Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là gì?

Sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là gì?

Sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là gì?

“Còn lại một ngày yên-nghỉ cho dân Đức Chúa Trời”.—HÊ 4:9.

1, 2. Chúng ta kết luận gì từ câu Sáng-thế Ký 2:1-3 về ngày thứ bảy? Và câu hỏi nào được nêu lên?

Từ chương đầu của sách Sáng-thế Ký, chúng ta được biết Đức Chúa Trời chuẩn bị trái đất cho loài người trong sáu ngày theo nghĩa bóng. Cuối mỗi giai đoạn ghi như sau: “Vậy, có buổi chiều và buổi mai” (Sáng 1:5, 8, 13, 19, 23, 31). Tuy nhiên, khi xem xét Sáng-thế Ký 2:1-3 về ngày thứ bảy, chúng ta không tìm thấy câu này.

2 Việc không có câu ấy ngụ ý ngày thứ bảy—ngày “nghỉ” của Đức Chúa Trời—vẫn chưa kết thúc vào năm 1513 TCN, khi Môi-se viết sách Sáng-thế Ký. Vậy, ngày nghỉ của Đức Chúa Trời vẫn kéo dài đến ngày nay không? Nếu có, chúng ta có thể vào đó không? Lời giải đáp cho những câu hỏi này rất quan trọng cho chúng ta.

Đức Giê-hô-va vẫn còn “nghỉ” không?

3. Làm thế nào lời Chúa Giê-su được ghi nơi Giăng 5:16, 17 cho thấy ngày thứ bảy vẫn còn vào thế kỷ thứ nhất?

3 Có hai bằng chứng có thể giúp chúng ta biết ngày thứ bảy vẫn kéo dài vào thế kỷ thứ nhất. Trước tiên, hãy xem lời Chúa Giê-su nói với những kẻ chống đối—những kẻ chỉ trích ngài vì đã chữa lành trong ngày Sa-bát, là điều mà họ cho là một hình thức làm việc. Chúa Giê-su phán với họ: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:16, 17). Chúa Giê-su muốn nói gì? Vì bị buộc tội là làm việc trong ngày Sa-bát, nên ngài trả lời: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ”. Như thể Chúa Giê-su nói với những kẻ chỉ trích: “Cha ta và ta cùng làm một loại công việc. Cha ta tiếp tục làm việc trong ngày Sa-bát dài hàng ngàn năm của Ngài thì ta cũng được phép tiếp tục làm việc, dù là ngày Sa-bát”. Vậy, Chúa Giê-su cho thấy ngày thứ bảy vẫn còn vào thời ngài. Dù trong ngày này Đức Chúa Trời nghỉ công việc sáng tạo trên đất, nhưng Ngài vẫn làm việc để hoàn tất ý định dành cho nhân loại và trái đất *.

4. Qua lời Phao-lô, chúng ta có thêm bằng chứng nào cho thấy ngày thứ bảy vẫn tiếp tục vào thời ông?

4 Sứ đồ Phao-lô cho biết bằng chứng thứ hai. Khi trích Sáng-thế Ký 2:2 về sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, Phao-lô viết lời được soi dẫn sau: “Chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên-nghỉ” (Hê 4:3, 4, 6, 9). Thế nên, ngày thứ bảy vẫn tiếp tục vào thời Phao-lô. Vậy, ngày yên nghỉ đó sẽ kéo dài bao lâu nữa?

5. Mục tiêu của ngày thứ bảy là gì, và khi nào mục tiêu ấy được hoàn thành?

5 Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhớ mục tiêu của ngày thứ bảy. Sáng-thế Ký 2:3 cho biết: “Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh”. Ngày đó được ‘đặt là thánh’—tức được Đức Giê-hô-va biệt riêng ra—hầu hoàn thành ý định của Ngài. Ý định ấy là cả trái đất đầy những người biết vâng lời, là những người sẽ chăm sóc trái đất và muôn vật trên đó (Sáng 1:28). Chính là vì ý định này mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, “Chúa ngày Sa-bát”, đã “làm việc cho đến bây giờ” (Mat 12:8). Ngày nghỉ của Đức Chúa Trời sẽ kéo dài cho đến khi ý định Ngài được hoàn thành vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su.

