Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp người nam tiến bộ về tâm linh

Giúp người nam tiến bộ về tâm linh

Giúp người nam tiến bộ về tâm linh

“Từ nay anh sẽ trở thành tay đánh lưới người”.—LU 5:10.

1, 2. (a) Người nam phản ứng thế nào khi nghe Chúa Giê-su rao giảng? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Trong lần truyền giáo khắp xứ Ga-li-lê, Chúa Giê-su cùng các môn đồ lên tàu đến một nơi vắng vẻ. Nhưng có nhiều người đi theo họ. Số người này là “khoảng năm ngàn, chưa kể phụ nữ và trẻ em” (Mat 14:21). Vào một dịp khác, một đám đông đến gặp Chúa Giê-su vì muốn được chữa bệnh và nghe ngài giảng. Họ gồm ‘bốn ngàn người, chưa kể phụ nữ và trẻ em’ (Mat 15:38). Rõ ràng trong số đó, có nhiều người đàn ông đến gặp Chúa Giê-su và chú ý đến những điều ngài dạy. Thật vậy, Chúa Giê-su biết sẽ có nhiều người khác hưởng ứng, vì sau khi làm một phép lạ giúp đánh được nhiều cá, ngài nói với môn đồ Si-môn: “Từ nay anh sẽ trở thành tay đánh lưới người” (Lu 5:10). Môn đồ Chúa Giê-su phải thả lưới xuống biển người để “đánh lưới” được nhiều người, trong đó có nhiều người nam.

2 Ngày nay, cũng có những người nam chú ý đến thông điệp Kinh Thánh mà chúng ta rao giảng (Mat 5:3). Tuy nhiên, nhiều người đã do dự và không tiến bộ về tâm linh. Làm sao chúng ta có thể giúp họ? Dù Chúa Giê-su không tập trung rao giảng cho người nam, nhưng ngài có nói đến những vấn đề mà họ quan tâm vào thời đó. Qua gương của Chúa Giê-su, hãy xem xét làm sao chúng ta có thể giúp người nam đối phó với ba mối quan tâm thường thấy ngày nay: (1) kiếm sống, (2) sợ dư luận và (3) cảm thấy không đủ khả năng.

Kiếm sống

3, 4. (a) Mối quan tâm chính của nhiều người nam là gì? (b) Tại sao một số người nam xem trọng việc kiếm sống hơn là theo đuổi những điều tâm linh?

3 Một thầy kinh luật nói với Chúa Giê-su: “Thưa thầy, thầy đi đâu tôi sẽ theo đó”. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su nói với ông rằng “Con Người không có chỗ gối đầu”, ông liền phân vân. Dường như thầy kinh luật này lo lắng về việc không biết mình sẽ lấy đâu ra đồ ăn hoặc sống nơi nào, thế nên Kinh Thánh không nói ông trở thành môn đồ Chúa Giê-su.—Mat 8:19, 20.

4 Người nam thường xem trọng việc ổn định tài chính hơn là theo đuổi những điều tâm linh. Đối với nhiều người nam, việc học cao và tìm việc làm có lương hậu là ưu tiên. Theo cách suy nghĩ của họ, những gì mà tiền bạc mang lại thì thực tế và cần thiết hơn là những lợi ích đến từ việc học Kinh Thánh, gắn bó với Đức Chúa Trời. Có thể họ thích những điều Kinh Thánh dạy, nhưng “mối lo lắng trong đời này, sự cám dỗ của giàu sang” đã khiến họ không còn thích nữa (Mác 4:18, 19). Vậy, hãy xem cách Chúa Giê-su giúp các môn đồ ngài điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đời sống.

5, 6. Điều gì đã giúp Anh-rê, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng điều chỉnh thứ tự ưu tiên giữa việc rao giảng và kiếm sống?

5 Anh-rê và anh là Si-môn Phi-e-rơ cùng làm nghề đánh cá. Hai anh em Gia-cơ, Giăng và cha là Xê-bê-đê cũng thế. Công việc làm ăn khá giả đến độ họ phải thuê thêm người (Mác 1:16-20). Lần đầu tiên Anh-rê và Giăng nghe nói về Chúa Giê-su là qua Giăng Báp-tít. Họ đều tin rằng ngài là Đấng Mê-si. Sau đó, Anh-rê báo tin cho Si-môn Phi-e-rơ và có lẽ Giăng cũng báo cho Gia-cơ biết (Giăng 1:29, 35-41). Trong những tháng sau đó, bốn người ở cùng Chúa Giê-su khi ngài rao giảng tại Ga-li-lê, Giu-đê và Sa-ma-ri. Rồi bốn môn đồ này trở lại nghề đánh cá. Họ chú ý đến những vấn đề tâm linh nhưng lúc ấy thánh chức không phải là mối quan tâm chính của họ.

6 Một thời gian sau, Chúa Giê-su mời Phi-e-rơ cùng Anh-rê đi theo ngài để thành “tay đánh lưới người”. Cả hai phản ứng thế nào? “Họ liền bỏ lưới và theo ngài”. Giăng và Gia-cơ cũng thế. “Họ liền bỏ thuyền và lìa cha mình để đi theo ngài” (Mat 4:18-22). Điều gì đã khiến họ chọn thánh chức trọn thời gian? Có phải đó chỉ là cảm xúc, quyết định nhất thời không? Hẳn là không! Vài tháng trước, họ đã nghe Chúa Giê-su giảng, chứng kiến ngài làm phép lạ, quan sát ngài sốt sắng vì sự công chính và thấy nhiều người thích thú khi nghe Chúa Giê-su dạy dỗ. Kết quả là đức tin và lòng tin cậy của họ nơi Đức Giê-hô-va ngày càng mạnh hơn.

7. Làm thế nào chúng ta có thể giúp học viên Kinh Thánh ngày càng tin cậy Đức Giê-hô-va có khả năng chu cấp cho dân ngài?

7 Làm thế nào chúng ta noi gương Chúa Giê-su trong việc giúp các học viên Kinh Thánh vun trồng lòng tin cậy Đức Giê-hô-va? (Châm 3:5, 6). Đó là qua cách chúng ta dạy. Chúng ta có thể cho thấy rõ Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước dồi dào nếu đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. (Đọc Ma-la-chi 3:10; Ma-thi-ơ 6:33). Dù có thể dùng nhiều câu Kinh Thánh để nhấn mạnh cách Đức Giê-hô-va chu cấp cho dân ngài nhưng đừng quên gương mẫu của chúng ta có thể tác động đến người học. Khi cho học viên biết Đức Giê-hô-va chăm lo cho chúng ta như thế nào thì họ cũng sẽ vun đắp lòng tin cậy nơi ngài. Chúng ta cũng có thể kể lại những kinh nghiệm khích lệ trong các ấn phẩm của tổ chức *.

8. (a) Tại sao việc học viên Kinh Thánh “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành” là quan trọng? (b) Làm sao chúng ta có thể giúp học viên cảm nghiệm được sự tốt lành của Đức Giê-hô-va?

8 Để có đức tin mạnh mẽ, học viên Kinh Thánh không chỉ đọc và nghe những kinh nghiệm của người khác được Đức Giê-hô-va ban phước, mà người đó cũng cần cảm nghiệm sự tốt lành của ngài. Người viết Thi-thiên hát: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao! Phước cho người nào nương-náu mình nơi Ngài” (Thi 34:8). Làm thế nào chúng ta có thể giúp học viên thấy Đức Giê-hô-va là tốt lành? Chẳng hạn, một học viên đang có vấn đề về tài chánh và cũng cố gắng phấn đấu để vượt qua một thói xấu như hút thuốc, cờ bạc hay rượu chè (Châm 23:20, 21; 2 Cô 7:1; 1 Ti 6:10). Chẳng phải việc dạy học viên cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bỏ thói xấu đó sẽ làm cho học viên cảm nghiệm được sự tốt lành của ngài sao? Cũng hãy nghĩ xem kết quả sẽ ra sao nếu chúng ta khuyến khích học viên ưu tiên cho những điều tâm linh qua việc dành thời gian học hỏi Kinh Thánh mỗi tuần, chuẩn bị và tham dự các buổi họp. Khi chính học viên cảm nghiệm được sự ban phước của Đức Giê-hô-va, đức tin người ấy sẽ mạnh hơn.

Sợ dư luận

9, 10. (a) Tại sao Ni-cô-đem và Giô-sép người A-ri-ma-thê giữ kín việc mình theo Chúa Giê-su? (b) Tại sao một số người nam ngày nay do dự theo Chúa Giê-su?

9 Vì bị áp lực của những người xung quanh, có lẽ một số người nam do dự, không hết lòng theo Chúa Giê-su. Chẳng hạn, Ni-cô-đem và Giô-sép người A-ri-ma-thê giữ kín việc mình là môn đồ Chúa Giê-su vì sợ rằng không biết người Do Thái sẽ phản ứng thế nào nếu bị phát hiện (Giăng 3:1, 2; 19:38). Nỗi lo sợ của họ là có căn cứ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo căm ghét Chúa Giê-su đến nỗi bất cứ người nào xưng mình tin ngài đều bị đuổi khỏi nhà hội.—Giăng 9:22.

10 Ngày nay tại một vài nơi, nếu một người nam quan tâm đến tôn giáo, Kinh Thánh hoặc Đức Chúa Trời, thì có lẽ anh bị bạn bè, đồng nghiệp và người thân chỉ trích. Còn những nơi khác, một người có thể gặp nguy hiểm nếu nói cho người khác biết mình muốn thay đổi tín ngưỡng. Nếu một người phục vụ trong quân đội, cộng đồng địa phương hoặc làm chính trị mà nói về tôn giáo thì sẽ bị người khác phê phán. Chẳng hạn, một ông tại Đức nhìn nhận: “Những gì các Nhân Chứng giảng về Kinh Thánh là đúng. Nhưng nếu tôi trở thành Nhân Chứng hôm nay, thì ngày mai mọi người sẽ biết hết. Những người ở sở làm, lối xóm và những người quen sẽ nghĩ gì về tôi? Tôi không thể nào chịu được điều đó”.

11. Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ thế nào để đương đầu với nỗi sợ loài người?

11 Dù không sứ đồ nào của Chúa Giê-su nhút nhát, nhưng họ đều phải đấu tranh với nỗi sợ loài người (Mác 14:50, 66-72). Làm thế nào Chúa Giê-su giúp họ tiến bộ, bất chấp áp lực nặng nề của những người xung quanh? Chúa Giê-su đã trang bị cho các môn đồ để họ có thể đương đầu với sự chống đối sau này. Ngài nói: “Hạnh phúc cho anh em khi vì cớ Con Người mà bị người ta ghét bỏ, xua đuổi, mắng nhiếc và bị bêu xấu là kẻ làm ác” (Lu 6:22). Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ là họ sẽ bị mắng nhiếc “vì cớ Con Người”. Ngài cũng cam đoan rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ họ khi họ nương cậy Đức Chúa Trời để được hỗ trợ và tiếp sức (Lu 12:4-12). Hơn nữa, Chúa Giê-su khuyến khích những người mới theo ngài hãy kết hợp và làm bạn với các môn đồ ngài.—Mác 10:29, 30.

12. Làm sao chúng ta có thể giúp người mới vượt qua nỗi sợ loài người?

12 Chúng ta cũng cần giúp các học viên Kinh Thánh vượt qua nỗi sợ loài người. Thường thì sự thử thách sẽ dễ đối phó hơn khi được lường trước (Giăng 15:19). Chẳng hạn, sao bạn không giúp học viên chuẩn bị câu trả lời đơn giản, hợp lý, căn cứ vào Kinh Thánh cho những thắc mắc hoặc sự phản bác của đồng nghiệp và người khác? Ngoài việc làm bạn của học viên, chúng ta có thể giới thiệu người đó với các anh chị trong hội thánh, đặc biệt là các anh chị có hoàn cảnh hay sở thích tương tự. Trên hết, chúng ta nên dạy học viên đều đặn cầu nguyện từ đáy lòng. Điều này sẽ giúp học viên đến gần với Đức Chúa Trời, xem ngài là hòn đá và nơi nương náu của mình.—Đọc Thi-thiên 94:21-23; Gia-cơ 4:8.

Cảm thấy không đủ khả năng

13. Làm sao cảm giác không đủ khả năng khiến một số người nam ngại tham gia các hoạt động về tâm linh?

13 Một số người nam ngại tham gia các hoạt động về tâm linh vì không đọc lưu loát, không diễn đạt suôn sẻ ý nghĩ của mình hoặc mắc cỡ. Còn một số thì khó nói lên quan điểm hoặc cảm nghĩ của mình nơi công cộng. Nghĩ đến việc phải học, bình luận trong buổi nhóm hoặc chia sẻ niềm tin với người khác có lẽ khiến họ cảm thấy nặng nề. Về những lúc đi rao giảng khi còn trẻ, một anh cho biết: “Tôi bước nhanh chân đến cửa, giả vờ bấm chuông rồi âm thầm bỏ đi, hy vọng không ai nghe hoặc thấy tôi... Ý nghĩ đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia làm tôi muốn bủn rủn tay chân”.

14. Tại sao các môn đồ của Chúa Giê-su không thể chữa lành đứa trẻ bị quỉ ám?

14 Hãy nghĩ đến cảm giác thiếu tự tin mà các môn đồ Chúa Giê-su hẳn đã có khi không thể chữa lành một đứa trẻ bị quỉ ám. Cha của đứa bé đến nói với Chúa Giê-su: “[Con tôi] bị động kinh, tình trạng thê thảm lắm vì thường bị ngã vào lửa và té xuống nước. Tôi đã mang nó đến cho môn đồ ngài nhưng họ không chữa được”. Chúa Giê-su bèn đuổi quỉ ra và chữa lành cho đứa bé. Sau đó, các môn đồ đến hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao chúng tôi không đuổi được nó?”. Ngài đáp: “Vì anh em thiếu đức tin. Quả thật, tôi nói với anh em: Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải thì khi anh em bảo núi này ‘Hãy dời sang bên kia’, nó sẽ dời đi. Chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mat 17:14-20). Đức tin nơi Đức Giê-hô-va là cần thiết để vượt qua những trở ngại giống như núi. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một người quên điều này và bắt đầu tin nơi khả năng của mình? Khi thất bại, người đó sẽ cảm thấy thiếu tự tin.

15, 16. Làm sao chúng ta có thể giúp học viên Kinh Thánh vượt qua cảm giác không đủ khả năng?

15 Một cách để giúp một người đang đấu tranh với cảm giác thiếu khả năng là giúp người đó chú tâm vào Đức Giê-hô-va thay vì bản thân. Phi-e-rơ viết: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền năng của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ, ngài sẽ nâng anh em lên; hãy trao hết mọi lo lắng cho ngài” (1 Phi 5:6, 7). Điều này đòi hỏi chúng ta giúp học viên Kinh Thánh tiến bộ về tâm linh. Một người được thần khí hướng dẫn thì quý trọng những điều tâm linh. Người ấy yêu thích Lời Đức Chúa Trời và thể hiện ‘bông trái thần khí’ trong đời sống (Ga 5:22, 23). Người đó xem trọng việc cầu nguyện (Phi-líp 4:6, 7). Hơn nữa, người đó nương cậy Đức Giê-hô-va để có sự can đảm và sức mạnh cần thiết hầu đương đầu với bất cứ tình huống nào hoặc thực hiện bất cứ trách nhiệm nào.—Đọc 2 Ti-mô-thê 1:7, 8.

16 Một số học viên có lẽ cũng cần được giúp đỡ một cách thiết thực để cải thiện khả năng đọc và ăn nói. Những người khác có thể cảm thấy không xứng đáng phụng sự Đức Chúa Trời vì những điều xấu họ phạm trước khi biết đến ngài. Trong cả hai trường hợp, sự giúp đỡ đầy lòng yêu thương và kiên nhẫn của chúng ta là những gì họ cần. Chúa Giê-su nói: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”.—Mat 9:12.

Giúp người nam biết về Đức Chúa Trời

17, 18. (a) Làm thế nào chúng ta có thể gặp được nhiều người nam hơn trong thánh chức? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

17 Chúng ta mong muốn nhiều người nam hưởng ứng thông điệp mang lại sự thỏa lòng chỉ có trong Kinh Thánh (2 Ti 3:16, 17). Vậy, làm thế nào chúng ta có thể gặp được nhiều người nam hơn trong thánh chức? Bằng cách dành nhiều thời gian hơn để làm chứng vào chiều tối, giờ trưa các ngày cuối tuần hoặc các ngày lễ khi có nhiều người nam ở nhà. Nếu được, chúng ta có thể xin nói chuyện với người nam trong nhà. Vào lúc thích hợp, chúng ta hãy làm chứng bán chính thức cho đồng nghiệp nam và tiếp cận với những người chồng không tin đạo của các chị trong hội thánh.

18 Khi rao giảng cho bất cứ người nào, chúng ta có thể tin chắc rằng những người có lòng thành sẽ hưởng ứng thông điệp. Chúng ta hãy kiên nhẫn giúp đỡ những ai thành thật chú ý đến sự thật trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ những người nam đã làm báp-têm vươn tới và hội đủ điều kiện để đảm trách nhiệm vụ trong tổ chức của Đức Chúa Trời? Bài kế tiếp sẽ xem xét câu hỏi này.

[Chú thích]

^ đ. 7 Xem sách Niên giám (Yearbook) của Nhân Chứng Giê-hô-va cũng như các bài tự truyện trong tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm sao có thể giúp người nam đặt những điều tâm linh lên hàng đầu?

• Làm thế nào chúng ta có thể giúp người mới đương đầu với áp lực của những người xung quanh?

• Điều gì có thể giúp một số người vượt qua cảm giác không đủ khả năng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 25]

Bạn có tạo cơ hội để rao giảng tin mừng cho người nam không?

[Hình nơi trang 26]

Làm thế nào bạn có thể giúp học viên Kinh Thánh đương đầu với thử thách trong tương lai?