Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuộc đấu tranh dài về pháp lý đã chiến thắng!

Cuộc đấu tranh dài về pháp lý đã chiến thắng!

Cuộc đấu tranh dài về pháp lý đã chiến thắng!

Cuộc đấu tranh này bắt đầu vào năm 1995 và kéo dài 15 năm. Trong thời gian đó, những kẻ chống đối sự tự do tôn giáo đã tấn công tín đồ Đấng Christ ở Nga. Họ quyết tâm khiến Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm ở Mát-xcơ-va và những nơi khác. Dù thế, Đức Giê-hô-va ban thưởng cho lòng trung kiên của các anh em yêu dấu ở Nga bằng một chiến thắng về pháp lý. Vậy, điều gì đã dẫn đến cuộc đối đầu nêu trên?

CUỐI CÙNG ĐƯỢC TỰ DO!

Trong nửa đầu thập niên 1990, các anh em ở Nga đã có lại một số quyền tự do tôn giáo mà họ đã mất vào năm 1917. Năm 1991, họ được chính quyền Liên bang Xô Viết cho đăng ký là một tôn giáo chính thức. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Nhân Chứng Giê-hô-va được Liên bang Nga cho đăng ký. Hơn nữa, các Nhân Chứng bị bắt bớ về tôn giáo nhiều thập kỷ trước đã được nhà nước chính thức công nhận là nạn nhân của sự áp bức chính trị. Năm 1993, Cộng đồng Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mát-xcơ-va (tên gọi hợp pháp của chúng ta ở đó) được Sở Tư pháp Mát-xcơ-va cho đăng ký. Cũng trong năm ấy, hiến pháp mới của Nga bắt đầu có hiệu lực. Hiến pháp này bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Thế nên, không ngạc nhiên gì khi một anh của chúng ta đã thốt lên: “Được tự do như vậy là quá sức tưởng tượng của chúng tôi!”. Anh nói tiếp: “Suốt 50 năm chúng tôi đã chờ đợi điều đó!”.

Các anh em ở Nga đã tận dụng “lúc thuận tiện” bằng cách nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động rao giảng, và có nhiều người hưởng ứng (2 Ti 4:2). Một người nhận xét: “Người ta rất chú ý đến tôn giáo”. Không lâu sau, số người công bố, tiên phong và hội thánh tăng lên. Từ năm 1990 đến năm 1995, số Nhân Chứng ở Mát-xcơ-va tăng vọt từ 300 đến hơn 5.000 người! Khi thấy hàng ngũ tôi tớ mới của Đức Giê-hô-va ở Mát-xcơ-va ngày càng đông, những kẻ chống đối sự tự do tôn giáo bắt đầu lo sợ. Giữa thập niên 1990, họ tấn công bằng cách khơi dậy cuộc chiến về pháp lý. Cuộc đấu tranh này trải qua bốn giai đoạn dài trước khi ngã ngũ.

ĐIỀU TRA VỀ VIỆC PHẠM TỘI MANG LẠI KẾT QUẢ BẤT NGỜ

Giai đoạn đầu tiên của cuộc đấu tranh bắt đầu vào tháng 6 năm 1995. Một nhóm người có trụ sở ở Mát-xcơ-va, công khai liên kết với Giáo hội Chính Thống Nga, đã đâm đơn khiếu nại anh em chúng ta về việc có những hành vi phạm tội. Nhóm này cho rằng họ đại diện cho những thành viên cảm thấy không bằng lòng vì người hôn phối hoặc con cái trở thành Nhân Chứng. Vào tháng 6 năm 1996, các nhà điều tra bắt đầu tìm bằng chứng về hành động sai trái của Nhân Chứng, nhưng không tìm được. Dù vậy, nhóm này vẫn đâm một đơn khiếu nại khác—lần nữa buộc tội các anh em về hành vi phạm tội. Các nhà điều tra mở một cuộc điều tra khác, nhưng tất cả lời buộc tội đều bị bác bỏ. Tuy thế, những kẻ chống đối lại đưa đơn khiếu nại lần thứ ba, với cùng những lý do trên. Một lần nữa, các Nhân Chứng ở Mát-xcơ-va bị điều tra, nhưng công tố viên vẫn đi đến cùng kết luận—không có cơ sở nào để bắt đầu một vụ kiện về việc phạm tội. Rồi những kẻ chống đối đã đâm đơn khiếu nại về cùng một vấn đề lần thứ tư, và lần này công tố viên cũng không tìm thấy bằng chứng. Điều không ngờ là nhóm này lại xin điều tra lần nữa. Cuối cùng, vào ngày 13-4-1998, người phụ trách điều tra mới đã xếp lại vụ kiện.

