Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cùng nhau vui mừng!

Cùng nhau vui mừng!

Cùng nhau vui mừng!

Hạnh phúc và niềm vui ngày càng khó đạt được. Đối với nhiều người, chia sẻ những cảm nghĩ tích cực với người khác là điều gần như không thể. Cuộc sống, đặc biệt là tại các thành phố lớn, khiến người ta xa lánh người khác và tự cô lập mình.

Giáo sư tâm lý học Alberto Oliverio nói: “Cô đơn là tình trạng thông thường”. Ông nói thêm: “Chắc chắn, cuộc sống tại những thành phố lớn dễ làm cho người ta tự cô lập. Trong nhiều trường hợp, nó khiến chúng ta không quan tâm đến đồng nghiệp, hàng xóm hoặc nhân viên tính tiền ở siêu thị gần nhà”. Sự cô lập thường dẫn đến buồn nản.

Tuy nhiên, anh em chúng ta thì khác. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy vui mừng luôn” (1 Tê 5:16, Nguyễn Thế Thuấn). Có nhiều lý do để chúng ta vui mừng và vui cùng nhau. Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời Chí Cao là Đức Giê-hô-va; chúng ta hiểu thông điệp trong Kinh Thánh; chúng ta có hy vọng được cứu rỗi và sống vĩnh cửu; chúng ta cũng có thể giúp người khác nhận được các ân phước ấy.—Thi 106:4, 5; Giê 15:16; Rô 12:12.

Tín đồ Đấng Christ chân chính thì vui mừng và cùng vui với người khác. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Phao-lô viết cho anh em ở Phi-líp: “Tôi vẫn vui mừng và cùng vui với hết thảy anh em. Cũng vậy, anh em nên vui mừng và cùng vui với tôi” (Phi-líp 2:17, 18, NW). Chỉ trong hai câu này, Phao-lô đã hai lần nói về việc vui mừng và cùng vui với nhau.

Dĩ nhiên, tín đồ Đấng Christ cần cẩn thận để tránh bất kỳ khuynh hướng tự cô lập nào. Một người tự cô lập thì không thể cùng vui với anh em đồng đạo. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể làm theo lời khuyến khích của Phao-lô là “hãy vui-mừng trong Chúa”?—Phi-líp 3:1.

Vui với anh em đồng đạo

Khi viết thư cho anh em ở Phi-líp, có lẽ Phao-lô đang ở tù tại Rô-ma vì đã rao giảng tin mừng (Phi-líp 1:7; 4:22). Tuy nhiên, việc ngồi tù không làm ông giảm lòng nhiệt thành đối với thánh chức. Trái lại, ông vui mừng vì được dốc sức phụng sự Đức Giê-hô-va, “như rượu đổ trên vật tế lễ” (Phi-líp 2:17, NW). Thái độ của Phao-lô cho thấy niềm vui không tùy thuộc vào hoàn cảnh. Dù bị giam cầm nhưng ông nói: “[Tôi] sẽ còn mừng-rỡ nữa”.—Phi-líp 1:18.

Phao-lô đã thành lập hội thánh tại thành Phi-líp và đặc biệt yêu mến anh em ở đó. Ông biết rằng việc chia sẻ niềm vui của ông trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va cũng sẽ khích lệ họ. Thế nên ông viết: ‘Hỡi anh em, tôi muốn anh em biết rằng điều xảy đến cho tôi đã giúp thêm sự tấn-tới cho tin-lành, đến nỗi chốn công-đường và các nơi khác đều rõ tôi vì Đấng Christ mà chịu xiềng-xích’ (Phi-líp 1:12, 13). Việc Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm khích lệ là một cách ông vui mừng và cùng vui với anh em. Hẳn các anh em ở Phi-líp cũng cùng vui với ông. Tuy nhiên để làm thế, họ phải không nản lòng vì những gì đang xảy ra với Phao-lô. Họ cần noi gương ông (Phi-líp 1:14; 3:17). Hơn nữa, các anh em ở Phi-líp phải tiếp tục nhắc đến Phao-lô trong lời cầu nguyện, giúp đỡ và hỗ trợ bất cứ điều gì trong khả năng.—Phi-líp 1:19; 4:14-16.

