Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sẵn sàng thay đổi mang lại phần thưởng

Sẵn sàng thay đổi mang lại phần thưởng

Sẵn sàng thay đổi mang lại phần thưởng

Do James A. Thompson kể lại

Tôi sinh ra vào năm 1928, tại vùng phía nam Hoa Kỳ. Thời đó, luật pháp ủng hộ sự tách biệt giữa người da trắng và người da đen. Vi phạm luật này có thể dẫn đến việc ngồi tù hoặc tệ hơn nữa.

Lúc bấy giờ, tại nhiều vùng ở Hoa Kỳ, Nhân Chứng Giê-hô-va da trắng và da đen phải có riêng các hội thánh, vòng quanh và địa hạt. Vào năm 1937, cha tôi trở thành tôi tớ hội đoàn (nay được gọi là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão) thuộc hội thánh người da đen tại Chattanooga, Tennessee. Anh Henry Nichols là tôi tớ hội đoàn thuộc hội thánh người da trắng.

Tôi có nhiều kỷ niệm vui lúc nhỏ, vào ban đêm tôi nghe cha và anh Henry nói chuyện với nhau tại hành lang phía sau nhà. Tôi không hiểu hết mọi điều mà họ đang nói, nhưng tôi thích ngồi bên cạnh cha khi hai người thảo luận về cách nào tốt nhất để thi hành công việc rao giảng trong hoàn cảnh lúc đó.

Vài năm trước, vào năm 1930, một thảm kịch ập đến gia đình chúng tôi. Mẹ tôi qua đời lúc chỉ mới 20 tuổi. Cha tôi phải chăm lo cho chị gái bốn tuổi là Doris và tôi chỉ mới lên hai. Mặc dù báp-têm chưa lâu, cha tôi tiến bộ nhanh về thiêng liêng.

Những gương mẫu uốn nắn đời sống tôi

Vào năm 1933, cha tôi gặp một chị đồng đạo đáng mến là Lillie Mae Gwendolyn Thomas, và không lâu sau họ kết hôn. Cả cha và mẹ đều nêu gương tốt cho chị Doris và tôi trong việc trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.

Vào năm 1938, các hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va được yêu cầu ủng hộ cho một nghị quyết rằng các trưởng lão địa phương sẽ do trụ sở trung ương tại Brooklyn, New York bổ nhiệm, thay vì được bầu cử tại địa phương. Một số anh chị tại Chattanooga ngần ngại chấp nhận sự thay đổi đó, nhưng cha tôi tuyên bố rằng mình dứt khoát ủng hộ sự điều chỉnh này trong tổ chức. Gương trung thành của cha cùng với sự hợp tác tận tâm của mẹ đã giúp tôi đến ngày nay.

Báp-têm và thánh chức trọn thời gian

Vào năm 1940, một số anh chị trong hội thánh thuê một chiếc xe buýt để đến dự hội nghị tổ chức tại Detroit, Michigan. Vài người trong nhóm chúng tôi đã làm báp-têm tại đó. Một số anh chị thắc mắc tại sao tôi chưa làm báp-têm, vì tôi đã đi rao giảng từ lúc năm tuổi và rất tích cực tham gia thánh chức.

Khi được hỏi về điều đó, tôi đáp lại: “Con chưa hiểu hết về phép báp-têm”. Cha tôi tình cờ nghe thấy và lấy làm ngạc nhiên. Từ đó trở đi, cha tôi nỗ lực rất nhiều để giúp tôi hiểu phép báp-têm có nghĩa gì và tầm quan trọng của việc đó. Bốn tháng sau, vào một ngày rất lạnh là ngày 1-10-1940, tôi đã làm báp-têm tại một hồ nhỏ bên ngoài Chattanooga.

Lúc 14 tuổi, tôi bắt đầu làm tiên phong trong những dịp hè. Tôi rao giảng tại các thị trấn nhỏ thuộc bang Tennessee và bang Georgia gần đó. Tôi thức dậy sớm, gói đồ ăn trưa, và bắt một chuyến xe lửa hoặc xe buýt lúc sáu giờ đến khu vực. Tôi trở về khoảng sáu giờ chiều. Đồ ăn mà tôi mang theo thường không còn cho đến giờ ăn trưa. Mặc dù có tiền, tôi không thể đi vào cửa hàng địa phương để mua thêm thức ăn vì tôi là người da đen. Lần nọ, tôi vào một cửa tiệm để mua kem và đã bị đuổi. Rồi một người phụ nữ da trắng tử tế đem cho tôi một cây kem.

