Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va—“Đức Chúa Trời bình-an”

Đức Giê-hô-va—“Đức Chúa Trời bình-an”

Đức Giê-hô-va—“Đức Chúa Trời bình-an”

“Nguyền xin Đức Chúa Trời bình-an ở với anh em hết thảy”.—RÔ 15:33.

 1, 2. Tình huống căng thẳng nào được miêu tả nơi Sáng-thế Ký chương 32 và 33, và kết cuộc ra sao?

 Ê-sau và Gia-cốp sắp gặp nhau gần thành Phê-ni-ên, gần thung lũng Gia-bốc, phía đông sông Giô-đanh. Vì đã nghe tin người em song sinh của mình trở về nên Ê-sau và 400 người ra đón. Dù 20 năm đã trôi qua kể từ khi Ê-sau bán quyền trưởng nam, Gia-cốp vẫn còn sợ anh mình oán giận và muốn giết ông. Vì thế, Gia-cốp gửi tặng gia súc cho Ê-sau hết lượt này đến lượt khác, tổng số lên đến 550 con. Cứ mỗi lượt, Gia-cốp bảo đầy tớ nói với Ê-sau rằng đây là quà từ em trai ông.

2 Cuối cùng, giây phút gặp mặt cũng đã đến! Thu hết can đảm, Gia-cốp tiến về phía Ê-sau và sấp mình xuống, không chỉ một mà đến bảy lần. Trước đó, Gia-cốp đã làm một việc quan trọng nhất, đó là cầu xin Đức Giê-hô-va giải cứu ông khỏi tay Ê-sau. Đức Giê-hô-va có nhậm lời không? Có. Kinh Thánh cho biết: “Ê-sau chạy đến trước mặt người, ôm choàng cổ mà hôn”.—Sáng 32:11-20; 33:1-4.

3. Chúng ta rút ra bài học gì từ lời tường thuật về Gia-cốp và Ê-sau?

3 Lời tường thuật về Gia-cốp và Ê-sau cho thấy chúng ta phải có những hành động thiết thực và chân thành để giải quyết các vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự bình an trong hội thánh. Gia-cốp cố gắng làm hòa với Ê-sau nhưng không phải vì ông phạm lỗi cùng anh và nợ anh lời xin lỗi. Thật ra, Ê-sau đã xem thường quyền trưởng nam và bán nó cho Gia-cốp để đổi lấy bát canh đậu (Sáng 25:31-34; Hê 12:16). Tuy nhiên, cách Gia-cốp giải quyết vấn đề với Ê-sau cho thấy chúng ta nên cố gắng đến mức nào để giữ sự hòa thuận với anh em đồng đạo. Trường hợp của Gia-cốp cũng cho thấy Đức Chúa Trời ban phước khi chúng ta cầu nguyện rồi cố gắng làm hòa với anh em. Nhiều gương mẫu khác trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta trở thành người biết làm hòa.

Gương tuyệt vời nhất

4. Đức Chúa Trời sắp đặt điều gì để giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết?

4 Gương mẫu tuyệt vời nhất về việc làm hòa chính là Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời bình-an” (Rô 15:33). Hãy nghĩ về những gì Đức Giê-hô-va đã làm để chúng ta hòa thuận với Ngài. Là con cháu bất toàn của A-đam và Ê-va, đương nhiên chúng ta gánh chịu “tiền công của tội-lỗi là sự chết” (Rô 6:23). Nhưng với tình yêu thương bao la, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt hầu giải cứu chúng ta bằng cách chuyển Con Ngài từ trời xuống thế làm người hoàn toàn. Người Con sẵn lòng vâng theo và tự nguyện phó sự sống mình vào tay kẻ thù Đức Chúa Trời (Giăng 10:17, 18). Đức Chúa Trời làm cho Con yêu dấu của Ngài sống lại. Sau đó, người Con trình lên Cha giá trị huyết báu của mình, tức giá chuộc để giải cứu những người biết ăn năn khỏi sự chết.—Đọc Hê-bơ-rơ 9:14, 24.

5, 6. Huyết báu của Chúa Giê-su giúp hàn gắn mối quan hệ đã bị tổn hại giữa nhân loại tội lỗi với Đức Chúa Trời như thế nào?

