Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi từng sợ chết nhưng giờ đây chờ đợi “sự-sống dư dật”

Tôi từng sợ chết nhưng giờ đây chờ đợi “sự-sống dư dật”

Tôi từng sợ chết nhưng giờ đây chờ đợi “sự-sống dư dật”

Do Piero Gatti kể lại

Âm thanh ầm ầm nổi lên ngày càng lớn. Sau đó là một hồi còi dài cảnh báo mọi người tìm nơi ẩn nấp. Rồi tiếng rít của những quả bom và tiếng nổ nghe đinh tai nhức óc.

Đó là vào những năm 1943 và 1944 ở Milan, Ý. Là người lính trẻ đóng quân tại đấy, tôi thường được lệnh đi gom xác người chôn vùi trong các hầm trú ẩn bị trúng bom. Người ta thường bị kẹt trong các hầm này, thân thể họ bị xé ra từng mảnh và không nhận diện được. Tôi không những thấy rất gần cái chết của người khác mà đôi khi còn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Trong những lúc như thế, tôi cầu nguyện, hứa với Đức Chúa Trời rằng nếu sống sót qua những cuộc thảm sát này, tôi sẽ làm theo ý Ngài.

Xua tan nỗi sợ sự chết

Tôi lớn lên trong một làng cách thành phố Como, Ý, khoảng 10 cây số, gần biên giới Thụy Sĩ. Thời thơ ấu, tôi đã đối mặt với đau buồn và nỗi sợ sự chết. Dịch cúm Tây Ban Nha đã cướp mất hai chị của tôi. Rồi năm 1930, khi tôi chỉ mới sáu tuổi, mẹ tôi là Luigia qua đời. Lớn lên là một người theo Công giáo, tôi giữ những luật lệ tôn giáo và dự Lễ Mi-sa hằng tuần. Nhưng chỉ nhiều năm sau, nỗi sợ sự chết của tôi mới được xua tan, trong một tiệm cắt tóc, chứ không phải trong nhà thờ.

Trong năm 1944, Thế Chiến II đã tàn sát vô số người. Tôi là một trong hàng chục ngàn lính Ý đã chạy khỏi vùng chiến để đến nước trung lập là Thụy Sĩ. Đến đấy, chúng tôi được đưa vào một số trại tị nạn. Tôi được đưa đến một trại gần Steinach, ở đông bắc Thụy Sĩ. Tại đấy, chúng tôi hưởng một số tự do tương đối. Người thợ cắt tóc ở Steinach cần một phụ việc tạm thời tại cửa hiệu. Tôi sống và làm việc với ông chỉ một tháng thôi, nhưng thời gian ấy đủ để tôi biết một người làm thay đổi cả cuộc đời tôi.

Một trong những khách hàng là anh Adolfo Tellini, người Ý sống ở Thụy Sĩ. Anh là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi chưa bao giờ nghe về nhóm người này, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì thời ấy, số Nhân Chứng không hơn 150 người trên toàn nước Ý. Anh Adolfo nói cho tôi biết những lẽ thật tuyệt diệu trong Kinh Thánh, lời hứa về hòa bình và “sự sống dư-dật” (Giăng 10:10; Khải 21:3, 4). Tôi hoàn toàn bị lôi cuốn bởi thông điệp về một tương lai không có chiến tranh và sự chết. Trở về trại tị nạn, tôi chia sẻ hy vọng này với một thanh niên đồng hương là Giuseppe Tubini, và anh cũng xúc động như tôi. Thỉnh thoảng, anh Adolfo và các Nhân Chứng khác đến trại thăm chúng tôi.

Anh Adolfo đưa tôi đến Arbon, cách Steinach khoảng 10 cây số. Tại đấy có một nhóm nhỏ Nhân Chứng tổ chức nhóm họp bằng tiếng Ý. Tôi thật say mê về những điều mình nghe nên tuần sau tôi đi bộ đến đấy. Sau đó, tôi tham dự hội nghị của Nhân Chứng tại một phòng hội nghị ở Zurich. Tôi thật sự bị sốc khi xem những hình chiếu về trại diệt chủng, thấy thây người chồng chất. Tôi được biết nhiều Nhân Chứng người Đức tử vì đạo. Tại hội nghị ấy, tôi đã gặp chị Maria Pizzato. Vì những hoạt động với tư cách là Nhân Chứng, chị Maria Pizzato bị chính quyền Phát-xít Ý kết án 11 năm.

Khi chiến tranh chấm dứt, tôi trở về Ý và kết hợp với hội thánh nhỏ ở Como. Tôi không được học Kinh Thánh một cách hệ thống, nhưng tôi hiểu rõ các lẽ thật căn bản. Chị Maria Pizzato cũng thuộc hội thánh đó. Chị nói với tôi về việc một tín đồ Đấng Christ cần làm báp-têm và mời tôi đến thăm anh Marcello Martinelli, sống ở Castione Andevenno, thuộc tỉnh Sondrio. Anh Marcello là một anh trung thành được xức dầu, đã bị chế độ độc tài kết án 11 năm. Để thăm anh, tôi đã đạp xe 80 cây số.

