Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những người trung thành thời xưa được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn

Những người trung thành thời xưa được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn

Những người trung thành thời xưa được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn

“Chúa Giê-hô-va, và Thần của Ngài, sai ta đến”.—Ê-SAI 48:16.

1, 2. Chúng ta cần điều gì để thể hiện đức tin? Và khi xem xét gương của những người trung thành thời xưa, chúng ta nhận được sự khích lệ nào?

Dù có nhiều người đã thể hiện đức tin từ thời A-bên, nhưng “không phải mọi người đều có đức tin” (2 Tê 3:2). Vậy làm thế nào một người có đức tính này, và điều gì khiến họ trở nên trung thành? Nói chung, đức tin có được qua những điều đã nghe từ Lời Đức Chúa Trời (Rô 10:17). Đức tin là một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22, 23). Vì vậy, để thể hiện đức tin, chúng ta cần thần khí của Đức Chúa Trời.

2 Thật sai lầm khi cho rằng đức tin của những người nam và nữ trung thành là điều bẩm sinh, là điều tự nhiên mà có. Các tôi tớ gương mẫu của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh cũng là những người “có cảm xúc như chúng ta” (Gia 5:17). Họ cũng có sự ngờ vực, thiếu tự tin và nhược điểm, nhưng thần khí Đức Chúa Trời đã khiến họ “thành mạnh” để đối mặt với thử thách (Hê 11:34). Bằng cách xem xét thần khí của Đức Giê-hô-va đã tác động thế nào trên họ, chúng ta sẽ được khích lệ để tiếp tục đi theo đường lối trung thành, đặc biệt vì hiện nay là thời kỳ mà đức tin chúng ta đang bị tấn công.

Thần khí Đức Chúa Trời thêm sức và khả năng cho Môi-se

3-5. (a) Làm sao chúng ta biết Môi-se đã thực hiện nhiệm vụ với sự giúp đỡ của thần khí? (b) Gương của Môi-se cho chúng ta bài học nào liên quan đến việc Đức Giê-hô-va ban thần khí?

3 Trong số những người sống trên đất vào năm 1513 TCN, Môi-se “là người rất khiêm-hòa hơn mọi người” (Dân 12:3). Người đàn ông nhu mì này đã được giao phó trách nhiệm vô cùng quan trọng trong dân Y-sơ-ra-ên. Thần khí Đức Chúa Trời đã thêm sức và khả năng cho Môi-se để ông làm nhà tiên tri, thẩm phán, viết sách, lãnh đạo và thực hiện những phép lạ. (Đọc Ê-sai 63:11-14). Tuy nhiên, có lúc Môi-se đã than thở rằng trách nhiệm đó quá nặng đối với ông (Dân 11:14, 15). Vì thế, Đức Giê-hô-va “lấy một phần Thần Khí” trên Môi-se và ban cho 70 người khác để họ chia sẻ công việc (Dân 11:16, 17, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Mặc dù trách nhiệm của Môi-se có vẻ quá nặng nề nhưng thật ra ông không tự mình gánh vác trách nhiệm đó, và 70 trưởng lão được chọn để giúp ông cũng vậy.

4 Môi-se được ban đủ thần khí để thi hành nhiệm vụ. Sau khi được chia bớt công việc, ông vẫn có đủ thần khí cần thiết. Ông không nhận được quá ít và 70 trưởng lão cũng không nhận được quá nhiều. Đức Giê-hô-va cung cấp đủ thần khí chúng ta cần, tùy vào hoàn cảnh của mình. Kinh Thánh cho biết ‘nhờ sự đầy dẫy của ngài’, ‘ngài ban thần khí một cách dư dật’.—Giăng 1:16; 3:34.

5 Bạn có đang đương đầu với thử thách không? Có phải các nhu cầu cần thiết trong đời sống ngày càng chiếm nhiều thời gian của bạn không? Có phải bạn đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như vật chất cho gia đình, trong khi phải đối mặt với chi phí đắt đỏ và các lo lắng về sức khỏe không? Có phải bạn đang gánh vác những trách nhiệm nặng nề trong hội thánh không? Hãy tin chắc rằng qua thần khí, Đức Chúa Trời sẽ ban sức mạnh để bạn vượt qua bất kỳ hoàn cảnh nào.—Rô 15:13.