“Nhưng rồi một chuyện kỳ lạ xảy ra”, một luật sư tham gia vào vụ kiện nói. Dù người đại diện văn phòng công tố viên phụ trách cuộc điều tra thứ năm thừa nhận rằng không có bằng chứng về hành vi phạm tội, nhưng bà ấy vẫn đề nghị mở một phiên tòa dân sự chống lại Nhân Chứng. Bà ấy cho rằng Cộng đồng Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mát-xcơ-va đã vi phạm luật quốc gia và quốc tế. Công tố viên của Khu vực Hành chính Miền bắc Mát-xcơ-va đã đồng ý và nộp đơn khiếu nại về dân sự *. Vào ngày 29-9-1998, các phiên tòa bắt đầu diễn ra ở Tòa án Quận Golovinsky của Mát-xcơ-va. Đó là mở đầu của giai đoạn thứ hai.

KINH THÁNH RA TÒA

Trong phòng xử án chật chội ở miền bắc Mát-xcơ-va, công tố viên Tatyana Kondratyeva phát động cuộc tấn công, dùng điều luật của quốc gia được ký vào năm 1997. Luật này xác định Chính Thống giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Phật giáo là những tôn giáo truyền thống *. Nhưng trên thực tế, luật này gây khó dễ cho những tôn giáo khác trong việc được công nhận hợp pháp. Luật cũng cho phép các tòa cấm những tôn giáo kích động lòng ghen ghét. Dựa trên luật này, công tố viên buộc tội Nhân Chứng Giê-hô-va kích động lòng ghen ghét và làm đổ vỡ gia đình, vì thế phải bị cấm.

Một luật sư biện hộ cho anh em chúng ta đã nói: “Xin cho biết cá nhân nào trong Hội thánh Mát-xcơ-va đã vi phạm luật pháp”. Công tố viên không nêu lên được tên nào. Nhưng bà khẳng định rằng các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va kích động sự thù nghịch về tôn giáo. Để chứng minh, bà trích từ tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! cũng như những ấn phẩm khác (xin xem hình ở trên). Khi được hỏi những ấn phẩm ấy gây thù nghịch như thế nào, bà đáp: “Nhân Chứng Giê-hô-va dạy rằng họ là tôn giáo thật”.

Một luật sư khác, là Nhân Chứng, đưa Kinh Thánh cho chánh án và công tố viên. Sau đó anh đọc Ê-phê-sô 4:5, câu này nói: “Chỉ có một Chúa, một đức-tin, một phép báp-têm”. Một lát sau, cả ba người—chánh án, công tố viên và luật sư—đều cầm Kinh Thánh trong tay, bàn về những câu Kinh Thánh như Giăng 17:18 và Gia-cơ 1:27. Tòa án hỏi: “Những câu này có kích động sự thù nghịch về tôn giáo không?”. Công tố viên trả lời rằng bà không đủ khả năng bình phẩm về Kinh Thánh. Luật sư trình bày những ấn phẩm của Giáo hội Chính thống Nga lên án mạnh mẽ Nhân Chứng Giê-hô-va, rồi hỏi: “Những điều này có vi phạm luật pháp không?”. Công tố viên trả lời: “Tôi không đủ khả năng bình phẩm về những tranh luận của giới chức sắc”.

BÊN NGUYÊN CÁO CHÙN BƯỚC

Khi buộc tội Nhân Chứng về việc làm đổ vỡ gia đình, công tố viên nói rằng Nhân Chứng không cử hành những ngày lễ như Lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, sau đó bà thừa nhận luật pháp Nga không đòi hỏi công dân cử hành Lễ Giáng Sinh. Những người Nga, gồm các Nhân Chứng Giê-hô-va người Nga, có quyền lựa chọn. Công tố viên cũng khẳng định rằng tổ chức của chúng ta ‘tước đi quyền trẻ em được hưởng niềm vui và nghỉ ngơi như mọi người’. Dù vậy, khi bị hỏi, bà thừa nhận là chưa bao giờ nói chuyện với một người trẻ được nuôi dạy trong gia đình Nhân Chứng. Khi một luật sư hỏi công tố viên rằng bà đã tham dự nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va chưa, bà đáp: “Không cần thiết”.

Bên nguyên cáo mời một giáo sư về tâm thần cho biết ý kiến trước tòa. Ông cho rằng đọc các ấn phẩm của chúng ta sẽ gây vấn đề về tâm thần. Luật sư biện hộ nhận xét rằng lời giáo sư ấy đọc trước tòa giống y như một tài liệu được Giáo phận Mát-xcơ-va soạn thảo. Giáo sư thừa nhận có một số phần dùng từ y như nhau. Ông nói: “Chúng tôi dùng chung một đĩa mềm”. Khi bị thẩm vấn tiếp, ông cho thấy mình chưa từng điều trị cho một Nhân Chứng Giê-hô-va. Trái lại, một giáo sư tâm thần khác được thẩm vấn trước tòa đã khảo sát hơn 100 Nhân Chứng ở Mát-xcơ-va. Ông nhận thấy nhóm này tâm thần bình thường, và nói thêm rằng những thành viên trong nhóm từ khi trở thành Nhân Chứng thì tôn trọng các tôn giáo khác nhiều hơn.

THẮNG KIỆN—NHƯNG CHƯA KẾT THÚC

Vào ngày 12-3-1999, chánh án chỉ định năm học giả nghiên cứu về ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va, và bà hoãn phiên tòa lại. Trước phiên tòa này, Bộ Tư pháp của chính phủ liên bang Nga đã có lệnh cho một nhóm học giả nghiên cứu về ấn phẩm của chúng ta rồi. Vào ngày 15-4-1999, nhóm này báo cáo rằng họ không tìm thấy gì độc hại trong các ấn phẩm. Vì thế, ngày 29-4-1999, Bộ Tư pháp xác nhận lại việc Nhân Chứng Giê-hô-va là tôn giáo hợp pháp ở Nga. Dù có trong tay bản báo cáo tích cực ấy, tòa án Mát-xcơ-va vẫn một mực rằng một nhóm học giả khác phải xem xét tài liệu của chúng ta. Đây là một trường hợp kỳ lạ! Bộ Tư pháp của cả nước Nga công nhận Nhân Chứng Giê-hô-va tuân thủ luật pháp và là tôn giáo hợp pháp. Cùng lúc đó, Sở Tư pháp của Mát-xcơ-va lại đang điều tra Nhân Chứng vì người ta vu cáo họ vi phạm luật!

Gần hai năm sau phiên tòa mới tiếp tục, và vào ngày 23-2-2001, chánh án Yelena Prokhorycheva đi đến quyết định. Sau khi xem xét kết quả của nhóm nghiên cứu mà bà chỉ định, bà đưa ra phán quyết: “Không có cơ sở nào để đóng cửa và cấm đoán hoạt động của cộng đồng tôn giáo Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mát-xcơ-va”. Cuối cùng, tòa xác minh anh em chúng ta vô tội trước tất cả những lời vu cáo! Tuy nhiên, công tố viên phản đối phán quyết ấy và kháng cáo lên Tòa án thành phố Mát-xcơ-va. Ba tháng sau, vào ngày 30-5-2001, tòa án này bãi bỏ phán quyết của chánh án Prokhorycheva. Tòa ra lệnh có một vụ xét xử mới với cùng công tố viên nhưng do một chánh án khác đảm nhiệm. Giai đoạn thứ ba sắp bắt đầu.