5 Sự hy sinh làm giá chuộc của Con Đức Chúa Trời giúp hàn gắn mối quan hệ đã bị tổn hại giữa nhân loại tội lỗi với Đức Chúa Trời như thế nào? Ê-sai 53:5 cho biết: “Bởi sự sửa-phạt người chịu chúng ta được bình-an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh”. Thay vì xa cách Đức Chúa Trời, giờ đây những người biết vâng lời có thể hưởng mối quan hệ hòa thuận với Ngài. Thật vậy, “trong Đấng Christ chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội”.—Ê-phê 1:7.

6 Kinh Thánh nói về Chúa Giê-su: “Bởi huyết Ngài trên [“cây khổ hình”, NW], thì đã làm nên hòa-bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa-thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:20). Vì thế, Chúa Giê-su đóng vai trò chính yếu trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. Nhưng câu hỏi được đặt ra là vật “trên trời” và “dưới đất” là ai?

7. Vật “trên trời” và “dưới đất” là ai?

7 Nhờ sự sắp đặt về giá chuộc, các tín đồ được xức dầu, tức những người “được xưng công-bình” với tư cách là con cái Đức Chúa Trời, ‘được hòa-thuận với Ngài’. (Đọc Rô-ma 5:1). Họ là vật “trên trời” vì có hy vọng lên trời, “trị-vì trên mặt đất” và làm thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời (Khải 5:10). Còn vật “dưới đất” là những người biết ăn năn sẽ được sống đời đời trên đất.—Thi 37:29.

8. Suy ngẫm việc Đức Chúa Trời đã hy sinh đến mức nào để nhân loại hòa thuận với Ngài, chúng ta được tác động ra sao?

8 Bày tỏ lòng biết ơn chân thành về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va, sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ được xức dầu ở thành Ê-phê-sô: “Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương-xót... khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ—ấy là nhờ ân-điển mà anh em được cứu” (Ê-phê 2:4, 5). Dù có hy vọng lên trời hay sống dưới đất, chúng ta mang ơn Đức Chúa Trời về lòng thương xót và ân điển của Ngài. Chúng ta tràn đầy lòng biết ơn khi thấy Đức Giê-hô-va đã hy sinh đến mức nào để giúp nhân loại hòa thuận với Ngài. Khi đứng trước tình huống ảnh hưởng đến sự bình an và hợp nhất trong hội thánh, chẳng phải gương của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta làm hòa với người khác hay sao?

Bài học từ Áp-ra-ham và Y-sác

9, 10. Khi có sự tranh giành giữa các người chăn của Áp-ra-ham và Lót, Áp-ra-ham cho thấy ông là người làm hòa như thế nào?

9 Về tộc trưởng Áp-ra-ham, Kinh Thánh cho biết: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công-bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời” (Gia 2:23). Đức tin của ông được thể hiện rõ qua việc ông luôn cố gắng sống hòa thuận. Chẳng hạn, khi bầy gia súc của Áp-ra-ham ngày càng gia tăng thì có sự tranh giành giữa những người chăn gia súc của ông và của Lót, cháu ông (Sáng 12:5; 13:7). Giải pháp là Áp-ra-ham và Lót tách ra sống mỗi người mỗi nơi. Áp-ra-ham giải quyết vấn đề khó xử này như thế nào? Thay vì dựa vào tuổi tác và vị thế trước mắt Đức Chúa Trời để bắt cháu làm theo ý mình, Áp-ra-ham chứng tỏ mình là người làm hòa.

10 Áp-ra-ham nói với Lót: “Chúng ta là cốt-nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi-lẫy nhau và bọn chăn-chiên ta cùng bọn chăn-chiên ngươi cũng đừng tranh-giành nhau nữa”. Ông nói tiếp: “Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả”. Lót đã chọn phần đất màu mỡ nhất nhưng Áp-ra-ham không tức giận (Sáng 13:8-11). Sau đó, khi Lót bị kẻ thù bắt, Áp-ra-ham lập tức đi giải cứu cháu mình.—Sáng 14:14-16.

11. Áp-ra-ham đã cố gắng sống hòa thuận với dân Phi-li-tin như thế nào?

