Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy giữ vững tinh thần tích cực của hội thánh

Hãy giữ vững tinh thần tích cực của hội thánh

Hãy giữ vững tinh thần tích cực của hội thánh

“Nguyện xin lòng nhân từ bao la của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta ở cùng anh em, vì anh em thể hiện tinh thần đúng đắn”.—PHI-LÍP 4:23.

LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA ĐẨY MẠNH TINH THẦN TÍCH CỰC TRONG HỘI THÁNH...

khi kết hợp với anh chị em?

qua lòng sốt sắng trong thánh chức?

qua việc khai báo tội nghiêm trọng?

1. Những hội thánh ở Phi-líp và Thi-a-ti-rơ được khen về điều gì?

Các tín đồ sống ở thành Phi-líp vào thế kỷ thứ nhất nghèo về vật chất nhưng họ đã thể hiện tinh thần rộng rãi và tình yêu thương nổi bật với anh em đồng đạo (Phi-líp 1:3-5, 9; 4:15, 16). Vì thế, cuối lá thư gửi cho họ, sứ đồ Phao-lô viết: “Nguyện xin lòng nhân từ bao la của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta ở cùng anh em, vì anh em thể hiện tinh thần đúng đắn” (Phi-líp 4:23). Tín đồ ở Thi-a-ti-rơ cũng thể hiện tinh thần như thế nên Chúa Giê-su khen họ: “Tôi biết các việc làm, tình yêu thương, đức tin, công việc thánh cùng sự kiên trì chịu đựng của anh, và cũng biết gần đây anh làm nhiều hơn lúc trước”.—Khải 2:19.

2. Thái độ của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến tinh thần của cả hội thánh?

2 Tương tự thế, mỗi hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay thể hiện một tinh thần đặc trưng. Một số hội thánh có tiếng về tinh thần yêu thương nồng ấm. Những hội thánh khác lại nổi bật về tinh thần sốt sắng trong việc rao giảng về Nước Trời và rất quý trọng thánh chức trọn thời gian. Khi mỗi cá nhân chúng ta phát huy tinh thần tích cực, điều này góp phần vào sự hợp nhất cũng như sự tiến bộ về thiêng liêng của cả hội thánh (1 Cô 1:10). Trái lại, nếu chúng ta có tinh thần tiêu cực, điều này có thể dẫn đến tình trạng uể oải về thiêng liêng, thái độ hâm hẩm và thậm chí là việc dung túng hành vi sai trái trong hội thánh (1 Cô 5:1; Khải 3:15, 16). Hội thánh bạn có tinh thần nào? Làm sao bạn có thể giúp đẩy mạnh tinh thần tích cực trong hội thánh?

ĐẨY MẠNH TINH THẦN TÍCH CỰC

3, 4. Chúng ta có thể “cảm-tạ [Đức Giê-hô-va] trong hội lớn” như thế nào?

3 Đa-vít hát: “Tôi sẽ cảm-tạ Chúa trong hội lớn, ngợi-khen Ngài giữa dân đông” (Thi 35:18). Đa-vít không ngần ngại ngợi khen Đức Giê-hô-va khi ông kết hợp với các tôi tớ của ngài. Các buổi nhóm họp hằng tuần, bao gồm Buổi học Tháp Canh, là những dịp tốt để chúng ta thể hiện tinh thần sốt sắng và đức tin qua lời bình luận. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có tận dụng tối đa đặc ân bình luận trong các buổi nhóm họp không? Tôi có chuẩn bị kỹ cho các buổi nhóm họp và góp lời bình luận có ý nghĩa không? Là chủ gia đình, tôi có giúp con cái chuẩn bị lời bình luận và dạy chúng phát biểu bằng lời lẽ riêng không?”.

4 Đa-vít đã liên kết lòng vững chắc với việc ca hát. Ông viết: “Hỡi Đức Chúa Trời, lòng tôi vững-chắc, lòng tôi vững-chắc; tôi sẽ hát, phải, tôi sẽ hát ngợi-khen” (Thi 57:7). Những bài hát trong các buổi nhóm họp cho chúng ta cơ hội tốt để “hát ngợi-khen” Đức Giê-hô-va với lòng vững chắc. Nếu chưa quen với một số bài hát, sao bạn không tập hát trong Buổi thờ phượng của gia đình? Mong sao chúng ta quyết tâm như người viết Thi-thiên: “Hễ tôi sống bao lâu, tôi sẽ hát-xướng cho Đức Giê-hô-va bấy lâu; hễ tôi còn chừng nào, tôi sẽ hát ngợi-khen Đức Chúa Trời tôi chừng nấy”.—Thi 104:33.