Khi tôi bắt đầu học trung học, phong trào về quyền bình đẳng công dân ngày càng được nhiều người ủng hộ tại miền Nam. Các tổ chức như Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (viết tắt là NAACP) khuyến khích các học sinh tham gia vào phong trào này và kết nạp hội viên. Nhiều trường của người da đen, bao gồm cả trường của tôi, cũng đặt ra mục tiêu phải có 100% học sinh đều là hội viên. Tôi bị áp lực để “ủng hộ cho sắc tộc của mình”. Nhưng tôi từ chối, nói rằng Đức Chúa Trời không thiên vị và ngài không muốn đề cao chủng tộc này lên trên chủng tộc khác. Vì vậy, tôi mong đợi Đức Chúa Trời sẽ giải quyết những sự bất công như thế.—Giăng 17:14; Công 10:34, 35.

Không lâu sau khi tốt nghiệp trung học, tôi quyết định dọn đến thành phố New York. Tuy nhiên, trên đường đi, tôi dừng lại tại Philadelphia, thuộc bang Pennsylvania để thăm những người bạn mà tôi đã gặp trước đó ở một hội nghị. Đây là lần đầu tiên tôi đến một hội thánh có cả anh em người da trắng và da đen tham dự chung với nhau. Trong cuộc viếng thăm của giám thị lưu động, anh đem tôi ra và nói rằng tôi được giao một phần trong buổi nhóm họp kế tiếp. Điều này đã giúp tôi quyết định ở lại đó.

Trong số những người bạn ở Philadelphia có một chị trẻ tên là Geraldine White, tôi thường gọi chị là Gerri. Chị ấy biết nhiều về Kinh Thánh và rất khéo léo khi tiếp xúc với những người mình gặp trong việc rao giảng từng nhà. Điều đặc biệt quan trọng đối với tôi là chị có cùng mục tiêu làm tiên phong. Chúng tôi kết hôn vào ngày 23-4-1949.

Được mời đến Trường Ga-la-át

Từ đầu, mục tiêu của chúng tôi là được tham dự Trường Ga-la-át và phụng sự với tư cách là giáo sĩ ở nước ngoài. Chúng tôi vui lòng điều chỉnh hoàn cảnh của mình để được hội đủ điều kiện vào Trường Ga-la-át. Không lâu sau, chúng tôi được yêu cầu dọn đến Lawnside, New Jersey; rồi đến Chester, Pennsylvania; và cuối cùng là thành phố Atlantic, New Jersey. Khi ở thành phố Atlantic, chúng tôi hội đủ điều kiện để nộp đơn xin vào Trường Ga-la-át, vì đã kết hôn được hai năm. Nhưng chúng tôi không được mời tham dự ngay. Tại sao?

Vào đầu thập niên 1950, nhiều người nam trẻ bị gọi nhập ngũ để tham gia vào cuộc chiến đang diễn ra tại nước Đại Hàn. Hội đồng tuyển quân tại Philadelphia dường như có thành kiến với Nhân Chứng Giê-hô-va vì sự trung lập của chúng tôi. Cuối cùng, tôi được một quan tòa cho biết rằng cơ quan FBI đã điều tra lý lịch và xác nhận vị thế trung lập của tôi. Vào ngày 11-1-1952, hội đồng phúc thẩm cho phép tôi miễn nhập ngũ vì là người truyền giáo.

Vào tháng 8 năm đó, Gerri và tôi nhận được lời mời để tham dự khóa 20 của Trường Ga-la-át, bắt đầu vào tháng 9. Trong khóa học, chúng tôi mong chờ rằng mình sẽ nhận được một nhiệm sở ở nước ngoài. Chị tôi là Doris đã tốt nghiệp khóa thứ 13 của Trường Ga-la-át và đang phục vụ tại Brazil. Thật ngạc nhiên vì Gerri và tôi được giao cho công việc vòng quanh, viếng thăm các hội thánh người da đen ở tiểu bang miền nam Alabama! Điều đó khiến chúng tôi thất vọng phần nào vì chúng tôi rất mong muốn được phụng sự tại một vùng đất ngoại quốc.