Đừng “theo gương những kẻ không vâng phục”

6. Những gương nào cảnh báo chúng ta? Và chúng ta có thể rút ra bài học gì?

6 Ý định của Đức Chúa Trời được truyền đạt rõ ràng cho A-đam và Ê-va, nhưng họ đã không hợp tác làm theo ý định đó. Dĩ nhiên, A-đam và Ê-va chỉ là những người đầu tiên đi theo con đường không vâng phục. Kể từ thời họ, có hàng triệu người cũng làm thế. Thậm chí dân được Đức Chúa Trời chọn, dân Y-sơ-ra-ên, cũng đi theo con đường không vâng phục. Và điều đáng lưu ý là Phao-lô cảnh báo các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất rằng một số người trong họ có thể rơi vào bẫy như dân Y-sơ-ra-ên xưa. Ông viết: “Chúng ta phải gắng sức vào sự yên-nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia [“những kẻ không vâng phục”, Bản Dịch Mới] mà vấp-ngã” (Hê 4:11). Phao-lô liên kết sự không vâng phục với việc không vào được sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa gì cho chúng ta? Nếu chống lại ý định Đức Chúa Trời trong một cách nào đó, chẳng phải chúng ta đứng trước nguy cơ không được vào sự yên nghỉ của Ngài sao? Rõ ràng, vấn đề này vô cùng quan trọng với chúng ta, và sau này chúng ta sẽ xem xét thêm. Nhưng giờ đây, hãy xem gương xấu của dân Y-sơ-ra-ên xưa dạy chúng ta thêm điều gì về việc vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời.

“Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên-nghỉ của ta!”

7. Khi giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi vòng nô lệ ở Ê-díp-tô, Đức Giê-hô-va có mục tiêu nào? Và Ngài đòi hỏi gì nơi họ?

7 Vào năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định về dân Y-sơ-ra-ên cho tôi tớ Ngài là Môi-se. Đức Chúa Trời phán: “Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy [Ê-díp-tô] lên đến một xứ kia đẹp-đẽ và rộng-rãi, đượm sữa và mật” (Xuất 3:8). Như lời Đức Giê-hô-va hứa với tổ phụ họ là Áp-ra-ham, mục tiêu của Ngài trong việc giải cứu dân Y-sơ-ra-ên “khỏi tay người Ê-díp-tô” là để lập họ thành dân Ngài (Sáng 22:17). Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên một bộ luật để giúp họ giữ mối quan hệ hòa thuận với Ngài (Ê-sai 48:17, 18). Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta [như được ghi trong Luật pháp], thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta” (Xuất 19:5, 6). Vì thế, việc dân Y-sơ-ra-ên được hưởng mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời tùy thuộc vào việc vâng lời Ngài.

8. Nếu dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Đức Chúa Trời, họ có thể có đời sống thế nào?

8 Hãy nghĩ xem đời sống sẽ như thế nào nếu dân Y-sơ-ra-ên vâng lời Đức Chúa Trời! Đức Giê-hô-va hẳn sẽ ban phước cho đồng ruộng, vườn nho và bầy súc vật của họ. Ngài sẽ bảo vệ họ khỏi kẻ thù. (Đọc 1 Các Vua 10:23-27). Khi Đấng Mê-si xuất hiện, ngài sẽ thấy dân Y-sơ-ra-ên là một nước độc lập, không bị áp bức dưới ách thống trị của La Mã. Dân Y-sơ-ra-ên hẳn sẽ là một nước gương mẫu cho các dân tộc xung quanh, chứng minh rằng vâng lời Đức Chúa Trời thật mang lại những ân phước về thiêng liêng và thể chất.

9, 10. (a) Tại sao việc dân Y-sơ-ra-ên mong muốn trở về Ê-díp-tô là vấn đề nghiêm trọng? (b) Việc trở lại Ê-díp-tô có thể ảnh hưởng thế nào đến sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên?

9 Dân Y-sơ-ra-ên có đặc ân quý giá là được hợp tác làm theo ý định của Đức Giê-hô-va, nhờ đó mang lại ân phước không chỉ cho họ mà cho tất cả các dân trên đất! (Sáng 22:18). Tuy nhiên, với tư cách là một dân tộc, thế hệ phản nghịch ấy đã không màng đến việc thành lập một nước gương mẫu dưới sự cai trị thần quyền. Họ thậm chí còn muốn quay lại Ê-díp-tô! (Đọc Dân-số Ký 14:2-4). Việc họ quay lại Ê-díp-tô có góp phần thực hiện ý định Đức Chúa Trời là khiến họ trở thành một nước gương mẫu không? Chắc chắn không. Trái lại, nếu dân Y-sơ-ra-ên trở lại làm nô lệ dưới tay người ngoại, họ sẽ không bao giờ có thể giữ Luật pháp Môi-se và nhận lợi ích từ sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm tha thứ tội lỗi. Họ thật thiển cận và có quan điểm xác thịt! Không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va nói với những kẻ phản nghịch ấy: “Ta giận dòng-dõi nầy, và phán rằng: Lòng chúng nó lầm-lạc luôn, chẳng từng biết đường-lối ta. Nầy là lời thề mà ta lập trong cơn thạnh-nộ, rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên-nghỉ của ta!”.—Hê 3:10, 11; Thi 95:10, 11.

