Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn sẽ theo sự hướng dẫn yêu thương của Đức Giê-hô-va?

Bạn sẽ theo sự hướng dẫn yêu thương của Đức Giê-hô-va?

Bạn sẽ theo sự hướng dẫn yêu thương của Đức Giê-hô-va?

“Tôi ghét mọi đường giả-dối”.—THI 119:128.

1, 2. (a) Khi nhờ một người bạn hướng dẫn đến một địa điểm, bạn quý lời cảnh báo nào, và tại sao? (b) Đức Giê-hô-va đưa ra những lời cảnh báo nào cho những người thờ phượng Ngài, và tại sao?

Hãy hình dung: Bạn cần đi đến một địa điểm. Bạn nhờ một người bạn đáng tin cậy và biết đường đi để hướng dẫn. Khi chỉ đường, người ấy có thể bảo bạn: “Anh nên lưu ý khi đến chỗ rẽ tiếp theo này, bảng chỉ đường không đúng. Nhiều người đi theo đó đều bị lạc cả!”. Bạn có quý lòng quan tâm của người ấy và làm theo lời cảnh báo không? Theo một cách nào đó, Đức Giê-hô-va giống như người bạn ấy. Ngài chỉ dẫn chúng ta cặn kẽ về cách đạt được sự sống vĩnh cửu, nhưng cũng cảnh báo về những ảnh hưởng tai hại có thể khiến chúng ta lầm đường lạc lối.—Phục 5:32; Ê-sai 30:21.

2 Trong bài này và bài tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về một số ảnh hưởng mà Bạn của chúng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời cảnh báo. Hãy ghi nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã đưa ra những lời cảnh báo này vì tình yêu thương và lòng quan tâm. Ngài muốn chúng ta tới được điểm đến của mình. Ngài đau lòng khi nhìn thấy người ta chịu ảnh hưởng xấu và bị lạc lối (Ê-xê 33:11). Trong bài này, chúng ta bàn đến ba ảnh hưởng tiêu cực. Thứ nhất là ảnh hưởng từ bên ngoài, thứ hai là ảnh hưởng từ bên trong chúng ta. Thứ ba là một điều gì đó không có thật, nhưng rất nguy hiểm. Chúng ta cần biết ba ảnh hưởng đó là gì và Cha trên trời dạy chúng ta cách nào để kháng cự chúng. Một người viết Thi-thiên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Tôi ghét mọi đường giả-dối” (Thi 119:128). Bạn có cảm thấy như thế không? Vậy hãy xem làm thế nào chúng ta có thể củng cố quyết tâm tránh “mọi đường giả-dối”.

Đừng “hùa đảng đông”

3. (a) Khi không chắc phải đi đường nào, tại sao đi theo những người khác là nguy hiểm? (b) Nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2, chúng ta thấy nguyên tắc quan trọng nào?

3 Trong cuộc hành trình dài, bạn sẽ làm gì nếu cảm thấy không chắc phải đi đường nào? Có lẽ bạn thấy nhiều người chọn một con đường, và bạn dễ dàng đi theo họ. Nhưng theo con đường đó là mạo hiểm. Xét cho cùng, họ có thể không hướng đến địa điểm của bạn, hoặc họ cũng có thể bị lạc lối. Về điều này, hãy xem nguyên tắc được nhấn mạnh trong một luật đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. Những quan xét hoặc người làm chứng trong các vụ kiện được cảnh báo về mối nguy hiểm của việc “hùa đảng đông”. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2). Rõ ràng, con người bất toàn rất dễ để chiều theo áp lực của người đồng loại, bóp méo công lý. Tuy nhiên, nguyên tắc “chớ hùa đảng đông” không chỉ áp dụng cho những quan xét hoặc người làm chứng trong các vụ kiện.

4, 5. Giô-suê và Ca-lép bị áp lực làm theo đám đông như thế nào? Nhưng điều gì giúp họ kháng cự áp lực ấy?