5, 6. Chúng ta có thể bày tỏ lòng hiếu khách và tinh thần rộng rãi với người khác như thế nào? Khi làm thế, chúng ta góp phần đẩy mạnh điều gì trong hội thánh?

5 Bày tỏ lòng hiếu khách đối với anh em đồng đạo là cách khác để đẩy mạnh tinh thần yêu thương trong hội thánh. Trong chương cuối của lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô khuyên: “Hãy tiếp tục yêu thương nhau như anh em. Đừng quên thể hiện lòng hiếu khách” (Hê 13:1, 2). Mời vợ chồng anh giám thị lưu động hay những anh chị phụng sự trọn thời gian trong hội thánh dùng bữa là cách tốt để thể hiện lòng hiếu khách. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng có thể mời những anh chị góa, những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, hay những người khác dùng bữa hoặc tham dự buổi thờ phượng của gia đình mình.

6 Phao-lô nói Ti-mô-thê phải khuyên người khác “làm điều lành, làm nhiều việc tốt, rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ, và nhờ thế tích trữ cho mình một kho báu an toàn, là nền tảng tốt cho tương lai, hầu nắm chắc sự sống thật” (1 Ti 6:17-19). Ở đây, Phao-lô muốn khuyến khích anh em đồng đạo phát huy tinh thần rộng rãi. Ngay cả trong thời buổi kinh tế khó khăn, chúng ta vẫn có thể đẩy mạnh tinh thần này. Một cách tốt để làm thế là cho những anh chị có nhu cầu quá giang khi đi rao giảng và đi nhóm họp. Còn các anh chị nhận được lợi ích từ những hành động yêu thương nhân từ này thì sao? Họ sẽ đẩy mạnh tinh thần tích cực trong hội thánh nếu thể hiện lòng biết ơn, có lẽ phụ tiền xăng cho các anh chị giúp đỡ mình. Hơn nữa, chẳng phải việc chúng ta sắp xếp để dành nhiều thời gian hơn cho các anh chị thiêng liêng khiến họ cảm thấy được quý trọng và yêu thương hay sao? Khi làm nhiều việc tốt “cho anh em đồng đức tin” và sẵn sàng dành thời gian cho họ cũng như giúp đỡ họ về vật chất, chúng ta không chỉ yêu thương anh em sâu đậm hơn mà còn giúp phát huy tinh thần tích cực và nồng ấm trong hội thánh.—Ga 6:10.

7. Việc giữ kín chuyện riêng tư của người khác giúp giữ vững tinh thần tích cực trong hội thánh như thế nào?

7 Hãy xem xét thêm những yếu tố khác giúp chúng ta thắt chặt sợi dây yêu thương với anh em đồng đạo: tình bạn và việc giữ bí mật. (Đọc Châm-ngôn 17:17). Người bạn chân chính giữ kín chuyện riêng tư của bạn mình. Khi anh chị nào đó thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc thầm kín với chúng ta, và có thể tin chắc là chúng ta sẽ giữ kín, lúc ấy tình yêu thương vốn có giữa chúng ta với anh chị ấy sẽ càng lớn mạnh. Mong sao chúng ta là người bạn đáng tin cậy, có thể giữ bí mật. Khi làm thế, chúng ta đẩy mạnh tinh thần yêu thương và góp phần giúp hội thánh trở nên như một gia đình.—Châm 20:19.

SỐT SẮNG TRONG THÁNH CHỨC

8. Hội thánh thành Lao-đi-xê nhận được lời khuyên nào? Tại sao?

8 Chúa Giê-su nói với hội thánh thành Lao-đi-xê: “Tôi biết các việc làm của anh, anh không nóng cũng không lạnh. Phải chi anh nóng hoặc lạnh. Vậy, vì anh hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên tôi sẽ phun anh ra khỏi miệng tôi” (Khải 3:15, 16). Những anh em thành Lao-đi-xê thiếu lòng sốt sắng với thánh chức. Rất có thể thái độ ấy cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ với nhau. Chúa Giê-su yêu thương khuyên họ: “Người nào tôi yêu mến thì tôi khiển trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và ăn năn”.—Khải 3:19.

