Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ông là gương tốt hay gương cảnh báo cho bạn?

Ông là gương tốt hay gương cảnh báo cho bạn?

Ông là gương tốt hay gương cảnh báo cho bạn?

“Đức Chúa Trời của Gia-cốp... sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài”.—Ê-SAI 2:3.

1, 2. Bằng cách nào bạn có thể nhận được lợi ích từ các gương trong Kinh Thánh?

Chắc chắn bạn tin rằng những gì được ghi trong Kinh Thánh mang lại lợi ích. Trong đó, bạn tìm thấy gương mẫu của những người nam và nữ trung thành và bạn muốn noi theo lối sống cũng như các đức tính của họ (Hê 11:32-34). Tuy nhiên, hẳn bạn cũng đã để ý đến các gương cảnh báo của những người có hành động và thái độ mà mình cần tránh xa.

2 Thật ra, một số cá nhân được đề cập trong Kinh Thánh nêu gương tốt về đường lối để noi theo, nhưng đồng thời cũng là gương cảnh báo về những điều chúng ta nên tránh. Hãy nghĩ đến Đa-vít, một người chăn chiên khiêm nhường và sau này trở thành vị vua đầy quyền lực. Ông là gương tốt về việc yêu mến sự chân thật và tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, Đa-vít đã phạm các tội rất nghiêm trọng, chẳng hạn như những tội liên quan đến Bát-Sê-ba, U-ri và việc kiểm tra dân số một cách thiếu khôn ngoan. Nhưng chúng ta hãy tập trung vào con trai của Đa-vít là Sa-lô-môn, một vị vua và cũng là một người viết Kinh Thánh. Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét hai khía cạnh mà ông nêu gương mẫu tốt.

‘Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn’

3. Tại sao có thể nói Sa-lô-môn là gương mẫu tốt cho chúng ta?

3 Sa-lô-môn Lớn, tức Chúa Giê-su Ki-tô đã nói về vua Sa-lô-môn như một gương mẫu tốt cho chúng ta. Chúa Giê-su nói với những người Do Thái hồ nghi rằng: “Trong kỳ phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ được sống lại với thế hệ này và kết tội họ, vì bà đã đến từ nơi tận cùng trái đất để nghe những lời khôn ngoan của Sa-lô-môn, nhưng ở đây có người còn hơn Sa-lô-môn nữa” (Mat 12:42). Thật thế, Sa-lô-môn nổi tiếng bởi sự khôn ngoan của mình và ông khuyến khích chúng ta hãy tìm kiếm điều đó.

4, 5. Làm thế nào Sa-lô-môn đạt được sự khôn ngoan? Nhưng cách mà chúng ta có được sự khôn ngoan khác với cách của ông ra sao?

4 Khi Sa-lô-môn mới lên ngôi, Đức Chúa Trời hiện ra với ông trong một giấc mơ và bảo ông hãy xin điều mình muốn. Nhận biết sự thiếu kinh nghiệm của bản thân, Sa-lô-môn đã cầu xin sự khôn ngoan. (Đọc 1 Các Vua 3:5-9). Đức Chúa Trời hài lòng vì ông cầu xin sự khôn ngoan thay vì giàu có và vinh hiển, nên ngài ban cho Sa-lô-môn “tấm lòng khôn-ngoan thông-sáng” cùng với sự thịnh vượng (1 Vua 3:10-14). Như Chúa Giê-su đã nói, sự khôn ngoan của Sa-lô-môn vượt trội đến nỗi khi nữ vương Sê-ba nghe điều đó, bà đã vượt ngàn dặm xa xôi để được chứng kiến tận mắt sự khôn ngoan của ông.—1 Vua 10:1, 4-9.

5 Cá nhân chúng ta không mong đợi mình sẽ nhận được sự khôn ngoan một cách kỳ diệu. Sa-lô-môn nói “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan”, nhưng ông cũng cho biết chúng ta nên cố gắng đạt được đức tính ấy khi nói: “Lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng”. Liên quan đến điều này, ông dùng các từ ngữ như “kêu-cầu”, “tìm”, “kiếm” sự khôn ngoan (Châm 2:1-6). Rõ ràng, chúng ta có thể đạt được sự khôn ngoan.