Thần khí giúp Bết-sa-lê-ên có đủ khả năng

6-8. (a) Thần khí Đức Chúa Trời đã khiến Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp có khả năng làm gì? (b) Điều gì cho thấy Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn? (c) Tại sao trường hợp của Bết-sa-lê-ên đặc biệt mang lại sự khích lệ?

6 Trường hợp của một người sống cùng thời với Môi-se là Bết-sa-lê-ên cho chúng ta biết nhiều điều về cách thần khí Đức Chúa Trời hoạt động. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 35:30-35). Bết-sa-lê-ên được chọn để dẫn đầu trong việc làm những vật dụng cần thiết cho đền tạm. Trước khi bắt đầu nhiệm vụ lớn lao đó, ông có kiến thức gì về nghề thủ công không? Có thể, nhưng hình như công việc gần đây nhất của ông là làm gạch cho người Ê-díp-tô (Xuất 1:13, 14). Vậy thì làm sao Bết-sa-lê-ên hoàn tất nhiệm vụ phức tạp này? Đức Giê-hô-va “phú cho người đầy-dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn-ngoan, sự thông-sáng, và sự hiểu-biết, để làm mọi thứ nghề thợ, đặng bày ra và... làm các đồ khéo-léo”. Bất cứ kỹ năng bẩm sinh nào của Bết-sa-lê-ên đều được thần khí cải thiện. Điều tương tự cũng xảy ra với Ô-hô-li-áp. Chắc chắn Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp đã học hỏi kỹ càng, vì họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn phải dạy người khác làm việc. Đúng thế, Đức Chúa Trời phú cho họ tài dạy dỗ.

7 Một bằng chứng khác cho thấy Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn là các sản phẩm họ làm có độ bền đáng kinh ngạc. Những vật dụng đó vẫn được dùng đến tận 500 năm sau! (2 Sử 1:2-6). Không như nhiều nhà sản xuất hiện nay, Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp không muốn để lại chữ ký hay thương hiệu trên sản phẩm của mình. Tất cả sự vinh hiển mà thành quả của họ mang lại đều được quy cho Đức Giê-hô-va.—Xuất 36:1, 2.

8 Ngày nay, chúng ta có thể phải đối diện với những nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt như xây cất, in ấn, tổ chức hội nghị và quản lý công tác cứu trợ. Ngoài ra, cũng phải liên lạc với các bác sĩ và nhân viên bệnh viện về quan điểm dựa trên Kinh Thánh liên quan đến máu. Đôi lúc, những công việc này được thực hiện bởi những người có chuyên môn, nhưng thường thì chúng được giao cho những anh chị tình nguyện không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Thần khí Đức Chúa Trời khiến cho những nỗ lực của họ thành công. Bạn đã bao giờ cảm thấy ngần ngại không muốn nhận một nhiệm vụ trong tổ chức Đức Giê-hô-va vì nghĩ người khác có nhiều khả năng hơn mình chưa? Hãy nhớ rằng thần khí Đức Giê-hô-va có thể cải thiện sự hiểu biết cũng như năng lực của bạn và giúp bạn hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào ngài giao.

Thần khí Đức Chúa Trời giúp Giô-suê thành công

9. Dân Y-sơ-ra-ên đã gặp phải tình huống nào sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô? Và câu hỏi nào được nêu lên?

9 Thần khí Đức Chúa Trời cũng hướng dẫn một người khác cùng thời với Môi-se và Bết-sa-lê-ên. Không lâu sau khi dân Đức Chúa Trời rời xứ Ê-díp-tô, dân A-ma-léc đã vô cớ phát động một cuộc tấn công nhắm vào họ. Đã đến lúc dân Y-sơ-ra-ên phải đẩy lùi mối đe dọa này. Cho dù hoàn toàn không quen thuộc với chiến trận, dân Y-sơ-ra-ên phải tiến hành trận chiến đầu tiên của mình với tư cách một dân tộc tự do (Xuất 13:17; 17:8). Nhưng cần có một người lãnh đạo quân đội. Ai sẽ được chọn?