9. Thái độ của chúng ta đối với thánh chức ảnh hưởng đến tinh thần của hội thánh như thế nào?

9 Để đẩy mạnh tinh thần tích cực và lành mạnh trong hội thánh, chúng ta nên xem xét mức độ sốt sắng của mình đối với thánh chức. Hội thánh được tổ chức với mục đích tìm kiếm những người như chiên trong khu vực rao giảng và dạy sự thật cho họ. Vì thế, chúng ta cần nhiệt tình tham gia công việc đào tạo môn đồ, như Chúa Giê-su đã làm (Mat 28:19, 20; Lu 4:43). Càng sốt sắng trong thánh chức, chúng ta càng hợp nhất với tư cách là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9). Khi tham gia thánh chức cùng anh chị khác và thấy họ bênh vực niềm tin cũng như bày tỏ lòng quý trọng những điều thiêng liêng, chúng ta càng yêu thương và tôn trọng họ hơn. Ngoài ra, việc chúng ta “một lòng [“kề vai sát cánh”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]” trong thánh chức cũng phát huy tinh thần hợp nhất trong hội thánh.—Đọc Sô-phô-ni 3:9.

10. Việc chúng ta nỗ lực để làm tốt hơn trong thánh chức ảnh hưởng đến tinh thần của các anh chị trong hội thánh như thế nào?

10 Việc chúng ta nỗ lực để làm tốt hơn trong thánh chức cũng ảnh hưởng tích cực đến các anh chị khác. Khi quan tâm nhiều hơn đến những người mình gặp và cố gắng sao cho động đến lòng người nghe, chúng ta sẽ càng nhiệt tình hơn trong thánh chức (Mat 9:36, 37). Tinh thần nhiệt tình của chúng ta dễ lây lan sang người khác. Chúa Giê-su sai các môn đồ đi rao giảng từng đôi thay vì từng người một (Lu 10:1). Cách này không chỉ giúp các môn đồ khích lệ và học hỏi lẫn nhau mà còn khiến họ gia tăng lòng sốt sắng với thánh chức. Chẳng phải chúng ta thích đi rao giảng chung với các anh chị sốt sắng hay sao? Sự nhiệt tình của họ có thể khích lệ và thúc đẩy chúng ta trong công việc rao giảng.—Rô 1:12.

TRÁNH PHÀN NÀN VÀ KHÔNG CHE GIẤU HÀNH VI SAI TRÁI

11. Vào thời Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên có tinh thần nào? Tinh thần ấy ảnh hưởng đến họ như thế nào?

11 Khi nước Y-sơ-ra-ên vừa hình thành được vài tuần, dân chúng bắt đầu có tinh thần bất mãn và phàn nàn. Tinh thần này khiến họ chống lại Đức Giê-hô-va và những người đại diện cho ngài (Xuất 16:1, 2). Trong số những người Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, chỉ ít người còn sống để nhìn thấy Đất Hứa. Ngay cả Môi-se cũng không được phép vào vùng đất đó vì phản ứng của ông trước tinh thần tiêu cực của hội chúng! (Phục 32:48-52). Ngày nay, chúng ta có thể làm gì để tránh rơi vào cạm bẫy của tinh thần tiêu cực?

12. Chúng ta đề phòng tinh thần phàn nàn như thế nào?

12 Chúng ta phải tránh để tinh thần phàn nàn nảy nở trong lòng. Muốn vậy, bên cạnh việc trau dồi sự khiêm nhường và tôn trọng uy quyền, chúng ta cần cẩn thận trong các mối giao tiếp. Nếu chọn hình thức giải trí một cách thiếu khôn ngoan, hoặc dành quá nhiều thời gian cho đồng nghiệp hay bạn học không coi trọng các nguyên tắc công chính, sớm muộn gì chúng ta cũng bị thiệt hại. Hạn chế giao tiếp với những người có thái độ tiêu cực hoặc cổ vũ tinh thần độc lập là điều khôn ngoan.—Châm 13:20.

13. Sự phàn nàn có thể gây ra những vấn đề tai hại nào trong hội thánh?

13 Sự phàn nàn có thể gây ra nhiều vấn đề tai hại. Chẳng hạn, nó có thể phá vỡ sự bình an và hợp nhất của hội thánh. Hơn nữa, khi phàn nàn, một người không chỉ làm anh em đồng đạo bị tổn thương mà người ấy còn có nguy cơ phạm tội vu khống và lăng mạ (Lê 19:16; 1 Cô 5:11). Trong hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, một số người phàn nàn đã “khinh thường uy quyền và nói phạm đến những người được ban sự vinh hiển” (Giu 8, 16). Chắc chắn, việc phàn nàn như vậy về những anh có trách nhiệm trong hội thánh đã không được Đức Chúa Trời chấp nhận.

