Internet—Hãy khôn ngoan sử dụng công cụ toàn cầu này
Internet—Hãy khôn ngoan sử dụng công cụ toàn cầu này
Việc phát minh ra kỹ thuật in ấn cách đây vài thế kỷ đã thay đổi cách người ta liên lạc với nhau. Việc phát minh ra Internet thời nay cũng giống như thế. Công cụ thiết thực này được gọi là công cụ liên lạc toàn cầu. Khi vào “xa lộ thông tin” này, bạn có thể thu thập thông tin, số liệu thống kê và ý kiến về nhiều đề tài khác nhau.
Khả năng liên lạc và giao tiếp là món quà tuyệt vời đến từ Đấng Tạo Hóa. Khả năng này giúp chúng ta trao đổi tư tưởng và chia sẻ thông tin với người khác. Đức Giê-hô-va là Đấng đầu tiên liên lạc với gia đình nhân loại, cho thông tin rõ ràng về cách để có đời sống ý nghĩa (Sáng 1:28-30). Tuy nhiên, như vào lúc đầu của lịch sử nhân loại, khả năng giao tiếp đã bị lạm dụng. Sa-tan đã cho Ê-va thông tin hoàn toàn sai lệch. Bà chấp nhận và truyền lại cho A-đam, người đã gây ra thảm họa cho nhân loại.—Sáng 3:1-6; Rô 5:12.
Còn việc sử dụng Internet thì sao? Dù Internet có thể cung cấp thông tin có ích, tiết kiệm thì giờ và là công cụ hữu dụng cho chúng ta, nhưng nó cũng có thể đưa ra thông tin sai, lấy mất nhiều thời gian và gây ảnh hưởng tai hại về mặt đạo đức. Chúng ta hãy xem làm thế nào có thể sử dụng công cụ toàn cầu này một cách hữu ích.
Thông tin có đáng tin cậy?
Đừng bao giờ cho rằng mọi thông tin trên Internet đều tốt và có ích. Công cụ tìm kiếm trên Internet có thể ví với một đoàn người đi hái nấm, họ hăng say thu gom mọi loại nấm—loại ăn được và cả loại có độc—cho vào thùng rồi sau đó bán cho chúng ta. Chúng ta sẽ nấu nấm mà không lựa kỹ từng cái không? Dĩ nhiên không. Tương tự thế, công cụ tìm kiếm trên Internet dùng rất nhiều máy vi tính để gom thông tin (dù tốt hay xấu) từ hàng tỉ trang web. Chúng ta cần ý thức để sàng lọc thông tin, hầu tâm trí không bị đầu độc bởi điều sai lầm.
Vào năm 1993, một tạp chí được nhiều người biết đến có đăng một tranh biếm họa, trong đó có hai chú chó đứng trước máy vi tính. Chú này nói với chú kia: “Trên Internet không ai biết chúng ta là ai đâu”. Cách đây rất lâu, Sa-tan đã che giấu danh tánh thật của hắn, như nhiều người trên Internet ngày nay, bằng cách nói chuyện với Ê-va qua một con rắn và bảo rằng bà có thể như Đức Chúa Trời. Bất cứ ai kết nối
Internet đều có thể giả vờ là chuyên gia về một lĩnh vực nào đó mà không cần tiết lộ danh tánh. Không có quy định nào về việc đăng tải ý tưởng, thông tin, hình ảnh và những gợi ý.Chúng ta đừng cả tin như Ê-va nhưng nên thận trọng với những thông tin trên Internet. Trước khi tin một điều gì đó, hãy tự hỏi: (1) Ai đăng thông tin này? Người đó có chuyên môn về đề tài ấy không? (2) Tại sao thông tin này được đăng? Động lực của người viết là gì? Có thành kiến gì không? (3) Tác giả lấy thông tin từ đâu? Thông tin của người ấy có thể kiểm tra được không? (4) Thông tin đó có cập nhật không? Vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê một điều cũng áp dụng vào thời nay. Phao-lô viết: “Hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con, tránh những lời hư-không phàm-tục và những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức”.—1 Ti 6:20.
Tiết kiệm hay mất thời gian?
Nếu sử dụng Internet cách khôn ngoan, chắc hẳn chúng ta sẽ tiết kiệm được thời gian, năng lực và chi phí. Chúng ta có thể mua một món hàng cách tiện lợi mà không cần ra khỏi nhà. So sánh giá cả có thể giúp chúng ta tiết kiệm tiền. Giao dịch ngân hàng trên mạng giúp đời sống nhiều người dễ dàng hơn. Chúng ta có thể giải quyết chuyện tiền bạc vào bất cứ lúc nào tại nhà. Internet cung cấp những công cụ giúp chúng ta lên kế hoạch tiện lợi và tiết kiệm cho một chuyến đi, cũng như thực hiện những thủ tục đăng ký cần thiết. Không phải mất nhiều công sức, chúng ta có thể tra số điện thoại, địa chỉ và tìm được nhiều cách để đến nơi cần đến. Trên thế giới, các chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va dùng nhiều dịch vụ này để tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí.