11 Cũng hãy xem Áp-ra-ham đã cố gắng sống hòa thuận với dân Phi-li-tin tại phần đất Ca-na-an như thế nào. Dân Phi-li-tin “chiếm đoạt” một giếng nước do các đầy tớ của Áp-ra-ham đào tại Bê-e-Sê-ba. Là người từng đánh bại bốn vua để cứu cháu mình, Áp-ra-ham phản ứng thế nào trước hành động đó? Thay vì đánh trả để giành lại giếng, Áp-ra-ham đã im lặng. Sau một thời gian, vua Phi-li-tin đến gặp Áp-ra-ham để lập giao ước hòa bình. Chỉ sau khi thề sẽ đối xử tử tế với con cháu của vua Phi-li-tin, Áp-ra-ham mới nhắc lại vấn đề cái giếng bị chiếm đoạt. Sửng sốt khi nghe tin này, vị vua trả lại giếng cho Áp-ra-ham. Còn về Áp-ra-ham, ông tiếp tục sống hòa thuận trong xứ mình trú ngụ.—Sáng 21:22-31, 34.

12, 13. (a) Y-sác đã noi gương cha mình ra sao? (b) Đức Giê-hô-va ban phước cho Y-sác thế nào khi ông gắng sức sống hòa thuận?

12 Con của Áp-ra-ham là Y-sác cũng gắng sức sống hòa thuận giống cha. Điều này được thấy rõ qua cách Y-sác đối xử với dân Phi-li-tin. Vì có nạn đói trong xứ, Y-sác đã đưa cả nhà từ vùng đất cằn cỗi ở phía bắc La-chai-Roi thuộc Nam phương đến vùng đất màu mỡ của người Phi-li-tin là Ghê-ra. Đức Giê-hô-va ban phước cho Y-sác được trúng mùa và gia súc đầy đàn. Dân Phi-li-tin bắt đầu ganh tỵ với ông. Vì không muốn Y-sác thịnh vượng như cha ông, dân Phi-li-tin lấp các giếng mà đầy tớ Áp-ra-ham đã đào trong vùng đó. Cuối cùng, vua Phi-li-tin bảo Y-sác: “Hãy ra khỏi nơi ta”. Y-sác, người gắng sức sống hòa thuận, đã làm theo lời vua.—Sáng 24:62; 26:1, 12-17.

13 Sau khi Y-sác và gia đình dọn đi, đầy tớ ông đã đào cái giếng khác. Nhưng những người chăn chiên Phi-li-tin lại cho rằng giếng đó là của họ. Như cha mình, Y-sác không tranh giành chỉ vì một cái giếng. Y-sác bảo đầy tớ mình đào giếng khác. Dân Phi-li-tin lại cho rằng cái này cũng thuộc về họ. Vì muốn giữ sự bình an, một lần nữa Y-sác chuyển gia đình mình cùng tài sản đến nơi khác. Tại đây, đầy tớ Y-sác đào một cái giếng và ông đặt tên là Rê-hô-bốt. Sau một thời gian, ông chuyển đến vùng đất màu mỡ là Bê-e-Sê-ba. Đây là nơi Đức Giê-hô-va ban phước cho ông và phán rằng: “Chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng-dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi-tớ ta”.—Sáng 26:17-25.

14. Y-sác cho thấy ông là người gắng sức sống hòa thuận như thế nào khi vua Phi-li-tin muốn lập giao ước hòa bình với ông?

14 Y-sác có khả năng đòi lại quyền sở hữu tất cả các giếng mà đầy tớ mình đã đào, vì vua Phi-li-tin cùng các quan đến Bê-e-Sê-ba để lập giao ước hòa bình với ông. Họ nói: “Chúng tôi đã thấy rõ-ràng Đức Giê-hô-va phù-hộ người”. Tuy nhiên, vì muốn giữ sự bình an, Y-sác đã từng dời đi nơi khác thay vì tranh chiến. Lần này, ông cũng cho thấy mình là người gắng sức sống hòa thuận. Kinh Thánh ghi lại: “Y-sác bày một bữa tiệc, các người đồng ăn uống. Qua ngày sau, chúng dạy sớm, lập lời thề với nhau. Rồi, Y-sác đưa các người đó đi về bình-yên”.—Sáng 26:26-31.

