Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Huấn luyện người khác vươn tới đặc ân

Huấn luyện người khác vươn tới đặc ân

Huấn luyện người khác vươn tới đặc ân

“Ai được chỉ dẫn kỹ càng sẽ được như thầy”.—LU 6:40.

1. Trong thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã đặt nền tảng cho hội thánh như thế nào?

Trong lời kết của sách Phúc âm mà ông viết, sứ đồ Giăng nói: “Thật ra, Chúa Giê-su còn làm nhiều điều khác nữa. Nếu ghi lại mọi điều, tôi nghĩ rằng cả thế gian này cũng không thể chứa hết những cuộn sách ấy” (Giăng 21:25). Chúa Giê-su đã nỗ lực trong suốt thời gian ngắn ngủi làm thánh chức trên đất. Ngài tìm kiếm, huấn luyện và sắp đặt những người sẽ tiếp nối công việc sau khi ngài trở về trời. Vào năm 33 CN, Chúa Giê-su đã đặt nền tảng cho hội thánh với số thành viên gia tăng nhanh chóng lên đến hàng ngàn người.—Công 2:41, 42; 4:4; 6:7.

2, 3. (a) Tại sao rất cần những anh đã làm báp-têm vươn tới đặc ân? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Ngày nay, với hơn bảy triệu người công bố sốt sắng trong hơn 100.000 hội thánh trên khắp thế giới, nên rất cần những người nam dẫn đầu trong hội thánh, ví dụ như các trưởng lão. Những anh vươn tới đặc ân này thật đáng khen, vì các anh “mong muốn một việc tốt lành”.—1 Ti 3:1.

3 Tuy nhiên, các anh không tự nhiên hội đủ điều kiện để đảm nhận đặc ân trong hội thánh. Học vấn ngoài đời và kinh nghiệm sống không giúp một anh đảm nhận trách nhiệm này. Nhằm phục vụ tốt trong những trách nhiệm ấy, một anh phải hội đủ các điều kiện ghi trong Kinh Thánh. Quan trọng hơn khả năng hay thành quả, anh phải có những đức tính mà Đức Chúa Trời quý trọng. Vậy làm sao chúng ta có thể giúp một anh hội đủ điều kiện để đảm nhận đặc ân? Chúa Giê-su nói: “Ai được chỉ dẫn kỹ càng sẽ được như thầy” (Lu 6:40). Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét một số cách mà Chúa Giê-su, Bậc Thầy Lỗi Lạc, giúp các môn đồ hội đủ điều kiện để đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn. Sau đó, chúng ta sẽ xem mình có thể rút ra bài học nào từ những gì ngài làm.

“Tôi gọi anh em là bạn”

4. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài là bạn tốt của các môn đồ?

4 Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ như bạn chứ không phải là người dưới quyền. Ngài dành thời gian cho họ, tin tưởng và ‘cho họ biết mọi điều ngài nghe nơi Cha’. (Đọc Giăng 15:15). Hãy hình dung họ háo hức thế nào khi Chúa Giê-su trả lời cho câu hỏi họ nêu lên: “Có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của thầy và kỳ cuối cùng của thời đại này?” (Mat 24:3, 4). Ngài cũng chia sẻ với họ những suy nghĩ và cảm xúc riêng tư. Chẳng hạn, vào đêm bị phản bội, Chúa Giê-su dẫn Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng vào vườn Ghết-sê-ma-nê. Đêm ấy, ngài sầu não và khẩn thiết cầu nguyện với Cha. Dù ba sứ đồ có lẽ không nghe lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, nhưng hẳn là họ nhận thức được tính nghiêm trọng của thời khắc đó (Mác 14:33-38). Cũng hãy nghĩ đến việc họ đã được tác động thế nào khi thấy sự hóa hình lúc trước (Mác 9:2-8; 2 Phi 1:16-18). Tình bạn thân thiết mà Chúa Giê-su vun đắp với các môn đồ là chỗ dựa để sau này họ gánh vác các trách nhiệm quan trọng.

5. Các trưởng lão có thể sẵn sàng giúp đỡ người khác qua một số cách nào?

5 Như Chúa Giê-su, các trưởng lão ngày nay làm bạn và giúp đỡ người khác. Họ xây đắp mối quan hệ nồng ấm và thân thiết với anh em đồng đạo qua việc dành thời gian để quan tâm đến anh em. Dù ý thức tầm quan trọng của việc giữ kín một số vấn đề, nhưng họ không là những người luôn bí mật. Các trưởng lão tin cậy anh em và chia sẻ những điều họ học được trong Kinh Thánh. Họ không có lý do để đối xử với một anh phụ tá hội thánh tương đối trẻ như là người dưới quyền. Thay vì vậy, họ xem anh là người có tiềm năng, đang thực hiện một công việc quý giá vì lợi ích của hội thánh.

