Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô tôn trọng Lời Đức Chúa Trời

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô tôn trọng Lời Đức Chúa Trời

“Lời Cha là sự thật”.—GIĂNG 17:17.

1. Từ kinh nghiệm bản thân, hãy nêu lên một điểm khác biệt lớn giữa Nhân Chứng Giê-hô-va với các tôn giáo khác.

Hãy nhớ lại lần đầu bạn trò chuyện với Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều gì lưu lại trong trí bạn? Nhiều người sẽ nói: “Tôi ấn tượng khi thấy Nhân Chứng Giê-hô-va dùng Kinh Thánh để trả lời mọi câu hỏi”. Khi biết ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất, điều gì xảy ra khi chúng ta chết và tương lai nào chờ đón những người thân yêu đã qua đời, chúng ta vui mừng biết bao!

2. Bạn đã dần quý trọng Kinh Thánh vì một số lý do nào?

2 Càng tìm hiểu, chúng ta càng thấy Kinh Thánh giúp ích nhiều hơn là chỉ giải đáp các câu hỏi về đời sống, cái chết và tương lai. Chúng ta dần quý trọng Kinh Thánh vì đó là cuốn sách thực tế nhất trên thế giới. Những lời khuyên trong đó là bất hủ, ai theo sát sẽ thành công và hạnh phúc. (Đọc Thi-thiên 1:1-3). Từ xưa đến nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính không xem Kinh Thánh “là lời của con người mà là lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê 2:13). Điểm qua một số sự kiện trong lịch sử sẽ giúp chúng ta thấy rõ sự tương phản giữa những người tôn trọng Lời Đức Chúa Trời và những người không làm thế.

VẤN ĐỀ KHÓ ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

3. Vấn đề nào đe dọa sự hợp nhất trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất? Tại sao đây là một vấn đề khó?

3 Đã 13 năm kể từ lần đầu tiên có người ngoại không cắt bì được xức dầu, là Cọt-nây. Ngày càng có nhiều người ngoại trở thành môn đồ Đấng Ki-tô. Điều này dẫn đến một vấn đề đe dọa sự hợp nhất trong hội thánh: Trước khi làm báp-têm, người ngoại có phải cắt bì theo phong tục Do Thái không?. Câu hỏi này không dễ cho người Do Thái trả lời. Tại sao? Vì một người Do Thái vâng giữ Luật pháp thậm chí không bước chân vào nhà của người ngoại chứ đừng nói gì đến việc nhận họ làm anh em đồng đạo. Những người Do Thái là môn đồ Chúa Giê-su đã bị bắt bớ dữ dội vì bỏ đạo cũ. Vậy nếu họ còn tiếp nhận người ngoại không cắt bì thì vết rạn nứt giữa họ với người Do Thái khác càng lớn hơn và có thể họ sẽ bị bắt bớ nhiều hơn.—Ga 2:11-14.

4. Những ai đã họp lại để giải quyết vấn đề? Về cuộc họp này, những câu hỏi nào có thể đã được nêu lên?

4 Vào năm 49 CN, các sứ đồ và trưởng lão ở thành Giê-ru-sa-lem, bản thân họ là người Do Thái đã cắt bì, “họp lại để xem xét vấn đề này” (Công 15:6). Đó không phải là cuộc tranh cãi vô vị về những điều nhỏ nhặt, mà là cuộc thảo luận sôi nổi về giáo lý. Có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra. Họ có để cho ý thích cá nhân hay định kiến chi phối không? Các trưởng lão có trách nhiệm có đợi đến khi tình hình tôn giáo ở Y-sơ-ra-ên yên ổn rồi mới quyết định không? Liệu họ có phải thương lượng để đưa ra quyết định?

5. Có sự khác biệt nào giữa cuộc họp ở Giê-ru-sa-lem năm 49 CN và cuộc họp của giới lãnh đạo trong các giáo hội vào những thế kỷ sau đó?

5 Ngày nay, sự thương lượng và vận động hành lang thường thấy tại các cuộc họp của giới lãnh đạo trong các giáo hội. Tuy nhiên, cuộc họp ở Giê-ru-sa-lem không hề như vậy. Hơn thế, các sứ đồ và trưởng lão còn nhất trí đưa ra một quyết định. Làm sao điều đó có thể xảy ra? Dù mỗi người có ý kiến riêng nhưng tất cả đều tôn trọng Lời Đức Chúa Trời và chính những lời thánh ấy là bí quyết để tháo gỡ vấn đề.—Đọc Thi-thiên 119:97-101.

6, 7. Kinh Thánh giúp giải quyết vấn đề về phép cắt bì như thế nào?