4 Áp lực của việc “hùa đảng đông” có thể ảnh hưởng đến chúng ta hầu như mọi lúc. Nó có thể xảy ra bất thình lình và rất khó kháng cự. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến áp lực của người đồng hương mà Giô-suê và Ca-lép đã phải đối mặt. Họ là hai trong nhóm 12 người đi do thám Đất Hứa. Khi trở về, mười người đã nói những lời tiêu cực và làm nản lòng dân sự. Những người này thậm chí nói rằng một số người trong xứ ấy rất cao lớn, là con cháu của người Nê-phi-lim, tức dòng dõi của các thiên sứ phản nghịch và con gái loài người (Sáng 6:4). Lời đó thật vô lý. Những gã con lai gian ác đã bị hủy diệt trong trận Nước Lụt nhiều thế kỷ trước đó, không con cháu nào của chúng còn lại. Nhưng ý tưởng vô căn cứ như thế cũng có thể tác động đến những người yếu đức tin. Báo cáo tiêu cực của mười người do thám nhanh chóng làm dân sự sợ hãi và kinh hoàng. Sau đó, hầu hết dân sự đã tin rằng việc vào Đất Hứa theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va là điều sai lầm. Trước tình huống khó khăn, Giô-suê và Ca-lép đã làm gì?—Dân 13:25-33.

5 Họ đã không hùa theo đám đông. Dù đám đông không muốn nghe, hai người vẫn nói lên sự thật và kiên quyết giữ lập trường—thậm chí khi bị đe dọa ném đá đến chết! Nhờ đâu họ có lòng can đảm? Chắc chắn một phần là nhờ đức tin. Những người có đức tin thấy rõ sự khác biệt giữa những lời vô căn cứ của loài người và lời hứa của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sau này, khi biểu lộ đức tin nơi Đức Chúa Trời, hai người đã nói với dân sự rằng Đức Giê-hô-va luôn thực hiện mọi lời hứa. (Đọc Giô-suê 14:6, 8; 23:2, 14). Giô-suê và Ca-lép gắn bó với Đức Chúa Trời trung tín, và không thể nghĩ đến việc làm Ngài đau lòng bằng cách hùa theo đám đông thiếu đức tin. Thế nên, họ đứng vững, nêu gương nổi bật cho chúng ta ngày nay.—Dân 14:1-10.

6. Chúng ta có thể bị áp lực hùa theo đám đông qua những cách nào?

6 Bạn có bao giờ cảm thấy áp lực phải “hùa đảng đông” không? Ngày nay, hầu hết người ta xa cách Giê-hô-va Đức Chúa Trời và chế giễu tiêu chuẩn đạo đức của Ngài. Về vấn đề vui chơi và giải trí, đám đông ấy thường đề cao những tư tưởng vô căn cứ của họ. Họ có thể khăng khăng cho rằng sự vô luân, bạo lực và thuật huyền bí lan tràn trên chương trình truyền hình, phim ảnh và trò chơi điện tử là vô hại (2 Ti 3:1-5). Khi chọn chương trình vui chơi giải trí cho bản thân và gia đình, bạn có để lương tâm dễ dãi của những người khác ảnh hưởng đến quyết định và lương tâm của bạn không? Chẳng phải làm thế có nghĩa là bạn đang hùa theo đám đông sao?

7, 8. (a) “Tâm-tư” của chúng ta được rèn luyện thế nào, và tại sao sự rèn luyện ấy hữu ích hơn là theo một danh sách các luật lệ? (b) Tại sao bạn cảm thấy ấm lòng khi thấy gương tốt của nhiều tín đồ trẻ?