14, 15. (a) Việc để cho hành vi sai trái tiếp diễn trong hội thánh có thể ảnh hưởng đến cả hội thánh như thế nào? (b) Nếu biết một anh chị nào đó lén lút phạm tội, chúng ta cần làm gì?

14 Nói sao nếu chúng ta biết một anh chị nào đó đang lén lút phạm tội, chẳng hạn như lạm dụng rượu, xem tài liệu khiêu dâm hoặc sống vô luân? (Ê-phê 5:11, 12). Nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi nghiêm trọng có thể cản trở sự hoạt động của thần khí Đức Giê-hô-va và đe dọa sự bình an của cả hội thánh (Ga 5:19-23). Thời xưa, các tín đồ ở Cô-rinh-tô đã phải loại bỏ sự xấu xa khỏi hội thánh. Ngày nay, chúng ta cũng phải hành động tương tự nhằm giữ vững tinh thần lành mạnh và tích cực của hội thánh. Bạn có thể làm gì để góp phần vào sự bình an của hội thánh?

15 Như đề cập ở trên, việc giữ bí mật rất quan trọng, nhất là khi người khác thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc thầm kín với chúng ta. Lan truyền chuyện bí mật của người khác là sai và gây tổn thương biết bao! Dù vậy, khi một thành viên trong hội thánh phạm tội nghiêm trọng, các trưởng lão, là những người có trách nhiệm xử lý vụ việc, cần phải biết. (Đọc Lê-vi Ký 5:1). Vì thế, nếu biết một anh chị nào đó phạm tội, chúng ta cần khuyến khích người ấy đến gặp các trưởng lão và xin họ giúp đỡ (Gia 5:13-15). Nhưng sau một thời gian hợp lý mà người ấy không làm thế, chúng ta cần khai báo tội của người ấy.

16. Việc chúng ta khai báo tội nghiêm trọng giúp giữ vững tinh thần của hội thánh như thế nào?

16 Hội thánh là nơi an toàn về thiêng liêng, và chúng ta phải giúp bảo vệ hội thánh bằng cách khai báo tội nghiêm trọng. Nếu trưởng lão giúp được người phạm tội tỉnh ngộ, ăn năn, chấp nhận sự khiển trách và khuyên bảo, người ấy không còn là mối nguy hiểm cho hội thánh nữa. Nhưng nếu người phạm tội không ăn năn và không chấp nhận lời khuyên yêu thương của các trưởng lão thì sao? Việc khai trừ người ấy khỏi hội thánh sẽ “loại trừ” phần tử gây hại trong vòng chúng ta và giữ vững tinh thần của hội thánh. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:5). Thật vậy, để giữ vững tinh thần của hội thánh, mỗi người chúng ta phải hành động đúng, hợp tác với hội đồng trưởng lão và bảo vệ anh em.

PHÁT HUY “SỰ HỢP NHẤT CÓ ĐƯỢC NHỜ THẦN KHÍ”

17, 18. Điều gì giúp chúng ta “gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí”?

17 Nhờ “chuyên tâm học hỏi nơi các sứ đồ”, những môn đồ thời ban đầu phát huy tinh thần hợp nhất trong hội thánh (Công 2:42). Họ quý trọng sự hướng dẫn và những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh của các trưởng lão. Vì các trưởng lão ngày nay hợp tác với lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mọi thành viên hội thánh nhận được sự khích lệ và trợ giúp để giữ sự hợp nhất (1 Cô 1:10). Khi làm theo sự dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh của tổ chức Đức Giê-hô-va và theo sát chỉ dẫn của các trưởng lão, chúng ta cho thấy mình đang “sống hòa thuận với nhau và hết lòng gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí”.—Ê-phê 4:3.

18 Chúng ta hãy cố gắng giữ vững tinh thần lành mạnh và tích cực trong hội thánh. Khi làm thế, ‘lòng nhân từ bao la của Chúa Giê-su Ki-tô sẽ ở cùng chúng ta, vì chúng ta thể hiện tinh thần đúng đắn’.—Phi-líp 4:23.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 19]

Bạn có đẩy mạnh tinh thần tích cực bằng cách chuẩn bị lời bình luận có ý nghĩa không?

[Hình nơi trang 20]

Đẩy mạnh tinh thần tích cực bằng cách tập quen thuộc với các bài hát