Chúng ta có thể hiện thái độ vui mừng như Phao-lô không? Chúng ta có cố gắng nghĩ về những điều tích cực trong cuộc sống và trong thánh chức không? Khi kết hợp với anh em, đó là cơ hội tốt để chia sẻ các kinh nghiệm trong thánh chức. Chúng ta không cần chờ cho đến khi có kinh nghiệm thật hay mới kể. Có lẽ chúng ta gợi sự chú ý về thông điệp Nước Trời bằng một lời nhập đề hoặc lý luận hữu hiệu. Có thể chúng ta có một cuộc nói chuyện thú vị với chủ nhà về một câu Kinh Thánh. Hoặc có thể những người trong khu vực nhận ra chúng ta là Nhân Chứng Giê-hô-va, nhờ thế chúng ta làm chứng tốt cho họ. Việc chia sẻ những kinh nghiệm như thế với anh em là cách để chúng ta cùng vui với nhau.

Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã và đang hy sinh để hoàn tất công việc rao giảng. Các tiên phong, giám thị lưu động, thành viên Bê-tên, giáo sĩ và tình nguyện viên xây cất quốc tế đang nỗ lực trong công việc phụng sự trọn thời gian và có được niềm vui. Chúng ta có vui mừng và cùng vui với họ không? Chúng ta hãy thể hiện lòng biết ơn đối với những anh chị yêu dấu này, những người ‘cùng chúng ta vì nước Đức Chúa Trời mà làm việc’ (Cô 4:11). Khi nhóm lại tại hội thánh hoặc các hội nghị, chúng ta có thể khích lệ các anh chị ấy. Chúng ta cũng có thể nghĩ về lòng sốt sắng của họ và noi theo. Chúng ta có thể tạo “dịp-tiện” qua việc tỏ lòng hiếu khách, có lẽ mời họ dùng bữa, để nghe họ kể kinh nghiệm và nói những điều xây dựng.—Phi-líp 4:10.

Cùng vui với những người gặp thử thách

Việc chịu đựng sự bắt bớ và vượt qua thử thách đã giúp Phao-lô càng quyết tâm trung thành với Đức Giê-hô-va (Cô 1:24; Gia 1:2, 3). Phao-lô biết rằng anh em ở Phi-líp có lẽ sẽ gặp những thử thách tương tự và được khích lệ nhờ sự kiên trì của mình, nên ông đã vui mừng và vui cùng họ. Do đó, ông viết: “Nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa, là phải chịu cùng một cuộc chiến-tranh như anh em đã thấy ở nơi tôi và hiện nay còn nghe nói có nơi tôi”.—Phi-líp 1:29, 30.

Tương tự thế, các tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng bị chống đối vì công việc rao giảng. Sự chống đối này đôi khi là sự hung bạo, nhưng thường thì ở hình thức tinh vi hơn. Chẳng hạn, nó có thể là lời vu khống của những người bội đạo, sự bắt bớ của người thân trong gia đình, sự chế giễu của đồng nghiệp hay bạn học. Chúa Giê-su nói chúng ta không nên ngạc nhiên hay nản lòng khi gặp những thử thách này. Đúng hơn, chúng ta nên xem đó là lý do để vui mừng. Chúa Giê-su nói: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”.—Mat 5:11, 12.

Chúng ta không nên sợ hãi khi nghe tin anh em chúng ta bị bắt bớ dữ dội tại một số nước. Trái lại, chúng ta nên vui mừng vì họ đã kiên trì chịu đựng. Chúng ta có thể cầu nguyện cho họ, xin Đức Giê-hô-va giúp họ có đức tin mạnh mẽ và sức chịu đựng (Phi-líp 1:3,  4). Dù không thể làm được gì khác cho các anh chị yêu dấu này, nhưng chúng ta có thể giúp những người trong hội thánh đang gặp thử thách. Chúng ta có thể quan tâm và giúp đỡ họ. Chúng ta cũng có thể tạo cơ hội để cùng vui với họ qua việc thỉnh thoảng mời họ dự Buổi thờ phượng của gia đình, tham gia thánh chức hoặc giải trí chung.

Chúng ta có nhiều lý do để cùng nhau vui mừng! Hãy chống lại tinh thần tự cô lập của thế gian, tiếp tục chung vui với anh em. Khi làm thế, chúng ta không những làm cho hội thánh trở thành một nơi có tình yêu thương, hợp nhất mà còn vui hưởng tình anh em tín đồ Đấng Christ (Phi-líp 2:1, 2). Thật vậy, Phao-lô khuyến khích chúng ta: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi”!—Phi-líp 4:4.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 6]

Globe: Courtesy of Replogle Globes