Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự Đức Giê-hô-va là niềm vui của tôi

Phụng sự Đức Giê-hô-va là niềm vui của tôi

Phụng sự Đức Giê-hô-va là niềm vui của tôi

Do Fred Rusk kể lại

Lúc còn nhỏ, tôi đã cảm nhận được những lời của Đa-vít viết nơi Thi-thiên 27:10 là thật: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi”. Hãy để tôi kể sự việc diễn ra như thế nào.

Tôi lớn lên trên nông trại trồng cây bông của ông nội ở bang Georgia, Hoa Kỳ, trong suốt Cuộc Khủng hoảng Kinh tế vào thập niên 1930. Cha tôi bàng hoàng trước cái chết của mẹ và đứa em trai sơ sinh đã để tôi ở lại với người ông đơn chiếc, rồi đi làm ở thành phố rất xa. Sau này, cha định đón tôi về ở nhưng điều đó không thành.

Các cô của tôi quán xuyến nhà cửa. Dù ông nội không có đạo nhưng các cô là những tín đồ sùng đạo Báp-tít Miền nam. Mấy cô dọa đánh tôi và ép tôi đi nhà thờ vào mỗi chủ nhật. Thế nên từ lúc nhỏ, tôi không quan tâm lắm đến tôn giáo. Tuy nhiên, tôi thích đi học và chơi thể thao.

Cuộc viếng thăm đã thay đổi đời tôi

Vào một chiều năm 1941, khi ấy tôi 15 tuổi, một người đàn ông cao niên cùng vợ đã đến nhà tôi. Tôi được cho biết đây là “ông cậu Talmadge Rusk”. Tôi chưa hề nghe nói về ông nhưng được biết vợ chồng ông là Nhân Chứng Giê-hô-va. Những điều ông nói về ý định của Đức Chúa Trời là cho nhân loại sống mãi mãi trên đất khác xa những gì tôi được nghe ở nhà thờ. Phần lớn gia đình tôi bác bỏ, thậm chí còn xem thường những điều họ nói. Gia đình tôi không cho họ quay lại nữa. Tuy nhiên, cô ruột của tôi là Mary, chỉ lớn hơn tôi ba tuổi, đã nhận một cuốn Kinh Thánh và các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh.

Cô Mary liền tin rằng mình đã tìm được chân lý và làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1942. Cô cũng cảm nghiệm những gì Chúa Giê-su đã báo trước: “Người ta sẽ có kẻ thù-nghịch, là người nhà mình” (Mat 10:34-36). Sự chống đối của gia đình rất dữ dội. Chị của cô Mary, một người luôn tham gia các hoạt động xã hội trong vùng, đã âm mưu với thị trưởng để bắt ông Talmadge. Họ gán ông tội tuyên truyền trái phép và ông đã bị kết án.

Tờ báo địa phương cho biết ông thị trưởng, cũng là thẩm phán, đã nói với những người có mặt ở phiên tòa: “Các sách báo mà người đàn ông này phân phát... nguy hiểm như độc dược”. Tuy nhiên, ông Talmadge đã kháng cáo và thắng kiện. Trong lúc kháng cáo, ông đã ngồi trong nhà giam 10 ngày.

Cách cô Mary giúp tôi

Ngoài việc nói với tôi về niềm tin mới, cô Mary đã bắt đầu làm chứng cho những người hàng xóm. Tôi cùng cô tham dự cuộc học hỏi Kinh Thánh với một ông đã nhận sách The New World * (Thế giới mới). Vợ ông nói ông đã thức cả đêm để đọc sách này. Dù không muốn đi theo một tôn giáo nhưng tôi thích thú với những điều mình học được. Sự dạy dỗ trong Kinh Thánh không là điều chính yếu khiến tôi tin Nhân Chứng Giê-hô-va là dân của Đức Chúa Trời mà là việc họ bị chống đối.

Chẳng hạn, một ngày nọ, trên đường từ vườn cà chua trở về nhà, cô Mary và tôi phát hiện tại lò đốt rác có bằng chứng cho thấy các ấn phẩm, kể cả máy quay đĩa và đĩa ghi âm thông điệp Kinh Thánh đã bị các chị của cô đốt. Tôi rất tức giận nhưng một người cô đã lên giọng với tôi: “Sau này con sẽ biết ơn việc các cô đã làm”.