Hội thánh đầu tiên chúng tôi đến thăm là ở Huntsville. Khi đến đó, chúng tôi tới nhà của một chị Nhân Chứng, nơi mà mình đã được sắp xếp ở lại. Khi đang bốc dỡ đồ đạc, chúng tôi tình cờ nghe chị nói trong điện thoại rằng: “Bọn trẻ đến đây rồi”. Chúng tôi chỉ mới 24 tuổi và trông còn trẻ hơn. Chúng tôi được gọi với tên “bọn trẻ” trong suốt thời gian phục vụ trong vòng quanh đó.

Miền Nam Hoa Kỳ thường được gọi là Vùng Kinh Thánh vì phần lớn người dân ở đó rất coi trọng Kinh Thánh. Vì vậy chúng tôi hay mở đầu cuộc nói chuyện bằng ba bước sau:

(1) Một lời bình luận ngắn gọn về tình hình thế giới.

(2) Giải pháp mà Kinh Thánh đưa ra.

(3) Kinh Thánh cho biết điều chúng ta phải làm.

Sau đó, chúng tôi mời nhận một ấn phẩm thích hợp giúp hiểu Kinh Thánh. Nhờ sự thành công của phương pháp này, tôi được giao một phần trong Hội nghị Xã hội Thế giới Mới tại New York vào năm 1953. Tại đó, tôi đã trình diễn lại cách mở đầu cuộc nói chuyện bằng ba bước trên.

Không lâu sau vào mùa hè năm 1953, tôi được bổ nhiệm phục vụ các vòng quanh của anh em người da đen tại miền Nam với tư cách là giám thị địa hạt. Địa hạt của chúng tôi bao gồm toàn bộ khu vực từ Virginia đến Florida và về phía tây qua đến bang Alabama và Tennessee. Quả là các giám thị lưu động cần phải tập thích nghi. Chẳng hạn, chúng tôi thường ở trong những căn nhà không có hệ thống ống nước và phải tắm trong một cái bồn thiếc sau lò của nhà bếp. Mừng thay, đó là nơi ấm nhất của căn nhà!

Khó khăn vì nạn phân biệt chủng tộc

Việc phụng sự tại miền Nam đòi hỏi chúng tôi phải suy nghĩ trước và khéo léo thực hiện công việc. Người da đen không được phép sử dụng các tiệm giặt ủi tự động. Nhưng Gerri đi đến đó và nói rằng quần áo này là của “bà Thompson” (Thompson là họ của chúng tôi). Dường như nhiều người nghĩ rằng cô ấy là một người giúp việc và “bà Thompson” là chủ nhà. Vào thời đó, các giám thị địa hạt trình chiếu bộ phim The New World Society in Action (Xã hội thế giới mới đang hoạt động), tôi thường gọi điện thoại đến một cửa tiệm và thuê một màn ảnh rộng cho “ông Thompson”. Sau đó, tôi đi lấy nó. Chúng tôi luôn luôn cư xử lịch sự và nói chung không gặp phải những rắc rối khi thi hành thánh chức.

Ở miền Nam, cũng có một loại thành kiến khác. Nhiều người không thích những người đến từ miền Bắc. Có lần, một tờ báo địa phương đăng tin rằng ông James A. Thompson, Jr. thuộc Hội Tháp Canh New York (Watchtower Bible and Tract Society of New York) sẽ nói bài giảng tại một hội nghị. Một số người hiểu lầm rằng tôi đến từ New York, và hợp đồng thuê giảng đường đã bị hủy. Vì thế, tôi đến gặp ban quản lý các trường học và cho biết rằng tôi đã đi học tại Chattanooga. Sau đó, chúng tôi được phép thuê giảng đường đó cho hội nghị vòng quanh.

Vào giữa thập niên 1950, tình trạng căng thẳng do phân biệt chủng tộc ngày càng tăng, và đôi khi có bạo lực xảy ra. Vào năm 1954, một số Nhân Chứng cảm thấy bị mếch lòng khi không có diễn giả người da đen nào tại nhiều hội nghị địa hạt. Chúng tôi khuyến khích các anh em người da đen hãy kiên nhẫn. Mùa hè năm sau, tôi đã được giao bài giảng. Về sau, có thêm nhiều anh em người da đen ở miền Nam cũng có phần trong hội nghị.

Với thời gian, nạn bạo lực giữa các sắc tộc tại miền Nam giảm bớt, và dần dần các anh em người da đen và da trắng bắt đầu tham dự buổi họp chung với nhau. Điều này đòi hỏi những người công bố phải chuyển sang hội thánh khác, cũng như cần điều chỉnh các khu vực của hội thánh và trách nhiệm của những anh giám thị. Một số anh em, cả người da trắng lẫn da đen, đều không thích sự sắp đặt mới này. Tuy nhiên, như Cha trên trời của chúng ta, phần lớn các anh em không có sự thiên vị. Trên thực tế, nhiều anh chị đã là bạn thân của nhau bất chấp sự khác biệt về màu da. Từ lúc tôi còn nhỏ, gia đình chúng tôi đã trải nghiệm điều đó trong thập niên 1930 và 1940.

