Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”

“Yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”

“Yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”

“Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta... đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu”.—Ê-SAI 61:1, 2.

1. Chúa Giê-su đã làm gì cho những người buồn rầu, và tại sao?

Chúa Giê-su nói: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài” (Giăng 4:34). Khi thi hành sứ mạng Đức Chúa Trời giao, Chúa Giê-su phản ánh các đức tính cao quý của Cha ngài. Trong đó, đức tính nổi bật nhất là tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với con người (1 Giăng 4:7-10). Một cách Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương ấy là Ngài an ủi chúng ta. Sứ đồ Phao-lô cho biết điều này khi nói Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” (2 Cô 1:3). Chúa Giê-su cũng thể hiện tình yêu thương như thế khi ngài làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai. (Đọc Ê-sai 61:1, 2). Tại nhà hội ở Na-xa-rét, Chúa Giê-su đọc lời tiên tri đó và áp dụng cho chính mình (Lu 4:16-21). Trong suốt thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su đã yêu thương và an ủi những người buồn rầu, đau khổ, mang đến cho họ niềm khích lệ và bình an tâm trí.

2, 3. Tại sao môn đồ Chúa Giê-su cần noi gương ngài trong việc an ủi người khác?

2 Các môn đồ của Chúa Giê-su cần noi gương ngài qua việc an ủi những ai đau buồn (1 Cô 11:1). Sứ đồ Phao-lô nói: “Anh em hãy tiếp tục an ủi, xây dựng nhau” (1 Tê 5:11, Bản Diễn Ý). Chúng ta đặc biệt cần an ủi người khác vì hiện nay nhân loại đang đối mặt với “thời-kỳ khó-khăn” (2 Ti 3:1). Trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều người tốt phải chịu đựng những lời nói và hành động khiến họ đau lòng, tổn thương và sầu não.

3 Như Kinh Thánh báo trước, trong những ngày cuối cùng của thế gian hung ác này, nhiều người “tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội-bạc, không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận, hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo, ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. Hiện nay, những điều này tồi tệ hơn bao giờ hết, vì “những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ”.—2 Ti 3:2-4, 13.

4. Tình hình thế giới vào thời chúng ta như thế nào?

4 Tất cả những điều này không làm chúng ta ngạc nhiên, vì Lời Đức Chúa Trời cho biết “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (1 Giăng 5:19). “Cả thế-gian” bao gồm hệ thống chính trị, tôn giáo, thương mại cũng như những cách mà Sa-tan dùng để phổ biến tư tưởng của hắn. Không lạ gì khi Sa-tan được gọi là “vua-chúa thế-gian nầy” và “chúa đời nầy” (Giăng 14:30; 2 Cô 4:4). Tình hình thế giới ngày càng xấu hơn vì hiện nay Sa-tan đang giận hoảng, biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian trước khi bị Đức Chúa Trời tiêu diệt (Khải 12:12). Thật an ủi làm sao khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không cho phép Sa-tan cùng thế gian của hắn tồn tại lâu hơn nữa, và vấn đề Sa-tan nêu lên liên quan đến quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va sẽ được giải quyết!—Sáng chương 3; Gióp chương 2.

Tin mừng đang được rao giảng khắp đất

5. Lời tiên tri về công việc rao giảng đang được ứng nghiệm thế nào trong ngày sau rốt?

5 Trong giai đoạn khó khăn này của lịch sử con người, những điều Chúa Giê-su báo trước đang được ứng nghiệm. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Mat 24:14). Công việc làm chứng khắp đất về Nước Đức Chúa Trời đang được thực hiện trên phạm vi rộng lớn chưa từng có. Ngày nay, hơn 7.500.000 Nhân Chứng Giê-hô-va trong hơn 107.000 hội thánh khắp thế giới đang rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, chủ đề mà Chúa Giê-su từng giảng dạy (Mat 4:17). Kết quả là những người đau buồn cảm thấy rất được an ủi. Chỉ trong hai năm qua, có tổng cộng 570.601 người đã làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va!

6. Bạn nghĩ gì về sự phát triển của công việc rao giảng?

6 Sự phát triển của công việc rao giảng được thấy rõ qua việc Nhân Chứng Giê-hô-va dịch và phân phối các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh trong hơn 500 ngôn ngữ. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại! Sự tồn tại, công việc và sự gia tăng của phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va thật phi thường! Nếu không có sự hướng dẫn và giúp đỡ của thánh linh, thì không thể nào có được công việc như thế trong thế gian dưới quyền kiểm soát của Sa-tan. Vì tin mừng đang được rao giảng khắp đất, nên cả anh em đồng đạo của chúng ta lẫn những ai đau buồn nhưng chịu lắng nghe thông điệp Nước Trời đều được Kinh Thánh an ủi.