Năm 1943, cô Mary buộc phải rời khỏi nhà vì không chịu bỏ niềm tin mới cũng như ngưng rao giảng cho hàng xóm. Lúc đó, tôi rất vui khi biết rằng Đức Chúa Trời không những có tên là Giê-hô-va mà còn là Đức Chúa Trời yêu thương và thương xót, không hành hạ người ta dưới hỏa ngục. Tôi cũng biết rằng Đức Giê-hô-va có một tổ chức yêu thương, dù tôi chưa tham dự nhóm họp.

Sau này, có lần tôi đang cắt cỏ thì một chiếc xe hơi từ từ chạy tới. Một trong hai người đàn ông trong xe hỏi tôi có phải là Fred không. Khi biết họ là Nhân Chứng, tôi nói: “Em lên xe nha, rồi chúng ta đến một nơi khác an toàn hơn để nói chuyện”. Cô Mary đã sắp xếp cho họ đến thăm tôi. Một trong hai anh tên là Shield Toutjian, là giám thị lưu động, đã cho tôi lời khích lệ và sự hướng dẫn đúng lúc. Giờ đây, sự chống đối của gia đình tập trung vào tôi vì tôi cương quyết bênh vực niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Nơi cô Mary chuyển đến là bang Virginia. Cô viết thư cho biết rằng nếu tôi đã cương quyết phụng sự Đức Giê-hô-va thì tôi có thể đến sống với cô. Tôi liền quyết định đi ngay. Vào một chiều thứ sáu, tháng 10-1943, tôi xếp một số đồ dùng cần thiết vào trong thùng và cột vào cây cách nhà khá xa. Ngày thứ bảy, tôi trở lại lấy thùng, đi đường ít ai để ý hầu đến nhà hàng xóm, sau đó quá giang vào thị trấn. Khi đến thành phố Roanoke, tôi gặp được cô Mary. Cô đang ở nhà của chị Edna Fowlkes.

Tiến bộ, báp-têm và vào Bê-tên

Cô Edna là một Nhân Chứng được xức dầu, giàu lòng thương xót, một Ly-đi tân thời, đã thuê căn nhà lớn và cho cô Mary, chị dâu cùng hai con gái vào ở. Các cô con gái này là Gladys và Grace Gregory. Sau này, họ trở thành giáo sĩ. Chị Gladys giờ đây ở độ tuổi 90, vẫn trung thành phụng sự tại chi nhánh Nhật Bản.

Khi sống ở nhà cô Edna, tôi tham dự nhóm họp đều đặn và được huấn luyện để làm thánh chức. Việc được tự do học Lời Đức Chúa Trời và tham dự nhóm họp khiến tôi càng muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va. Vào ngày 14-6-1944, tôi đã báp-têm. Cô Mary, chị Gladys và Grace bắt đầu làm tiên phong và nhận nhiệm sở ở tận miền bắc bang Virginia. Họ đã giúp thành lập một hội thánh tại Leesburg, thuộc bang này. Vào đầu năm 1946, tôi bắt đầu làm tiên phong ở một vùng gần đó. Mùa hè năm ấy, chúng tôi cùng đi dự một hội nghị quốc tế đáng nhớ tại Cleveland, Ohio từ ngày 4-11 tháng 8.

Ở hội nghị đó, anh Nathan Knorr, người dẫn đầu tổ chức, đã cho biết kế hoạch mở rộng Bê-tên Brooklyn. Kế hoạch bao gồm xây một khu nhà ở mới và mở rộng xưởng in. Cần có nhiều anh trẻ tham gia dự án này. Tôi quyết định đây là nơi tôi muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì thế, tôi nộp đơn và chỉ vài tháng sau, tức ngày 1-12-1946, tôi vào Bê-tên.

Khoảng một năm sau, giám thị xưởng in là anh Max Larson đã đến Ban bưu phẩm, nơi tôi làm việc. Anh nói tôi được bổ nhiệm vào Ban công tác. Tại đây, tôi học được nhiều điều về cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh cũng như cơ cấu của tổ chức Đức Chúa Trời, đặc biệt khi làm việc với giám thị ban đó là anh T. J. (Bud) Sullivan.

