Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Chúng ta hiểu những thống kê trong báo cáo công tác hằng năm như thế nào?
Hằng năm, chúng ta trông mong nhận được báo cáo công tác được đăng trong Thánh Chức Nước Trời tháng 2. Thật vui mừng khi thấy thành quả của dân Đức Giê-hô-va thực hiện trong công việc rao giảng và dạy dỗ về Nước Trời. Nhưng để nhận lợi ích tốt nhất từ báo cáo này, chúng ta cần hiểu đúng các mục và con số thống kê. Hãy xem một vài thí dụ.
Năm công tác. Năm công tác bắt đầu từ tháng 9 của năm đến hết tháng 8 năm sau. Báo cáo đăng trong Thánh Chức Nước Trời là của năm công tác trước. Thí dụ, Thánh Chức Nước Trời tháng 2 năm 2011 đăng báo cáo của năm công tác 2010, bắt đầu từ ngày 1-9-2009 đến ngày 31-8-2010.
Số công bố cao nhất và số công bố trung bình. “Số công bố” gồm những Nhân Chứng Giê-hô-va đã báp-têm cũng như những người chưa báp-têm đã hội đủ điều kiện làm người rao giảng về Nước Trời. “Số công bố cao nhất” là con số của tháng có số báo cáo cao nhất trong năm. Con số của tháng ấy có thể bao gồm những báo cáo trễ không nhận được trong tháng trước. Khi đó, một số người công bố được tính hai lần. Tuy nhiên, số cao nhất không bao hàm số người công bố thật sự tham gia thánh chức mà quên báo cáo. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi công bố cần nhanh chóng báo cáo hằng tháng. “Số công bố trung bình” là tổng số báo cáo của các tháng chia cho 12.
Tổng cộng giờ. Theo Thánh Chức Nước Trời tháng 2 năm 2011, Nhân Chứng Giê-hô-va dành ra hơn 1,6 tỷ giờ trong thánh chức. Tuy nhiên, con số tổng cộng này không cho thấy tất cả số giờ chúng ta dành cho việc thờ phượng, vì không bao gồm những giờ chúng ta đều đặn dành cho các hoạt động như chăn chiên, tham dự nhóm họp, học hỏi Kinh Thánh cá nhân và suy ngẫm.
Chi phí. Năm công tác 2010, Nhân Chứng Giê-hô-va chi hơn 155 triệu đô la cho các tiên phong đặc biệt, giáo sĩ và giám thị vòng quanh trong công tác của họ. Tuy nhiên, con số này không bao gồm chi phí in ấn các ấn phẩm, hay chi phí cho hơn 20.000 người tình nguyện làm việc ở các chi nhánh trên khắp thế giới.
Số người dùng bánh và rượu trong Lễ Tưởng Niệm. Đây là số của những người báp-têm đã dùng bánh và rượu trong Lễ Tưởng Niệm trên khắp thế giới. Con số này có cho thấy tổng số người được xức dầu còn lại trên đất không? Không nhất thiết. Có một số yếu tố—vì niềm tin tôn giáo trước đây hoặc thậm chí vì bị rối loạn về tinh thần hoặc cảm xúc—có thể khiến một số người nhầm lẫn cho rằng họ được gọi lên trời. Vì thế, chúng ta không có cách nào để biết chính xác số người được xức dầu trên đất, và điều đó cũng không cần thiết. Hội đồng Lãnh đạo không lập danh sách của những người dùng món biểu tượng vào ngày Lễ Tưởng Niệm *.
Dù không biết chính xác số người được xức dầu còn sót lại, chúng ta biết sẽ có một số “tôi-tớ Đức Chúa Trời” được xức dầu vẫn còn trên đất khi các hướng gió hủy diệt của hoạn nạn lớn được thả ra (Khải 7:1-3). Cho đến lúc đó, những người được xức dầu sẽ dẫn đầu công việc được thể hiện trong báo cáo công tác hằng năm của chúng ta—công việc rao giảng và dạy dỗ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
[Chú thích]
^ đ. 8 Xin xem bài “Quản gia trung tín và hội đồng lãnh đạo thuộc lớp người ấy” trong Tháp Canh ngày 15-6-2009, trang 24.