Tuy nhiên, Internet cũng có mặt trái của nó. Điều này liên quan đến thời lượng chúng ta sử dụng Internet. Đối với một số người, thay vì là công cụ hữu ích, Internet trở thành món đồ chơi hấp dẫn. Họ dành rất nhiều thời gian để chơi trò chơi, mua sắm, tán gẫu, gửi thư điện tử, tìm thông tin và lướt mạng. Cuối cùng, họ có thể sao lãng những điều quan trọng hơn như gia đình, bạn bè, hội thánh. Internet có thể gây nghiện. Theo một ước tính được công bố vào năm 2010, có 18,4% thanh thiếu niên Hàn Quốc nghiện Internet. Các nhà nghiên cứu ở Đức cho biết “ngày càng nhiều phụ nữ phàn nàn về thói nghiện của người bạn đời”. Một phụ nữ than phiền rằng việc quá phụ thuộc vào Internet đã khiến chồng bà hoàn toàn thay đổi đến nỗi làm hôn nhân của họ tan vỡ.
Một chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va nhận được thư của một người tự nhận mình nghiện Internet. Đôi khi anh dành đến mười tiếng một ngày để lên mạng. Sau khi nhận xét rằng “ban đầu mọi thứ có vẻ như vô hại”, anh nói thêm: “Dần dần tôi ít tham dự nhóm họp và ngưng cầu nguyện”. Khi đến buổi nhóm, anh không chuẩn bị và tâm trí thì để ở nhà, mong được “đăng nhập lần nữa”. Đáng mừng thay, anh nhận ra tầm nghiêm trọng của vấn đề và từng
bước sửa chữa. Mong sao chúng ta đừng bao giờ để mình bị nghiện Internet.Bạn xem loại thông tin nào?
Nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21, 22 cho biết: “Hãy xem-xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy. Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi”. Chúng ta cần xác định thông tin mình tìm trên Internet có đáng được Đức Chúa Trời chấp nhận, có đúng với tiêu chuẩn cao cả của Ngài không. Thông tin ấy phải phù hợp với tín đồ Đấng Christ, không sai trái về đạo đức. Đặc biệt, tài liệu khiêu dâm trên Internet ngày càng lan tràn, và nếu không cẩn thận, chúng ta có thể dễ rơi vào bẫy này.
Điều khôn ngoan là nên tự hỏi: “Nếu người hôn phối, cha mẹ hoặc anh chị đồng đạo bước vào phòng, tôi có vội che giấu điều mà tôi đang xem không?”. Nếu có, chúng ta nên dùng Internet chỉ khi có người khác xung quanh. Công nhận là Internet thật sự thay đổi cách chúng ta liên lạc và mua sắm, đồng thời nó cũng là một cách mới để người ta ‘phạm tội tà-dâm trong lòng’.—Mat 5:27, 28.
Gửi chuyển tiếp hay không?
Dùng Internet bao gồm việc nhận cũng như gửi thông tin. Dù có quyền nhận và truyền thông tin, chúng ta cũng phải xem xét thông tin ấy có xác thực và lành mạnh không. Chúng ta có thể bảo đảm về tính chính xác của điều mình viết hoặc gửi chuyển tiếp cho người khác không? Chúng ta có được phép truyền thông tin đi không *? Nó có mang tính xây dựng và đáng để gửi đi không? Động lực của chúng ta khi gửi là gì? Có phải chỉ để gây ấn tượng với người khác không?
Nếu được sử dụng đúng, thư điện tử có thể rất hữu ích. Nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta choáng ngợp thông tin. Khi biết một tin mới hoặc chuyện linh tinh, chúng ta có phổ biến cho hàng loạt người quen, khiến họ cảm thấy mệt mỏi và mất nhiều thời gian quý báu không? Chẳng phải chúng ta nên xem xét lại động lực của mình trước khi bấm “gửi” sao? Thật sự chúng ta muốn làm gì? Trước đây, người ta thường viết thư để chia sẻ kinh nghiệm với gia đình và bạn bè, cho biết đời sống của họ hiện thế nào. Lẽ ra thư điện tử của chúng ta cũng nên có mục tiêu đó. Vậy, tại sao chúng ta lại gửi những điều mà mình không thể xác nhận được?
Vậy, chúng ta nên làm gì với Internet? Hoàn toàn tránh xa nó không? Có lẽ điều này cần thiết trong một số trường hợp. Người nghiện Internet được đề cập ở trên đã làm thế để vượt qua nhiều năm bị nghiện. Mặt khác, Internet có thể giúp ích, nhưng hãy để ‘sự dẽ-dặt [“tính thận trọng”, Bản Diễn Ý] coi-sóc chúng ta và sự thông-sáng gìn-giữ chúng ta’.—Châm 2:10, 11.
[Chú thích]
^ đ. 17 Điều này cũng áp dụng cho hình ảnh. Dù có thể chụp ảnh để giữ cho mình, không phải lúc nào chúng ta cũng được phép phát tán chúng, chưa nói gì đến việc cung cấp tên người trong ảnh và cho biết nơi ở của họ.
[Hình nơi trang 4]
Làm thế nào bạn có thể tránh trở thành nạn nhân của thông tin sai lệch?
[Hình nơi trang 5]
Trước khi bấm “gửi”, bạn nên suy xét gì?