Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hiện nay bị khuyết tật nhưng không phải là mãi mãi!’

‘Hiện nay bị khuyết tật nhưng không phải là mãi mãi!’

‘Hiện nay bị khuyết tật nhưng không phải là mãi mãi!’

Do Sara van der Monde kể lại

Người ta thường nói với tôi: “Sara, em có nụ cười rất đáng yêu. Sao lúc nào em cũng vui vẻ thế?”. Tôi nói rằng tôi có một hy vọng rất đặc biệt. Nó được tóm tắt bằng những lời sau: “Hiện nay em bị khuyết tật nhưng không phải là mãi mãi!”.

Tôi chào đời năm 1974 tại thành phố Paris, nước Pháp. Mẹ tôi sinh nở khó, sau đó bác sĩ chẩn đoán tôi bị chứng bại não. Tôi bị giới hạn trong việc cử động tay chân và nói năng rất khó khăn. Tôi cũng bắt đầu bị động kinh và dễ bị nhiễm trùng.

Khi tôi được hai tuổi, gia đình tôi chuyển đến thành phố Melbourne, nước Úc. Hai năm sau, cha đã bỏ mẹ con tôi. Và đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy gắn bó với Đức Chúa Trời. Mẹ tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va và thường dẫn tôi đi nhóm họp. Tại đấy, tôi được biết là Đức Chúa Trời yêu thương và quan tâm đến tôi. Thêm vào đó, tình yêu cùng sự trấn an của mẹ đã giúp tôi cảm thấy an toàn, dù hoàn cảnh chúng tôi đã thay đổi.

Mẹ cũng dạy tôi cách cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Thật ra tôi thấy việc cầu nguyện dễ hơn nói rất nhiều. Khi cầu nguyện, tôi không phải vật lộn với việc phát âm từ ngữ, chúng hiện rõ trong trí tôi. Vì nói năng khó khăn nên tôi được yên lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va hiểu mọi điều, dù tôi nói thầm hay vấp váp thốt nên lời.—Thi 65:2.

Vượt lên hoàn cảnh

Lúc lên năm, tôi bị tê liệt nặng đến độ cần phải có bộ thanh nẹp nặng thì tôi mới đi được. Dù thế, tôi vẫn đi loạng choạng! Khi được 11 tuổi, tôi thậm chí không thể bước đi. Sau đó mỗi lúc ra khỏi giường, tôi phải cần đến một cần trục. Nó nhấc tôi qua chiếc xe lăn điện và tôi dùng tay đẩy trên xe để di chuyển.

Phải thừa nhận rằng đôi lúc, việc bị tàn tật khiến tôi buồn nản. Nhưng rồi tôi nhớ đến phương châm của gia đình mình: “Đừng lo lắng về những điều chúng ta không làm được. Hãy cố gắng làm những gì mình có thể làm”. Nhờ thế, tôi đã làm được những việc như cưỡi ngựa, lái thuyền buồm, chèo xuồng, cắm trại và ngay cả lái xe quanh một khuôn viên nhỏ! Tôi có năng khiếu vẽ tranh, may vá, thêu thùa và làm đồ gốm.

Vì tôi bị khuyết tật cấp độ nặng, nên một số người cho rằng tôi không đủ khả năng để quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời như một người trưởng thành. Lúc 18 tuổi, một cô giáo giục tôi ra ở riêng hầu “thoát khỏi” tôn giáo của mẹ. Thậm chí, cô còn đề nghị giúp tôi tìm chỗ ở. Tuy nhiên, tôi nói với cô là tôi sẽ không bao giờ bỏ đạo và chỉ ra ở riêng khi có thể tự lo cho mình nhiều hơn.

Không lâu sau đó, tôi đã được làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Hai năm sau, tôi dọn đến một căn hộ nhỏ. Ở đây, tôi thấy vui vì vừa nhận được sự giúp đỡ cần thiết mà vừa có thể tự lập phần nào.

Lời cầu hôn bất ngờ

Trong những năm sau đó, tôi đối mặt với những thử thách khác về đức tin. Một ngày nọ, tôi sững sờ khi một bạn học, cũng là người khuyết tật, cầu hôn tôi. Thoạt tiên, tôi thấy hãnh diện. Cũng như bao thiếu nữ khác, tôi mong muốn có một người bạn đời. Tuy nhiên, có một người cùng cảnh ngộ thì không bảo đảm cho một hôn nhân hạnh phúc. Hơn nữa, anh ấy không cùng đức tin với tôi. Do đó, niềm tin, hoạt động và mục tiêu của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Làm sao chúng tôi có thể chung sống hạnh phúc? Tôi cũng đã quyết tâm vâng theo lời chỉ dẫn rõ ràng của Đức Chúa Trời là chỉ kết hôn với người đồng đạo (1 Cô 7:39). Vì thế, tôi nhã nhặn nói với anh rằng tôi không thể nhận lời.

Thậm chí cho đến nay, tôi biết mình đã quyết định đúng. Tôi tin chắc rằng mình sẽ sống hạnh phúc trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa (Thi 145:16; 2 Phi 3:13). Trong khi chờ đợi, tôi quyết tâm trung thành với Đức Giê-hô-va và hài lòng với hoàn cảnh hiện tại.

Tôi mong chờ đến ngày mình được ra khỏi chiếc xe lăn và chạy tung tăng. Rồi tôi sẽ thốt lên: “Tôi từng bị khuyết tật, nhưng giờ đây tôi hoàn toàn lành lặn, mãi mãi lành lặn!”.