Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Để được sự sống và bình an, hãy bước theo thần khí

Để được sự sống và bình an, hãy bước theo thần khí

Để được sự sống và bình an, hãy bước theo thần khí

“Không bước theo xác thịt mà bước theo thần khí”.—RÔ 8:4.

1, 2. (a) Một người bị mất tập trung khi lái xe có thể gặp hậu quả nào? (b) Bị phân tâm trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể dẫn đến hậu quả nào?

“Việc mất tập trung khi lái xe ngày càng phổ biến và dường như tình trạng này mỗi năm một tệ hơn”. Đó là nhận định của một viên chức ngành giao thông Hoa Kỳ. Điện thoại di động là một trong những thiết bị có thể khiến người điều khiển xe không tập trung vào điều mà người đó cần phải làm, đó là lái xe. Trong một cuộc khảo sát, có hơn 1/3 số người được phỏng vấn nói rằng họ đã bị hoặc suýt bị chiếc xe của tài xế đang nói chuyện điện thoại tông vào. Làm nhiều việc trong lúc lái xe có vẻ tiết kiệm được thời gian, nhưng có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

2 Điều tương tự có thể xảy ra cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Như người lái xe mất tập trung có thể không để ý đến các dấu hiệu nguy hiểm, cũng thế, một người bị phân tâm trong những vấn đề tâm linh có thể dễ rơi vào tình huống nguy hiểm. Nếu để mình bị trôi lạc khỏi lối sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô và các hoạt động thần quyền, đức tin của chúng ta có thể bị hủy hoại như con thuyền bị đắm (1 Ti 1:18, 19). Sứ đồ Phao-lô cảnh báo về điều này khi ông nhắc nhở anh em đồng đạo ở Rô-ma: “Chú tâm đến xác thịt mang lại sự chết, còn chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an” (Rô 8:6). Ý của Phao-lô là gì? Làm sao chúng ta có thể tránh “chú tâm đến xác thịt” và nỗ lực để “chú tâm đến thần khí”?

Họ “không bị kết tội”

3, 4. (a) Phao-lô đã viết về sự đấu tranh nào của bản thân? (b) Tại sao chúng ta nên quan tâm đến trường hợp của Phao-lô?

3 Trong thư gửi cho tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô viết về sự đấu tranh mà ông đã trải qua. Đó là sự giằng co giữa xác thịt và trí. (Đọc Rô-ma 7:21-23). Khi viết những lời này, Phao-lô không tự bào chữa hay tội nghiệp cho bản thân, như thể ông bị tội lỗi đè nặng mà không thể làm gì được. Ông là một tín đồ được xức dầu, thành thục và “là sứ đồ được phái đến với dân ngoại” (Rô 1:1; 11:13). Vậy, tại sao Phao-lô đã viết về sự đấu tranh của bản thân mình?

4 Phao-lô thành thật thừa nhận rằng ông không thể làm theo ý của Đức Chúa Trời đến mức mà ông muốn. Tại sao? Ông cho biết: “Vì mọi người đều phạm tội và không thể phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô 3:23). Là con cháu của A-đam, Phao-lô phải chịu ảnh hưởng của tội lỗi và sự bất toàn. Chúng ta cũng thông cảm với ông vì tất cả chúng ta đều bất toàn và mỗi ngày phải đấu tranh như ông. Hơn nữa, có nhiều điều khiến chúng ta bị phân tâm và không còn đi trên ‘đường chật dẫn đến sự sống’ (Mat 7:14). Tuy nhiên, trường hợp của Phao-lô không vô vọng, chúng ta cũng vậy.

