Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có được Đức Giê-hô-va biết đến?

Bạn có được Đức Giê-hô-va biết đến?

Bạn có được Đức Giê-hô-va biết đến?

“[Đức Giê-hô-va] biết kẻ thuộc về Ngài”.—2 Ti 2:19.

1, 2. (a) Chúa Giê-su quan tâm đến điều gì? (b) Chúng ta nên xem xét những câu hỏi nào?

Một ngày nọ, một người Pha-ri-si đến gặp Chúa Giê-su và hỏi: “Trong luật-pháp, điều-răn nào là lớn hơn hết?”. Chúa Giê-su đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Mat 22:35-37). Chúa Giê-su rất yêu thương Cha trên trời và sống đúng với những lời trên. Ngài cũng quan tâm đến vị thế của mình trước mặt Đức Giê-hô-va và thể hiện điều này qua cuộc đời trung thành. Vì thế, ngay trước khi chết, Chúa Giê-su có thể nói rằng ngài được Đức Chúa Trời biết là người luôn vâng theo mạng lệnh của Cha. Thế nên, Chúa Giê-su luôn ở trong sự yêu thương của Đức Giê-hô-va.—Giăng 15:10.

2 Ngày nay, nhiều người cho rằng mình yêu mến Đức Chúa Trời và chắc chắn trong đó có chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét những câu hỏi quan trọng: “Tôi có được Đức Chúa Trời biết đến không? Đức Giê-hô-va xem tôi là người như thế nào? Tôi có được biết đến là người thuộc về Ngài không?” (2 Ti 2:19). Quả là vinh dự khi suy ngẫm về mối quan hệ gắn bó với Đấng Tối Thượng hoàn vũ!

3. Tại sao một số người nghĩ rằng mình không thuộc về Đức Giê-hô-va và điều gì sẽ giúp họ thay đổi lối suy nghĩ đó?

3 Tuy nhiên, một số người yêu mến Đức Giê-hô-va thấy khó tin rằng họ có thể làm bạn với Ngài. Một số thấy mình không có giá trị, nên họ nghĩ rằng mình không thuộc về Đức Giê-hô-va. Trái lại, chúng ta thật vui mừng khi biết rằng Đức Chúa Trời có quan điểm khác về chúng ta (1 Sa 16:7). Sứ đồ Phao-lô nói với anh em đồng đạo: “Nếu có một người yêu-mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó” (1 Cô 8:3). Tình yêu thương với Đức Chúa Trời là điều tiên quyết để chúng ta được Ngài biết đến. Vậy hãy xem xét những câu hỏi sau: Tại sao bạn đọc tạp chí này? Tại sao bạn cố gắng phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức? Điều gì đã khiến bạn dâng mình và làm báp-têm? Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va, Đấng dò xét lòng, kéo những người xứng đáng đến với Ngài. (Đọc A-ghê 2:7; Giăng 6:44). Vì thế, có thể nói rằng bạn phụng sự Đức Giê-hô-va vì Ngài kéo bạn đến với Ngài. Đức Chúa Trời yêu quý những người mà Ngài kéo đến và sẽ không bao giờ từ bỏ nếu họ tiếp tục trung thành.—Thi 94:14.

4. Tại sao chúng ta nên tiếp tục suy ngẫm về đặc ân được Đức Chúa Trời biết đến?

4 Một khi Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến, thì chúng ta nên quan tâm đến việc giữ mình trong tình yêu thương của Ngài. (Đọc Giu-đe 21). Hãy nhớ rằng Kinh Thánh cho thấy việc trôi lạc hay trái bỏ Đức Chúa Trời là điều có thể xảy ra (Hê 2:1; 3:12, 13). Chẳng hạn, trước khi nói những lời nơi 2 Ti-mô-thê 2:19, sứ đồ Phao-lô đề cập đến Hy-mê-nê và Phi-lết. Dường như hai người này từng thuộc về Đức Giê-hô-va, nhưng sau đó đã bỏ lẽ thật (2 Ti 2:16-18). Cũng hãy nhớ trong hội thánh Ga-la-ti, một số người từng được Đức Chúa Trời biết đến đã không còn trong lẽ thật nữa (Ga 4:9). Mong sao chúng ta đừng bao giờ xem nhẹ vị thế quý báu của mình trước mặt Đức Chúa Trời.

5. (a) Để được Đức Chúa Trời biết đến, chúng ta cần có điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những trường hợp nào?