Một nhiệm sở mới

Vào tháng 1 năm 1969, Gerri và tôi nhận lời mời đến Guyana, thuộc Nam Mỹ và chúng tôi vui mừng chấp nhận. Đầu tiên, chúng tôi đi đến Brooklyn, New York. Nơi đây, tôi được huấn luyện để trông nom công việc rao giảng tại Guyana. Chúng tôi đến đó vào tháng 7 năm 1969. Sau 16 năm làm công việc lưu động, sự thay đổi lớn đối với chúng tôi là việc phải sống chỉ tại một nơi. Gerri dành hầu hết thời gian cho thánh chức rao giảng với tư cách là giáo sĩ, còn tôi thì làm việc tại văn phòng chi nhánh.

Công việc của tôi liên quan đến rất nhiều điều, từ việc cắt cỏ và gửi các ấn phẩm cho 28 hội thánh đến việc liên lạc qua thư với trụ sở trung ương tại Brooklyn. Tôi làm việc 14, 15 tiếng mỗi ngày. Đó là việc khó nhọc đối với chúng tôi, nhưng cả hai chúng tôi đều rất thích các công việc được giao. Khi chúng tôi đến Guyana thì tại đó đã có 950 người công bố; và hiện nay có hơn 2.500.

Dù rất thích khí hậu thoải mái, trái cây và rau quả thơm ngon, nhưng niềm vui thật sự của chúng tôi là gặp được những người khiêm nhường khao khát học biết sự thật trong Kinh Thánh về Nước Đức Chúa Trời. Gerri thường điều khiển 20 cuộc học hỏi Kinh Thánh mỗi tuần, và nhiều người mà chúng tôi giúp đã tiến bộ và làm báp-têm. Với thời gian, một số người trong họ làm tiên phong, trưởng lão, ngay cả tham dự Trường Ga-la-át và trở thành giáo sĩ.

Vấn đề khó khăn, đặc biệt về sức khỏe

Vào năm 1983, cha mẹ tôi ở Hoa Kỳ cần sự giúp đỡ. Chị Doris, Gerri và tôi đã có buổi họp mặt gia đình. Chị Doris, một giáo sĩ phục vụ 35 năm tại Brazil, đã quyết định trở về chăm sóc cho cha mẹ. Chị nói: ‘Tại sao phải mất đi hai giáo sĩ rời khỏi cánh đồng rao giảng, trong khi một người có thể làm được việc đó?’. Sau khi cha mẹ qua đời, chị Doris vẫn ở lại Chattanooga và đang làm tiên phong đặc biệt.

Vào năm 1995, tôi được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt và phải quay về Hoa Kỳ. Chúng tôi định cư tại Goldsboro, Bắc Carolina vì nó nằm giữa đoạn đường từ gia đình của tôi tại Tennessee và gia đình của Gerri tại Pennsylvania. Hiện nay, bệnh ung thư của tôi đã thuyên giảm và chúng tôi làm tiên phong đặc biệt (theo sự sắp đặt dành cho những người có sức khỏe kém) tại một hội thánh ở Goldsboro.

Nhìn lại 65 năm trôi qua trong thánh chức trọn thời gian, tôi thật sự biết ơn Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Gerri và tôi vì sẵn sàng thay đổi để phụng sự ngài. Những lời của Đa-vít thật đúng: “[Đức Giê-hô-va] tín trung với kẻ tín trung”!—2 Sa 22:26, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[Các hình nơi trang 3]

Cha tôi và anh Henry Nichols nêu gương tốt cho tôi

[Các hình nơi trang 4]

Gerri và tôi vào năm 1952, sẵn sàng đi Trường Ga-la-át

[Các hình nơi trang 5]

Sau khi tốt nghiệp Trường Ga-la-át, chúng tôi được giao cho công việc lưu động ở miền Nam

[Hình nơi trang 6]

Các giám thị lưu động và vợ họ chuẩn bị cho hội nghị địa hạt có cả người da trắng lẫn da đen, năm 1966

[Hình nơi trang 7]

Công việc giáo sĩ tại Guyana mang lại niềm vui