“Tôi đã nêu gương cho anh em”

6, 7. Chúa Giê-su đã nêu gương nào cho các môn đồ và điều này đã tác động thế nào đến họ?

6 Dù các môn đồ Chúa Giê-su quý trọng những điều tâm linh, nhưng đôi khi văn hóa xã hội và gốc gác chi phối lối suy nghĩ của họ (Mat 19:9, 10; Lu 9:46-48; Giăng 4:27). Thế nhưng, Chúa Giê-su không dạy đời hoặc đe dọa môn đồ. Ngài cũng không làm họ nặng gánh với những đòi hỏi vô lý hoặc khuyên một đằng lại làm một nẻo. Thay vì thế, Chúa Giê-su dạy họ qua gương mẫu.—Đọc Giăng 13:15.

7 Chúa Giê-su đã nêu gương nào cho các môn đồ? (1 Phi 2:21). Ngài giữ đời sống đơn giản hầu có thời gian phục vụ người khác (Lu 9:58). Chúa Giê-su khiêm tốn và luôn dạy dỗ dựa vào Kinh Thánh (Giăng 5:19; 17:14, 17). Ngài dễ đến gần và tử tế. Mọi việc ngài làm xuất phát từ tình yêu thương (Mat 19:13-15; Giăng 15:12). Gương của Chúa Giê-su đã tác động đến các sứ đồ. Chẳng hạn, Gia-cơ không sợ hãi trước cái chết nhưng trung thành phụng sự Đức Chúa Trời cho đến khi bị giết (Công 12:1, 2). Giăng thì trung thành noi theo Chúa Giê-su trong hơn 60 năm.—Khải 1:1, 2, 9.

8. Trưởng lão nêu gương nào cho những anh trẻ và người khác?

8 Các trưởng lão biết hy sinh, khiêm nhường và yêu thương là gương mẫu cho những anh trẻ (1 Phi 5:2, 3). Hơn nữa, khi nêu gương về đức tin, trong việc dạy dỗ, lối sống và thánh chức, các trưởng lão cảm thấy thỏa lòng vì biết rằng người khác có thể noi theo mình.—Hê 13:7.

‘Chúa Giê-su căn dặn và phái họ đi’

9. Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su huấn luyện các môn đồ thực thi công việc rao giảng?

9 Sau khi sốt sắng làm thánh chức khoảng hai năm, Chúa Giê-su mở rộng công việc qua việc cử 12 sứ đồ đi rao giảng. Trước tiên, ngài hướng dẫn họ (Mat 10:5-14). Khi sắp cho hàng ngàn người ăn bằng phép lạ, Chúa Giê-su bảo cho các môn đồ biết cách ngài muốn họ sắp xếp dân chúng và phân phát đồ ăn (Lu 9:12-17). Rõ ràng, Chúa Giê-su huấn luyện các môn đồ qua việc hướng dẫn họ rõ ràng và cụ thể. Cách huấn luyện này cùng với tác động mạnh mẽ của thần khí đã giúp các sứ đồ biết cách sắp xếp và tổ chức công việc rao giảng có tầm mức rộng lớn diễn ra vào năm 33 CN và sau đó.

10, 11. Người nam có thể được huấn luyện thế nào?

10 Ngày nay, khi một người nam đồng ý học Kinh Thánh thì người đó bắt đầu nhận được sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Có lẽ chúng ta cần giúp người đó đọc trôi chảy. Khi tiếp tục hướng dẫn người ấy học Kinh Thánh, chúng ta có thể giúp qua những cách khác. Lúc bắt đầu tham dự nhóm họp đều đặn, người đó được huấn luyện để tiến bộ hầu ghi danh vào Trường Thánh Chức, trở thành người công bố chưa báp-têm, v.v. Sau khi báp-têm, người ấy có thể được huấn luyện qua những việc như bảo trì Phòng Nước Trời. Với thời gian, các trưởng lão có thể giúp người đó thấy cần phải làm những gì để hội đủ điều kiện trở thành phụ tá hội thánh.

11 Khi giao trách nhiệm cho một anh đã báp-têm, một trưởng lão sẵn lòng giải thích những thủ tục có liên quan và đưa ra những hướng dẫn cần thiết. Anh được huấn luyện phải hiểu mình cần làm những gì. Nếu anh thấy khó thực hiện trách nhiệm ấy, một trưởng lão có lòng yêu thương sẽ không vội kết luận rằng anh không thể làm việc đó. Thay vì thế, anh trưởng lão tử tế chỉ cho anh những điểm cụ thể mà anh cần lưu ý, đồng thời xem lại mục tiêu và thủ tục của công việc. Khi thấy một anh biết cách thực hiện trách nhiệm và cảm nghiệm được niềm vui trong việc phục vụ người khác, điều này mang lại niềm vui cho các trưởng lão.—Công 20:35.