Cha đã đến Bê-tên thăm tôi vài lần. Sau này cha cũng có đạo. Trong lần viếng thăm cuối cùng vào năm 1965, cha nói: “Con hãy đến thăm cha vì cha sẽ không đến thăm con nữa”. Tôi đã đi thăm cha vài lần trước khi ông qua đời. Cha tin rằng mình sẽ lên thiên đàng. Còn tôi hy vọng cha sẽ được nằm trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va. Nếu được như thế, khi sự sống lại xảy ra, cha sẽ được sống trên đất với hy vọng sống mãi mãi trong địa đàng, chứ không phải nơi cha nghĩ mình sẽ đến.

Các hội nghị và dự án xây dựng đáng nhớ khác

Các hội nghị luôn là cột mốc để phát triển về thiêng liêng. Chẳng hạn, những hội nghị quốc tế diễn ra tại sân vận động Yankee, New York vào thập niên 1950. Trong một đợt hội nghị vào năm 1958, cả sân vận động Yankee và Polo Grounds có tới 253.922 người từ 123 quốc gia đến tham dự. Tại hội nghị đó, có một chuyện xảy ra mà tôi không bao giờ quên. Khi đang giúp trong văn phòng hội nghị, anh Knorr nhanh nhảu đến gặp tôi và nói: “Fred, tôi quên chọn một anh nói bài giảng cho các anh chị tiên phong đang ở trong đại sảnh gần đây. Anh có thể chạy đến đó và nói bài giảng dựa trên bất cứ đề tài nào anh nghĩ ra, được không?”. Tôi chạy vụt đến, cầu nguyện rất nhiều và thở hổn hển.

Vào thập niên 1950 và 1960, khi số hội thánh gia tăng đáng kể tại thành phố New York thì những nơi được thuê làm Phòng Nước Trời không đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nên, từ năm 1970 đến 1990, tổ chức đã mua rồi sửa lại ba tòa nhà tại Manhattan để làm nơi nhóm họp. Tôi là giám thị ủy ban xây cất các dự án này và đã có nhiều kỷ niệm khó quên về cách Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho các hội thánh trong việc đóng góp tài chánh và hoàn thành các công trình này. Những nơi ấy vẫn tiếp tục là trung tâm của sự thờ phượng thật.

Các thay đổi trong đời

Vào một ngày năm 1957, trên đường đi làm khi tôi băng qua công viên giữa nhà Bê-tên và xưởng in thì trời bắt đầu mưa. Tôi thấy một cô gái đáng yêu tóc vàng, mới vào Bê-tên, đi trước tôi. Cô ấy không có dù nên tôi mời cô che chung với tôi. Đó là cách tôi gặp Marjorie. Kể từ khi kết hôn vào năm 1960, chúng tôi luôn chung vai sát cánh vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va, dù cuộc đời êm đềm hoặc bão tố. Chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày cưới lần thứ 50 vào tháng 9-2010.

Không lâu sau khi hưởng tuần trăng mật trở về, anh Knorr bảo tôi được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Ga-la-át. Đó quả là đặc ân lớn! Từ năm 1961 đến 1965, có năm lớp với thời gian học dài hơn, gồm phần lớn các thành viên trong chi nhánh được huấn luyện đặc biệt về cách quản lý chi nhánh. Mùa thu năm 1965, các lớp trở lại 5 tháng như thường lệ, và một lần nữa tập trung vào việc huấn luyện giáo sĩ.

Năm 1972, tôi được chuyển sang làm giám thị bộ phận trả lời thư tín. Việc nghiên cứu để trả lời các câu hỏi và giải quyết vấn đề đã giúp tôi hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời hơn và biết áp dụng nguyên tắc cao quý của Ngài để giúp người khác.

Năm 1987, tôi được bổ nhiệm sang một ban mới là Ban thông tin y khoa. Chúng tôi tổ chức các cuộc họp để giúp những trưởng lão thuộc Ủy ban Liên lạc Bệnh viện biết cách nói chuyện với bác sĩ, quan tòa và nhân viên xã hội về lập trường dựa trên Kinh Thánh liên quan đến máu. Một vấn đề nghiêm trọng là các bác sĩ tự ý truyền máu cho con cái chúng ta, và thường được tòa án chấp nhận.

