Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn đã vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời chưa?

Bạn đã vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời chưa?

Bạn đã vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời chưa?

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”.—HÊ 4:12.

1. Ngày nay, một cách để vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là gì, nhưng tại sao nói thì dễ hơn làm?

Trong bài trước, chúng ta được biết rằng để vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần vâng lời và hợp tác làm theo ý định Ngài. Điều này nói thì dễ hơn làm. Chẳng hạn, khi biết Đức Giê-hô-va không chấp nhận một điều chúng ta thích, phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là muốn nghịch lại ý Ngài. Điều đó cho thấy chúng ta cần tiến bộ trong việc trở nên “nhu-mì [“thuận phục”, Bản Dịch Mới]” (Gia 3:17). Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét một số lĩnh vực có thể cho chúng ta cơ hội chứng minh lòng sẵn sàng sống hòa hợp với ý định của Đức Chúa Trời, tức hết lòng vâng lời Ngài.

2, 3. Để tiếp tục là “sự ao-ước” trước mắt Đức Giê-hô-va, chúng ta phải không ngừng nỗ lực làm gì?

2 Bạn sẵn lòng lắng nghe lời khuyên dựa trên Kinh Thánh đến mức nào? Kinh Thánh cho biết ý muốn của Đức Chúa Trời là thu nhóm “những sự ao-ước của các nước” (A-ghê 2:7). Dĩ nhiên, khi mới biết lẽ thật, đa số chúng ta chưa là “sự ao-ước”. Nhưng qua thời gian, tình yêu thương với Đức Chúa Trời và Con yêu dấu của Ngài thôi thúc chúng ta thực hiện nhiều thay đổi lớn trong lối suy nghĩ và thói quen, hầu có thể làm đẹp lòng Ngài. Cuối cùng, sau nhiều lời cầu nguyện và nỗ lực, ngày quan trọng đã đến khi chúng ta có thể làm phép báp-têm của tín đồ Đấng Christ.—Đọc Cô-lô-se 1:9, 10.

3 Tuy nhiên, việc làm báp-têm không kết thúc cuộc chiến chống lại sự bất toàn. Khi nào còn là người bất toàn, cuộc chiến ấy vẫn tiếp diễn. Dù vậy, chúng ta tin chắc rằng nếu tiếp tục chiến đấu và quyết tâm trở thành “sự ao-ước” ngày càng trọn vẹn hơn trước mắt Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ giúp chúng ta thành công.

Khi cần lời khuyên

4. Chúng ta có thể nhận được lời khuyên của Kinh Thánh qua ba cách nào?

4 Trước khi có thể khắc phục yếu điểm của mình, chúng ta cần biết yếu điểm đó là gì. Một bài giảng thiết thực ở Phòng Nước Trời hoặc một bài gợi suy nghĩ trong ấn phẩm có thể giúp chúng ta nhận ra một yếu điểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không để ý điểm đó trong bài giảng hoặc không áp dụng lời khuyên của ấn phẩm, Đức Giê-hô-va có thể dùng một anh em đồng đạo giúp chúng ta nhận ra yếu điểm của mình.—Đọc Ga-la-ti 6:1.

5. Xin cho biết một số cách phản ứng không tốt khi nhận được lời khuyên, và giải thích tại sao những người chăn chiên phải kiên trì trong việc giúp chúng ta.

5 Chúng ta không dễ chấp nhận lời khuyên của một người bất toàn, dù lời khuyên ấy được trình bày cách khéo léo và yêu thương thế nào đi nữa. Dù vậy, như Ga-la-ti 6:1 cho thấy, Đức Giê-hô-va ban lệnh cho các trưởng lão cố gắng “sửa” chúng ta với “lòng mềm-mại”. Nếu hưởng ứng, chúng ta có thể trở thành “sự ao-ước” trọn vẹn hơn trước mắt Đức Chúa Trời. Điều đáng lưu ý là khi cầu nguyện, chúng ta thường sẵn sàng thừa nhận mình bất toàn. Nhưng khi một người nêu lên một lỗi cụ thể của chúng ta, khuynh hướng của chúng ta là cố gắng bào chữa cho mình, giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề, nghi ngờ động lực người khuyên hoặc không đồng ý với cách khuyên bảo của người ấy (2 Vua 5:11). Và nếu lời khuyên chạm đến một lĩnh vực tế nhị—chẳng hạn như hành vi của người trong gia đình, cách phục sức, vệ sinh cá nhân hoặc hình thức giải trí chúng ta yêu thích nhưng Đức Giê-hô-va lại ghét—có lẽ chúng ta phản ứng khá mạnh, khiến chính chúng ta ngạc nhiên và người khuyên thất vọng! Nhưng sau khi bình tĩnh lại, chúng ta thường công nhận lời khuyên ấy hợp lý.