7 Đức Giê-hô-va đã ban một món quà quý giá để giúp chúng ta quyết định—đó là “tâm-tư”, tức khả năng suy luận. Tuy nhiên, chúng ta cần rèn luyện khả năng ấy qua việc vận dụng (Hê 5:14). Nếu chỉ làm theo người khác hoặc mong đợi người khác bảo chúng ta điều phải làm, chúng ta không thể rèn luyện khả năng suy luận của mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần vận dụng lương tâm và tự quyết định. Chẳng hạn, dân Đức Chúa Trời không có một danh sách gồm những phim ảnh, sách báo và trang web phải tránh. Vì thế giới này thay đổi rất nhanh, danh sách ấy sẽ nhanh chóng lỗi thời (1 Cô 7:31). Hơn nữa, điều đó có thể khiến chúng ta không vận dụng khả năng suy luận mà Đức Giê-hô-va ban. Chúng ta muốn dùng khả năng này để cẩn thận cân nhắc các nguyên tắc Kinh Thánh, cầu nguyện và rồi quyết định dựa trên những nguyên tắc ấy.—Ê-phê 5:10.

8 Dĩ nhiên, những quyết định dựa trên Kinh Thánh đôi khi làm chúng ta khác biệt. Tại trường, những tín đồ trẻ có thể phải đối mặt với áp lực đám đông, thúc các em xem và làm những điều giống như mọi người (1 Phi 4:4). Vì vậy, thật ấm lòng biết bao khi thấy những tín đồ Đấng Christ, lớn tuổi lẫn trẻ tuổi, noi theo đức tin của Giô-suê và Ca-lép, từ chối “hùa đảng đông”!

Đừng theo “lòng và mắt mình”

9. (a) Trong một chuyến hành trình, tại sao làm theo sự bốc đồng có thể là nguy hiểm? (b) Đối với dân Đức Chúa Trời thời xưa, tại sao luật nơi Dân-số Ký 15:37-39 là thích đáng?

9 Ảnh hưởng nguy hiểm thứ hai đến từ bên trong. Chúng ta có thể minh họa như sau: Nếu đang đi cuộc hành trình dài đến một địa điểm cụ thể, có thể nào bạn không dùng bản đồ và chỉ đi theo sự bốc đồng của mình, có lẽ rẽ vào bất cứ con đường nào có cảnh đẹp không? Rõ ràng, khi chiều theo sự bốc đồng, bạn không thể đến mục tiêu. Về phương diện này, hãy xem một luật khác mà Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa. Ngày nay, nhiều người có thể thấy khó hiểu về luật kết tua và dây màu điều trên áo choàng. (Đọc Dân-số Ký 15:37-39). Bạn có hiểu tại sao điều này là thích đáng không? Vâng theo luật ấy giúp dân Đức Chúa Trời khác biệt với dân ngoại xung quanh. Muốn tiếp tục được Đức Giê-hô-va chấp nhận, họ phải giữ luật này (Lê 18:24, 25). Ngoài ra, luật này cũng cho thấy một mối nguy hiểm từ bên trong có thể khiến chúng ta trôi dạt khỏi mục tiêu là sự sống vĩnh cửu. Như thế nào?

10. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài hiểu rõ bản chất con người như thế nào?

10 Hãy lưu ý Đức Giê-hô-va giải thích lý do Ngài ban luật này: ‘Các ngươi không theo tư-dục của lòng và mắt mình, là điều làm cho các ngươi sa vào sự thông-dâm’. Đức Giê-hô-va thấy rõ bản chất con người. Ngài hiểu rõ lòng chúng ta, hay con người bề trong, dễ bị cám dỗ bởi những điều mình thấy. Vì thế, Kinh Thánh cảnh báo: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” (Giê 17:9). Vậy bạn có thấy lời cảnh báo Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên là thích đáng không? Ngài biết rõ họ có khuynh hướng nhìn vào dân ngoại xung quanh và bị cám dỗ bởi những điều họ thấy. Dân Y-sơ-ra-ên có thể muốn trông giống như những người không tin đạo ấy, và rồi suy nghĩ, có cảm xúc và hành động như họ.—Châm 13:20.

11. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi mắt mình qua cách nào?

