“Tỉnh-thức”—Tại sao quan trọng?
“Tỉnh-thức”—Tại sao quan trọng?
‘Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế?’ (Mat 24:3). Chúa Giê-su trả lời câu hỏi này qua việc cho môn đồ biết một điềm rõ ràng, chi tiết, dễ nhận ra và không lẫn lộn, như được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 24, Mác chương 13 và Lu-ca chương 21. Sau đó, ngài nói thêm: “Hãy tỉnh-thức”.—Mat 24:42.
Nếu điềm ấy quá rõ ràng, vậy thì tại sao lại có thêm lời khuyên này? Hãy xem hai điều có khả năng xảy ra. Trước tiên, sự phân tâm có thể khiến một số người lờ đi điềm ấy, hậu quả là họ bị yếu đức tin và mất cảnh giác. Thứ hai, nếu một phần của điềm chưa xảy ra tại nơi một tín đồ đang sống, người ấy có lẽ nghĩ mình không bị ảnh hưởng. Rồi người ấy có thể lý luận rằng “hoạn-nạn lớn”, tột điểm trong lời tiên tri của Chúa Giê-su, vẫn còn khá lâu nên chưa cần phải “tỉnh-thức”.—Mat 24:21.
“Họ không để ý gì hết”
Chúa Giê-su nhắc các môn đồ về những người sống trong thời Nô-ê. Họ hẳn đã thấy Nô-ê rao giảng, đóng tàu và sự gian ác xung quanh. Nhưng đa số “không để ý gì hết” (Mat 24:37-39, NW). Thái độ tương tự cũng phổ biến ngày nay. Hãy xem một minh họa: Nhiều người thấy các biển báo tốc độ trên đường đi nhưng lại không chấp hành. Thế nên, chính quyền buộc phải lắp đặt các gờ giảm tốc trên mặt đường để người ta lái xe chậm lại. Tương tự thế, một tín đồ có lẽ ý thức về điềm của ngày sau rốt nhưng vẫn tham gia những hoạt động khiến họ phân tâm. Điều này đã xảy ra cho em Arielle, một thiếu niên ở Tây Phi.
Em Arielle thích xem môn bóng ném nữ trên truyền hình. Khi trường của em lập một đội tuyển, viễn tượng được chơi bóng ném đã khiến em không nhận thấy những mối nguy hiểm tiềm tàng về thiêng liêng. Em xin làm thủ môn. Điều gì đã xảy ra? Em cho biết: “Một số bạn trong đội cặp bồ với những bạn trai hút thuốc và dùng ma túy. Họ chế giễu vì em khác biệt với họ, nhưng em nghĩ mình có thể đối phó được. Tuy nhiên, chính việc thi đấu môn này đã làm đức tin em suy yếu. Tâm trí em lúc nào cũng nghĩ đến bóng ném. Trong các buổi nhóm họp, em cứ nghĩ miên man hết chuyện ở Phòng Nước Trời đến chuyện ở sân bóng. Em thấy nhân cách tín đồ Đấng Christ của mình đã thay đổi. Lòng yêu thích chơi thể thao đã chuyển sang khát vọng chiến thắng. Vì hiếu thắng nên em đã phải khổ công luyện tập. Em căng thẳng hơn. Thậm chí em đã hy sinh cả tình bạn để theo đuổi môn bóng này.
Đỉnh điểm là khi đối phương được hưởng quả phạt trong một trận đấu. Em đang trong tư thế chặn bóng. Không ngờ là lúc đó em đã cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va giúp bắt được
bóng! Sự việc này khiến em nhận ra tình trạng thiêng liêng của mình đã bị ảnh hưởng đến mức nào. Vậy, làm sao em phục hồi lại được tình trạng thiêng liêng của mình?Em đã từng xem video Young People Ask—What Will I Do With My Life? * (Giới trẻ thắc mắc—Tôi đặt mục tiêu nào cho đời mình?) nhưng quyết định xem lại và lần này suy nghĩ một cách nghiêm túc. Suy cho cùng, em cũng giống như anh André trong video ấy. Em đặc biệt lưu ý đến những lời chỉ dẫn mà anh trưởng lão đã nói với André, đó là đọc và suy ngẫm câu Phi-líp 3:8. Khi suy ngẫm câu Kinh Thánh này, em quyết định rời đội tuyển.
Quả là một thay đổi lớn! Tinh thần cạnh tranh và sự căng thẳng đã tan biến. Em thấy hạnh phúc và gắn bó hơn với anh em đồng đạo. Những hoạt động thiêng liêng có ý nghĩa hơn với em. Em có thể tập trung và thích thú lắng nghe chương trình nhóm họp. Thánh chức cũng hữu hiệu hơn. Giờ đây, em hay làm tiên phong phụ trợ”.