10 Khi tìm cách trở về Ê-díp-tô, dân tộc ngang bướng ấy cho thấy họ xem những thứ như củ kiệu, hành và tỏi ở Ê-díp-tô quan trọng hơn những ân phước thiêng liêng (Dân 11:5). Như Ê-sau vô ơn, dân phản nghịch sẵn sàng đánh mất di sản thiêng liêng để đổi lấy một bữa ăn ngon.—Sáng 25:30-32; Hê 12:16.

11. Sự bất trung của những người Y-sơ-ra-ên vào thời Môi-se ảnh hưởng thế nào đến ý định Đức Chúa Trời?

11 Dù thế hệ người Y-sơ-ra-ên rời Ê-díp-tô tỏ ra thiếu đức tin, Đức Giê-hô-va tiếp tục kiên nhẫn “làm việc” để hoàn thành ý định của Ngài. Bấy giờ Ngài chú tâm đến thế hệ tiếp theo. Thế hệ mới này biết vâng lời hơn ông cha của họ. Phù hợp với lệnh của Đức Giê-hô-va, họ vào Đất Hứa và bắt đầu chinh phục vùng này. Nơi Giô-suê 24:31 cho biết: “Y-sơ-ra-ên phục-sự Đức Giê-hô-va trọn lúc sanh-tiền của Giô-suê và các trưởng-lão mà biết việc Đức Giê-hô-va đã làm vì Y-sơ-ra-ên”.

12. Làm thế nào chúng ta biết ngày nay tín đồ Đấng Christ có thể vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?

12 Tuy nhiên, những người biết vâng lời ấy dần qua đời và một thế hệ khác xuất hiện, “chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên”. Hậu quả là “dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần-tượng của Ba-anh” (Quan 2:10, 11). Vì không vâng lời, dân Y-sơ-ra-ên không còn hòa thuận với Đức Chúa Trời nữa. Thế nên, Đất Hứa không là nơi “yên-nghỉ” cho họ. Phao-lô viết về những người Y-sơ-ra-ên này: “Nếu Giô-suê đã cho họ yên-nghỉ, thì chắc sau [Đức Chúa Trời] không còn nói về một ngày khác nữa”. Và ông viết thêm: “Vậy thì còn lại một ngày yên-nghỉ cho dân Đức Chúa Trời” (Hê 4:8, 9). “Dân Đức Chúa Trời” mà Phao-lô đề cập là các tín đồ Đấng Christ. Vậy, điều này có nghĩa là các tín đồ Đấng Christ có thể vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời không? Chắc chắn có—cả tín đồ Đấng Christ người Do Thái lẫn không phải Do Thái!

Một số người không vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời

13, 14. Có sự liên hệ nào giữa việc giữ Luật pháp Môi-se và việc vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời (a) vào thời Môi-se? (b) vào thế kỷ thứ nhất?

13 Khi viết cho các tín đồ người Do Thái, Phao-lô lo lắng là một số người không hợp tác làm theo ý định đang tiến triển của Đức Chúa Trời. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:1). Như thế nào? Điều này cũng liên quan đến việc giữ Luật pháp Môi-se. Trong khoảng 1.500 năm, bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào muốn sống hòa hợp với ý định Đức Chúa Trời đều phải giữ Luật pháp. Tuy nhiên, với sự hy sinh của Chúa Giê-su, Luật pháp không còn hiệu lực nữa. Một số tín đồ Đấng Christ đã không nhận ra điều đó, và họ vẫn khăng khăng giữ một số khía cạnh của Luật pháp *.