6. Làm thế nào lời của Đức Chúa Trời cho thấy “tư-tưởng và ý-định trong lòng”?

6 Câu Kinh Thánh chủ đề của bài nhắc chúng ta nhớ lời của Đức Chúa Trời là “linh-nghiệm”, tức có quyền lực. Thật vậy, lời Ngài có quyền lực thay đổi đời sống. Lời Đức Chúa Trời đã giúp chúng ta thay đổi nhiều điều cần thiết trước khi làm báp-têm, thì sau khi làm báp-têm cũng thế. Trong lá thư gửi cho các tín đồ người Do Thái, Phao-lô cũng cho biết rằng lời Đức Chúa Trời “thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê 4:12). Nói cách khác, khi đã hiểu rõ ý định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, cách chúng ta phản ứng cho thấy con người bề trong. Có phải đôi khi chúng ta thấy “hồn” (bề ngoài) khác với “linh” (bề trong) của mình không? (Đọc Ma-thi-ơ 23:27, 28). Hãy xem bạn phản ứng thế nào trong những trường hợp sau.

Theo kịp tổ chức Đức Giê-hô-va

7, 8. (a) Một số tín đồ người Do Thái giữ một số phần của Luật pháp Môi-se có thể vì lý do gì? (b) Nỗ lực của họ có phù hợp với ý định đang tiến triển của Đức Chúa Trời không?

7 Nhiều người trong chúng ta có thể nhớ thuộc lòng Châm-ngôn 4:18: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. Điều này có nghĩa là hạnh kiểm và sự hiểu biết của chúng ta về ý định của Đức Chúa Trời sẽ được cải thiện theo thời gian.

8 Như đã thảo luận trong bài trước, sau khi Chúa Giê-su chết, nhiều người Do Thái vẫn muốn giữ theo Luật pháp Môi-se (Công 21:20). Dù Phao-lô đã khéo léo lý luận rằng tín đồ Đấng Christ không còn ở dưới Luật pháp, một số người vẫn bác bỏ lời được soi dẫn này của ông (Cô 2:13-15). Có lẽ họ cảm thấy nếu tiếp tục giữ ít nhất là vài phần của Luật pháp, họ có thể tránh bị bắt bớ. Dù là trường hợp nào, Phao-lô viết thư cho các tín đồ người Do Thái và nói rõ rằng họ không thể vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời nếu vẫn từ chối làm theo ý định đang tiến triển của Ngài * (Hê 4:1, 2, 6; đọc Hê-bơ-rơ 4:11). Để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, họ phải chấp nhận rằng Đức Chúa Trời đang dẫn dắt dân Ngài theo một hướng khác.

9. Khi có điều chỉnh về sự hiểu biết dựa trên Kinh Thánh, chúng ta nên có thái độ nào?

9 Ngày nay, sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh đã có một số điều chỉnh. Chúng ta không nên để điều này khiến mình hoang mang. Ngược lại, nó giúp chúng ta càng tin cậy nơi lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Khi những người đại diện cho lớp “đầy-tớ” nhận thấy quan điểm về một số lẽ thật cần phải được làm rõ hoặc sửa lại, họ không ngần ngại điều chỉnh. Lớp đầy tớ quan tâm đến việc hợp tác với ý định đang tiến triển của Đức Chúa Trời, hơn là sợ bị chỉ trích vì điều chỉnh một sự hiểu biết. Bạn có thái độ nào khi có điều chỉnh về sự hiểu biết dựa trên Kinh Thánh?—Đọc Lu-ca 5:39.

10, 11. Từ thái độ của một số người khi có những phương pháp mới về việc rao giảng tin mừng, chúng ta rút ra bài học nào?

10 Hãy xem một thí dụ khác. Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một số Học viên Kinh Thánh là những diễn giả xuất sắc, và họ cảm thấy cách tốt nhất để thi hành sứ mệnh rao giảng là trình bày những bài giảng được chuẩn bị kỹ cho những cử tọa biết lắng nghe. Họ thích thú việc nói trước công chúng, và một số người cảm thấy sung sướng trước những lời tán dương của cử tọa. Tuy nhiên, về sau, dân Đức Giê-hô-va hiểu rằng Ngài muốn họ bận rộn tham gia các khía cạnh khác nhau của việc rao giảng, kể cả việc rao giảng từng nhà. Một số diễn giả có tài đã thẳng thừng từ chối thử bất cứ cách rao giảng mới nào. Bề ngoài họ có vẻ là người thiêng liêng tính, tận tụy phụng sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đứng trước bằng chứng rõ ràng về ý muốn của Đức Chúa Trời với công việc rao giảng, họ lộ ra tư tưởng, ý định và động lực thật của mình. Đức Giê-hô-va xem họ thế nào? Ngài không ban phước cho họ, và họ đã bỏ tổ chức của Ngài.—Mat 10:1-6; Công 5:42; 20:20.