5. Phao-lô tìm được sự giúp đỡ và giải thoát nơi đâu?

5 Phao-lô viết: ‘Ai sẽ cứu tôi? Cảm tạ Đức Chúa Trời, ngài sẽ cứu tôi qua Chúa Giê-su Ki-tô’ (Rô 7:24, 25). Sau đó, ông nói về những người “hợp nhất với Đấng Ki-tô Giê-su”, tức các tín đồ được xức dầu. (Đọc Rô-ma 8:1, 2). Qua thần khí, Đức Giê-hô-va nhận họ làm con, kêu gọi họ để “đồng thừa kế với Đấng Ki-tô” (Rô 8:14-17) Nhờ thần khí và đức tin nơi giá chuộc Đấng Ki-tô, họ có thể chiến thắng trong cuộc tranh đấu mà Phao-lô đã miêu tả, và vì thế “không bị kết tội”. Họ được giải thoát “khỏi luật của tội lỗi và của sự chết”.

6. Tại sao tất cả tôi tớ Đức Chúa Trời nên lưu ý đến lời của Phao-lô?

6 Tuy những lời của Phao-lô dành cho các tín đồ được xức đầu, nhưng những gì ông nói về thần khí và giá chuộc của Đấng Ki-tô mang lại lợi ích cho tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va, bất kể họ có hy vọng nào. Dù Phao-lô được soi dẫn để đưa ra lời khuyên đó, nhưng điều quan trọng là mọi tôi tớ của Đức Chúa Trời cần hiểu và làm theo những gì ông viết.

Đức Chúa Trời “kết án tội lỗi của xác thịt” như thế nào?

7, 8. (a) Luật pháp “bị hạn chế bởi sự yếu đuối của xác thịt” theo nghĩa nào? (b) Qua thần khí và giá chuộc, Đức Chúa Trời đã thực hiện được điều gì?

7 Nơi chương 7 của lá thư viết cho tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô nhìn nhận quyền lực của tội lỗi trong xác thịt bất toàn. Còn chương 8, ông nói về quyền lực của thần khí. Ông cho biết cách thần khí có thể giúp các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chống lại quyền lực của tội lỗi hầu họ có thể sống phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va và được ngài chấp nhận. Phao-lô nói nhờ thần khí và giá chuộc của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời thực hiện được điều mà Luật pháp Môi-se không làm được.

8 Luật pháp, với nhiều điều luật, kết án người có tội. Hơn nữa, các thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên phụng sự dưới sự chi phối của Luật pháp đều là những người bất toàn, không thể dâng một của lễ đủ để bù đắp cho tội lỗi. Vì thế, Luật pháp “bị hạn chế bởi sự yếu đuối của xác thịt”. Nhưng, “bằng cách sai Con ngài đến, với hình hài giống như con người tội lỗi” để làm giá chuộc, Đức Chúa Trời “kết án tội lỗi của xác thịt”, vì thế thực hiện ‘điều Luật pháp không thể thực hiện’. Kết quả là các tín đồ được xức dầu được xưng công chính dựa trên đức tin nơi giá chuộc của Chúa Giê-su. Họ được khuyến khích “không bước theo xác thịt mà bước theo thần khí”. (Đọc Rô-ma 8:3, 4). Đúng thế, họ phải làm như vậy cho đến khi kết thúc đời sống trên đất hầu nhận được “phần thưởng sự sống” ở trên trời.—Khải 2:10.

9. Từ “luật” được dùng nơi Rô-ma 8:2 có nghĩa gì?

9 Ngoài “Luật pháp”, Phao-lô còn nói đến “luật pháp của thần khí” và “luật của tội lỗi và của sự chết” (Rô 8:2). Những luật này là gì? Từ “luật” trong câu này không ám chỉ đến các điều luật cụ thể, chẳng hạn như những điều luật trong Luật pháp Môi-se. Một tài liệu tham khảo cho biết từ Hy Lạp được dịch là “luật” trong câu này muốn nói đến điều tốt và xấu mà người ta làm, chi phối họ như một luật. Nó cũng có nghĩa là tiêu chuẩn mà người ta chọn sống theo.

10. Tại sao chúng ta đều phục dưới luật của tội lỗi và sự chết?

10 Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi một người mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người, vì hết thảy đều có tội” (Rô 5:12). Là con cháu của A-đam, tất cả chúng ta đều phục dưới luật của tội lỗi và sự chết. Xác thịt bất toàn luôn thúc giục chúng ta làm những điều mà Đức Chúa Trời không hài lòng và dẫn đến sự chết. Trong thư gửi cho tín đồ ở Ga-la-ti, Phao-lô gọi những hành động và đặc tính như thế là “các việc làm của xác thịt”. Rồi ông nói thêm: “Ai có những thói như thế sẽ không được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời” (Ga 5:19-21). Những người này cũng giống như những người bước theo xác thịt (Rô 8:4). Tiêu chuẩn sống của họ hoàn toàn theo ham muốn của xác thịt. Nhưng có phải những người phạm những tội như gian dâm, thờ thần tượng, tà thuật hoặc các tội trọng khác mới bước theo xác thịt không? Không, vì các việc làm của xác thịt cũng bao hàm những điều mà người ta có lẽ chỉ xem là yếu điểm như ganh ghét, giận dữ, bất hòa và ghen tị. Có ai dám nói rằng mình tuyệt đối không bước theo xác thịt không?

11, 12. (a) Đức Giê-hô-va có sự sắp đặt nào để chúng ta thoát khỏi luật của tội lỗi và sự chết? (b) Chúng ta phải làm gì để được ngài chấp nhận?

11 Thật vui mừng biết bao vì Đức Giê-hô-va đã có sự sắp đặt để chúng ta thoát khỏi luật của tội lỗi và sự chết! Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời”. Qua việc cho thấy mình yêu thương Đức Chúa Trời và tin nơi giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta không còn bị kết án bởi tội lỗi di truyền (Giăng 3:16-18). Vì thế, chúng ta sẽ có cùng tâm tình như Phao-lô: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, ngài sẽ cứu tôi qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng ta!”.

12 Trường hợp của chúng ta giống như được chữa khỏi căn bệnh nặng. Nếu muốn hồi phục, chúng ta phải làm theo lời dặn của bác sĩ. Dù việc thể hiện đức tin nơi giá chuộc có thể giải thoát chúng ta khỏi luật của tội lỗi và sự chết, nhưng chúng ta vẫn là người bất toàn và tội lỗi. Để gắn bó với Đức Giê-hô-va và được ngài chấp nhận, chúng ta phải làm hơn thế nữa. Liên quan đến việc làm theo “các đòi hỏi của ngài ghi trong Luật pháp”, Phao-lô nêu ra một điểm khác, đó là bước theo thần khí.

Làm thế nào để bước theo thần khí?

13. Bước theo thần khí có nghĩa gì?

13 Khi bước đi, chúng ta dần dần tiến đến nơi mình muốn đến. Tương tự, bước theo thần khí đòi hỏi chúng ta phải đều đặn tiến bộ về tâm linh (1 Ti 4:15). Dù không thể làm thế một cách hoàn hảo, nhưng hằng ngày chúng ta cố gắng hết sức để bước, tức sống theo sự hướng dẫn của thần khí. Chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận khi “bước theo sự hướng dẫn của thần khí”.—Ga 5:16.

14. Những người “bước theo xác thịt” có khuynh hướng nào?

14 Trong thư gửi cho tín đồ ở Rô-ma, Phao-lô nhắc đến hai loại người có lối suy nghĩ đối lập. (Đọc Rô-ma 8:5). Từ xác thịt ở đây không nhất thiết nói về thân thể. Đôi khi trong Kinh Thánh từ “xác thịt” ám chỉ bản chất tội lỗi và bất toàn của con người. Bản chất này là điều gây ra sự giằng co giữa xác thịt và trí mà Phao-lô đã đề cập trước đó. Nhưng không như ông, những người “bước theo xác thịt” không có chút cố gắng nào nhằm chống lại ham muốn sai trái. Thay vì xem xét những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi và chấp nhận sự giúp đỡ của ngài, họ “chú tâm đến những điều xác thịt”. Họ thường chú tâm vào việc thỏa mãn ham muốn tội lỗi của mình. Trái lại, những người “bước theo thần khí” thì “chú tâm đến những điều phù hợp với thần khí”, tức những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời và việc phụng sự ngài.