THUA KIỆN—NHƯNG CHƯA KẾT THÚC

Ngày 30-10-2001, chánh án Vera Dubinskaya bắt đầu vụ xét xử mới *. Công tố viên Kondratyeva lặp lại lời cáo buộc cũ rích là Nhân Chứng Giê-hô-va kích động sự thù nghịch về tôn giáo. Nhưng rồi bà lại nói thêm rằng cấm Nhân Chứng Giê-hô-va là một cách để bảo vệ quyền của các Nhân Chứng ở Mát-xcơ-va! Đáp lại lời tuyên bố lạ lùng ấy, lập tức cả 10.000 Nhân Chứng ở Mát-xcơ-va ký tên vào đơn thỉnh cầu tòa bác bỏ lời đề nghị của công tố viên về việc “bảo vệ” đó.

Công tố viên nói bà không cần thiết phải đưa ra bằng chứng về việc Nhân Chứng phạm tội. Bà cho rằng phiên tòa là về các ấn phẩm và niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va, chứ không phải hoạt động của Nhân Chứng. Bà tuyên bố sẽ nhờ một phát ngôn viên của Giáo hội Chính thống Nga làm nhân chứng trước tòa. Dĩ nhiên, lời tuyên bố đó xác định các thành viên của hàng giáo phẩm có liên quan chặt chẽ đến việc tìm cách cấm đoán Nhân Chứng. Vào ngày 22-5-2003, chánh án ra lệnh rằng một nhóm chuyên gia sẽ nghiên cứu ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va—một lần nữa.

Ngày 17-2-2004, phiên tòa xem lại kết quả của cuộc nghiên cứu. Các chuyên gia nhận thấy rằng ấn phẩm của chúng ta khuyến khích độc giả “giữ gìn hôn nhân và gia đình” và lời tuyên bố ấn phẩm kích động sự thù nghịch là “vô căn cứ”. Những học giả khác đồng ý. Một giáo sư nghiên cứu lịch sử tôn giáo được thẩm vấn: “Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng?”. Ông trả lời tòa: “Công việc rao giảng là một bổn phận của tín đồ Ki-tô giáo. Đó là điều mà Phúc âm nói và là nhiệm vụ Chúa Giê-su giao cho các môn đồ—‘hãy đi và rao truyền khắp đất’”. Tuy nhiên, ngày 26-3-2004, chánh án đã cấm hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mát-xcơ-va. Ngày 16-6-2004, Tòa án thành phố Mát-xcơ-va phê chuẩn phán quyết ấy *.

Các anh em chúng ta phản ứng thế nào trước lệnh cấm? Họ đã hành động như Nê-hê-mi thời xưa. Thời ấy, khi kẻ thù của dân Đức Chúa Trời chống đối việc xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi và dân sự không để bị phân tâm bởi bất cứ hành động chống đối nào. Trái lại, họ tiếp tục “xây-cất” và “chuyên thành làm công-việc” (Nê 4:1-6). Tương tự, các anh em ở Mát-xcơ-va không để những kẻ chống đối làm họ phân tâm trong công việc phải được thực hiện ngày nay: rao giảng tin mừng (1 Phi 4:12, 16). Họ tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho họ, và sẵn sàng cho giai đoạn thứ tư của cuộc đấu tranh dài này.

SỰ THÙ NGHỊCH GIA TĂNG

Vào ngày 25-8-2004, anh em chúng ta nộp một đơn thỉnh cầu cho điện Kremlin gửi Vladimir Putin, tổng thống Nga thời đó. Đơn thỉnh cầu ấy nói lên cảm xúc về lệnh cấm, gồm 76 tập và có hơn 315.000 chữ ký. Trong thời gian ấy, hàng giáo phẩm Chính Thống giáo Nga cho thấy bộ mặt thật của mình. Người đại diện cho Giáo trưởng Mát-xcơ-va tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn phản đối hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va”. Một lãnh đạo Hồi giáo nói rằng ban hành lệnh cấm ấy là “một bước ngoặt và sự kiện tốt đẹp”.