Nếu bạn bị phân tâm và không để ý đến điềm Chúa Giê-su nói, hãy làm những bước quan trọng như em Arielle. Bạn có thể thử một số cách sau. Hãy xem Danh mục ấn phẩm Tháp Canh 1995-2005. Bạn sẽ tìm được những lời khuyên hữu ích và kinh nghiệm của những người từng đối phó với những cám dỗ như bạn. Hãy chuẩn bị kỹ và ghi chú hầu được lợi ích tối đa từ các buổi họp. Một số anh chị thấy ngồi ở các hàng ghế đầu giúp dễ tập trung. Khi có phần tham gia của cử tọa, hãy cố gắng bình luận sớm. Hơn nữa, hãy tỉnh thức về thiêng liêng bằng cách liên kết tin tức với các khía cạnh của điềm và những đặc điểm khác của “ngày sau-rốt”.—2 Ti 3:1-5; 2 Phi 3:3, 4; Khải 6:1-8.
“Hãy chực cho sẵn”
Điềm của ngày sau rốt đang xảy ra “khắp đất” (Mat 24:7, 14). Hàng triệu người sống trong những vùng có dịch lệ, đói kém, động đất và những điều khác đã được báo trước. Trái lại, nhiều người sống ở những nơi tương đối bình an. Nếu một số khía cạnh của điềm chưa xảy ra ở nơi bạn sống, bạn có nên lý luận rằng hoạn nạn lớn còn lâu mới đến không? Lý luận như thế thì không khôn ngoan.
Chẳng hạn, hãy suy ngẫm về những gì Chúa Giê-su báo trước là sẽ “có đói-kém và dịch-lệ” (Lu 21:11). Trước tiên, ngài không nói những tai ương này sẽ xảy ra ở mọi nơi cùng một lúc hay cùng một mức độ. Thay vì thế, ngài nói chúng sẽ xuất hiện ở “nhiều chỗ”. Do đó, chúng ta không cho rằng một tai ương sẽ xảy ra ở mọi nơi trong cùng một thời điểm. Thứ hai, không lâu sau khi đề cập đến đói kém, Chúa Giê-su bảo các môn đồ phải cảnh giác, không để mình rơi vào việc ăn uống quá độ. Ngài nói: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ... làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng” (Lu 21:34). Vì thế, các tín đồ Đấng Christ sẽ không đối mặt với mọi khía cạnh của điềm. Chúa Giê-su nói: “Khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến” (Lu 21:31). Ngày nay, các phương tiện truyền thông cho chúng ta thấy mọi khía cạnh của điềm, cho dù nó có xảy ra ở nơi mình sống hay không.
Cũng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã đặt ra “ngày và giờ” của hoạn nạn lớn (Mat 24:36). Diễn tiến của các biến cố trên thế giới sẽ không thay đổi được ngày này.
Chúa Giê-su khuyên các tín đồ ở khắp nơi: “Hãy chực cho sẵn” (Mat 24:44). Chúng ta nên luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Tất nhiên, chúng ta không thể lúc nào cũng tham gia các hoạt động thiêng liêng. Ngoài ra, không ai trong chúng ta biết mình đang làm gì khi hoạn nạn lớn bắt đầu. Một số người có lẽ đang ở ngoài đồng hoặc làm việc nhà (Mat 24:40, 41). Vậy, chúng ta có thể làm gì để cho thấy mình luôn chực cho sẵn?
Anh Emmanuel, chị Victorine cùng sáu con gái sống ở một vùng thuộc châu Phi. Họ không nếm trải đầy đủ các khía cạnh của điềm về ngày sau rốt. Vì vậy, họ quyết định thảo luận về đề tài thiêng liêng mỗi ngày để luôn “chực cho sẵn”. Anh Emmanuel cho biết: “Thật khó để tìm được một khoảng thời gian phù hợp cho tất cả mọi người trong gia đình. Cuối cùng, chúng tôi chọn khoảng thời gian từ 6 giờ đến 6 giờ 30 sáng. Sau khi xem đoạn Kinh Thánh mỗi ngày, chúng tôi chuẩn bị vài đoạn trong các ấn phẩm được học tại hội thánh trong tuần lễ đó”. Chương trình này có giúp họ tỉnh thức không? Chắc chắn có! Anh Emmanuel là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão, còn chị Victorine thì thường xuyên làm tiên phong phụ trợ và giúp nhiều người đến với lẽ thật. Các con gái của họ đều rất tiến bộ về thiêng liêng.
Chúa Giê-su khuyên chúng ta: ‘Hãy giữ mình tỉnh-thức’ (Mác 13:33). Vậy, bạn đừng để mình bị phân tâm, mất cảnh giác về thiêng liêng. Thay vì thế, hãy lưu ý những lời khuyên hữu ích trong các ấn phẩm của chúng ta và tại các buổi họp, giống như em Arielle. Như gia đình anh Emmanuel, hãy cố gắng làm điều gì đó mỗi ngày hầu cho thấy bạn chực cho sẵn và “tỉnh-thức”.
[Chú thích]
^ đ. 8 Video nói về một tín đồ trẻ thời nay đã phấn đấu làm điều đúng theo quan điểm của Đức Giê-hô-va.
[Hình nơi trang 4]
Thảo luận về những điều thiêng liêng mỗi ngày đã giúp gia đình anh Emmanuel “chực cho sẵn”