14 Nói với những tín đồ Đấng Christ một mực giữ Luật pháp, Phao-lô giải thích rằng thầy tế lễ thượng phẩm là Chúa Giê-su, giao ước mới và đền thờ thiêng liêng thì vượt trội hơn thầy tế lễ thượng phẩm, giao ước và đền thờ trước thời đạo Đấng Christ (Hê 7:26-28; 8:7-10; 9:11, 12). Dường như đang nghĩ đến việc giữ ngày Sa-bát hàng tuần theo Luật pháp, Phao-lô viết về đặc ân được vào ngày yên nghỉ của Đức Chúa Trời: “Còn lại một ngày yên-nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. Vì ai vào sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công-việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công-việc của Ngài vậy” (Hê 4:8-10). Những tín đồ Đấng Christ người Do Thái ấy cần phải thay đổi lối suy nghĩ, họ không phải làm theo Luật pháp Môi-se để được ân huệ của Đức Chúa Trời. Từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Chúa Trời đã khoan dung ban ân huệ cho những ai thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su.

15. Để vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, tại sao vâng lời là điều thiết yếu?

15 Điều gì đã cản trở dân Y-sơ-ra-ên thời Môi-se vào Đất Hứa? Sự bất tuân. Điều gì đã cản trở một số tín đồ Đấng Christ thời Phao-lô vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời? Cũng là sự bất tuân. Họ đã không nhận biết Luật pháp đã hoàn tất mục tiêu và Đức Giê-hô-va đang dẫn dắt dân Ngài theo một hướng khác.

Vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời thời nay

16, 17. (a) Ngày nay, làm sao chúng ta vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

16 Thời nay, không có ai trong chúng ta nhất quyết giữ một khía cạnh nào đó của Luật pháp Môi-se để được cứu. Lời được soi dẫn mà Phao-lô viết cho anh em ở Ê-phê-sô rất rõ ràng: “Ấy là nhờ ân-điển, bởi đức-tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê 2:8, 9). Vậy, làm sao các tín đồ Đấng Christ ngày nay vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời? Đức Giê-hô-va đã để riêng ngày thứ bảy, ngày nghỉ của Ngài, hầu thực hiện hoàn hảo ý định của Ngài đối với trái đất. Chúng ta vào sự yên nghỉ của Đức Giê-hô-va, tức cùng yên nghỉ với Ngài, bằng cách vâng lời và hành động phù hợp với ý định đang tiến triển của Ngài, là điều đang được tiết lộ qua tổ chức Ngài.

17 Trái lại, nếu xem nhẹ những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh đến từ lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan, chọn theo con đường độc lập, chúng ta đang đặt mình trong vị thế chống lại ý định đang tiến triển của Đức Chúa Trời. Điều này có thể đe dọa mối quan hệ hòa thuận của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số trường hợp thường xảy ra có thể ảnh hưởng đến dân Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng sẽ thảo luận làm thế nào việc chọn vâng lời hay theo con đường độc lập cho thấy chúng ta có thật sự vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời hay không.

[Chú thích]

^ đ. 3 Các thầy tế lễ và người Lê-vi làm những việc liên quan đến đền thờ trong ngày Sa-bát thì “không phải tội”. Là thầy tế lễ thượng phẩm trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su cũng có thể thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà không sợ vi phạm ngày Sa-bát.—Mat 12:5, 6.

^ đ. 13 Chúng ta không biết sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, có tín đồ Đấng Christ người Do Thái nào giữ theo Luật pháp đến mức ủng hộ những sắp đặt của ngày Lễ Chuộc Tội hay không. Nếu làm thế, họ rõ ràng thiếu tôn trọng sự hy sinh của Chúa Giê-su. Dù trường hợp nào đi nữa, một số tín đồ người Do Thái vẫn bám lấy những truyền thống khác liên quan đến Luật pháp Môi-se.—Ga 4:9-11.

Câu hỏi để suy ngẫm

• Ngày thứ bảy dùng để nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời có mục tiêu nào?

• Làm sao chúng ta biết ngày nay vẫn còn là ngày thứ bảy?

• Điều gì cản trở người Y-sơ-ra-ên thời Môi-se cũng như một số tín đồ thế kỷ thứ nhất vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?

• Ngày nay, làm sao chúng ta vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 27]

Chúng ta vào sự yên nghỉ của Đức Giê-hô-va bằng cách vâng lời và hành động phù hợp với ý định đang tiến triển của Ngài, là điều đang được tiết lộ qua tổ chức Ngài

[Các hình nơi trang 26, 27]

Thời xưa cũng như thời nay, điều gì là thiết yếu để vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời?