Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giê-hu bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch

Giê-hu bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch

Giê-hu bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch

Giê-hu là người bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch. Khi thực hiện vai trò này, ông năng động, nhanh nhảu, quyết đoán, sốt sắng và can đảm. Chúng ta có thể noi theo những đức tính mà Giê-hu đã thể hiện.

Giê-hu được giao sứ mạng khi dân Y-sơ-ra-ên đã rất xấu xa. Cả nước chịu ảnh hưởng của bà Giê-sa-bên độc ác, vợ góa của A-háp và mẹ của vua đương nhiệm Giô-ram. Bà ủng hộ việc thờ thần Ba-anh thay vì thờ phượng Đức Giê-hô-va, giết các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời và làm dân sự băng hoại bằng “sự gian-dâm” và “tà-thuật” (2 Vua 9:22; 1 Vua 18:4, 13). Đức Giê-hô-va chỉ thị diệt trừ cả nhà A-háp, kể cả Giô-ram và Giê-sa-bên. Giê-hu là người dẫn đầu chiến dịch đó.

Lần đầu tiên Kinh Thánh nói đến Giê-hu là khi ông ngồi cùng các quan tướng, và dân Y-sơ-ra-ên đang giao chiến với quân Sy-ri tại Ra-mốt trong Ga-la-át. Giê-hu là quan cấp cao, thậm chí có thể là chỉ huy cả quân đội Y-sơ-ra-ên. Nhà tiên tri Ê-li-sê phái một môn đồ của các tiên tri bí mật bổ nhiệm Giê-hu làm vua và bảo ông giết hết mọi người nam trong nhà của kẻ bội đạo A-háp.—2 Vua 8:28; 9:1-10.

Khi các quan tướng theo Giê-hu hỏi về mục đích của chuyến viếng thăm này, ông không muốn nói. Tuy nhiên khi bị ép, Giê-hu đã tiết lộ rồi ông cùng những người theo mình hiệp lực nhằm lật đổ Giô-ram (2 Vua 9:11-14). Dường như họ căm phẫn và chống lại chính sách cai trị cùng ảnh hưởng của bà Giê-sa-bên. Dù gì đi nữa, Giê-hu đã suy xét kỹ để tìm ra cách tốt nhất thực hiện sứ mạng này.

Vua Giô-ram đã bị thương trong một trận chiến và rút về thành Gít-rê-ên chờ hồi phục. Giê-hu biết rằng nếu muốn kế hoạch của mình thành công thì thông tin không được rò rỉ đến Gít-rê-ên. Ông nói: “Chớ để một ai thoát khỏi thành đi thông tin cho Gít-rê-ên” (2 Vua 9:14, 15). Có lẽ ông biết trước là sẽ có một số người chống lại ông vì họ trung thành với Giô-ram. Giê-hu muốn chắc chắn rằng họ không có cơ hội làm điều đó.

ĐÁNH XE THẦN TỐC!

Để quân thù bất ngờ, Giê-hu đánh xe vượt quãng đường 72km từ Ra-mốt trong Ga-la-át đến Gít-rê-ên. Khi chạy nhanh đến nơi, một lính canh trên tháp “thấy đạo-quân của Giê-hu” (2 Vua 9:17). Rất có thể là Giê-hu đã dẫn theo lực lượng hùng hậu để chắc chắn thực hiện được mục đích của mình.

Biết Giê-hu là một trong những người đánh xe, người lính canh thốt lên: “Ông ấy đánh xe như điên!” (2 Vua 9:20, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nếu bình thường Giê-hu đánh xe như thế thì khi gấp rút thi hành sứ mạng đặc biệt này, ông hẳn đánh xe thần tốc.

Sau khi từ chối nói bất cứ điều gì với hai sứ giả, Giê-hu gặp vua Giô-ram và đồng minh của ông là A-cha-xia, vua Giu-đa, mỗi người trên xe của mình. Giô-ram hỏi: “Hỡi Giê-hu, bình-an chăng?”. Giê-hu giận dữ đáp: “Hễ sự gian-dâm, sự tà-thuật của Giê-sa-bên mẹ vua, còn nhiều dường ấy, thì bình-an sao đặng?”. Sợ hãi trước những lời ấy, Giô-ram bỏ chạy. Nhưng Giê-hu quá nhanh. Ông rút tên, giương cung bắn xuyên tim Giô-ram. Hắn chết ngay trong xe của mình. Dù A-cha-xia đã tẩu thoát nhưng Giê-hu tìm được và giết hắn.—2 Vua 9:22-24, 27.