5 Có một số đức tính mà Đức Giê-hô-va vô cùng quý giá (Thi 15:1-5; 1 Phi 3:4). Những người có đức tin và sự khiêm nhường thì được Đức Giê-hô-va biết đến. Chúng ta hãy xem gương của hai người trong Kinh Thánh để biết làm sao những đức tính này giúp họ được Đức Giê-hô-va yêu mến. Chúng ta cũng xem xét về một người từng nghĩ rằng mình được Đức Giê-hô-va biết đến nhưng đã kiêu ngạo và bị Ngài từ bỏ. Chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá từ các trường hợp này.

Cha của những người có đức tin

6. (a) Áp-ra-ham cho thấy ông tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b)  Áp-ra-ham được Đức Giê-hô-va biết đến là người như thế nào?

6 Áp-ra-ham “tin Đức Giê-hô-va”. Thật thế, ông được gọi là “cha hết thảy những kẻ tin” (Sáng 15:6; Rô 4:11). Bởi đức tin, ông rời bỏ nhà cửa, tài sản và bạn bè để đi đến một nơi xa xôi (Sáng 12:1-4; Hê 11:8-10). Nhiều năm sau, đức tin của Áp-ra-ham vẫn mạnh mẽ. Điều này được thấy rõ qua việc Áp-ra-ham vâng lời Đức Giê-hô-va “dâng Y-sác” (Hê 11:17-19). Áp-ra-ham cho thấy ông tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va, vì thế Ngài xem ông là người đặc biệt, và ông được Ngài biết đến. (Đọc Sáng-thế Ký 18:19). Đức Giê-hô-va không những biết Áp-ra-ham là ai mà còn xem ông là bạn.—Gia 2:22, 23.

7. Áp-ra-ham biết điều gì về lời hứa của Đức Giê-hô-va, và điều này đã tác động đến ông thế nào?

7 Điều đáng chú ý là trong suốt cuộc đời, Áp-ra-ham không nhận được cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời đã hứa. Ông cũng không thấy được dòng dõi của mình “đông như cát bờ biển” (Sáng 22:17, 18). Dù những lời hứa này chưa được thực hiện trong đời của Áp-ra-ham nhưng ông vẫn giữ đức tin vững mạnh. Ông biết rằng một khi Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài sẽ làm. Thật vậy, Áp-ra-ham đã sống bởi đức tin. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:13). Chúng ta có được Đức Giê-hô-va biết đến là người có đức tin như Áp-ra-ham không?

Trông đợi Đức Giê-hô-va là dấu hiệu của đức tin

8. Nhiều người có ước muốn chính đáng nào?

8 Có lẽ chúng ta mong đợi những ước muốn của mình được thực hiện. Việc lập gia đình, có con cái và sức khỏe tốt là những ước muốn tự nhiên và chính đáng. Tuy nhiên, đối với nhiều người, có lẽ những ước muốn ấy sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nếu đây là trường hợp của chúng ta thì cách chúng ta đối phó sẽ cho thấy đức tin của mình như thế nào.

9, 10. (a) Một số người đã dùng những cách nào để thực hiện ước muốn của mình? (b) Bạn cảm thấy thế nào về việc Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa?

9 Thật thiếu khôn ngoan khi dùng những cách ngược lại với đường lối của Đức Giê-hô-va để đạt được những ước muốn ấy. Điều này sẽ khiến một người suy yếu về thiêng liêng. Chẳng hạn, một số người đã chọn các phương pháp chữa bệnh trái ngược với lời khuyên Đức Giê-hô-va. Những người khác nhận những công việc khiến họ không có thời gian cho gia đình hoặc nhóm họp. Còn việc hẹn hò với người không tin đạo thì sao? Nếu làm thế, người tín đồ ấy có thật sự muốn được Đức Giê-hô-va biết đến không? Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào nếu Áp-ra-ham thiếu kiên nhẫn về việc Ngài thực hiện lời hứa? Thay vì trông đợi Đức Giê-hô-va, nói sao nếu Áp-ra-ham tự xoay sở để ổn định đời sống và nổi tiếng? (So sánh Sáng-thế Ký 11:4). Liệu ông có được Đức Giê-hô-va biết đến không?