6 Đoạn Kinh Thánh giúp giải quyết vấn đề là A-mốt 9:11, 12. Lời phán của Đức Giê-hô-va trong đoạn này được trích dẫn ở Công vụ 15:16, 17 như sau: “Ta sẽ trở lại và tái dựng nhà đã sập của Đa-vít; ta sẽ xây lại những gì đổ nát và sẽ dựng lại nó, để những người còn lại và người thuộc mọi dân, là những người mang danh ta, sốt sắng tìm kiếm ta, là Đức Giê-hô-va”.

7 Một số người có thể phản đối: “Nhưng đoạn Kinh Thánh đó đâu nói người ngoại không cần cắt bì”. Đúng, nhưng tín đồ gốc Do Thái hiểu được ý của đoạn đó. Họ không xem người ngoại đã cắt bì “người thuộc mọi dân” nhưng là anh em đồng đạo (Xuất 12:48, 49). Chẳng hạn, theo bản Septuagint của ông Bagster, câu Ê-xơ-tê 8:17 được dịch là: “Nhiều người ngoại đã cắt bì và trở thành người Do Thái”. Vì thế, khi Kinh Thánh báo trước rằng những người còn lại của Y-sơ-ra-ên (người Do Thái cùng người cải đạo Do Thái đã cắt bì) “người thuộc mọi dân” (người ngoại chưa cắt bì) sẽ hợp thành một dân mang danh Đức Chúa Trời thì câu trả lời được thấy rõ. Người ngoại muốn trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cần cắt bì.

8. Tại sao quyết định của các tín đồ người Do Thái đòi hỏi sự can đảm?

8 Lời Đức Chúa Trời và thần khí ngài đã hướng dẫn những tín đồ chân thật ấy đi đến sự “nhất trí” (Công 15:25). Dù quyết định đưa ra hẳn sẽ khiến tín đồ gốc Do Thái bị bắt bớ nhiều hơn, nhưng các tín đồ trung thành đã hết lòng ủng hộ quyết định dựa vào Kinh Thánh.—Công 16:4, 5.

SỰ TƯƠNG PHẢN RÕ RÀNG

9. Một yếu tố chính khiến sự thờ phượng thật bị ô uế là gì? Niềm tin quan trọng nào bị bóp méo?

9 Sứ đồ Phao-lô báo trước là sau khi các sứ đồ qua đời, những dạy dỗ sai lầm sẽ làm ô uế đạo Đấng Ki-tô. (Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 7). Trong những người không chịu lắng nghe “sự dạy dỗ đúng đắn”, có một số tín đồ có trách nhiệm trong hội thánh (2 Ti 4:3). Phao-lô cảnh báo các trưởng lão: “Trong vòng anh em, sẽ có người giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ” (Công 20:30). Tân bách khoa từ điển Anh Quốc cho biết một yếu tố chính dẫn đến ý tưởng sai lệch là: “Những tín đồ Ki-tô giáo học triết lý Hy Lạp bắt đầu cảm thấy cần diễn tả đức tin của họ theo triết lý ấy để được thỏa mãn về phương diện trí thức, cũng như giúp cải đạo những người ngoại giáo có trình độ”. Chẳng hạn, do tác động của ngoại giáo, họ đã bóp méo niềm tin quan trọng về vị thế của Chúa Giê-su. Kinh Thánh gọi ngài là Con Đức Chúa Trời, còn những người ham thích triết lý Hy Lạp lại khăng khăng cho rằng ngài là Đức Chúa Trời.

10. Vấn đề về vị thế của Chúa Giê-su đã có thể được giải quyết nếu dựa vào đâu?

10 Nhiều công đồng giáo hội đã bàn luận về điều này. Nếu dựa vào Kinh Thánh thì họ đã có thể dễ dàng giải quyết vấn đề, nhưng đa số lại không làm thế. Thực tế, phần lớn đã có sẵn quyết định trước khi bước vào buổi họp và vẫn bảo thủ ý kiến của mình khi ra về. Những giáo luật và sắc lệnh được công bố sau các buổi họp hầu như không đề cập đến Kinh Thánh.

11. Người ta coi trọng các giáo phụ đến mức nào? Tại sao?

11 Tại sao họ không xem xét Kinh Thánh kỹ hơn? Theo học giả Charles Freeman, những người tin Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời “thấy khó bắt bẻ nhiều lời Chúa Giê-su nói với ý là ngài có vị thế thấp hơn Cha”. Vì vậy, họ đặt truyền thống của giáo hội và quan điểm của loài người lên trên Phúc âm. Đến nay, nhiều người thuộc hàng giáo phẩm coi trọng lời của những người được gọi là giáo phụ hơn Lời Đức Chúa Trời! Nếu từng thảo luận thuyết Chúa Ba Ngôi với người đang học làm linh mục, hẳn bạn đã nhận thấy điều đó.

12. Ảnh hưởng tiêu cực của hoàng đế là gì?

12 Điều đáng chú ý là hoàng đế La Mã cũng can thiệp vào các công đồng ấy. Giáo sư Richard E. Rubenstein viết về Công đồng Nicaea: “[Hoàng đế] Constantine ưu ái và làm giàu [các giám mục] hơn cả sự mong đợi của họ. Chưa đầy một năm, hoàng đế mới đã trả lại hoặc tái thiết gần như toàn bộ nhà thờ của họ, hoàn lại công việc và phục chức cho họ... Ông ban cho hàng giáo phẩm Ki-tô giáo ân sủng mà những thầy tế ngoại giáo từng được hưởng”. Kết quả là “Constantine có cớ để ảnh hưởng mạnh mẽ—có lẽ còn điều khiển—sự việc xảy ra tại Nicaea”. Charles Freeman xác nhận: “Tiền lệ đã lập là hoàng đế có thể can thiệp, không chỉ để củng cố giáo hội mà còn để ảnh hưởng giáo lý”.—Đọc Gia-cơ 4:4.

13. Theo bạn, điều gì khiến các chức sắc của giáo hội vào những thế kỷ sau này lờ đi lời dạy rõ ràng của Kinh Thánh?

13 Trong khi các chức sắc của giáo hội thấy khó xác định vị thế của Chúa Giê-su, nhiều thường dân lại không có vấn đề đó. Vì không màng đến chức tước trong giáo hội hay việc làm đầy hầu bao bằng vàng của hoàng đế, họ có thể nhìn sự việc với con mắt khách quan hơn, trong ánh sáng của Kinh Thánh. Thực tế cho thấy họ đã làm vậy. Chẳng hạn, một nhà thần học thời đó là Gregory thành Nyssa đã chế nhạo các thường dân: “Những kẻ bán quần áo, đổi tiền, bán tạp hóa đều là các nhà thần học. Nếu bạn hỏi giá của tiền, ‘triết gia’ sẽ giải thích Con khác với Cha ở chỗ nào. Nếu bạn hỏi giá bánh mì, bạn sẽ được trả lời là Cha lớn hơn Con. Nếu bạn muốn biết bồn tắm đã sẵn sàng chưa, đầy tớ sẽ trả lời là Con đã được tạo ra”. Đúng vậy, không như các chức sắc, nhiều thường dân đã dùng Kinh Thánh để chứng minh cho niềm tin của mình. Đáng lẽ Gregory và các đồng sự phải lắng nghe họ!

“LÚA MÌ” VÀ “CỎ DẠI” CÙNG LỚN LÊN

14. Làm sao chúng ta biết từ thế kỷ thứ nhất trở đi đã luôn có một số tín đồ được xức dầu trên trái đất?

14 Trong một minh họa, Chúa Giê-su cho biết từ thế kỷ thứ nhất trở đi sẽ luôn có một số tín đồ được xức dầu trên trái đất. Ngài ví họ như “lúa mì” lớn lên giữa “cỏ dại” (Mat 13:30). Dĩ nhiên, chúng ta không biết chắc ai hay nhóm nào đã thuộc lớp người được xức dầu, nhưng chúng ta biết luôn có một số người can đảm bênh vực Lời Đức Chúa Trời và vạch trần sự dạy dỗ sai lầm của giáo hội. Hãy cùng xem vài ví dụ.

15, 16. Hãy kể tên một số người đã tôn trọng Lời Đức Chúa Trời.

15 Tổng giám mục Agobard thành Lyons, Pháp (779-840 CN) lên án việc thờ hình tượng, dâng hiến nhà thờ cho các thánh cũng như những nghi lễ và thực hành trái Kinh Thánh. Một người sống cùng thời ông là giám mục Claudius cũng không chấp nhận truyền thống của giáo hội, đồng thời phản đối việc cầu nguyện với các thánh và sùng kính thánh tích. Vào thế kỷ 11, phó giám mục Berengarius thành Tours, Pháp, đã bị rút phép thông công vì không chấp nhận giáo lý của Công giáo về biến đổi bản thể. Hơn thế, ông khẳng định rằng Kinh Thánh có thẩm quyền hơn truyền thống của giáo hội.

16 Vào thế kỷ 12, xuất hiện hai người yêu mến sự thật Kinh Thánh, đó là Peter thành Bruys và Henry thành Lausanne. Peter từ bỏ chức linh mục vì nhận ra sự dạy dỗ của Công giáo về việc rửa tội cho trẻ sơ sinh, biến đổi bản thể, cầu nguyện cho người chết và thờ thập tự giá là trái với Kinh Thánh. Năm 1140, Peter phải bỏ mạng vì bảo vệ niềm tin của mình. Tu sĩ Henry lên án những thực hành xấu xa cũng như các nghi lễ trái với Kinh Thánh của giáo hội. Ông bị bắt năm 1148 và bị tù chung thân.

17. Waldo và các môn đồ của ông đã thực hiện các bước quan trọng nào?

17 Vào khoảng thời gian Peter bị thiêu sống vì dám lên án giáo hội, có một người đã ra đời, người sau này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc loan truyền sự thật Kinh Thánh. Họ của ông là Valdès, hay Waldo *. Khác với Peter thành Bruys và Henry thành Lausanne, Waldo là một giáo dân bình thường. Dù vậy, ông yêu quý Lời Đức Chúa Trời đến mức đã thanh lý hết tài sản và tổ chức dịch một phần của Kinh Thánh sang ngôn ngữ thông dụng tại miền đông nam nước Pháp. Khi được nghe thông điệp Kinh Thánh trong tiếng của mình, một số người phấn khởi đến nỗi cũng bỏ hết tài sản và dành trọn cuộc đời để chia sẻ sự thật Kinh Thánh với người khác. Điều này gây chướng mắt giáo hội. Vì thế, vào năm 1184, những người nam và nữ nhiệt huyết này, về sau gọi là phái Waldenses, đã bị giáo hoàng rút phép thông công và bị giám mục đuổi khỏi nhà. Thế nhưng, hành động này lại giúp thông điệp Kinh Thánh lan truyền ra các vùng khác. Với thời gian, nhiều vùng thuộc châu Âu đều có môn đồ của Waldo, Peter, Henry và những người ly khai khác. Trong các thế kỷ sau cũng xuất hiện những người can đảm bênh vực sự thật Kinh Thánh như John Wycliffe (khoảng 1330-1384), William Tyndale (khoảng 1494-1536), Henry Grew (1781-1862) và George Storrs (1796-1879).

“LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG HỀ BỊ TRÓI BUỘC”

18. Hãy cho biết cách thức nghiên cứu của những học viên Kinh Thánh có lòng thành vào thế kỷ 19. Tại sao cách thức này hiệu quả?

18 Dù cố gắng đến mấy, những người chống đối cũng không cản được công việc loan truyền sự thật Kinh Thánh. Nơi 2 Ti-mô-thê 2:9 nói: “Lời của Đức Chúa Trời không hề bị trói buộc”. Năm 1870, một nhóm học viên Kinh Thánh có lòng thành bắt đầu tìm kiếm chân lý. Cách thức nghiên cứu của họ là gì? Đó là một người nêu lên câu hỏi, rồi mọi người cùng thảo luận với nhau. Họ tra cứu tất cả những câu Kinh Thánh liên quan. Sau khi tìm ra câu trả lời phù hợp với các câu Kinh Thánh, họ kết luận và ghi lại. Thật vậy, giống như các sứ đồ và trưởng lão vào thế kỷ thứ nhất, những người trung thành đó, các “vị tiền bối về thiêng liêng” của chúng ta vào cuối thế kỷ 19, quyết tâm sao cho điều mình tin luôn phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Chẳng phải bạn được khích lệ khi biết điều đó sao?

19. Câu Kinh Thánh năm 2012 là gì? Tại sao câu này thích hợp?

19 Kinh Thánh vẫn là nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Ý thức về điều này, Hội đồng Lãnh đạo đã chọn lời quả quyết của Chúa Giê-su làm câu Kinh Thánh cho năm 2012: “Lời Cha là sự thật” (Giăng 17:17). Bất cứ ai muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận phải bước đi theo sự thật. Vậy, mong sao tất cả chúng ta tiếp tục quyết tâm để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn.

[Chú thích]

^ đ. 17 Có lúc Valdès được gọi là Pierre Valdès hay Peter Waldo, nhưng tên của ông chưa được xác nhận.

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Câu Kinh Thánh năm 2012: “Lời Cha là sự thật”.—Giăng 17:17

[Hình nơi trang 7]

Waldo

[Hình nơi trang 7]

Wycliffe

[Hình nơi trang 7]

Tyndale

[Hình nơi trang 7]

Grew

[Hình nơi trang 7]

Storrs