Anh Marcello dùng Kinh Thánh giải thích những điều kiện làm báp-têm, sau đó chúng tôi cầu nguyện và đến sông Adda để tôi làm báp-têm. Đó là tháng 9 năm 1946. Ngày ấy thật đặc biệt! Tôi rất vui mừng về quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và giờ đây có hy vọng vững chắc cho tương lai. Tôi vui đến độ hầu như không nhận ra là cả ngày hôm ấy mình đã đạp xe 160 cây số!

Tháng 5 năm 1947, hội nghị đầu tiên sau chiến tranh ở Ý được tổ chức ở Milan. Có khoảng 700 người tham dự, gồm nhiều người đã trải qua sự bắt bớ của chế độ Phát-xít. Có một điều bất thường xảy ra tại hội nghị. Anh Giuseppe Tubini, người mà tôi đã rao giảng ở trại tị nạn, làm bài giảng báp-têm, và sau đó chính anh đã báp-têm!

Tại hội nghị đó, tôi có đặc ân gặp anh Nathan Knorr từ Bê-tên Brooklyn. Anh khuyến khích Giuseppe và tôi dùng đời mình để phụng sự Đức Chúa Trời. Tôi quyết định trong vòng một tháng sẽ bắt đầu làm thánh chức trọn thời gian. Khi về nhà, tôi cho gia đình biết quyết định của mình, và mọi người khuyên can tôi. Nhưng tôi đã quyết chí. Vậy, một tháng sau tôi bắt đầu phụng sự trong nhà Bê-tên ở Milan. Có bốn giáo sĩ phục vụ ở đó: anh Giuseppe (Joseph) Romano và vợ là Angelina, anh Carlo Benanti và vợ là Costanza. Thành viên thứ năm là anh Giuseppe Tubini, vừa mới đến Bê-tên, và thành viên thứ sáu là tôi.

Sau một tháng ở Bê-tên tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh, giám thị đầu tiên sinh ra và phụng sự ở Ý. Anh George Fredianelli, giáo sĩ đầu tiên ở Ý đến từ Hoa Kỳ vào năm 1946, đang làm công việc lưu động. Anh huấn luyện tôi trong vài tuần, và rồi tôi bắt đầu chuyến hành trình này một mình. Tôi đặc biệt nhớ hội thánh đầu tiên tôi viếng thăm—hội thánh Faenza. Hãy hình dung! Cho đến lúc đó tôi chưa từng nói bài giảng trước hội thánh! Dù vậy, tôi khuyến khích cử tọa, trong đó có nhiều người trẻ, nghĩ về việc làm thánh chức trọn thời gian. Sau này, một số người trẻ trong số đó đã nhận được nhiều trách nhiệm quan trọng trong cánh đồng Ý.

Tôi đã bắt đầu đời sống đầy hào hứng của một giám thị lưu động. Đó là đời sống đầy bất ngờ, phải biết thích nghi, nhiều thử thách và niềm vui. Và tôi được cảm nhận tình yêu thương nồng ấm của các anh chị yêu dấu.

Tình hình tôn giáo thời hậu chiến ở Ý

Hãy để tôi kể bạn nghe đôi điều về tình hình tôn giáo ở Ý vào thời đó. Giáo hội Công giáo đang nắm quyền và không ai chống đối được. Hiến pháp mới bắt đầu có hiệu lực vào năm 1948, nhưng mãi đến năm 1956, các luật Phát-xít về việc cấm Nhân Chứng tự do rao giảng mới được bãi bỏ. Vì áp lực của hàng giáo phẩm, hội nghị vòng quanh thường bị gián đoạn. Nhưng đôi khi nỗ lực của hàng giáo phẩm thất bại thảm thương, điều này đã xảy ra vào năm 1948 tại Sulmona, một thị trấn nhỏ ở miền Trung nước Ý.

Hội nghị ấy được tổ chức ở một rạp hát. Vào sáng chủ nhật, tôi làm chủ tọa, và anh Giuseppe Romano nói bài giảng công cộng. Số người tham dự rất đông so với thời ấy. Số người công bố trên cả nước chưa tới 500, nhưng có đến 2.000 người ngồi chật ních rạp hát. Cuối bài giảng, một thanh niên, bị hai linh mục trong cử tọa xúi giục, đã nhảy lên sân khấu. Để gây náo loạn, người này hét ầm lên. Tôi lập tức bảo hắn: “Nếu anh muốn nói điều gì, hãy thuê một hội trường rồi tha hồ mà nói”. Hắn không gây ấn tượng gì với cử tọa, ngược lại tiếng mọi người phản đối lấn át tiếng hét của hắn. Khi thấy thế, thanh niên này nhảy khỏi sân khấu và biến mất.

Vào thời ấy, việc đi lại khá mạo hiểm. Có lúc tôi đi bộ từ hội thánh này đến hội thánh khác, có lúc lái xe đạp, bắt những xe buýt cũ kỹ và chật ních người hoặc đi tàu lửa. Đôi khi tôi nghỉ qua đêm trong chuồng gia súc hoặc nơi để dụng cụ. Chiến tranh vừa mới kết thúc và phần lớn người Ý thì nghèo. Lúc đó có ít anh em và họ cũng không có gì nhiều. Tuy thế, đời sống phụng sự Đức Giê-hô-va thì thật tuyệt vời.