Người tiếp theo trong nhà A-háp phải bị tiêu diệt là hoàng hậu độc ác Giê-sa-bên. Giê-hu gọi bà là “đàn-bà khốn-nạn” thật thích đáng. Khi đánh xe đến Gít-rê-ên, Giê-hu thấy bà nhìn xuống từ cửa sổ cung điện. Chẳng thèm tốn lời, Giê-hu ra lệnh cho các viên quan ném bà xuống. Rồi ông cho ngựa giẫm lên kẻ làm bại hoại cả nước Y-sơ-ra-ên. Sau đó, Giê-hu tiếp tục tiêu diệt nhiều thành viên khác trong nhà bạo chúa A-háp.—2 Vua 9:30-34; 10:1-14.

Dù khó chịu trước cảnh bạo lực, chúng ta nên nhớ rằng vào thời đó, Đức Giê-hô-va dùng các tôi tớ ngài để thi hành sự phán xét. Kinh Thánh nói: “Việc A-cha-xia đi đến cùng Giô-ram bởi ý Đức Chúa Trời, và gây cho người bị bại-hoại; vì khi người đến tận nơi, bèn cùng Giô-ram kéo ra đánh Giê-hu, con trai Nim-si, là người Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho, đặng trừ-diệt nhà A-háp” (2 Sử 22:7). Khi ném thi thể Giô-ram xuống ruộng của Na-bốt, Giê-hu biết rằng hành động này làm ứng nghiệm lời hứa của Đức Giê-hô-va là trừng phạt A-háp vì đã giết Na-bốt. Hơn nữa, Giê-hu đã được lệnh báo thù Giê-sa-bên về ‘huyết của tôi-tớ Đức Chúa Trời’.—2 Vua 9:7, 25, 26; 1 Vua 21:17-19.

Ngày nay, tôi tớ Đức Giê-hô-va không dùng bạo lực để chống lại những kẻ thù của sự thờ phượng thanh sạch vì ngài nói: “Sự trả thù thuộc về ta” (Hê 10:30). Tuy nhiên, để che chở hội thánh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng đồi bại, các trưởng lão phải can đảm hành động như Giê-hu (1 Cô 5:9-13). Mọi thành viên trong hội thánh cần quyết tâm tránh giao du với những người bị khai trừ.—2 Giăng 9-11.

GIÊ-HU SỐT SẮNG VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Động cơ để Giê-hu thực hiện sứ mạng này được thể hiện qua những lời ông nói với người trung thành Giô-na-đáp: “Hãy đến cùng tôi, xem lòng sốt-sắng tôi đối với Đức Giê-hô-va”. Giô-na-đáp nhận lời, lên xe của Giê-hu và cùng đi đến Sa-ma-ri. Tại đây, Giê-hu “dùng mưu-trí, toan diệt các kẻ hầu-việc thần Ba-anh”.—2 Vua 10:15-17, 19.

Giê-hu cho biết ông định tổ chức “một của tế-lễ lớn” cho Ba-anh (2 Vua 10:18, 19). Một học giả nói: “Đây là lối chơi chữ thông minh của Giê-hu”. Vì từ được dùng ở đây “thường có nghĩa ‘của tế-lễ’, nhưng nó cũng nói đến ‘việc giết’ những kẻ bội đạo”. Vì Giê-hu không muốn bất kỳ người nào thờ thần Ba-anh vắng mặt nên ông nhóm tất cả bọn họ trong miễu thần Ba-anh và cho mặc áo lễ. “Khi đã dâng của-lễ thiêu xong”, Giê-hu cho 80 lính giết các tín đồ Ba-anh. Sau đó, ông phá hủy miễu thần Ba-anh và biến nó thành nơi phóng uế, một nơi không thích hợp cho việc thờ phượng.—2 Vua 10:20-27.

Đúng là Giê-hu đã làm đổ máu. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy ông là người can đảm, giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách thống trị hà khắc của Giê-sa-bên và gia đình bà. Nếu các nhà lãnh đạo của dân Y-sơ-ra-ên muốn làm được điều này, họ phải là người can đảm, cương quyết và sốt sắng. Một từ điển Kinh Thánh bình luận: “Đó là một việc rất khó và phải thi hành cách triệt để. Các biện pháp nhẹ hơn có lẽ sẽ không thể loại trừ được việc thờ thần Ba-anh ra khỏi nước Y-sơ-ra-ên”.