“Người khôn-ngoan nghe lời khuyên-dạy”

12. Điều gì làm cho lời khuyên của Chúa Giê-su hữu hiệu?

12 Chúa Giê-su huấn luyện các môn đồ qua việc cho lời khuyên phù hợp với nhu cầu của họ. Chẳng hạn, ngài quở trách Gia-cơ và Giăng vì họ muốn lửa từ trời xuống thiêu hủy một số người Sa-ma-ri không tiếp đón họ (Lu 9:52-55). Khi mẹ của Gia-cơ và Giăng đến xin Chúa Giê-su cho con bà có vị trí tốt trong Nước Trời, ngài nói với hai anh em: “Ngồi bên phải hay bên trái tôi thì tôi không có quyền cho, vì ai được ngồi chỗ đó là do Cha quyết định” (Mat 20:20-23). Lời khuyên của Chúa Giê-su luôn rõ ràng, thực tế và căn cứ vào các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Ngài dạy các môn đồ lý luận dựa trên các nguyên tắc ấy (Mat 17:24-27). Chúa Giê-su cũng nhận thấy những giới hạn của môn đồ và không kỳ vọng họ phải hoàn toàn. Lời khuyên của ngài xuất phát từ tình yêu thương.—Giăng 13:1.

13, 14. (a) Ai cần được khuyên? (b) Hãy cho ví dụ về một số lời khuyên cá nhân mà một trưởng lão có thể dành cho người không tiến bộ về tâm linh.

13 Bất cứ người nam nào vươn tới các trách nhiệm trong hội thánh đều có lúc cần nghe lời khuyên dựa vào Kinh Thánh. Châm-ngôn 12:15 nói: “Người khôn-ngoan nghe lời khuyên-dạy”. Một anh trẻ cho biết: “Tôi thấy thách đố lớn nhất của tôi là đối phó với sự bất toàn của mình. Thế nhưng lời khuyên của một anh trưởng lão đã giúp tôi có cái nhìn đúng”.

14 Nếu thấy hạnh kiểm đáng ngờ khiến một anh không tiến bộ về tâm linh, các trưởng lão sẽ chủ động giúp anh với tinh thần mềm mại (Ga 6:1). Đôi lúc, một anh cần được khuyên bảo để sửa lại tính cách của mình. Chẳng hạn, nếu một anh thiếu nhiệt tình, một trưởng lão thấy hữu ích khi cho biết Chúa Giê-su là người sốt sắng rao giảng tin mừng và đã giao cho những ai theo ngài làm công việc đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20; Lu 8:1). Nếu một anh dường như có tham vọng, một trưởng lão có thể cho biết cách Chúa Giê-su giúp các môn đồ thấy mối nguy hiểm của việc tìm kiếm danh vọng (Lu 22:24-27). Nói sao nếu một anh có khuynh hướng không tha thứ? Các trưởng lão có thể dùng minh họa về người đầy tớ không chịu xóa một món nợ nhỏ dù ông đã được xóa một món nợ lớn hơn nhiều (Mat 18:21-35). Khi cần, các trưởng lão nên cho lời khuyên càng sớm càng tốt.—Đọc Châm-ngôn 27:9.

“Hãy rèn luyện bản thân”

15. Làm thế nào gia đình của một anh có thể giúp anh phục vụ người khác?

15 Các trưởng lão dẫn đầu trong việc huấn luyện người nam vươn đến đặc ân nhưng người khác cũng có thể hỗ trợ các trưởng lão. Chẳng hạn, gia đình của một anh có thể giúp đỡ anh vươn đến đặc ân. Nếu anh là trưởng lão, sự ủng hộ đầy yêu thương và bất vị kỷ của vợ con sẽ rất hữu ích. Việc vợ con anh sẵn lòng để anh dành một phần thời gian và năng lực cho hội thánh là điều thiết yếu hầu anh đảm trách tốt nhiệm vụ của mình. Tinh thần hy sinh của họ mang đến cho anh niềm vui và được người khác quý trọng.—Châm 15:20; 31:10, 23.

16. (a) Ai là người cần phải nỗ lực vươn tới đặc ân? (b) Làm sao một anh có thể vươn tới các đặc ân trong hội thánh?

16 Dù người khác có thể giúp đỡ và ủng hộ anh, nhưng chính anh là người cần phải nỗ lực vươn tới đặc ân. (Đọc Ga-la-ti 6:5). Dĩ nhiên, không nhất thiết một anh phải là phụ tá hội thánh hay trưởng lão mới có thể giúp đỡ người khác và hết lòng tham gia thánh chức. Tuy nhiên, việc vươn tới các đặc ân trong hội thánh đòi hỏi một anh phải nỗ lực hầu hội đủ các điều kiện được nêu trong Kinh Thánh (1 Ti 3:1-13; Tít 1:5-9; 1 Phi 5:1-3). Vậy, nếu một anh ước muốn phụng sự với tư cách phụ tá hội thánh hay trưởng lão nhưng chưa được bổ nhiệm thì anh nên lưu ý những lĩnh vực mình cần phải điều chỉnh hầu tiến bộ về tâm linh. Những lĩnh vực này có thể bao gồm việc đều đặn đọc Kinh Thánh, siêng năng học hỏi cá nhân, suy ngẫm sâu sắc, cầu nguyện chân thành và sốt sắng tham gia thánh chức. Khi làm thế, anh đang áp dụng lời khuyên của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê: “Hãy rèn luyện bản thân, với mục tiêu là vun đắp lòng sùng kính”.—1 Ti 4:7.

17, 18. Một anh đã báp-têm có thể làm gì nếu lo lắng, cảm thấy không đủ khả năng hoặc không có ước muốn vươn tới đặc ân?

17 Nhưng nói sao nếu một anh không vươn tới đặc ân vì lo lắng hay cảm thấy mình không đủ khả năng? Anh nên nhớ rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm nhiều điều cho chúng ta. Thật vậy, Đức Giê-hô-va ‘hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng ta’ (Thi 68:19). Thế nên, Cha trên trời của chúng ta có thể giúp một anh đảm đương các trách nhiệm trong hội thánh. Một anh chưa phụng sự với tư cách phụ tá hội thánh hoặc trưởng lão nên nhớ rằng tổ chức Đức Chúa Trời đang rất cần các anh thành thục đảm nhận những đặc ân phụng sự. Việc suy ngẫm về những điều này có thể thôi thúc một anh cố gắng vượt qua cảm xúc tiêu cực. Anh có thể cầu xin thần khí và nhớ rằng bông trái của thần khí bao gồm sự bình an, tự chủ. Đây là những đức tính cần thiết để xua tan mối lo lắng hoặc cảm giác thiếu khả năng (Lu 11:13; Ga 5:22, 23). Một anh có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai vươn tới đặc ân với động cơ đúng đắn.

18 Phải chăng điều ngăn cản một anh đã báp-têm vươn đến đặc ân là vì anh không có ước muốn? Vậy, điều gì có thể giúp anh? Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời... thêm sinh lực cho anh em, ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để thực hiện những điều đẹp lòng ngài” (Phi-líp 2:13). Ước muốn phụng sự là sự ban cho của Đức Chúa Trời, và thần khí của ngài có thể tiếp sức để một người phụng sự ngài (Phi-líp 4:13). Hơn nữa, một tín đồ có thể cầu xin Đức Chúa Trời giúp anh làm điều đúng.—Thi 25:4, 5.

19. Việc dấy lên “bảy kẻ chăn và tám quan-trưởng” đảm bảo với chúng ta điều gì?

19 Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những anh trưởng lão cố gắng huấn luyện người khác. Những ai hưởng ứng sự huấn luyện và vươn tới các đặc ân trong hội thánh cũng cảm nghiệm được ân phước của ngài. Kinh Thánh bảo đảm rằng trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời có “bảy kẻ chăn và tám quan-trưởng”, tức những anh có khả năng, sẽ được dấy lên để dẫn đầu tổ chức của ngài (Mi 5:5). Thật là một ân phước khi có nhiều anh được huấn luyện và khiêm nhường vươn tới các đặc ân phụng sự để tôn vinh Đức Giê-hô-va!

Bạn trả lời thế nào?

• Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ như thế nào để hội đủ điều kiện đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn?

• Làm thế nào các trưởng lão có thể noi gương Chúa Giê-su khi giúp người nam trong hội thánh vươn tới đặc ân?

• Gia đình đóng vai trò nào trong việc giúp một anh vươn tới đặc ân?

• Người nam có thể làm gì để vươn tới đặc ân?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 31]

Bạn huấn luyện học viên Kinh Thánh thế nào khi người đó muốn tiến bộ?

[Hình nơi trang 32]

Làm sao một người nam có thể cho thấy mình muốn vươn tới?