11 Ngày nay, lòng dối trá của chúng ta càng dễ bị cám dỗ bởi mắt mình. Chúng ta sống trong một thế gian hướng đến ham muốn xác thịt. Vậy làm thế nào chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc nơi Dân-số Ký 15:39? Hãy thử nghĩ: Tại trường, sở làm hoặc cộng đồng bạn sống, nếu người ta ăn mặc ngày càng khêu gợi, bạn có thể bị ảnh hưởng không? Bạn có thể bị cám dỗ bởi “lòng và mắt mình” và muốn làm theo những gì mình thấy không? Rồi bạn có hạ thấp tiêu chuẩn của mình qua việc ăn mặc như họ không?—Rô 12:1, 2.

12, 13. (a) Nếu mắt có khuynh hướng nhìn những điều không nên nhìn, chúng ta nên làm gì? (b) Điều gì thôi thúc chúng ta tránh trở thành đối tượng gây cám dỗ cho người khác?

12 Chúng ta cần khẩn trương vun trồng tính tự chủ. Nếu mắt có khuynh hướng nhìn những điều không nên nhìn, chúng ta hãy nhớ quyết tâm của người trung thành Gióp. Ông đã lập giao ước với mắt mình—quyết tâm không nhìn người nữ, ngoài vợ ông, với tình cảm lãng mạn (Gióp 31:1). Tương tự, vua Đa-vít quyết tâm: “Tôi sẽ chẳng để điều gì đê-mạt trước mặt tôi” (Thi 101:3). Đối với chúng ta, bất cứ điều gì làm tổn hại lương tâm trong sạch và mối quan hệ của với Đức Giê-hô-va đều là điều “đê-mạt”. Nó bao gồm những điều mắt thấy mà có thể khơi dậy ham muốn xấu, và rồi khiến chúng ta làm điều sai trái.

13 Mặt khác, chắc chắn chúng ta không bao giờ muốn trở thành điều “đê-mạt” đối với người khác qua việc cám dỗ họ làm điều sai trái. Thế nên chúng ta nghiêm túc xem xét lời khuyên trong Kinh Thánh về cách ăn mặc chỉnh tề và nhã nhặn (1 Ti 2:9). Nhã nhặn không có nghĩa là chỉ theo quan điểm của mình. Chúng ta cần nghĩ đến lương tâm và sự nhạy cảm của những người xung quanh, đặt lợi ích của họ trên sở thích cá nhân (Rô 15:1, 2). Hội thánh được ban phước vì có hàng ngàn người trẻ nêu gương tốt về lĩnh vực này. Chúng ta thật tự hào khi các em từ chối theo “lòng và mắt mình”, quyết định làm hài lòng Đức Giê-hô-va trong mọi việc—ngay cả cách ăn mặc!

Đừng theo đuổi những điều “hư-không”

14. Sa-mu-ên đã cho lời cảnh báo nào về việc theo đuổi những điều “hư-không”?

14 Hãy hình dung bạn phải đi qua một sa mạc mênh mông. Điều gì xảy ra nếu chúng ta đổi hướng để đi theo một ảo ảnh? Chúng ta có thể bị mất mạng! Đức Giê-hô-va biết rõ mối nguy hiểm đó. Hãy xem một thí dụ. Dân Y-sơ-ra-ên muốn giống như các dân tộc xung quanh, có vua loài người cai trị. Thật ra, đó là một tội nghiêm trọng, vì nó cho thấy họ không chấp nhận Đức Giê-hô-va là Vua. Dù cho phép họ có vua loài người, qua tiên tri Sa-mu-ên, Đức Giê-hô-va cho lời cảnh báo về việc theo đuổi những điều “hư-không”.Đọc  1 Sa-mu-ên 12:21.