Huấn luyện ở Ga-la-át

Năm 1950, anh Giuseppe Tubini và tôi được mời tham dự khóa 16 của trường đào tạo giáo sĩ Ga-la-át. Ngay từ khi bắt đầu, tôi nhận thấy việc học tiếng Anh sẽ rất khó. Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng đó quả là một thử thách. Chúng tôi phải đọc toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Để làm được điều này, đôi khi tôi phải bỏ ăn trưa để tập đọc lớn tiếng. Cuối cùng, cũng đến phiên tôi làm bài giảng. Tôi nhớ như in lời của một giảng viên: “Anh có điệu bộ và thể hiện sự nhiệt tình rất tốt, nhưng tiếng Anh của anh thì tôi chẳng hiểu được gì cả!”. Dù vậy, tôi đã hoàn tất được khóa học này. Sau đó, anh Giuseppe và tôi được bổ nhiệm về Ý. Nhờ được huấn luyện thêm, chúng tôi được trang bị tốt hơn để phục vụ anh em.

Năm 1955, tôi kết hôn với Lidia, người mà tôi đã làm bài giảng báp-têm bảy năm trước. Cha vợ tôi là Domenico, một anh đáng quý đã giúp cả bảy người con chấp nhận lẽ thật dù chịu sự bắt bớ của chế độ Phát-xít và bị kết án lưu đày ba năm. Lidia cũng là người thật sự biết chiến đấu vì lẽ thật. Vợ tôi đã phải ra tòa ba lần trước khi chúng tôi cuối cùng được quyền hợp pháp để rao giảng từng nhà. Sáu năm sau đám cưới, con trai đầu lòng của chúng tôi là Beniamino ra đời. Năm 1972, chúng tôi sinh một bé trai nữa là Marco. Tôi rất vui khi cả hai cháu và gia đình đang sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Vẫn tích cực phụng sự Đức Giê-hô-va

Tôi có cuộc đời hạnh phúc trong việc phục vụ người khác và có nhiều kinh nghiệm đáng nhớ. Chẳng hạn, đầu thập niên 1980, cha vợ của tôi đã viết thư cho tổng thống Ý thời bấy giờ là Sandro Pertini. Dưới sự cai trị của chế độ độc tài Phát-xít, cả hai bị lưu đày ở đảo Ventotene, nơi giam giữ những người bị xem là kẻ thù. Cha vợ tôi đã xin gặp tổng thống với ý định là rao giảng cho ông. Khi ông được phép, tôi đã đi cùng ông, và chúng tôi được đón tiếp cách thân mật—là điều mà chúng tôi chưa từng trải qua. Khi thấy cha vợ tôi, tổng thống đã ôm chầm lấy ông. Rồi chúng tôi nói về tín ngưỡng của mình và để lại cho ông một số ấn phẩm.

Năm 1991, sau 44 năm làm giám thị lưu động, tôi ngưng công việc vòng quanh. Trong thời gian đó, tôi đã thăm nhiều hội thánh khắp nước Ý. Tôi làm giám thị Phòng hội nghị trong bốn năm kế tiếp, cho đến khi tôi phải giảm bớt hoạt động vì bị bệnh nặng. Tuy nhiên, nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va, tôi vẫn phụng sự trọn thời gian. Tôi cố gắng hết sức để rao giảng và dạy dỗ về tin mừng, và hiện nay tôi đang điều khiển một số học hỏi Kinh Thánh. Các anh vẫn nói với tôi rằng khi nói bài giảng, tôi như một “quả bom” đầy lòng nhiệt thành. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng hăng hái của mình không suy giảm qua năm tháng.

Khi còn trẻ tôi rất sợ sự chết, nhưng hiểu biết chính xác về Kinh Thánh cho tôi hy vọng vững chắc về sự sống vĩnh cửu—là “sự sống dư-dật”, như Chúa Giê-su từng nói (Giăng 10:10). Đó là điều tôi đang trông đợi: Một đời sống hòa bình, an ninh và hạnh phúc, đầy ân phước dồi dào của Đức Giê-hô-va. Mong mọi vinh hiển đều quy về với Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương, là Đấng chúng ta được vinh dự mang danh Ngài.—Thi 83:18.

[Bản đồ nơi trang 22, 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

THỤY SĨ

BERN

Zurich

Arbon

Steinach

Ý

RÔ-MA

Como

Milan

Sông Adda

Castione Andevenno

Faenza

Sulmona

Ventotene

[Hình nơi trang 22]

Trên đường đến Ga-la-át

[Hình nơi trang 22]

Với anh Giuseppe ở Ga-la-át

[Hình nơi trang 23]

Ngày cưới của chúng tôi

[Hình nơi trang 23]

Người vợ yêu dấu đã ở bên tôi hơn 55 năm