10. Nhờ đâu dân Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Giô-suê đã chiến thắng quân thù?

10 Giô-suê được chọn. Nhưng nếu phải kể lại kinh nghiệm làm việc để xem có hội đủ tiêu chuẩn nhận nhiệm vụ không thì Giô-suê có thể liệt kê những việc gì? Nô lệ? Làm gạch? Hay lượm ma-na? Thật ra, ông nội của Giô-suê là Ê-li-sa-ma là quan trưởng của chi phái Ép-ra-im và dường như đã dẫn đầu 108.100 người thuộc phân khu gồm ba chi phái Y-sơ-ra-ên (Dân 2:18, 24; 1 Sử 7:26, 27). Dù thế, Đức Giê-hô-va đã ra lệnh thông qua Môi-se rằng Giô-suê, chứ không phải Ê-li-sa-ma hay con trai ông là Nun, sẽ lãnh đạo quân đội đánh bại kẻ thù. Trận chiến kéo dài gần một ngày trọn. Nhờ sự vâng lời tuyệt đối của Giô-suê và lòng biết ơn sâu xa của ông đối với sự hướng dẫn từ thần khí Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng.—Xuất 17:9-13.

11. Làm thế nào chúng ta có thể thành công trong việc phụng sự Đức Chúa Trời như Giô-suê đã làm?

11 Rồi Giô-suê, “được đầy-dẫy thần khôn-ngoan”, kế nhiệm Môi-se (Phục 34:9). Thần khí không sinh ra trong ông khả năng nói tiên tri hay thực hiện các phép lạ như đã làm với Môi-se. Nhưng lực này giúp Giô-suê có đủ khả năng lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên trong chiến dịch chinh phục xứ Ca-na-an. Ngày nay, chúng ta có thể cảm thấy thiếu kinh nghiệm hoặc không đủ khả năng thực thi những khía cạnh nào đó trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng như Giô-suê, chúng ta được bảo đảm sẽ thành công nếu theo sát sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.—Giô-suê 1:7-9.

“Thần của Đức Giê-hô-va cảm-hóa Ghê-đê-ôn”

12-14. (a) Việc 300 người lính có thể đánh tan tác quân đội Ma-đi-an hùng hậu cho thấy gì? (b) Đức Giê-hô-va đã trấn an Ghê-đê-ôn như thế nào? (c) Ngày nay, chúng ta nhận được lời bảo đảm nào từ Đức Giê-hô-va?

12 Sau khi Giô-suê qua đời, Đức Giê-hô-va tiếp tục cho thấy quyền năng của ngài có thể thêm sức cho những người trung thành như thế nào. Sách Các Quan Xét có rất nhiều lời tường thuật về những người “từ yếu thành mạnh” (Hê 11:34). Qua thần khí, Đức Chúa Trời thúc đẩy Ghê-đê-ôn chiến đấu vì dân tộc của ngài (Quan 6:34). Tuy nhiên, đội quân mà Ghê-đê-ôn tập hợp bị quân Ma-đi-an áp đảo về số lượng với tỉ lệ 4 chọi 1. Nhưng dưới mắt Đức Giê-hô-va thì đội quân Y-sơ-ra-ên nhỏ bé vẫn còn quá đông. Ngài hai lần ra lệnh cho Ghê-đê-ôn phải cắt giảm quân số cho đến khi một người lính Y-sơ-ra-ên phải chống chọi với 450 quân thù (Quan 7:2-8; 8:10). Đây là tỉ lệ mà Đức Giê-hô-va muốn. Nếu một chiến thắng kinh ngạc xảy ra thì ai còn có thể khoe khoang rằng đó là do công lao hay sự khôn ngoan của con người?