6. Qua những cách nào chúng ta có thể cho thấy mình nhận được lợi ích từ gương mẫu của Sa-lô-môn trong việc đạt được sự khôn ngoan?

6 Chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có ghi nhớ gương của Sa-lô-môn về việc quý trọng sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời không?”. Tình trạng kinh tế bấp bênh khiến nhiều người chú tâm vào việc làm và tài chính, hoặc ảnh hưởng đến quyết định của họ về việc chọn lựa loại học vấn và trình độ học vấn. Còn bạn và gia đình thì sao? Sự lựa chọn của bạn có cho thấy mình quý trọng và đang tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không? Việc điều chỉnh lối suy nghĩ hoặc mục tiêu có giúp bạn đạt thêm sự khôn ngoan không? Quả thật, có được sự khôn ngoan và áp dụng nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bạn. Sa-lô-môn viết: “Bấy giờ con sẽ hiểu-biết sự công-bình, sự lý-đoán, sự chánh-trực, và các nẻo lành”.—Châm 2:9.

Ưu tiên sự thờ phượng thật mang lại bình an

7. Làm thế nào một đền thờ lộng lẫy đã được xây dựng để dâng cho Đức Chúa Trời?

7 Không lâu sau khi lên ngôi, Sa-lô-môn đã thực hiện các bước để thay thế đền tạm, được sử dụng từ thời Môi-se, bằng một đền thờ lộng lẫy (1 Vua 6:1). Chúng ta có thể gọi đó là đền thờ Sa-lô-môn, nhưng đây không phải là ý của ông và ông cũng không xây đền thờ này để được nổi danh với tư cách là một kiến trúc sư hay một nhà tài trợ giàu có. Thật ra, chính Đa-vít là người đầu tiên có ý định xây dựng đền thờ này, sau đó Đức Chúa Trời ban cho Đa-vít các chi tiết về đền thờ và những vật dụng trong đó. Và ông cũng đóng góp rất nhiều để tài trợ cho công việc xây cất (2 Sa 7:2, 12, 13; 1 Sử 22:14-16). Tuy nhiên, chính Sa-lô-môn mới là người thi hành dự án xây cất kéo dài bảy năm rưỡi này.—1 Vua 6:37, 38; 7:51.

8, 9. (a) Sa-lô-môn nêu gương mẫu nào khi kiên trì làm việc lành? (b) Việc Sa-lô-môn đặt ưu tiên cho sự thờ phượng thật đã mang lại kết quả gì?

8 Sa-lô-môn nêu gương tốt cho chúng ta khi kiên trì làm việc lành, và đặt những điều ưu tiên đúng chỗ. Khi hoàn tất đền thờ và hòm giao ước được đặt vào đó, Sa-lô-môn dâng lời cầu nguyện cho Đức Giê-hô-va trước dân chúng. Một phần trong lời cầu nguyện của ông như sau: “Nguyện mắt của Chúa ngày và đêm đoái-xem nhà nầy, là chỗ mà Chúa đã phán rằng: Danh ta sẽ ngự tại đó,—đặng nghe lời cầu-nguyện của tôi-tớ Chúa hướng nơi nầy mà cầu” (1 Vua 8:6, 29). Khi cầu nguyện, cả dân Y-sơ-ra-ên lẫn dân ngoại đều có thể hướng về đền thờ, là nơi được xây nhằm tôn vinh danh Đức Chúa Trời.—1 Vua 8:30, 41-43, 60.

9 Việc Sa-lô-môn đặt ưu tiên cho sự thờ phượng thật đã mang lại kết quả gì? Sau khi cử hành lễ khánh thành đền thờ, cả dân sự “lấy làm mừng-rỡ vui lòng về mọi sự tốt-lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Đa-vít, kẻ tôi-tớ Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên” (1 Vua 8:65, 66). Thật vậy, sự bình an và thịnh vượng là đặc điểm nổi bật trong triều đại 40 năm trị vì của Sa-lô-môn. (Đọc 1 Các Vua 4:20, 21, 25). Bài Thi-thiên 72 đã nói lên điều đó và giúp chúng ta nhìn thấy những ân phước mà mình sẽ được hưởng dưới sự cai trị của Sa-lô-môn Lớn là Chúa Giê-su Ki-tô.—Thi 72:6-8, 16.

