Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người trẻ có nên làm báp-têm?

Người trẻ có nên làm báp-têm?

Người trẻ có nên làm báp-têm?

“Tôi rất vui vì giờ đây con gái mình đã trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va, và tôi biết cháu cũng rất vui mừng”, một tín đồ Đấng Christ ở Philippines là anh Carlos * cho biết. Một người cha ở Hy Lạp viết: “Vợ chồng tôi vui mừng khi ba người con đều làm báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va lúc còn ở tuổi thanh thiếu niên. Các cháu đang tiến bộ và vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va”.

Cha mẹ tín đồ Đấng Christ vui mừng khôn xiết khi con làm báp-têm, nhưng đôi khi kèm theo niềm vui đó là nỗi lo. Một người mẹ nói: “Tôi rất vui mà cũng rất lo”. Tại sao lại có cảm xúc lẫn lộn đó? Bà nói tiếp: “Tôi biết con tôi bây giờ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Đức Giê-hô-va”.

Phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách một Nhân Chứng đã báp-têm là mục tiêu mà tất cả người trẻ nên có. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời có thể thắc mắc: “Tôi biết con tôi đang tiến bộ, nhưng cháu có đủ mạnh để kháng cự những áp lực làm điều sai trái về đạo đức và tiếp tục giữ mình thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va không?”. Một số cha mẹ khác có thể tự hỏi: “Đứng trước cám dỗ về vật chất, liệu con tôi vẫn vui mừng và sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời không?”. Vậy, Kinh Thánh có sự hướng dẫn nào giúp cha mẹ xác định con mình có sẵn sàng cho việc làm báp-têm?

Trở thành môn đồ Chúa Giê-su—Điều kiện chính yếu

Lời Đức Chúa Trời không xác định độ tuổi cụ thể để làm báp-têm, nhưng cho biết tình trạng thiêng liêng của những người hội đủ điều kiện để thực hiện bước này. Chúa Giê-su chỉ dẫn các môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân... làm phép báp-têm cho họ” (Mat 28:19). Vì thế, phép báp-têm là dành cho những ai đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.

Môn đồ là gì? Sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures) giải thích: “Từ này chủ yếu muốn nói đến tất cả những ai không chỉ tin nơi dạy dỗ của Chúa Giê-su mà còn theo sát những dạy dỗ đó”. Người trẻ có thể trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê-su không? Một chị phụng sự với tư cách giáo sĩ ở Châu Mỹ La Tinh hơn 40 năm đã viết về mình và hai chị gái: “Lúc ấy chúng tôi đủ lớn để biết mình muốn phụng sự Đức Giê-hô-va và sống trong địa đàng. Nhờ dâng mình, chúng tôi mạnh mẽ khi đối phó với các cám dỗ của tuổi trẻ. Chúng tôi không hối tiếc vì đã dâng mình cho Đức Chúa Trời khi còn nhỏ”.

Làm thế nào để biết con bạn đã là môn đồ của Chúa Giê-su chưa? Kinh Thánh nói: “Công-việc con trẻ làm, hoặc trong-sạch hoặc chánh-đáng, cũng đều tỏ bổn-tánh nó ra” (Châm 20:11). Hãy xem một số bằng chứng cho thấy người trẻ đang “tấn-tới” với tư cách là một môn đồ của Chúa Giê-su.—1 Ti 4:15.

Bằng chứng là môn đồ Chúa Giê-su

Con bạn có vâng lời bạn không? (Cô 3:20). Cháu có hoàn tất việc nhà được giao không? Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su khi 12 tuổi: ‘Ngài chịu lụy cha mẹ’ (Lu 2:51). Dĩ nhiên, không có con trẻ nào vâng lời cha mẹ tuyệt đối. Nhưng tín đồ chân chính của Chúa Giê-su “noi dấu chân Ngài”. Vì thế, người trẻ muốn báp-têm nên có tiếng là biết vâng lời cha mẹ.—1 Phi 2:21.

Hãy xem xét các câu hỏi sau: Con bạn có ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết’ trong thánh chức không? (Mat 6:33). Cháu có sẵn sàng chia sẻ tin mừng với người khác, hay bạn phải hối thúc cháu tham gia rao giảng? Cháu có ý thức về trách nhiệm của một người công bố chưa báp-têm không? Cháu có muốn trở lại thăm những người chú ý đã gặp trong khu vực không? Cháu có cho bạn bè và thầy cô biết mình là một Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va không?

Tham dự nhóm họp có phải là điều quan trọng với con bạn không? (Thi 122:1). Cháu có thích thú bình luận tại Buổi học Tháp Canh và Buổi học Kinh Thánh của hội thánh không? Cháu có sốt sắng tham gia Trường Thánh Chức không?—Hê 10:24, 25.

Con bạn có nỗ lực giữ thanh sạch về thiêng liêng bằng cách tránh những mối giao tiếp tai hại ở trường và nơi khác không? (Châm 13:20). Cháu thích những loại âm nhạc, phim, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử nào và dùng Internet để làm gì? Lời nói và hành động có cho thấy cháu muốn làm theo tiêu chuẩn Kinh Thánh không?

Con bạn hiểu Kinh Thánh đến mức nào? Cháu có thể dùng lời riêng để kể lại những điều đã học trong Buổi thờ phượng của gia đình không? Cháu có thể giải thích những lẽ thật cơ bản trong Kinh Thánh không? (Châm 2:6-9). Cháu có thích thú khi đọc Kinh Thánh và học hỏi các ấn phẩm của lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan không? (Mat 24:45). Cháu có đặt câu hỏi về các sự dạy dỗ hoặc câu Kinh Thánh không?

Những câu hỏi trên có thể giúp bạn xác định con mình tiến bộ về thiêng liêng đến mức nào. Sau khi xem xét các câu hỏi, có lẽ bạn nhận ra con mình nên cải thiện một vài mặt trước khi báp-têm. Tuy nhiên, nếu lối sống của cháu cho thấy cháu đã là môn đồ Chúa Giê-su và đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, bạn có thể thấy nên cho cháu làm báp-têm.

Người trẻ có thể ca ngợi Đức Giê-hô-va

Nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời đã chứng tỏ lòng trung thành và trung kiên khi ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc nhỏ hơn. Hãy nghĩ đến Giô-sép, Sa-mu-ên, Giô-si-a và Chúa Giê-su (Sáng 37:2; 39:1-3; 1 Sa 1:24-28; 2:18-20; 2 Sử 34:1-3; Lu 2:42-49). Và bốn con gái của Phi-líp, những người đã nói tiên tri, hẳn cũng được dạy dỗ kỹ lưỡng từ khi còn nhỏ.—Công 21:8, 9.

Một Nhân Chứng ở Hy Lạp cho biết: “Tôi làm báp-têm khi 12 tuổi. Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định ấy. Đến nay đã 24 năm trôi qua, trong đó 23 năm tôi tham gia thánh chức trọn thời gian. Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va luôn giúp tôi đương đầu với những khó khăn của tuổi trẻ. Khi 12 tuổi, tôi không có sự hiểu biết về Kinh Thánh như hiện nay. Nhưng tôi biết mình yêu Đức Giê-hô-va và muốn phụng sự Ngài mãi mãi. Tôi vui mừng vì Ngài đã giúp tôi tiếp tục thánh chức phụng sự Ngài”.

Dù già hay trẻ, một người đã chứng tỏ mình là môn đồ chân chính thì nên làm báp-têm. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tin bởi trong lòng mà được sự công-bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu-rỗi” (Rô 10:10). Khi một môn đồ trẻ của Chúa Giê-su thực hiện bước quan trọng là làm báp-têm, cả cha mẹ lẫn em ấy đã thực hiện một bước ngoặt lớn. Mong sao không điều gì cướp đi niềm vui đang chờ đón bạn và con bạn.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một số tên đã đổi.

[Khung nơi trang 5]

Quan điểm đúng về phép báp-têm

Một số bậc cha mẹ xem việc con cái làm báp-têm là một bước mang lại lợi ích nhưng cũng có rủi ro, tương tự việc lấy bằng lái xe. Nhưng phép báp-têm và việc phụng sự Đức Chúa Trời có ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của một người không? Kinh Thánh trả lời là không. Châm-ngôn 10:22 nói: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”. Và Phao-lô viết cho người trẻ Ti-mô-thê: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn”.​—1 Ti 6:6.

Đúng vậy, phụng sự Đức Giê-hô-va là điều không dễ. Giê-rê-mi đã đương đầu với nhiều khó khăn khi làm tiên tri của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ông viết về việc thờ phượng Đức Chúa Trời như sau: “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui-mừng hớn-hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn-quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài!” (Giê 15:16). Giê-rê-mi biết việc phụng sự Đức Chúa Trời là nguồn mang lại niềm vui. Ngược lại, thế gian Sa-tan gây ra gian nan khó khăn. Vì vậy, cha mẹ cần giúp con cái nhận ra sự khác biệt ấy.​—Giê 1:​19.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Con tôi có nên tạm hoãn việc làm báp-têm không?

Đôi khi, dù con cái đã hội đủ điều kiện, một số cha mẹ quyết định nên tạm hoãn việc con làm báp-têm. Họ có thể nêu lên những lý do nào?

Tôi sợ nếu con làm báp-têm, sau này cháu phạm tội nghiêm trọng thì sẽ bị khai trừ. Có hợp lý không khi nghĩ rằng người trẻ tạm hoãn việc làm báp-têm thì sẽ không phải khai trình với Đức Chúa Trời về hạnh kiểm của mình? Sa-lô-môn viết những lời sau cho người trẻ: “Phải biết rằng vì mọi việc [những hành động] ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét” (Truyền 11:9). Và không kể độ tuổi nào, Phao-lô nhắc nhở: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”.​—Rô 14:12.

Những người thờ phượng Đức Chúa Trời đã báp-têm hay chưa báp-têm đều phải khai trình với Ngài. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va bảo vệ các tôi tớ Ngài qua việc ‘chẳng hề cho họ bị cám-dỗ quá sức mình’ (1 Cô 10:13). Miễn là tiếp tục “tiết-độ” và kháng cự cám dỗ, họ có thể tin chắc nơi sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời (1 Phi 5:​6-9). Một người mẹ tín đồ Đấng Christ viết: “Những người trẻ đã báp-têm có nhiều lý do hơn để tránh điều xấu trong thế gian. Con trai tôi làm báp-têm khi 15 tuổi, và cháu nhận thấy báp-têm là một sự bảo vệ. Cháu nói: ‘Con không nghĩ đến việc làm điều trái với luật pháp của Đức Giê-hô-va’. Phép báp-têm là động lực mạnh mẽ để làm điều công bình”.

Nếu đã dạy dỗ con cái qua lời nói và gương mẫu trong việc vâng lời Đức Giê-hô-va, bạn có thể tin chắc là các cháu sẽ tiếp tục làm thế sau khi báp-têm. Châm-ngôn 20:7 nói: “Người công-bình ăn-ở cách thanh-liêm; những con-cháu người lấy làm có phước thay!”.

Tôi muốn con tôi trước tiên thực hiện được một số mục tiêu. Người trẻ nên học làm một công việc nào đó để sau này có thể tự nuôi sống bản thân. Nhưng thật nguy hiểm nếu khuyến khích con theo đuổi lối sống chú trọng học vấn và sự bảo đảm về kinh tế thay vì sự thờ phượng thật. Nói về “hột giống”, hay thông điệp Nước Trời, không phát triển, Chúa Giê-su phán: “Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo-lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của-cải, làm cho nghẹt-ngòi đạo và thành ra không kết-quả” (Mat 13:22). Những dự định về cuộc sống trong đó đặt mục tiêu của thế gian lên trên mục tiêu thiêng liêng thì có thể dập tắt ao ước của người trẻ trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.

Về những người trẻ hội đủ điều kiện báp-têm nhưng cha mẹ không đồng ý, một trưởng lão có kinh nghiệm nói: “Ngăn cản người trẻ làm báp-têm có thể khiến các cháu chậm lại về thiêng liêng và dẫn đến nản lòng”. Một giám thị lưu động viết: “Người trẻ có thể cảm thấy thiếu tự tin hoặc thua kém về thiêng liêng. Các cháu có thể hướng đến thế gian để có cảm giác thành công”.

[Hình]

Học đại học có nên là điều ưu tiên không?

[Hình nơi trang 3]

Một người trẻ có thể chứng tỏ mình là môn đồ Chúa Giê-su

[Các hình nơi trang 3]

Chuẩn bị và tham gia các buổi nhóm

[Hình nơi trang 4]

Vâng lời cha mẹ

[Hình nơi trang 4]

Tham gia thánh chức

[Hình nơi trang 4]

Cầu nguyện riêng