11 Đối với những người trung thành với tổ chức, việc rao giảng công khai cũng không phải là dễ dàng. Nhiều người nhận thấy có nhiều khó khăn, nhất là thời ban đầu. Nhưng họ vẫn vâng lời. Dần dần, họ bớt lo lắng và Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho họ. Vậy, bạn có thái độ nào khi được mời tham gia một khía cạnh nào đó của việc rao giảng khác với những khía cạnh mà bạn quen thuộc? Bạn có sẵn sàng thử cách mới không?

Khi người chúng ta yêu thương rời bỏ Đức Giê-hô-va

12, 13. (a) Ý muốn của Đức Giê-hô-va trong việc khai trừ người phạm tội không ăn năn là gì? (b) Một số cha mẹ tín đồ Đấng Christ đối mặt với thử thách nào, và tại sao điều đó rất khó?

12 Tất cả chúng ta hẳn đều biết nguyên tắc là để làm hài lòng Đức Chúa Trời, chúng ta phải trong sạch về mặt thể chất, đạo đức và thiêng liêng. (Đọc Tít 2:14). Tuy nhiên, có những trường hợp khiến chúng ta khó làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong khía cạnh này. Chẳng hạn, người con duy nhất của một cặp vợ chồng gương mẫu đạo Đấng Christ rời bỏ lẽ thật. Vì thích “tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi” hơn là giữ gìn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và với cha mẹ, nên người trẻ ấy bị khai trừ.—Hê 11:25.

13 Cha mẹ đau khổ biết bao! Về việc bị khai trừ, dĩ nhiên họ biết Kinh Thánh nói “đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy” (1 Cô 5:11, 13). Họ cũng hiểu từ “kẻ nào” trong câu này bao gồm những thành viên trong gia đình không sống chung nhà. Nhưng họ rất yêu con mình! Cảm xúc ấy có thể khiến họ tự hỏi: “Làm sao chúng tôi có thể giúp con mình trở về với Đức Giê-hô-va nếu không giao tiếp với con? Chẳng phải nếu liên lạc đều đặn với con, chúng tôi có thể giúp cháu nhiều hơn sao?” *.

14, 15. Cha mẹ có con bị khai trừ phải quyết định điều gì?

14 Chúng ta buồn khi thấy những bậc cha mẹ như thế chịu đau khổ. Con của họ đã có sự lựa chọn. Thay vì giữ mối quan hệ mật thiết với cha mẹ và anh em đồng đạo, anh đã chọn lối sống không theo tiêu chuẩn Kinh Thánh. Cha mẹ muốn giúp con mình, nhưng họ không thể kiểm soát những quyết định của anh. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi họ cảm thấy bất lực!

15 Những bậc cha mẹ trong hoàn cảnh ấy sẽ làm gì? Liệu họ có vâng theo chỉ dẫn rõ ràng của Đức Giê-hô-va không? Hay họ lý luận rằng họ có thể giao tiếp đều đặn với con và gọi đó là “chuyện cần thiết của gia đình”? Khi quyết định, họ nên nhớ Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về hành động của họ. Ý định của Đức Chúa Trời là giữ tổ chức Ngài được thanh sạch, và nếu có thể được, giúp người phạm tội tỉnh ngộ. Làm thế nào cha mẹ là tín đồ Đấng Christ có thể ủng hộ ý định này của Đức Chúa Trời?

16, 17. Chúng ta học được gì khi suy ngẫm về gương của A-rôn?

16 Anh của Môi-se là A-rôn đã rơi vào một tình huống khó khăn liên quan đến hai con trai ông. Hãy thử nghĩ ông cảm thấy thế nào khi Na-đáp và A-bi-hu dâng một thứ lửa lạ cho Đức Giê-hô-va và bị trừng phạt phải chết. Điều này hẳn chấm dứt mọi giao tiếp giữa họ với cha mẹ. Nhưng không chỉ có thế. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho A-rôn và các con trai trung thành của ông: “Chớ để đầu trần và chớ xé áo mình [than khóc], e khi phải chết và Đức Giê-hô-va nổi giận cùng cả hội-chúng chăng” (Lê 10:1-6). Bài học rất rõ ràng. Tình yêu thương của chúng ta với Đức Giê-hô-va phải mạnh hơn tình yêu thương với người không trung thành trong gia đình.