15, 16. (a) Việc chú tâm vào một điều ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ của chúng ta? (b) Ngày nay, đa số người ta chú tâm đến điều gì?

15 Đọc Rô-ma 8:6. Để làm việc gì, dù tốt hay xấu, một người phải chú tâm vào việc đó. Những người luôn chú tâm vào những điều xác thịt thì sẽ phát huy thái độ hoặc khuynh hướng chỉ tập trung vào những điều thuộc về xác thịt. Cảm nghĩ, mối quan tâm và sự yêu thích của họ luôn hướng về những điều ấy.

16 Ngày nay, đa số người ta chú tâm đến điều gì? Sứ đồ Giăng viết: “Tất cả những gì thuộc về thế gian như sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt và sự phô trương của cải đều bắt nguồn từ thế gian chứ chẳng phải từ Cha” (1 Giăng 2:16). Các ham muốn này bao gồm việc sống buông thả, ham địa vị và của cải vật chất. Các sách báo, tạp chí, phim ảnh, chương trình truyền hình và Internet có đầy tài liệu cỗ vũ những ham muốn này, vì phần lớn người ta chú tâm và ham muốn những điều đó. Tuy nhiên, “chú tâm đến xác thịt mang lại sự chết”, tức “chết” về tâm linh trong hiện tại và có thể bị mất mạng trong tương lai. Tại sao thế? “Vì chú tâm đến xác thịt là thù nghịch với Đức Chúa Trời, bởi xác thịt không phục tùng luật pháp của ngài, mà thật ra cũng không phục tùng được. Vậy, những người bước theo xác thịt không thể làm Đức Chúa Trời hài lòng”.—Rô 8:7, 8.

17, 18. Làm sao chúng ta có thể chú tâm đến thần khí, và kết quả là gì?

17 Trái lại, “chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an”, tức sự sống vĩnh cửu trong tương lai và sự bình an nội tâm cũng như sự hòa thuận với Đức Chúa Trời trong hiện tại. Làm sao chúng ta có thể “chú tâm đến thần khí”? Nếu luôn làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và thần khí, chúng ta sẽ có lối suy nghĩ phù hợp với đường lối ngài. Khi làm thế, lối suy nghĩ của chúng ta sẽ “phục tùng luật pháp của ngài” và phù hợp với lối suy nghĩ của ngài. Nhờ thế, khi đương đầu với cám dỗ, chúng ta biết chắc mình nên chọn đường lối nào. Chúng ta sẽ lựa chọn đúng, đó là bước theo thần khí.

18 Do đó, điều quan trọng là chúng ta nên chú tâm đến những điều phù hợp với thần khí. Chúng ta làm điều này bằng cách “dồn hết tâm trí cho công việc”, làm cho đời sống mình xoay quanh những hoạt động quan trọng như đều đặn cầu nguyện, đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức (1 Phi 1:13). Thay vì để những điều thuộc về xác thịt khiến mình bị phân tâm, chúng ta hãy chú tâm vào những điều phù hợp với thần khí. Nhờ vậy, chúng ta sẽ bước theo thần khí. Điều này sẽ mang lại ân phước cho chúng ta, vì chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an.—Ga 6:7, 8.

Bạn giải thích thế nào?

• ‘Điều Luật pháp không thể thực hiện’ là gì, và Đức Chúa Trời thực hiện điều đó bằng cách nào?

• “Luật của tội lỗi và của sự chết” là gì và làm sao chúng ta có thể thoát khỏi luật ấy?

• Chúng ta phải làm gì để “chú tâm đến thần khí”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 12, 13]

Bạn bước theo xác thịt hay bước theo thần khí?