Gương cảnh báo của Sa-lô-môn

10. Chúng ta thường nghĩ ngay đến sai lầm nào của Sa-lô-môn?

10 Tại sao có thể nói cuộc đời của Sa-lô-môn cũng là một gương cảnh báo? Bạn có thể nghĩ ngay đến những người vợ và cung phi ngoại quốc của ông. Kinh Thánh cho biết: “Trong buổi già-yếu, các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn-lành” (1 Vua 11:1-6). Chắc chắn bạn không bao giờ muốn đi theo đường lối dại dột đó. Nhưng đây có phải là lời cảnh báo duy nhất mà chúng ta học được từ cuộc đời của Sa-lô-môn không? Hãy xem xét vài chi tiết mà chúng ta dễ bỏ sót về cuộc đời của ông và xem bạn tìm thấy lời cảnh báo nào.

11. Chúng ta có thể kết luận gì về cuộc hôn nhân đầu tiên của Sa-lô-môn?

11 Sa-lô-môn cai trị 40 năm (2 Sử 9:30). Vậy, bạn có thể kết luận gì từ 1 Các Vua 14:21? (Đọc). Theo câu đó, sau khi Sa-lô-môn qua đời, con trai ông là Rô-bô-am lên kế vị lúc 41 tuổi, và mẹ của Rô-bô-am là “Na-a-ma, người Am-môn”. Điều này có nghĩa là trước khi Sa-lô-môn trở thành vua, ông đã cưới người đến từ một nước thù nghịch, một quốc gia thờ hình tượng (Quan 10:6; 2 Sa 10:6). Na-a-ma có thờ thần giả không? Cho dù trước đây từng làm thế, nhưng bà có thể đã từ bỏ việc thờ hình tượng và trở thành một người thờ phượng chân thật, như Ra-háp và Ru-tơ (Ru 1:16; 4:13-17; Mat 1:5, 6). Dù vậy, bà con bên vợ của Sa-lô-môn thuộc dân Am-môn, và rất có thể họ không phụng sự Đức Giê-hô-va.

12, 13. Sa-lô-môn có quyết định sai lầm nào sau khi lên ngôi, và có thể ông đã lý luận ra sao?

12 Mọi việc trở nên tệ hơn sau khi Sa-lô-môn lên ngôi vua. Ông “kết-thân với Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, cưới con gái người, rước nàng về thành Đa-vít” (1 Vua 3:1). Người phụ nữ Ê-díp-tô này có noi theo gương của Ru-tơ và trở thành người thờ phượng thật không? Không nơi nào trong Kinh Thánh cho thấy điều đó. Hơn nữa, sau này Sa-lô-môn đã xây một cung điện cho bà (và có lẽ cũng cho những hầu gái Ê-díp-tô của bà) bên ngoài thành Đa-vít. Tại sao? Kinh Thánh cho biết rằng ông làm thế vì việc để người thờ phượng sai lầm sống gần hòm giao ước là điều không thích hợp.—2 Sử 8:11.

13 Có thể Sa-lô-môn đã nhìn thấy lợi ích chính trị khi cưới công chúa Ê-díp-tô, nhưng ông có thể bào chữa cho việc kết hôn này không? Rất lâu trước đó, Đức Chúa Trời đã cấm việc kết hôn với các dân Ca-na-an ngoại giáo, ngài thậm chí còn liệt kê cụ thể các dân này (Xuất 34:11-16). Sa-lô-môn có lý luận rằng dân Ê-díp-tô không nằm trong danh sách đó không? Ngay cả nếu ông lý luận như thế, thì cách lý luận này có hợp lý không? Thật ra, sự lựa chọn của ông đã lờ đi mối nguy hiểm rõ rệt mà Đức Giê-hô-va đã cảnh báo: Sự lựa chọn như thế có thể khiến một người Y-sơ-ra-ên từ bỏ con đường phụng sự Đức Giê-hô-va và bắt đầu thờ thần giả.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:1-4.