Không ngạc nhiên gì, phần tử bị lừa bởi những lời vu cáo trên đã táo bạo tấn công Nhân Chứng Giê-hô-va. Những người chống đối đấm và đá một số Nhân Chứng khi họ đang rao giảng ở Mát-xcơ-va. Một người đàn ông giận dữ đã đuổi một chị chạy ra khỏi tòa nhà và đá vào xương sống chị mạnh đến nỗi chị ngã và bị đập đầu. Chị phải vào bệnh viện chữa trị nhưng cảnh sát không làm gì với người đàn ông ấy. Những Nhân Chứng khác bị cảnh sát bắt, lấy dấu vân tay, chụp hình và bắt giam qua đêm. Những người quản lý nơi nhóm lại ở Mát-xcơ-va có nguy cơ bị sa thải nếu tiếp tục cho Nhân Chứng mướn chỗ. Chẳng bao lâu sau, nhiều hội thánh mất nơi nhóm họp. Bốn mươi hội thánh phải dùng chung một cơ sở Phòng Nước Trời gồm bốn sảnh. Một hội thánh dùng nơi này phải tổ chức buổi diễn văn công cộng vào bảy giờ rưỡi sáng. Một giám thị lưu động kể lại: “Để tham dự, người công bố phải thức dậy lúc năm giờ, nhưng họ sẵn sàng làm thế trong hơn một năm”.

“ĐỂ LÀM CHỨNG”

Để cho thấy luật cấm ở Mát-xcơ-va không hợp pháp, vào tháng 12 năm 2004, các luật sư của chúng ta đã tìm sự giúp đỡ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. (Xin xem khung “Tại sao một phán quyết ở Nga được xem lại ở Pháp?”, nơi trang 6). Sáu năm sau, vào ngày 10-6-2010, sau khi xem xét tất cả những lời vu cáo, tòa nhất trí quyết định Nhân Chứng Giê-hô-va vô tội *! Tòa cho biết rằng những lời vu cáo ấy hoàn toàn vô căn cứ. Tòa cũng cho biết rằng Nga có nhiệm vụ “chấm dứt sự vi phạm mà tòa nhận thấy và điều chỉnh lại càng nhiều càng tốt”.—Xin xem khung “Phán quyết của tòa”, nơi trang 8.

Những kết luận rõ ràng liên quan đến cách Hiệp định Châu Âu về Nhân quyền bảo vệ hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va không chỉ áp dụng ở Nga mà còn ở 46 nước khác là thành viên Hội đồng Châu Âu (Council of Europe). Hơn thế nữa, trên thế giới, các học giả luật, thẩm phán, nhà lập pháp, cũng như những người nghiên cứu về nhân quyền sẽ lưu ý đến những kết luận này. Tại sao? Khi đưa ra phán quyết, tòa đã đề cập đến không chỉ tám phán quyết trước đây của tòa ủng hộ Nhân Chứng Giê-hô-va, mà còn chín vụ thắng kiện trước của Nhân Chứng Giê-hô-va ở những tòa án tối cao của Argentina, Canada, Hoa Kỳ, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Việc đề cập này và việc tòa bác bỏ thẳng thắn những lời vu cáo của công tố viên Mát-xcơ-va đã là một công cụ mạnh mẽ để cộng đồng Nhân Chứng Giê-hô-va khắp thế giới bảo vệ đức tin và hoạt động của mình.

Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại” (Mat 10:18). Cuộc đấu tranh pháp lý diễn ra trong 15 năm qua đã cho các anh em chúng ta cơ hội làm sáng danh Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết ở Mát-xcơ-va và nhiều nơi khác. Nhờ các vụ điều tra, vụ xử kiện và phán quyết của tòa án quốc tế, người ta chú ý đến Nhân Chứng. Điều đó thật ra đã “làm chứng” và góp phần vào “sự tấn-tới cho [tin mừng]” (Phi-líp 1:12). Ngày nay khi Nhân Chứng ở Mát-xcơ-va đi rao giảng, nhiều người hỏi: “Không phải họ đã cấm các anh sao?”. Anh em chúng ta thường tận dụng câu hỏi đó để giúp người nghe biết thêm thông tin về niềm tin của chúng ta. Rõ ràng, không sự chống đối nào có thể ngăn cản chúng ta rao giảng về Nước Trời. Cầu xin Đức Giê-hô-va tiếp tục ban phước cũng như nâng đỡ các anh em yêu dấu và can đảm của chúng ta ở Nga.

[Chú thích]

^ đ. 8 Đơn khiếu nại được nộp vào ngày 20-4-1998. Hai tuần sau, vào ngày 5 tháng 5, Nga thông qua Hiệp định Châu Âu về Nhân quyền.

^ đ. 10 “Luật này được thông qua dưới áp lực mạnh của Giáo hội Chính Thống Nga, là tổ chức quyết liệt bảo vệ vị trí của mình ở Nga và mong muốn nhìn thấy Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm”.—Theo Associated Press, ngày 25-6-1999.

^ đ. 20 Điều trớ trêu là ngày ấy cũng là kỷ niệm 10 năm của việc thông qua điều luật ở Nga về việc xác nhận Nhân Chứng Giê-hô-va là nạn nhân của sự áp bức về tôn giáo thời trước đó.

^ đ. 22 Lệnh cấm này đã đóng cửa pháp nhân của các hội thánh ở Mát-xcơ-va. Những kẻ chống đối hy vọng rằng việc đóng cửa này sẽ cản trở các anh em chúng ta thi hành thánh chức.

^ đ. 28 Vào ngày 22-11-2010, năm thẩm phán đại diện cho Phòng Thẩm phán Tối cao của Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã bác bỏ yêu cầu của Nga là chuyển vụ kiện lên Phòng Thẩm phán Tối cao. Khi làm thế, phán quyết của ngày 10-6-2010 trở thành phán quyết cuối cùng và được cưỡng chế.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Tại sao một phán quyết ở Nga được xem lại ở Pháp?

Vào ngày 28-2-1996, Nga ký Hiệp định Châu Âu về Nhân quyền. (Vào ngày 5-5⁠-1998, Nga thông qua Hiệp định). Khi ký hiệp định ấy, chính phủ Nga tuyên bố rằng công dân có những quyền sau:

‘quyền tự do tín ngưỡng và quyền thực hành tín ngưỡng ở nhà cũng như nơi công cộng, và thay đổi tín ngưỡng nếu muốn’.​—Điều 9.

‘quyền được nói và viết một cách có trách nhiệm những gì mình suy nghĩ, và truyền thông tin cho người khác’.​—Điều 10.

‘quyền được tham gia các buổi họp hòa bình’.​—Điều 11.

Các cá nhân hoặc tổ chức là nạn nhân của việc vi phạm hiệp định và đã cố gắng kiện lên các tòa trong nước nhưng không có kết quả thỏa đáng thì có thể kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg, Pháp (hình ở trên). Tòa này gồm 47 thẩm phán​—con số bằng với số quốc gia ký Hiệp định Châu Âu về Nhân quyền. Phán quyết của tòa mang tính cưỡng chế. Các nước đã ký hiệp định phải làm theo phán quyết ấy.

[Khung nơi trang 8]

Phán quyết của tòa

Sau đây là một số phần trích trong phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Một lời cáo buộc là Nhân Chứng Giê-hô-va làm đổ vỡ gia đình. Tòa bác bỏ điều này. Phán quyết nói:

“Lý do gây ra sự xung đột là các thành viên không theo tín ngưỡng trong gia đình đã chống đối, không sẵn sàng chấp nhận và không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và quyền thực hành tín ngưỡng của người nhà mình”.⁠—Đoạn 111.

Tòa cũng không tìm được bằng chứng nào ủng hộ lời cáo buộc là Nhân Chứng dùng những phương cách để “kiểm soát tâm trí” người khác. Tòa nói:

“Tòa nhận thấy rõ ràng là các tòa [của Nga] không nêu lên tên một cá nhân cho là bị vi phạm quyền tự do ý chí qua những phương cách đó”.​—Đoạn 129.

Một lời cáo buộc khác là Nhân Chứng Giê-hô-va xâm phạm sức khỏe của tín đồ qua việc không nhận truyền máu. Tòa tuyên bố ngược lại:

“Tự do chấp nhận hoặc từ chối một phương pháp trị liệu cụ thể, hoặc chọn một phương pháp trị liệu khác, là thiết yếu trong nguyên tắc về quyền tự quyết và tự do cá nhân. Thí dụ, một bệnh nhân trưởng thành và minh mẫn có tự do quyết định phẫu thuật hoặc điều trị hay không. Vì cùng lý do đó, người ấy có tự do quyết định nhận truyền máu hay không”.​—Đoạn 136.