17 Ngày nay, Đức Giê-hô-va không hủy diệt ngay những người vi phạm luật pháp của Ngài. Đức Chúa Trời yêu thương cho họ cơ hội ăn năn về những sai lầm họ phạm phải. Dù vậy, Đức Giê-hô-va sẽ cảm thấy thế nào nếu cha mẹ không vâng lời Ngài, nghĩ rằng mình có nhiều lý do để liên lạc với người con bị khai trừ?

18, 19. Khi làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va về người bị khai trừ, các thành viên trong gia đình nhận được ân phước nào?

18 Nhiều người từng bị khai trừ đã thừa nhận rằng lập trường vững chắc của bạn bè và người thân trong gia đình giúp họ tỉnh ngộ. Trong lời đề nghị nhận lại một chị trẻ, các trưởng lão viết chị ấy đã thay đổi đời sống “một phần là nhờ người anh ruột giữ theo sắp đặt về việc khai trừ”. Theo lời chị nói, “việc anh ấy trung thành vâng theo chỉ dẫn của Kinh Thánh giúp chị muốn trở lại”.

19 Chúng ta rút ra bài học nào? Đó là chúng ta nên kháng cự khuynh hướng của lòng bất toàn muốn làm ngược lại với lời khuyên của Kinh Thánh. Chúng ta phải hoàn toàn tin cậy rằng Đức Chúa Trời có đường lối tốt nhất để giải quyết các vấn đề của chúng ta.

“Lời của Đức Chúa Trời là lời sống”

20. Hê-bơ-rơ 4:12 có thể áp dụng theo hai cách nào? (Xin xem cước chú).

20 Khi viết “lời của Đức Chúa Trời là lời sống”, Phao-lô không đề cập cụ thể về Kinh Thánh *. Bối cảnh cho thấy ông đang nói về lời hứa của Đức Chúa Trời. Phao-lô nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời không hứa suông. Đức Giê-hô-va khẳng định qua nhà tiên tri Ê-sai: “Lời nói của ta... chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ... thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó” (Ê-sai 55:11). Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn khi sự việc không xảy ra nhanh như mong đợi. Đức Giê-hô-va đang tiếp tục “làm việc” để thực hiện thành công ý định của Ngài.—Giăng 5:17.

21. Đối với các thành viên lâu năm của đám đông “vô-số người”, tại sao Hê-bơ-rơ 4:12 rất khích lệ?

21 Những thành viên lâu năm và trung thành của đám đông “vô-số người” đã phụng sự Đức Giê-hô-va trong nhiều thập kỷ (Khải 7:9). Nhiều người trong số đó không nghĩ họ sẽ già đi trong thế gian này. Tuy vậy, họ vẫn không nản lòng (Thi 92:14). Họ nhận biết lời Đức Chúa Trời hứa sẽ không mất đi, đó là lời sống và Đức Giê-hô-va đang làm việc để hoàn thành lời hứa đó. Đức Chúa Trời rất quý trọng ý định của Ngài, nên chúng ta làm Ngài vui bằng cách tiếp tục xem đó là mối quan tâm chính. Trong ngày thứ bảy này, Đức Giê-hô-va đang nghỉ ngơi, biết chắc rằng ý định của Ngài sẽ được thực hiện và dân Ngài, với tư cách là một nhóm, sẽ ủng hộ ý định ấy. Còn bạn thì sao? Cá nhân bạn đã vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời chưa?

[Chú thích]

^ đ. 8 Nhiều nhà lãnh đạo trong dân Do Thái giữ Luật pháp Môi-se tỉ mỉ đến từng chi tiết, nhưng khi Đấng Mê-si đến họ lại chối bỏ ngài. Họ đã không theo kịp ý định đang tiến triển của Đức Chúa Trời.

^ đ. 13 Xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trang 207-209.

^ đ. 20 Ngày nay, Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua Lời được viết ra của Ngài, là lời có quyền lực thay đổi đời sống. Vì thế, câu Phao-lô viết nơi Hê-bơ-rơ 4:12 cũng áp dụng cho Kinh Thánh.

Bạn còn nhớ không?

• Ngày nay, chúng ta cần làm gì để vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?

• Có sự liên hệ nào giữa ý định của Đức Chúa Trời và việc chúng ta sẵn lòng chấp nhận lời khuyên dựa trên Kinh Thánh?

• Vâng theo chỉ dẫn của Kinh Thánh có thể khó trong những lĩnh vực nào, nhưng tại sao vâng lời là thiết yếu?

Hê-bơ-rơ 4:​12 có thể áp dụng theo hai cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 31]

Cha mẹ đau khổ biết bao!