An ủi anh em đồng đạo

7. (a) Tại sao ngày nay chúng ta không thể mong đợi Đức Giê-hô-va loại bỏ hết mọi nguyên nhân gây đau buồn? (b) Làm sao chúng ta biết rằng mình có thể chịu đựng được sự bắt bớ và khốn khó?

7 Trong thế giới đầy gian ác và đau khổ này, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những tình huống khiến mình sầu não. Cho đến khi Đức Giê-hô-va hủy diệt thế gian này, chúng ta không thể mong đợi Ngài loại bỏ hết mọi nguyên nhân gây đau buồn và chán nản. Trong khi chờ đợi, chúng ta phải đương đầu với sự bắt bớ đã được báo trước, và lòng trung kiên của chúng ta cho thấy mình có ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va hay không (2 Ti 3:12). Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ và an ủi của Cha chúng ta trên trời, chúng ta cũng giống như các tín đồ được xức dầu sống tại Tê-sa-lô-ni-ca, những người chịu bắt bớ, khốn khó với lòng nhịn nhục và đức tin.—Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3-5.

8. Có bằng chứng nào trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va an ủi các tôi tớ của Ngài?

8 Chắc chắn, Đức Giê-hô-va ban cho các các tôi tớ Ngài sự an ủi mà họ cần. Chẳng hạn, khi hoàng hậu Giê-sa-bên độc ác dọa giết nhà tiên tri Ê-li, ông mất can đảm, chạy trốn và thậm chí nói rằng ông muốn chết. Thay vì quở trách Ê-li, Đức Giê-hô-va an ủi và giúp ông có sự can đảm để tiếp tục làm công việc tiên tri (1 Vua 19:1-21). Một thí dụ khác cho thấy Đức Giê-hô-va an ủi dân Ngài là trường hợp của hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho biết “hội-thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình-an, gây-dựng”. Hơn nữa, họ ‘đi trong đường kính-sợ Đức Giê-hô-va, lại nhờ thánh-linh vùa-giúp, thì số của hội được thêm lên’ (Công 9:31). Chúng ta thật biết ơn vì cũng được ‘thánh-linh vùa-giúp’!

9. Tại sao việc học biết về Chúa Giê-su có thể an ủi chúng ta?

9 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được an ủi khi học biết về Chúa Giê-su và noi theo dấu chân ngài. Chúa Giê-su nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Học về cách cư xử tử tế và yêu thương của Chúa Giê-su với người khác rồi áp dụng những điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều để bớt căng thẳng.

10, 11. Trong hội thánh, những ai có thể an ủi người khác?

10 Chúng ta cũng có thể được anh em đồng đạo an ủi. Chẳng hạn, hãy xem cách các trưởng lão trong hội thánh giúp những người đang đau buồn. Môn đồ Gia-cơ viết: “Trong anh em có ai đau-ốm chăng? hãy mời các trưởng-lão Hội-thánh đến,... các trưởng-lão hãy cầu-nguyện cho người”. Kết quả thế nào? “Sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa [Giê-hô-va] sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha” (Gia 5:14, 15). Các thành viên khác trong hội thánh cũng có thể an ủi chúng ta.

11 Các chị thường thấy dễ nói về vấn đề của mình với các chị khác. Đặc biệt các chị lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm hơn có thể đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho những chị trẻ hơn. Các chị lớn tuổi và thành thục hơn có lẽ từng trải qua những hoàn cảnh tương tự. Sự đồng cảm, lòng quan tâm và biết lắng nghe của họ có thể giúp ích rất nhiều. (Đọc Tít 2:3-5). Dĩ nhiên, trưởng lão và những người khác nên “yên-ủi những kẻ ngã lòng” (1 Tê 5:14, 15). Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời ‘đã yên-ủi chúng ta, thì chúng ta cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp’.—2 Cô 1:4.

12. Tại sao việc tham dự các buổi nhóm họp là quan trọng?

12 Một cách rất quan trọng để được an ủi là tham dự các buổi nhóm họp. Tại đây, chúng ta được khích lệ qua các buổi thảo luận về Kinh Thánh. Lời Đức Chúa Trời cho biết Giu-đe và Si-la đã “khuyên-bảo, và giục lòng anh em mạnh-mẽ” (Công 15:32). Tương tự, trước và sau nhóm họp, chúng ta có thể trò chuyện và khích lệ các anh chị trong hội thánh. Thế nên, nếu đang đau buồn, chúng ta không nên tự cô lập mình, vì như vậy vấn đề sẽ không khả quan hơn (Châm 18:1). Thay vì thế, chúng ta nên làm theo lời khuyên được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”.—Hê 10:24, 25.