15. Dân Y-sơ-ra-ên theo đuổi điều “hư-không” qua những cách nào?

15 Dân Y-sơ-ra-ên có nghĩ rằng một vị vua loài người bề nào cũng có thật, đáng tin cậy hơn Đức Giê-hô-va không? Nếu có, họ thật sự đang theo đuổi một điều hư không! Và họ có nguy cơ theo đuổi nhiều ảo tưởng khác thuộc về Sa-tan. Vua loài người sẽ dễ dàng dẫn họ đến việc thờ hình tượng. Người thờ hình tượng thì sai lầm khi nghĩ rằng vật thấy được—các vị thần bằng gỗ hoặc đá—bề nào cũng có thật, đáng tin cậy hơn Đức Chúa Trời vô hình, Đức Giê-hô-va, là Đấng tạo ra muôn vật. Nhưng như sứ đồ Phao-lô nói, thần tượng là “hư-không” (1 Cô 8:4). Chúng không thể thấy, nghe, nói hoặc hành động. Bạn có thể thấy và sờ chúng, nhưng nếu thờ phượng một tượng, thật ra bạn đang theo đuổi điều “hư-không”—một ảo giác trống rỗng chỉ mang lại tai họa.—Thi 115:4-8.

16. (a) Sa-tan đã lừa nhiều người ngày nay theo đuổi điều hư không như thế nào? (b) Tại sao có thể nói rằng vật chất là hư không, đặc biệt khi so sánh với Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

16 Sa-tan vẫn lão luyện trong việc thuyết phục người ta theo đuổi những điều hư không. Chẳng hạn, hắn đã dụ dỗ rất nhiều người tin rằng vật chất mang lại sự bảo đảm cho họ. Tiền bạc, của cải và công việc lương cao dường như có nhiều thuận lợi. Dù vậy, vật chất có giá trị gì khi sức khỏe suy yếu, kinh tế khủng hoảng hoặc khi thảm họa thiên nhiên ập đến? Chúng có giá trị gì khi người ta cảm thấy trống rỗng, không có mục đích, mất phương hướng và không có lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng trong đời sống? Chúng giúp được gì khi người ta phải đối mặt với cái chết? Nếu nương cậy nơi vật chất để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng, chúng ta sẽ thất vọng. Của cải không bảo đảm gì cho chúng ta vì chúng là hư không. Về lâu về dài, chúng không bảo đảm về thể chất, vì không giúp chúng ta tránh được bệnh tật và sự chết trong đời sống ngắn ngủi của con người (Châm 23:4, 5). Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta có thật hơn nhiều biết bao! Chúng ta chỉ tìm được sự an ổn thật sự trong mối quan hệ mật thiết với Ngài. Thật là một ân phước quý giá! Chúng ta đừng bao giờ từ bỏ Ngài để theo đuổi những điều hư không.

17. Về những ảnh hưởng tiêu cực đã bàn, bạn quyết tâm làm gì?

17 Chẳng phải là ân phước khi có Đức Giê-hô-va là Bạn và Đấng Hướng Dẫn trên đường đời hay sao? Nếu tiếp tục làm theo lời cảnh báo yêu thương của Ngài để kháng cự ba ảnh hưởng xấu—đám đông, lòng của mình và những điều hư không—chúng ta sẽ có nhiều khả năng đạt đến sự sống vĩnh cửu. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét thêm ba lời cảnh báo từ Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta ghét và tránh con đường giả dối đã khiến nhiều người bị lầm đường lạc lối.—Thi 119:128.

Bạn nghĩ gì?

Làm thế nào bạn có thể áp dụng cho mình những nguyên tắc trong các câu Kinh Thánh sau đây:

Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2?

Dân-số Ký 15:37-39?

1 Sa-mu-ên 12:21?

Thi-thiên 119:128?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 11]

Bạn có bao giờ bị cám dỗ hùa theo đám đông?

[Hình nơi trang 13]

Tại sao làm theo sự bốc đồng là nguy hiểm?

[Hình nơi trang 14]

Bạn có đang theo đuổi những điều hư không?