Họ can đảm rao truyền Lời Đức Chúa Trời!
Họ can đảm rao truyền Lời Đức Chúa Trời!
Can đảm, thậm chí dạn dĩ, khi đương đầu với sự chống đối. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính thể hiện những đức tính ấy, điều này được thấy trong các ấn phẩm như “Làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời” và Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom). Như các anh em đồng đạo vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí và giúp chúng ta dạn dĩ rao giảng Lời ngài.—Công 4:23-31.
Về công việc rao giảng trong Thế Chiến l, một anh viết: “Tôi tớ Đức Chúa Trời sốt sắng phân phát tập thứ bảy của bộ Khảo cứu Kinh Thánh (Studies in the Scriptures), với nhan đề Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery). Sách này được phát hành với số lượng lớn chưa từng có. Tờ Tin Tức Nước Trời (Kingdom News) số 1 ra mắt năm 1918. Sau đó, tờ Tin Tức Nước Trời số 2 giải thích tại sao cuốn Sự mầu nhiệm đã nên trọn bị các nhà cầm quyền cấm lưu hành. Tiếp theo là tờ Tin Tức Nước Trời số 3. Lớp người được xức dầu trung thành đã phân phát rộng rãi những ấn phẩm này. Phải có đức tin và lòng can đảm mới có thể phát hành tờ Tin Tức Nước Trời”.
Ngày nay, những người công bố mới thường được huấn luyện để thi hành thánh chức, nhưng trước đây thì không luôn như vậy. Kể lại kinh nghiệm lần đầu đi rao giảng vào năm 1922, một anh người Ba Lan sống tại Hoa Kỳ viết: “Không biết phải mời nhận ấn phẩm thế nào, trong khi tiếng Anh thì rất tệ, một mình tôi đến văn phòng của một bác sĩ và gõ cửa. Cô y tá ra mở cửa. Tôi không bao giờ quên lần đó, tâm trạng tôi lúc ấy vừa hào hứng vừa sợ hãi. Khi tôi mở cặp ra, tất cả sách rớt xuống dưới chân cô y tá. Không biết tôi đã nói gì nhưng cô ấy đồng ý nhận một ấn phẩm. Khi rời khỏi đó, tôi can đảm hơn và cảm thấy mình được Đức Giê-hô-va ban phước. Hôm đó, tôi đã mời nhận được nhiều sách nhỏ tại khu thương mại ấy”.
Một chị kể: “Khoảng năm 1933, nhiều anh sử dụng xe phóng thanh để rao truyền thông điệp Nước Trời”. Một lần nọ, chị và một cặp vợ chồng Nhân Chứng rao giảng tại vùng có nhiều núi ở California, Hoa Kỳ. Chị kể lại: “Anh ấy lái xe phóng thanh lên những ngọn núi, còn chúng tôi ở lại thị trấn. Khi anh mở đĩa, những âm thanh đó giống như vang vọng từ trời xuống. Người dân thị trấn cố tìm xem anh đang ở đâu nhưng không bao giờ tìm thấy. Sau khi đĩa quay xong, chúng tôi đến nhà người ta và làm chứng cho họ. Tôi cũng đi chung với hai nhóm dùng xe phóng thanh
khác. Nói thật là đa số người ta không muốn nghe thông điệp. Nhưng họ không thể không nghe những bài giảng phát ra từ xe phóng thanh và vọng vào nhà của họ. Chúng tôi luôn thấy vào mỗi thời điểm, Đức Giê-hô-va cho một cách thức thích hợp. Mỗi cách thức đòi hỏi chúng tôi phải thu hết can đảm nhưng nó luôn đạt mục tiêu đặt ra và danh Đức Giê-hô-va được tôn vinh”.Từ thập niên 1930 đến đầu thập niên 1940, máy quay đĩa và những bài giảng thu sẵn được dùng trong thánh chức. Một chị nhớ lại: “Một chị trẻ dùng máy quay đĩa để rao giảng từng nhà. Tại cửa nhà nọ, sau khi chị mở phần thu âm lên thì ông chủ nhà giận dữ đến nỗi đá cái máy văng ra khỏi hiên nhà. Không một đĩa nào bị vỡ. Ba người đàn ông đang ăn trưa trong chiếc xe tải đậu gần đó đã chứng kiến mọi chuyện. Họ mời chị mở đĩa cho họ nghe, và nhận ấn phẩm. Điều đó đã bù đắp cho việc chị bị đối xử tệ khi nãy”. Cần phải can đảm để chịu đựng những thử thách như thế.
Chị ấy kể thêm: “Tôi nhớ chúng ta bắt đầu mời nhận tạp chí trên đường vào năm 1940. Trước đó có những cuộc diễu hành thông tin. Các anh chị đi thành một hàng trên vỉa hè và mang những tấm bảng có ghi những dòng chữ ‘Tôn giáo là cạm bẫy và thủ đoạn lừa gạt’ và ‘Hãy phụng sự Đức Chúa Trời và vị vua Ki-tô’. Trong lúc ấy, những tờ chuyên đề cũng được phân phát miễn phí cho mọi người. Những cách thức rao giảng này đòi hỏi lòng can đảm, nhưng khiến công chúng phải biết đến danh Đức Giê-hô-va và dân ngài”.
Một chị khác nói: “Mời nhận tạp chí tại những thị trấn nhỏ rất là khó. Thời đó Nhân Chứng bị chống đối dữ dội... Phải can đảm lắm mới có thể cầm tạp chí đứng ở góc đường và hô những khẩu hiệu được tổ chức đề nghị. Thế nhưng, chúng tôi ít khi bỏ lỡ ngày thứ bảy nào. Thỉnh thoảng cũng có những người thân thiện. Những lúc khác, bọn xấu bao vây chúng tôi và có khi chúng tôi phải lảng đi để không bị đám đông hành hung”.
Trong Thế Chiến ll, bất chấp sự ngược đãi, Nhân Chứng Giê-hô-va can đảm thi hành thánh chức. Trong một đợt phân phát 43 ngày, từ 1-12-1940 đến 12-1-1941, khoảng 50.000 người công bố tại Hoa Kỳ đã phát được gần tám triệu sách nhỏ. Đợt này được gọi là Đợt làm chứng “Can đảm”.
Nhiều anh chị lớn tuổi vẫn nhớ như in những thử thách đòi hỏi họ phải thu hết can đảm. Một số anh chị nhớ lại rằng trong nhiều năm, tinh thần dũng cảm của họ được thể hiện qua khẩu hiệu kêu gọi mọi người tiếp tục sốt sắng rao giảng cho đến cùng. Từ nay đến khi thế giới gian ác này chấm dứt sẽ có sự thay đổi nào khác trong công việc rao giảng hay không thì chúng ta không biết, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tiếp tục rao truyền Lời ngài với đức tin và lòng can đảm.
[Câu nổi bật nơi trang 9]
Từ xưa đến nay, công việc rao giảng luôn đòi hỏi lòng can đảm