Được an ủi từ Lời Đức Chúa Trời

13, 14. Kinh Thánh có thể an ủi chúng ta qua những cách nào?

13 Dù đã báp-têm hoặc chỉ mới bắt đầu học biết về Đức Chúa Trời và các ý định của Ngài, chúng ta có thể tìm được sự an ủi qua Lời Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô 15:4). Kinh Thánh có thể an ủi và giúp chúng ta “được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti 3:16, 17). Biết sự thật về ý định của Đức Chúa Trời và có hy vọng về tương lai sẽ mang lại sự an ủi. Do đó, hãy đọc và nghiên cứu Kinh Thánh cùng các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta được an ủi và nhận nhiều lợi ích khi làm thế.

14 Chúa Giê-su nêu gương mẫu qua việc dùng Kinh Thánh để hướng dẫn và an ủi người khác. Chẳng hạn, trong một lần hiện ra sau khi được sống lại, Chúa Giê-su “cắt nghĩa Kinh-thánh” cho hai môn đồ. Khi nghe ngài nói, họ vô cùng cảm động (Lu 24:32). Noi theo gương mẫu tuyệt vời của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô cũng dùng Kinh Thánh ‘biện-luận với người ta’. Tại thành Bê-rê, những người nghe ông “sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh” (Công 17:2, 10, 11). Đọc Kinh Thánh mỗi ngày thật quan trọng biết bao! Chúng ta sẽ được lợi ích khi đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm của tổ chức. Điều này sẽ giúp chúng ta được an ủi và có hy vọng trong thế giới hỗn loạn này.

Những cách khác để an ủi

15, 16. Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ và an ủi anh em đồng đạo?

15 Chúng ta có thể giúp đỡ và an ủi anh em đồng đạo qua nhiều cách thực tế. Chẳng hạn, chúng ta có thể đi chợ giúp các anh chị lớn tuổi hoặc bị bệnh. Chúng ta có thể giúp làm những việc lặt vặt, tỏ lòng quan tâm đến các anh chị khác (Phi-líp 2:4). Chúng ta cũng có thể khen anh em vì đã thể hiện các đức tính tốt như yêu thương, tháo vát, can đảm và đức tin.

16 Để an ủi các anh chị lớn tuổi, chúng ta có thể đến thăm và nghe họ kể các kinh nghiệm trong quá khứ cũng như ân phước trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều này có thể an ủi và khích lệ chúng ta! Chúng ta có thể đọc Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm dựa vào Kinh Thánh với các anh chị ấy. Chúng ta có lẽ xem với họ bài Tháp Canh học hỏi hoặc các tài liệu trong Buổi học Kinh Thánh của hội thánh trong tuần. Chúng ta có thể cùng họ xem một video của tổ chức. Chúng ta cũng có thể đọc hoặc kể lại vài kinh nghiệm khích lệ trong các ấn phẩm.

17, 18. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ và an ủi các tôi tớ trung thành của Ngài?

17 Nếu thấy một anh em đồng đạo đang cần được an ủi, chúng ta có thể nhắc đến anh hay chị ấy trong lời cầu nguyện (Rô 15:30; Cô 4:12). Khi đối phó với những vấn đề trong đời sống và cố gắng tìm cách an ủi người khác, chúng ta có đức tin cùng lòng tin chắc như người viết Thi-thiên: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động” (Thi 55:22). Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ luôn an ủi và nâng đỡ các tôi tớ trung thành của Ngài.

18 Đức Chúa Trời phán với những người thờ phượng Ngài thời xưa: “Ta, chính ta, là Đấng yên-ủi các ngươi” (Ê-sai 51:12). Đức Giê-hô-va cũng sẽ an ủi và ban phước cho chúng ta khi chúng ta có lời nói và hành động để an ủi những người buồn rầu. Dù có hy vọng lên trời hay ở trên đất, mỗi người chúng ta có thể được an ủi qua những lời của Phao-lô viết cho các anh em được xức dầu: “Nguyền xin chính Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, và Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là Đấng đã yêu-thương chúng ta, và đã lấy ân-điển Ngài mà ban cho chúng ta sự yên-ủi đời đời và sự trông-cậy tốt-lành, hãy yên-ủi lòng anh em, khiến anh em được bền-vững trong mọi việc lành cùng mọi lời nói lành!”.—2 Tê 2:16, 17.

Bạn có nhớ không?

• Công việc an ủi những người buồn rầu của chúng ta phát triển đến mức nào?

• Chúng ta có thể làm những gì để an ủi người khác?

• Có bằng chứng nào trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va an ủi dân Ngài?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Bạn có an ủi những người buồn rầu không?

[Hình nơi trang 30]

Dù ở độ tuổi nào, chúng ta đều có thể là nguồn khích lệ