Khi đề nghị các bác sĩ dùng phương pháp trị liệu không dùng máu, họ luôn đáp lại là họ không có những phương pháp này hoặc chúng quá tốn kém. Đối với bất cứ bác sĩ phẫu thuật nào đã trả lời như thế, tôi nói: “Xin đưa tay ông ra”. Khi ông ấy đưa tay ra, tôi nói: “Đó, ông đang có một điều tốt nhất để thay thế việc truyền máu”. Lời khen ấy nhắc nhở ông về điều ông thừa biết, đó là cẩn thận dùng dao mổ để giảm thiểu mất máu.

Suốt hai thập kỷ qua, Đức Giê-hô-va đã ban phước rất nhiều cho các anh trong nỗ lực giúp các bác sĩ và thẩm phán. Thái độ của họ thay đổi rõ rệt khi hiểu rõ lập trường của chúng ta. Họ biết rằng các cuộc nghiên cứu y khoa cho thấy những phương pháp điều trị không dùng máu rất hữu ích và có nhiều bác sĩ cũng như bệnh viện đã hợp tác trong vấn đề này.

Từ năm 1996, tôi và Marjorie phụng sự ở Trung tâm Giáo dục của Hội Tháp Canh tại Patterson, New York, nằm ở phía bắc Brooklyn khoảng 110km. Tại đây, tôi chỉ làm một thời gian ngắn ở Ban công tác, rồi có giai đoạn tham gia huấn luyện các thành viên chi nhánh và giám thị lưu động. Khoảng 12 năm nay, tôi trở lại với công việc giám thị bộ phận trả lời thư tín. Bộ phận này đã được chuyển từ Brooklyn đến Patterson.

Những thử thách khi về già

Đảm nhiệm công việc tại Bê-tên trở nên khó hơn khi tôi bước vào độ tuổi 85. Trong hơn 10 năm qua, tôi phải chiến đấu với căn bệnh ung thư. Tôi cảm thấy mình giống như Ê-xê-chia, người được Đức Giê-hô-va kéo dài sự sống (Ê-sai 38:5). Sức khỏe vợ tôi cũng yếu và chúng tôi cùng đối phó với bệnh Alzheimer. Marjorie là một tôi tớ đắc lực của Đức Giê-hô-va, người cố vấn cho các em trẻ, người trợ giúp và bạn đồng hành trung thành của tôi. Cô ấy luôn là học viên Kinh Thánh xuất sắc và người dạy dỗ hữu hiệu. Nhiều người con thiêng liêng của cô ấy vẫn còn liên lạc với chúng tôi.

Cô Mary đã qua đời vào tháng 3-2010, ở tuổi 87. Cô là người dạy dỗ xuất sắc Lời Đức Chúa Trời và giúp người khác đứng về phía sự thờ phượng thật. Cô phụng sự trọn thời gian trong nhiều năm. Tôi rất biết ơn vì cô đã góp phần giúp tôi biết chân lý trong Kinh Thánh và trở thành người giống như cô, một tôi tớ của Đức Chúa Trời yêu thương là Đức Giê-hô-va. Cô Mary đã được chôn bên cạnh chồng, một giáo sĩ từng phụng sự ở Israel. Tôi tin rằng họ đang ở trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va và chờ đợi được sống lại.

Nhìn lại hơn 67 năm phụng sự Đức Giê-hô-va, tôi cảm tạ Ngài về vô số ân phước mình có. Làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va là niềm vui của tôi! Tin nơi ân điển của Đức Chúa Trời, tôi rất mong có phần trong lời hứa của Con Ngài: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời”.—Mat 19:29.

[Chú thích]

^ đ. 11 Xuất bản năm 1942 nhưng hiện nay không còn ấn hành.

[Hình nơi trang 19]

Trên nông trại trồng cây bông của ông nội tại Georgia, Hoa Kỳ, năm 1928

[Hình nơi trang 19]

Cô Mary và ông Talmadge

[Hình nơi trang 20]

Cô Mary, chị Gladys và Grace

[Hình nơi trang 20]

Tôi báp-têm ngày 14-6-1944

[Hình nơi trang 20]

Trong Ban công tác tại Bê-tên

[Hình nơi trang 21]

Với cô Mary tại hội nghị quốc tế năm 1958 ở sân vận động Yankee

[Hình nơi trang 21]

Với Marjorie trong ngày cưới

[Hình nơi trang 21]

Chúng tôi, năm 2008