14. Chúng ta có thể nhận được lợi ích qua việc ghi nhớ gương cảnh báo của Sa-lô-môn như thế nào?

14 Chúng ta có xem lối sống của Sa-lô-môn là gương cảnh báo cho chính mình không? Một chị có thể cố biện hộ cho mối quan hệ lãng mạn đi ngược với mệnh lệnh Đức Chúa Trời liên quan đến việc chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa” (1 Cô 7:39). Cũng với cách lý luận tương tự, một người có thể tham gia vào các câu lạc bộ hoặc những môn thể thao ngoại khóa tại trường học, báo cáo không chính xác về khoản thu nhập phải đóng thuế, hoặc nói sai sự thật khi được hỏi về các thực hành khiến mình bị xấu hổ nếu phải nói ra. Điểm chính ở đây là: Sa-lô-môn hẳn đã dùng những lý luận của người bất toàn để luồn lách qua luật pháp Đức Chúa Trời, và chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm đó.

15. Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng thương xót đối với Sa-lô-môn như thế nào? Nhưng chúng ta nên nhớ điều gì?

15 Điều đáng chú ý là sau khi đề cập đến việc Sa-lô-môn cưới công chúa ngoại quốc, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin sự khôn ngoan của ông và ngài cũng ban cho ông thêm sự giàu có (1 Vua 3:10-13). Sa-lô-môn đã lờ đi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, nhưng không có điều gì cho thấy ngài nhanh chóng loại bỏ vương quyền của ông hay trừng phạt ông một cách nghiêm khắc. Đó là vì Đức Chúa Trời biết chúng ta là những con người bất toàn ra từ bụi đất (Thi 103:10, 13, 14). Nhưng hãy nhớ điều này: Những hành động của chúng ta có thể dẫn đến hậu quả ngay lập tức hoặc có lẽ trong tương lai.

Quá nhiều vợ!

16. Sa-lô-môn đã lờ đi điều gì khi cưới nhiều vợ?

16 Trong sách Nhã-ca, vua Sa-lô-môn ca ngợi một trinh nữ rằng cô đẹp hơn “sáu mươi hoàng-hậu, tám mươi cung-phi” (Nhã 6:1, 8-10). Nếu Sa-lô-môn đang nói về tình trạng hôn nhân của chính mình thì đây là số vợ và cung phi mà ông có tại thời điểm đó. Ngay cả nếu hầu hết hoặc tất cả họ đều thờ phượng Đức Giê-hô-va, thì Sa-lô-môn cũng đã không tuân theo mệnh lệnh mà Đức Chúa Trời phán qua Môi-se là vua Y-sơ-ra-ên “không nên kén nhiều phi tần, e lòng người trở xấu-xa” (Phục 17:17). Dù vậy, một lần nữa Đức Giê-hô-va đã không từ bỏ Sa-lô-môn. Trên thực tế, Đức Chúa Trời vẫn ban phước cho Sa-lô-môn, và dùng ông để sáng tác sách Nhã-ca trong Kinh Thánh.

17. Chúng ta không nên lờ đi điều thực tế nào?

17 Có phải điều này cho thấy Sa-lô-môn có thể lờ đi sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời mà không gánh lấy sự trừng phạt? Và chúng ta cũng có thể làm thế? Không. Điều đó chỉ cho thấy Đức Chúa Trời có thể kiên nhẫn chịu đựng một thời gian dài. Tuy nhiên, việc một người thuộc dân Đức Chúa Trời lờ đi mệnh lệnh của ngài mà không phải chịu hậu quả ngay lập tức không có nghĩa là sẽ không lãnh hậu quả đau buồn về sau. Hãy nhớ lại điều Sa-lô-môn đã viết: “Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác”. Ông nói thêm: “Ta biết rằng kẻ kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời, sau rốt ắt được phước”.—Truyền 8:11, 12.