Bài học từ người con mà Gia-cốp yêu thương nhất

15. Tại sao các anh của Giô-sép không thể nói chuyện tử tế với ông?

15 Gia-cốp, con trai của Y-sác, là “người hiền-lành” (Sáng 25:27). Như đã đề cập ở đầu bài, Gia-cốp cố gắng làm hòa với anh mình là Ê-sau. Chắc chắn, Gia-cốp đã học được tính hòa thuận từ gương của cha. Còn các con trai của Gia-cốp thì sao? Trong số 12 người con, Gia-cốp yêu Giô-sép nhất. Giô-sép là người con biết vâng lời, kính trọng và hết sức quan tâm đến lợi ích của cha (Sáng 37:2, 14). Tuy nhiên, các anh của Giô-sép ganh tỵ đến nỗi họ không thể nói chuyện tử tế với ông. Họ đã nhẫn tâm bán Giô-sép làm nô lệ và khiến cha tin rằng Giô-sép bị thú dữ giết chết.—Sáng 37:4, 28, 31-33.

16, 17. Giô-sép cho thấy ông muốn sống hòa thuận với các anh như thế nào?

16 Đức Giê-hô-va đã ở cùng Giô-sép. Một thời gian sau, Giô-sép trở thành tể tướng của Ê-díp-tô, người nắm quyền thứ hai sau Pha-ra-ôn. Một nạn đói thảm khốc xảy ra, các anh của Giô-sép phải sang Ê-díp-tô mua thực phẩm. Họ đã không nhận ra Giô-sép trong bộ trang phục của quan chức Ê-díp-tô (Sáng 42:5-7). Đây quả là cơ hội thuận lợi để Giô-sép trả thù các anh vì đã đối xử tàn nhẫn với ông và cha họ! Tuy nhiên, thay vì trả thù, Giô-sép cố gắng hòa thuận với họ. Khi đã chắc chắn các anh mình ăn năn, Giô-sép cho họ biết mình là ai và nói: “Đừng sầu-não và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ-gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh”. Rồi ông ôm các anh mình mà khóc.—Sáng 45:1, 5, 15.

17 Sau khi Gia-cốp qua đời, các anh nghĩ rằng Giô-sép có thể trả thù họ. Khi họ cho Giô-sép biết nỗi lo sợ này, ông khóc và nói: “Đừng sợ, tôi sẽ cấp-dưỡng các anh và con-cái các anh”. Giô-sép, người gắng sức sống hòa thuận, “an-ủi các anh, và lấy lời êm-dịu mà nói cùng họ”.—Sáng 50:15-21.

‘Mọi điều đã chép để dạy-dỗ chúng ta’

18, 19. (a) Bạn nhận được lợi ích nào khi xem xét các gương mẫu được đề cập trong bài này? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

18 Phao-lô viết: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô 15:4). Chúng ta được lợi ích ra sao khi xem xét gương tuyệt vời của Đức Giê-hô-va cũng như những lời tường thuật về Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép?

19 Chẳng phải việc suy ngẫm sâu xa về những gì Đức Giê-hô-va đã làm hầu nối lại mối quan hệ đã bị tổn hại giữa Ngài và nhân loại tội lỗi thôi thúc chúng ta gắng sức sống hòa thuận với người khác hay sao? Gương mẫu của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép cho thấy các bậc cha mẹ có thể tác động tốt đến con mình. Hơn nữa, các lời tường thuật này cũng cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho những người cố gắng làm hòa. Không ngạc nhiên gì khi sứ đồ Phao-lô nói Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời bình-an”! (Đọc Rô-ma 15:33; 16:20). Bài kế tiếp sẽ xem xét tại sao Phao-lô nhấn mạnh việc chúng ta cần sống hòa thuận và làm thế nào chúng ta có thể trở thành người làm hòa.

Bạn học được gì?

• Khi sắp gặp Ê-sau, Gia-cốp đã làm gì để giảng hòa?

• Qua những gì Đức Giê-hô-va đã làm hầu giúp nhân loại hòa thuận với Ngài, bạn được tác động ra sao?

• Bạn học được gì từ gương của những người làm hòa như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 23]

Gia-cốp đã làm việc quan trọng nhất nào để làm hòa với Ê-sau?