13 Ghê-đê-ôn và quân đội của ông gần như đã sẵn sàng. Nếu bạn là một người lính của đội quân nhỏ bé đó, bạn có cảm thấy an toàn khi biết rằng quân đội của mình đã loại bớt những người sợ hãi và thiếu cảnh giác không? Hay bạn cảm thấy lo lắng khi nghĩ về kết cuộc sẽ xảy ra? Chúng ta không cần phải đoán Ghê-đê-ôn cảm thấy thế nào. Ông đã làm mọi điều mình được phán dặn! (Đọc Các Quan Xét 7:9-14). Đức Giê-hô-va không khiển trách Ghê-đê-ôn khi ông xin một dấu hiệu cho thấy ngài sẽ ở cùng ông (Quan 6:36-40). Thay vì thế, ngài củng cố đức tin của Ghê-đê-ôn.

14 Quyền năng giải cứu của Đức Giê-hô-va là vô tận. Ngài có thể giải thoát dân tộc mình khỏi bất cứ tình thế khó khăn nào, thậm chí bằng cách dùng những người có vẻ như yếu đuối hoặc không có khả năng. Đôi lúc chúng ta có thể cảm thấy bị áp đảo hoặc rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta không mong chờ lời cam đoan bằng phép lạ như Ghê-đê-ôn nhận được, nhưng chúng ta có thể tìm được rất nhiều sự hướng dẫn và bảo đảm từ Lời Đức Chúa Trời và qua hội thánh được thần khí của ngài hướng dẫn (Rô 8:31, 32). Những lời hứa ấm lòng của Đức Giê-hô-va làm vững mạnh đức tin và giúp chúng ta tin tưởng rằng ngài thật sự là Đấng giúp đỡ của mình!

“Thần của Đức Giê-hô-va bèn cảm-động Giép-thê”

15, 16. Làm sao con gái Giép-thê có một thái độ tốt, và điều này mang lại sự khích lệ cho các bậc cha mẹ như thế nào?

15 Hãy xem xét một gương khác. Khi người Y-sơ-ra-ên chiến đấu chống lại dân Am-môn, thần khí Đức Giê-hô-va “bèn cảm-động Giép-thê”. Mong muốn có một chiến thắng để ca ngợi Đức Giê-hô-va, Giép-thê lập một lời hứa nguyện đòi hỏi sự hy sinh. Ông hứa rằng nếu Đức Chúa Trời phó dân Am-môn vào tay ông thì người đầu tiên ra đón lúc ông trở về nhà sẽ thuộc về Đức Chúa Trời. Sau khi đánh bại dân Am-môn, Giép-thê trở về và con gái ông chạy ra đón (Quan 11:29-31, 34). Đó có phải là một điều ngạc nhiên cho Giép-thê không? Dường như không, vì ông chỉ có một người con. Ông thực hiện lời hứa của mình bằng cách dâng con gái phụng sự trọn đời tại đền tạm của Đức Giê-hô-va ở Si-lô. Là một người thờ phượng trung thành, con gái Giép-thê biết rằng lời hứa nguyện của cha cô cần được thực hiện. (Đọc Các Quan Xét 11:36). Thần khí Đức Giê-hô-va đã ban cho cả hai cha con sức mạnh mà họ cần.

16 Làm thế nào con gái Giép-thê vun trồng được một tinh thần hy sinh như thế? Hẳn đức tin của cô được xây dựng khi quan sát lòng sốt sắng và tin kính của cha mình. Hỡi các bậc cha mẹ, con cái luôn để ý đến gương của bạn. Các quyết định của bạn sẽ cho thấy bạn tin vào những gì mình nói. Con cái bạn lắng nghe những lời cầu nguyện tha thiết, để ý đến các sự dạy dỗ hữu hiệu và quan sát mọi nỗ lực của bạn trong việc hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, rất có thể chúng sẽ vun trồng một ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Đó là điều đem lại sự vui mừng.

“Thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Sam-sôn”

17. Sam-sôn đã làm được gì nhờ thần khí Đức Chúa Trời?

17 Chúng ta hãy xem một trường hợp khác. Khi dân Y-sơ-ra-ên bị người Phi-li-tin đô hộ, “Thần của Đức Giê-hô-va khởi cảm-động” Sam-sôn để giải thoát dân Y-sơ-ra-ên (Quan 13:24, 25). Sam-sôn được ban quyền năng để làm những điều thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc, có một không hai. Khi dân Phi-li-tin thuyết phục những người đồng hương của Sam-sôn bắt ông, “Thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Sam-sôn, những dây cột cánh tay người trở thành như chỉ gai bị lửa đốt, tàn rớt khỏi tay người” (Quan 15:14). Dù sau này bị mất sức mạnh vì quyết định thiếu khôn ngoan, nhưng “nhờ đức tin”, ông được ban sức mạnh một lần cuối (Hê 11:32-34; Quan 16:18-21, 28-30). Thần khí Đức Giê-hô-va hoạt động trên Sam-sôn một cách đặc biệt vì những hoàn cảnh khác thường. Tuy vậy, những sự kiện lịch sử đó mang lại sự khích lệ lớn cho chúng ta. Như thế nào?

18, 19. (a) Trường hợp của Sam-sôn cho chúng ta sự bảo đảm nào? (b) Bạn nhận được lợi ích nào qua việc xem xét các gương trung thành trong bài này?

18 Chúng ta cũng nương cậy nơi cùng một thần khí với Sam-sôn. Chúng ta làm thế khi thi hành công việc Chúa Giê-su giao cho các môn đồ, đó là “rao giảng cho người ta và làm chứng cặn kẽ” (Công 10:42). Nhiệm vụ này đòi hỏi những kỹ năng không phải tự nhiên mà có. Thật vui mừng vì Đức Giê-hô-va sử dụng thần khí của ngài để giúp chúng ta hoàn thành vô số công việc mà ngài giao! Do đó, khi thi hành nhiệm vụ của mình, chúng ta có thể nói như nhà tiên tri Ê-sai: ‘Chúa Giê-hô-va, và Thần của Ngài, sai tôi đến’ (Ê-sai 48:16). Đúng thế, chính là thần khí Đức Chúa Trời sai chúng ta! Chúng ta chuyên tâm làm việc với lòng tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ cải thiện khả năng của chúng ta như ngài đã làm với Môi-se, Bết-sa-lê-ên và Giô-suê. Chúng ta cầm “gươm thần khí là lời Đức Chúa Trời”, tin tưởng rằng ngài sẽ thêm sức cho mình như đã làm với Ghê-đê-ôn, Giép-thê và Sam-sôn (Ê-phê 6:17, 18). Bằng cách tìm đến sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để vượt qua những trở ngại, chúng ta có thể có được sức mạnh thiêng liêng cũng như Sam-sôn nhận được sức mạnh thể chất.

19 Rõ ràng, Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai can đảm ủng hộ sự thờ phượng thật. Khi đáp lại sự hoạt động của thần khí Đức Chúa Trời, đức tin chúng ta sẽ được thêm lên. Chắc chắn, chúng ta cũng sẽ rất thích thú khi xem xét một số lời tường thuật hào hứng được ghi lại trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Những lời tường thuật đó sẽ cho biết thần khí Đức Giê-hô-va đã hoạt động trên các tôi tớ trung thành của ngài như thế nào vào thế kỷ thứ nhất, cả trước và sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Bài tiếp theo sẽ xem xét các lời tường thuật này.

Bạn được khích lệ thế nào khi biết cách mà thần khí hoạt động trên:

• Môi-se?

• Bết-sa-lê-ên?

• Giô-suê?

• Ghê-đê-ôn?

• Giép-thê?

• Sam-sôn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Thần khí có thể khiến chúng ta có được sức mạnh thiêng liêng cũng như Sam-sôn nhận được sức mạnh thể chất

[Hình nơi trang 21]

Hỡi các bậc cha mẹ, gương mẫu sốt sắng của bạn có ảnh hưởng đến con cái