Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Na-than—Người trung thành bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch

Na-than—Người trung thành bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch

Na-than—Người trung thành bảo vệ sự thờ phượng thanh sạch

Giúp một người có quyền lực nhận ra sai lầm của mình và thay đổi là điều không dễ. Nếu biết một người như thế đã giết người chỉ để giữ thể diện, bạn có dám gặp và kết tội người ấy không?

Vua của nước Y-sơ-ra-ên xưa là Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba và bà mang thai. Để che giấu tội lỗi của họ, Đa-vít giết chồng bà và lấy bà làm vợ. Ông sống hai mặt trong nhiều tháng và hẳn vẫn xử lý công việc triều chính như thường lệ. Nhưng Đức Giê-hô-va không bỏ qua tội của vua Đa-vít. Ngài sai nhà tiên tri Na-than đến kết tội ông.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn. Hãy đặt mình vào vị trí của Na-than. Chắc chắn lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và sự quyết tâm theo sát tiêu chuẩn của ngài đã thúc đẩy Na-than nhắc nhở Đa-vít về tội lỗi của mình. Làm sao nhà tiên tri này làm được việc ấy và giúp Đa-vít nhận ra ông cần ăn năn?

NGƯỜI THẦY TẾ NHỊ

Sao không dành ít phút để đọc 2 Sa-mu-ên 12:1-25? Hãy tưởng tượng bạn chính là Na-than, đang kể cho Đa-vít câu chuyện sau: “Trong một thành kia có hai người, người nầy giàu, còn người kia nghèo. Người giàu có chiên bò rất nhiều; nhưng người nghèo, nếu chẳng kể một con chiên cái nhỏ mà người đã mua, thì chẳng có gì hết. Người nuôi nó; nó cùng lớn lên với con-cái người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trên lòng người; nó như một con gái của người vậy. Vả, có người khách đến người giàu; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình đặng dọn một bữa ăn cho người khách đã đến, bèn bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho kẻ khách đã đến thăm mình”.—2 Sa 12:1-4.

Từng là người chăn chiên, hình như Đa-vít tin chuyện này là có thật. Theo một nhà bình luận, “có lẽ Na-than thường đến gặp vua để cầu xin cho những người bị hại mà không được xét xử công bằng ở nơi khác, và Đa-vít tưởng lần này cũng vậy”. Dù thế đi nữa, thì Na-than cũng phải trung thành với Đức Chúa Trời và can đảm lắm mới có thể nói với vua như vậy. Câu chuyện của Na-than làm Đa-vít vô cùng tức giận. Ông hét lên: “Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết!”. Lời tuyên bố của Na-than làm Đa-vít chết điếng: “Vua là người đó!”.—2 Sa 12:5-7.

Hãy xem xét tại sao Na-than đưa ra vấn đề theo cách ấy. Một người đang vướng vào chuyện tình cảm với ai đó thường khó xem xét hoàn cảnh của mình một cách khách quan. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng viện lý do để tự bào chữa nếu mình có hành vi đáng ngờ. Nhưng câu chuyện của Na-than khiến Đa-vít kết án chính mình mà không hay biết. Nhà vua thấy rõ hành vi của người giàu thật đáng khinh. Tuy nhiên, chỉ sau khi Đa-vít kết án người giàu, Na-than mới nói người đó chính là vua. Như thế, Đa-vít đã được chuẩn bị tâm lý để chấp nhận sự khiển trách. Ông công nhận mình đã “khinh-bỉ” Đức Giê-hô-va qua việc dan díu với Bát-Sê-ba, và chấp nhận sự khiển trách thích đáng.—2 Sa 12:9-14; Thi 51, lời ghi chú ở đầu bài.

Chúng ta có thể học được gì? Mục tiêu của người dạy Kinh Thánh là giúp người nghe đi đến kết luận đúng. Na-than tôn trọng Đa-vít và vì thế đã tiếp cận ông theo cách tế nhị. Na-than biết Đa-vít vốn yêu mến công lý và lẽ phải. Bằng minh họa, nhà tiên tri đã khơi dậy những đức tính tin kính đó. Chúng ta cũng có thể giúp những người chân thật hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Bằng cách khơi dậy nhận thức của họ về điều đúng mà không làm ra vẻ mình đạo đức hoặc thánh thiện hơn họ. Kinh Thánh, chứ không phải ý kiến riêng của chúng ta, có thẩm quyền quy định điều đúng, điều sai.

Trên hết, chính lòng trung thành với Đức Chúa Trời giúp Na-than có thể khiển trách một vị vua đầy quyền lực (2 Sa 12:1). Tương tự, lòng trung thành sẽ cho chúng ta sự dũng cảm để bênh vực những tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va.

NGƯỜI ĐẨY MẠNH SỰ THỜ PHƯỢNG THANH SẠCH

Dường như Đa-vít và Na-than là bạn của nhau, vì Đa-vít đã đặt tên cho một con trai của mình là Na-than (1 Sử 3:1, 5). Lần đầu Kinh Thánh nhắc đến Na-than là khi ông ở cùng Đa-vít. Cả hai đều yêu mến Đức Giê-hô-va. Hẳn là vua tin cậy ý kiến của Na-than vì ông đã thổ lộ cho nhà tiên tri biết ước muốn xây cất đền thờ cho Đức Giê-hô-va. Đa-vít nói: “Hãy xem, ta ngự trong cái cung bằng bá-hương, còn hòm của Đức Chúa Trời lại ở dưới màn-trướng. Na-than thưa cùng vua rằng: Hễ trong lòng vua có ý làm gì, thì hãy làm, vì Đức Giê-hô-va ở cùng vua”.—2 Sa 7:2, 3.