Chắc hẳn bạn thấy các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng đương đầu với những hoàn cảnh đòi hỏi họ thể hiện các đức tính như Giê-hu. Chẳng hạn, chúng ta phản ứng thế nào nếu bị cám dỗ tham gia hoạt động mà Đức Giê-hô-va lên án? Chúng ta nên sốt sắng, can đảm và nhanh chóng loại bỏ nó. Liên quan đến lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta không dung túng bất cứ điều gì ảnh hưởng đến sự thờ phượng thanh sạch, như thế chúng ta tỏ lòng sốt sắng với ngài.

CẨN THẬN LÀM THEO LUẬT PHÁP ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Có một lời cảnh báo trong cuối câu chuyện này. Giê-hu “còn để lại các bò vàng tại Bê-tên và tại Đan” (2 Vua 10:29). Làm sao một người dường như rất sốt sắng với sự thờ phượng thanh sạch lại dung túng việc thờ hình tượng?

Có lẽ Giê-hu nghĩ rằng để hai vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa độc lập với nhau thì cần có hai tôn giáo riêng. Như các vị vua trước của Y-sơ-ra-ên, Giê-hu muốn dân này tách biệt khỏi vương quốc Giu-đa bằng cách duy trì việc thờ bò vàng. Tuy nhiên, điều này cho thấy ông thiếu đức tin nơi Đức Giê-hô-va, đấng đã bổ nhiệm ông làm vua.

Đức Giê-hô-va khen Giê-hu vì ‘ông đã làm rất phải, xử công-bình trước mặt ngài’. Tuy nhiên, “Giê-hu không hết lòng cẩn-thận theo luật-pháp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (2 Vua 10:30, 31). Khi xem xét những điều mà Giê-hu đã làm trước đó, có lẽ bạn thấy ngạc nhiên và buồn lòng. Nhưng chúng ta rút ra được một bài học từ câu chuyện này. Chúng ta chớ bao giờ xem nhẹ mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Mỗi ngày, chúng ta cần vun đắp lòng trung thành với Đức Chúa Trời qua việc học hỏi Lời ngài, suy ngẫm và cầu nguyện chân thành với Cha trên trời của chúng ta. Vậy, chúng ta hãy hết sức cẩn thận làm theo luật pháp Đức Giê-hô-va.—1 Cô 10:12.

[Khung nơi trang 4]

Giê-hu và lịch sử thế tục

Các nhà phê bình thường nêu nghi vấn về sự hiện hữu của các nhân vật trong Kinh Thánh. Vậy, có nguồn tài liệu nào khác ngoài Kinh Thánh đề cập đến Giê-hu không?

Có ít nhất ba sử liệu của nước A-si-ri cổ xưa nhắc đến tên vị vua Y-sơ-ra-ên này. Một sử liệu cho thấy hình Giê-hu, hoặc có lẽ là một sứ thần của ông, đã cúi mình trước Sanh-ma-na-sa III, vua A-si-ri, và dâng cống phẩm. Lời khắc trên sử liệu này cho biết: “Về cống phẩm của Giê-hu (Ia-ú-a), con trai của Ôm-ri (Hu-um-ri), ta nhận vàng, bạc, một cái bát saplu vàng, cái bình vàng đáy nhỏ, cái vại, thau, hộp bằng vàng, puruhtu [không biết nghĩa của từ này] bằng gỗ và một vương trượng”. Giê-hu không phải là “con trai của Ôm-ri”, nhưng cụm từ này được dùng để nói đến những vua kế tiếp của nước Y-sơ-ra-ên, có lẽ vì tiếng tăm của Ôm-ri và việc ông đã xây dựng thủ đô của Y-sơ-ra-ên là Sa-ma-ri.

Người ta cho rằng không thể chứng thực lời của vua A-si-ri nói về những cống phẩm của Giê-hu. Dù thế, ông đã nhắc đến Giê-hu ba lần, một lần trên bia đá, trên tượng của Sanh-ma-na-sa và trong biên niên sử hoàng gia nước A-si-ri. Những nguồn sử liệu này cho thấy tính xác thực về mặt lịch sử của nhân vật này trong Kinh Thánh.