10 Có những ước muốn nào mà bạn mong đợi được thực hiện? Đức tin bạn có đủ mạnh để trông đợi Đức Giê-hô-va, Đấng hứa sẽ làm thỏa nguyện những ước muốn chính đáng của bạn không? (Thi 145:16). Như trường hợp của Áp-ra-ham, một số lời hứa của Đức Chúa Trời có lẽ chưa được thực hiện sớm như chúng ta mong muốn. Tuy vậy, Đức Giê-hô-va quý trọng việc chúng ta vun trồng đức tin như Áp-ra-ham và hành động phù hợp với đức tin. Làm thế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta.—Hê 11:6.

Sự khiêm nhường và kiêu ngạo

11. Cô-rê có những đặc ân nào và qua đó cho thấy điều gì nơi ông?

11 Trong việc tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va và quyết định của Ngài, Môi-se và Cô-rê hoàn toàn khác nhau. Đức Giê-hô-va xem họ là người thế nào tùy thuộc vào phản ứng của họ. Cô-rê là người Kê-hát, thuộc chi phái Lê-vi, ông có nhiều đặc ân. Những đặc ân này có lẽ bao gồm việc chứng kiến Đức Giê-hô-va giải cứu dân sự ra khỏi Biển Đỏ, ủng hộ việc Ngài phán xét dân Y-sơ-ra-ên bất tuân tại núi Si-na-i và đảm nhiệm việc chuyển hòm giao ước (Xuất 32:26-29; Dân 3:30, 31). Chắc hẳn ông đã trung thành với Đức Giê-hô-va trong nhiều năm nên được nhiều người Y-sơ-ra-ên tôn trọng.

12. Như hình nơi trang 28, thái độ kiêu ngạo đã ảnh hưởng thế nào đến việc Cô-rê được Đức Chúa Trời biết đến?

12 Tuy nhiên, khi dân Y-sơ-ra-ên đang trên đường đến Đất Hứa, Cô-rê cho rằng có vấn đề trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Rồi 250 người đã đứng về phía Cô-rê hầu muốn thay đổi tình thế. Họ vững tin nơi mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Họ bảo Môi-se: “Thôi đủ rồi! vì cả hội-chúng đều là thánh, và Đức Giê-hô-va ngự ở trong” (Dân 16:1-3). Quả là thái độ quá tự phụ và kiêu ngạo. Môi-se nói với họ: “Đức Giê-hô-va sẽ tỏ cho biết ai thuộc về Ngài”. (Đọc Dân-số Ký 16:5). Cuối ngày hôm sau, Cô-rê và những người đứng về phía ông đều chết hết..—Dân 16:31-35.

13, 14. Môi-se thể hiện tính khiêm nhường như thế nào?

13 Trái lại, Môi-se là “người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân 12:3). Ông thể hiện sự khiêm hòa hay khiêm nhường qua việc luôn làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va (Xuất 7:6; 40:16). Không có gì cho thấy Môi-se nghi ngờ đường lối của Đức Giê-hô-va hoặc khó chịu khi phải theo các chỉ dẫn của Ngài. Chẳng hạn về việc dựng đền tạm, Đức Giê-hô-va đưa ra những chỉ thị chi tiết như màu chỉ, số lượng vòng để làm màn phủ đền tạm (Xuất 26:1-6). Nếu một anh giám thị trong tổ chức Đức Giê-hô-va cho lời hướng dẫn rất chi tiết, đôi khi bạn cảm thấy bực bội. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va là giám thị hoàn hảo. Ngài tin cậy và sẵn sàng ủy quyền cho tôi tớ Ngài. Khi đưa ra nhiều chỉ thị cụ thể, Ngài có lý do chính đáng. Hãy lưu ý, Môi-se không tỏ ra tức giận với Đức Giê-hô-va vì Ngài đưa ra nhiều chi tiết như vậy. Ông không nghĩ rằng Đức Giê-hô-va xem thường hoặc tước mất tự do của ông. Thay vì vậy, Môi-se giám sát để những người dựng đền tạm “làm y như mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất 39:32). Ông thật khiêm nhường biết bao! Môi-se ý thức rằng đó là công việc của Đức Giê-hô-va và ông được Ngài dùng để hoàn thành công việc ấy.

14 Sự khiêm nhường của Môi-se cũng được thấy rõ khi ông gặp tình huống xấu. Ông và anh ông là A-rôn đã chịu đựng dân sự phàn nàn trong nhiều năm. Rồi vào một dịp, Môi-se thiếu tự chủ và không tôn vinh Đức Chúa Trời khi dân sự lằm bằm. Hậu quả là Đức Giê-hô-va không cho phép Môi-se dẫn dân sự vào Đất Hứa (Dân 20:2-12). Vì phạm lỗi nên ông không thấy được những điều mình mong đợi bấy lâu! Môi-se phản ứng thế nào? Dù thất vọng, ông đã khiêm nhường chấp nhận quyết định của Đức Giê-hô-va. Ông biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời công bình, Đấng không làm điều bất công (Phục 3:25-27; 32:4). Khi nghĩ đến Môi-se, chẳng phải bạn tin chắc ông là người được Đức Giê-hô-va biết đến hay sao?—Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 33:12, 13.

