần của Kinh Thánh.—Công 8:27, 28.
Trong lời yêu cầu với Ti-mô-thê, Phao-lô viết: “Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách-vở nữa, nhứt là những sách bằng giấy da” (2 Ti 4:13). Vậy, dường như Phao-lô có nhiều sách. Trong thư viện của ông, còn sách nào quý hơn Kinh Thánh? Nói về từ “sách bằng giấy da” trong câu này, học giả Kinh Thánh là ông A. T. Robertson nhận xét: “Vì sách bằng giấy da đắt tiền [và bền] hơn sách bằng giấy cói, nên rất có thể những cuộn sách này là bản sao của các sách thuộc phần Cựu Ước”. Khi còn trẻ, Phao-lô “học nơi chân Ga-ma-li-ên”, người dạy Luật pháp Môi-se và được mọi người kính trọng. Vì thế, không lạ gì nếu Phao-lô sở hữu những bản sao của các cuộn sách Kinh Thánh.—Công 5:34; 22:3.
Tín đồ Đấng Christ và các cuộn sách
Tuy nhiên, phần lớn người ta không có các cuộn sách Kinh Thánh. Vậy, làm thế nào tín đồ Đấng Christ vào thời ấy có thể tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời? Trong lá thư trước viết cho Ti-mô-thê, Phao-lô đã nêu một chi tiết: “Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp” (1 Ti 4:13, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Đọc Kinh Thánh lớn tiếng là một phần của chương trình nhóm họp hội thánh, là truyền thống của dân Đức Chúa Trời kể từ thời Môi-se.—Công 13:15; 15:21; 2 Cô 3:15.
Là trưởng lão, Ti-mô-thê phải “chuyên cần” đọc lớn tiếng, nhờ đó những người không có Kinh Thánh nhận được lợi ích. Chắc chắn trong các buổi đọc lớn tiếng Lời
Đức Chúa Trời, mọi người chăm chú lắng nghe để không bỏ lỡ từ nào, và cha mẹ cũng như con cái hẳn đã thảo luận những lời ấy tại nhà.Cuộn sách Ê-sai nổi tiếng, được tìm thấy ở vùng Biển Chết, dài gần 7,3m. Với hai thanh gỗ ở hai đầu và thường được giữ trong cái bao, một cuộn sách khá nặng. Có lẽ phần lớn tín đồ Đấng Christ không thể mang nhiều cuộn sách khi đi rao giảng. Dù có lẽ Phao-lô sở hữu một số cuộn sách Kinh Thánh để nghiên cứu riêng, nhưng hẳn ông không thể mang theo hết trong các chuyến hành trình. Dường như ông đã để lại một số cuộn sách ở nhà bạn ông là Ca-bút tại Trô-ách.
Chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô?
Phao-lô đang bị tù ở Rô-ma lần thứ nhì. Ngay trước khi yêu cầu Ti-mô-thê mang sách đến, ông viết: “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy... Hiện nay mão triều-thiên của sự công-bình đã để dành cho ta” (2 Ti 4:7, 8). Rất có thể ông đã viết những lời này vào khoảng năm 65 CN, giai đoạn hoàng đế Nero bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Lần bị tù này khá nặng nề, thật ra Phao-lô cảm thấy mình sắp bị hành quyết (2 Ti 1:16; 4:6). Vì thế, Phao-lô bày tỏ mong muốn có những cuộn sách ấy bên mình. Dù tin rằng ông đã đánh trận tốt lành cho đến cuối cùng, Phao-lô ao ước tiếp tục làm vững mạnh mình qua việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời.
Ti-mô-thê có thể vẫn còn ở Ê-phê-sô khi nhận được yêu cầu của Phao-lô (1 Ti 1:3). Con đường từ Ê-phê-sô đến Rô-ma đi qua Trô-ách dài khoảng 1.600 cây số. Trong cùng lá thư, Phao-lô thúc giục Ti-mô-thê: “Con hãy cố sức đến trước mùa đông” (2 Ti 4:21). Kinh Thánh không cho biết Ti-mô-thê có tìm được tàu để đến Rô-ma vào thời điểm Phao-lô muốn hay không.
Chúng ta học được gì từ yêu cầu của Phao-lô về việc mang đến ‘sách-vở, nhứt là những sách bằng giấy da’? Ông vẫn khao khát Lời Đức Chúa Trời trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc đời. Chẳng lẽ bạn không thấy đây là bí quyết để ông luôn tỉnh thức và tích cực hoạt động về thiêng liêng cũng như là nguồn khích lệ cho nhiều người sao?
Ngày nay, chúng ta thật có ân phước biết bao khi có được một cuốn Kinh Thánh trọn bộ! Thậm chí một số người trong chúng ta có nhiều cuốn Kinh Thánh. Như Phao-lô, chúng ta cần vun trồng lòng ao ước hiểu biết sâu hơn về Kinh Thánh. Trong 14 lá thư được soi dẫn mà Phao-lô có đặc ân viết, lá thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê là lá thư cuối cùng. Yêu cầu này của ông xuất hiện vào cuối thư. Thật thế, lời yêu cầu Ti-mô-thê ‘đem sách-vở, nhứt là những sách bằng giấy da’ là một trong những ước nguyện cuối cùng của Phao-lô được ghi lại.
Bạn có hết lòng mong muốn đánh trận tốt lành vì đức tin cho đến cuối cùng, như Phao-lô không? Bạn có muốn tích cực hoạt động về thiêng liêng và sẵn sàng tiếp tục làm chứng cho đến khi Đức Chúa Trời muốn không? Nếu có, hãy làm theo lời Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ. ‘Hãy giữ chính mình bạn và sự dạy-dỗ của bạn’ bằng cách đều đặn và sốt sắng học hỏi Kinh Thánh, là sách hiện nay phổ biến hơn bao giờ hết và tiện lợi hơn so với các cuộn sách thời xưa.—1 Ti 4:16.
[Bản đồ/Các hình nơi trang 18, 19]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Ê-phê-sô
Trô-ách
Rô-ma