18. Trường hợp của Sa-lô-môn chứng tỏ sự thật nơi Ga-la-ti 6:7 như thế nào?

18 Thật tốt biết bao nếu Sa-lô-môn tiếp tục làm theo điều thực tế ấy! Quả thật, ông đã thực hiện những việc tốt và hưởng được các ân phước từ Đức Chúa Trời trong nhiều năm. Nhưng với thời gian, ông phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Một đường lối xấu đã hình thành. Thật đúng với điều mà sau này sứ đồ Phao-lô viết: “Đừng để bị lừa dối. Không ai lừa được Đức Chúa Trời. Ai gieo gì sẽ gặt nấy”! (Ga 6:7). Qua năm tháng, Sa-lô-môn đã gặt lấy trái đắng bởi việc lờ đi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết: “Ngoài con gái của Pha-ra-ôn, vua Sa-lô-môn lại còn thương-mến nhiều người nữ của dân ngoại: tức là người nữ Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, Si-đôn, và Hê-tít” (1 Vua 11:1). Nhiều người trong số họ dường như vẫn gắn bó với thần giả, và Sa-lô-môn đã không tránh khỏi sự ảnh hưởng. Ông đã đi chệch con đường đúng và mất ân huệ từ Đức Chúa Trời đầy lòng kiên nhẫn của chúng ta.—Đọc 1 Các Vua 11:4-8.

Học từ gương của ông—Cả tốt lẫn xấu

19. Tại sao có thể nói Kinh Thánh chứa đựng nhiều gương tốt?

19 Đức Giê-hô-va ân cần hướng dẫn Phao-lô viết những lời sau: “Hết thảy những điều được viết từ trước đều để chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng” (Rô 15:4). Những điều được viết này bao gồm nhiều gương tốt của những người nam và nữ có đức tin nổi bật. Vì thế, Phao-lô nói: “Tôi sẽ nói về ai nữa đây? Nếu tôi tiếp tục kể về Ghi-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít cũng như Sa-mu-ên và các tiên tri khác thì không đủ thì giờ. Nhờ đức tin, họ đã đánh bại các vua, làm điều công chính, nhận được các lời hứa... từ yếu thành mạnh” (Hê 11:32-34). Chúng ta có thể nhận được lợi ích từ các gương tốt trong Kinh Thánh và noi theo những điều được ghi lại nơi các lời tường thuật ấy. Đó là điều nên làm.

20, 21. Tại sao bạn quyết tâm nhận được lợi ích từ các gương cảnh báo trong Lời Đức Chúa Trời?

20 Tuy nhiên, nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh cũng bao gồm cả những gương cảnh báo. Chúng ta có thể tìm thấy một số gương như thế trong đời sống của những người nam và nữ từng được Đức Giê-hô-va chấp nhận và sử dụng với tư cách là tôi tớ của ngài. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể lưu ý làm sao và trong tình huống nào một số tôi tớ Đức Chúa Trời đã đi chệch hướng, và trở thành những gương cảnh báo. Chúng ta có thể nhận thấy rằng một số người đã dần dần phát triển những thái độ hoặc khuynh hướng sai trái, rồi cuối cùng nhận lấy những hậu quả đáng buồn. Làm thế nào chúng ta có thể rút ra bài học từ các lời tường thuật ấy? Chúng ta có thể tự hỏi: “Điều đó nảy sinh như thế nào? Điều tương tự có thể xảy đến với tôi không? Tôi có thể làm gì để tránh tình huống đó và nhận được lợi ích từ gương cảnh báo này?”.

21 Chắc chắn chúng ta nên nghiêm túc xem xét các gương này, vì dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Phao-lô viết: “Những điều đó xảy đến với họ để làm gương và được viết lại để cảnh báo chúng ta, là những người sống trong thời điểm kết thúc của thời đại này”.—1 Cô 10:11.

Bạn học được gì?

• Tại sao Kinh Thánh có cả gương tốt lẫn gương cảnh báo?

• Sa-lô-môn đã để cho đường lối xấu hình thành trong đời sống mình như thế nào?

• Làm thế nào bạn có thể nhận được lợi ích từ gương cảnh báo của Sa-lô-môn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 9]

Sa-lô-môn đã áp dụng sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban cho

[Các hình nơi trang 12]

Bạn có nhận được lợi ích từ gương cảnh báo của Sa-lô-môn không?