Vâng phục Đức Giê-hô-va cần sự khiêm nhường

15. Chúng ta rút ra bài học nào từ sự kiêu ngạo của Cô-rê?

15 Cách chúng ta phản ứng trước sự điều chỉnh trong các hội thánh trên toàn thế giới cũng như những quyết định của các anh dẫn đầu sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta được Đức Giê-hô-va biết đến. Cô-rê và những người theo ông đã xa rời Đức Chúa Trời do họ quá tự phụ, kiêu ngạo và thiếu đức tin. Cô-rê thấy Môi-se đã già mà còn phải quyết định cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng lại quên rằng Đức Giê-hô-va mới là Đấng hướng dẫn dân sự. Hậu quả là ông không trung thành với những người đại diện cho Đức Chúa Trời. Thật khôn ngoan biết bao nếu Cô-rê chờ đợi Đức Giê-hô-va giúp ông hiểu rõ vấn đề hơn hoặc Ngài sẽ điều chỉnh lại sự việc khi cần thiết. Vậy chỉ vì sự kiêu ngạo mà Cô-rê đã hủy hoại danh tiếng gây dựng trong bao nhiêu năm trung thành phụng sự!

16. Gương khiêm nhường của Môi-se có thể giúp chúng ta thế nào?

16 Lời tường thuật này là lời cảnh báo cho các trưởng lão và những thành viên trong hội thánh. Cần có sự khiêm nhường để trông đợi Đức Giê-hô-va và làm theo sự hướng dẫn của các anh dẫn đầu. Chúng ta có cho thấy mình khiêm nhường và nhu mì như Môi-se không? Chúng ta có hiểu vai trò của các anh dẫn đầu và làm theo sự hướng dẫn của các anh không? Khi thất vọng, chúng ta có thể kiềm chế được cảm xúc của mình không? Nếu làm thế, chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va biết đến. Đức Giê-hô-va rất quý sự khiêm nhường và vâng phục của chúng ta.

Đức Giê-hô-va biết những ai thuộc về Ngài

17, 18. Điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục được Đức Giê-hô-va biết đến?

17 Khi suy ngẫm về những người mà Đức Giê-hô-va kéo đến và được Ngài biết đến, chúng ta sẽ nhận nhiều lợi ích. Áp-ra-ham, Môi-se đều bất toàn và có khuyết điểm, chúng ta cũng thế. Dù vậy, họ được Đức Giê-hô-va biết đến và thuộc về Ngài. Tuy nhiên, trường hợp của Cô-rê cho thấy rằng chúng ta có thể lìa bỏ Đức Giê-hô-va và không còn được Ngài chấp nhận. Vậy mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Đức Giê-hô-va xem tôi là người thế nào? Tôi học được gì từ các gương trong Kinh Thánh?”.

18 Bạn có thể an tâm khi biết rằng Đức Giê-hô-va xem những người trung thành mà Ngài kéo đến là những người thuộc về Ngài. Khi tiếp tục vun trồng đức tin, sự khiêm nhường và những đức tính khác, bạn sẽ được Đức Giê-hô-va yêu quý. Thật là một đặc ân cao quý khi được Đức Giê-hô-va biết đến! Điều này mang lại sự thỏa lòng cho chúng ta ngay bây giờ và ân phước tuyệt diệu trong tương lai.—Thi 37:18.

Bạn có nhớ không?

• Bạn có thể có vị thế quý giá nào trước mặt Đức Giê-hô-va?

• Làm thế nào bạn có thể noi theo đức tin của Áp-ra-ham?

• Chúng ta rút ra bài học nào từ Cô-rê và Môi-se?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Như Áp-ra-ham, chúng ta có tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa của Ngài?

[Hình nơi trang 28]

Cô-rê không khiêm nhường và không sẵn lòng vâng theo sự hướng dẫn

[Hình nơi trang 29]

Bạn có được Đức Giê-hô-va biết đến là người khiêm nhường vâng theo sự hướng dẫn không?