Là người thờ phượng trung thành của Đức Giê-hô-va, Na-than nhiệt tình tán thành kế hoạch của Đa-vít là lần đầu tiên xây cất một trung tâm kiên cố dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Tuy nhiên, vào lần đó, có vẻ như Na-than đã bày tỏ cảm nghĩ riêng thay vì nói nhân danh Đức Giê-hô-va. Đêm ấy, Đức Giê-hô-va ra chỉ thị cho nhà tiên tri truyền một thông điệp khác đến vua: Đa-vít sẽ không xây đền thờ của Đức Giê-hô-va. Một trong những con trai của ông sẽ làm việc đó. Nhưng Na-than cũng nói rằng Đức Chúa Trời lập một giao ước với Đa-vít là ngôi của ông sẽ “vững-lập đến mãi mãi”.—2 Sa 7:4-16.

Ý muốn của Đức Chúa Trời khác với ý kiến của Na-than về việc xây cất đền thờ. Dù thế, nhà tiên tri khiêm nhường này không phàn nàn nhưng tuân theo và làm đúng với ý định của Đức Chúa Trời. Thật là gương tốt để chúng ta noi theo khi Đức Chúa Trời sửa chúng ta theo một cách nào đó! Những công việc sau đó của Na-than với tư cách là nhà tiên tri cho thấy ông đã không mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Thực tế, Đức Chúa Trời soi dẫn Na-than, cùng nhà tiên kiến Gát, hướng dẫn Đa-vít tổ chức 4.000 nhạc sĩ phục vụ trong đền thờ.—1 Sử 23:1-5; 2 Sử 29:25.

NGƯỜI BẢO VỆ VƯƠNG QUYỀN

Na-than biết rằng Sa-lô-môn sẽ kế vị vua Đa-vít, nay đã cao tuổi. Vì thế, ông đã hành động một cách quyết đoán khi A-đô-ni-gia cố gắng đoạt ngôi trong những năm cuối đời của Đa-vít. Một lần nữa, sự tế nhị và lòng trung thành được thấy rõ qua hành động của Na-than. Đầu tiên, ông thúc giục Bát-Sê-ba nhắc Đa-vít nhớ lời thề truyền ngôi cho con trai bà là Sa-lô-môn. Sau đó, chính Na-than vào yết kiến vua để hỏi xem có phải vua đã truyền ngôi cho A-đô-ni-gia không. Nhận thấy tình thế rất nghiêm trọng, vị vua cao tuổi ra chỉ thị cho Na-than cùng các trung thần xức dầu cho Sa-lô-môn và công bố ông làm vua. Âm mưu lật đổ của A-đô-ni-gia đã bị chặn đứng.—1 Vua 1:5-53.

SỬ GIA KHIÊM TỐN

Na-than và Gát được cho là những người đã viết sách 1 Sa-mu-ên chương 25 đến 31 và toàn bộ sách 2 Sa-mu-ên. Về lời tường thuật lịch sử được soi dẫn trong các sách ấy, Kinh Thánh cho biết: “Các công-việc của vua Đa-vít, từ đầu đến cuối, đều chép trong sách của Sa-mu-ên, đấng tiên-kiến, trong sách của Na-than, đấng tiên-tri, và trong sách của Gát, đấng tiên-kiến” (1 Sử 29:29). Na-than cũng ghi chép một tài liệu về ‘các công-việc của Sa-lô-môn’ (2 Sử 9:29). Rất có thể điều này có nghĩa là Na-than vẫn tham gia công việc triều chính ngay cả sau khi vua Đa-vít băng hà.

Phần lớn những điều chúng ta biết về Na-than có lẽ là qua chính lời ông viết. Việc Na-than nói rất ít về bản thân cho thấy ông là một sử gia khiêm tốn, không có tham vọng tạo danh tiếng cho mình. Theo nhận xét của một từ điển Kinh Thánh, ông xuất hiện “không một lời giới thiệu và không lai lịch”. Chúng ta không biết gì về dòng họ cũng như cuộc sống riêng của Na-than.

ĐƯỢC THÚC ĐẨY BỞI LÒNG TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Dù chỉ qua vài lời tường thuật về Na-than trong Kinh Thánh, chúng ta thấy ông là người khiêm nhường nhưng mạnh mẽ bảo vệ những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va giao cho ông những trách nhiệm quan trọng. Hãy suy ngẫm về những đức tính của Na-than như lòng trung thành với Đức Chúa Trời và lòng quý trọng sâu xa những đòi hỏi của ngài. Hãy cố gắng noi theo những đức tính ấy.

Chắc có lẽ bạn không được sai đi khiển trách các vua phạm tội ngoại tình hoặc chặn đứng âm mưu lật đổ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, bạn có thể trung thành với ngài và giữ vững những tiêu chuẩn công chính của ngài. Bạn cũng có thể là người dạy Lời Đức Chúa Trời một cách dũng cảm nhưng tế nhị, và là người đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch.

[Hình nơi trang 25]

Là người bảo vệ vương quyền, Na-than nói với Bát-Sê-ba một cách tế nhị