Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp người ta “tỉnh thức”

Giúp người ta “tỉnh thức”

Giúp người ta “tỉnh thức”

“Anh em biết mình đang sống trong thời kỳ nào. Bây giờ là thời điểm anh em phải tỉnh thức”.—RÔ 13:11.

BẠN GIẢI THÍCH THẾ NÀO?

Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô tỉnh thức về thiêng liêng là điều hết sức quan trọng?

Tại sao những người rao giảng cần lắng nghe và quan sát?

Sự tử tế và nhẹ nhàng đóng vai trò nào trong thánh chức?

1, 2. Nhiều người cần tỉnh thức theo nghĩa nào?

Mỗi năm, hàng ngàn người chết vì buồn ngủ hoặc ngủ gật khi lái xe. Số khác thì mất việc vì không dậy đúng giờ để đi làm hoặc ngủ gật trong lúc làm việc. Buồn ngủ về thiêng liêng còn dẫn đến hậu quả tai hại hơn nhiều. Về điều này, Kinh Thánh nói: “Hạnh phúc cho người nào tỉnh thức”.—Khải 16:14-16.

2 Ngày lớn của Đức Giê-hô-va ngày càng gần, còn nhân loại nói chung thì đang ngủ về thiêng liêng. Ngay cả một số nhà lãnh đạo của khối đạo tự nhận theo Chúa Giê-su đã gọi bầy chiên của mình là ‘người khổng lồ đang ngủ’. Vậy, ngủ về thiêng liêng là gì? Tại sao tín đồ đạo đấng Ki-tô chân chính giữ mình tỉnh thức là điều quan trọng? Làm sao chúng ta có thể giúp người khác tỉnh thức?

NGỦ VỀ THIÊNG LIÊNG LÀ GÌ?

3. Bạn mô tả một người không tỉnh thức về thiêng liêng là người như thế nào?

3 Người đang ngủ thường không hoạt động. Người ngủ về thiêng liêng thì khác. Có thể họ rất bận rộn, nhưng không phải trong các việc thiêng liêng. Có thể họ quay cuồng với những lo lắng thường nhật hoặc đang tìm kiếm thú vui, danh vọng hay sự giàu có. Thế nên, họ chẳng mấy quan tâm đến nhu cầu tâm linh. Tuy nhiên, những người tỉnh thức về thiêng liêng nhận ra rằng mình đang sống trong “những ngày sau cùng”, nên họ bận rộn trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—2 Phi 3:3, 4; Lu 21:34-36.

4. Lời khuyên “chúng ta chớ ngủ tiếp như những người khác” có nghĩa gì?

4 Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-8. Ở đây, sứ đồ Phao-lô khuyên anh em đồng đạo “chớ ngủ tiếp như những người khác”. Ông ám chỉ điều gì? Nếu lờ đi tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va hoặc không màng đến việc ngài sắp hủy diệt những người không tin kính thì chúng ta đang “ngủ tiếp”. Chúng ta phải cẩn thận để tránh bị tiêm nhiễm lối sống và thái độ của những người không tin kính.

5. Những người đang ngủ về thiêng liêng có quan điểm nào?

5 Một số người cho rằng không có Đức Chúa Trời nào xét đoán họ cả (Thi 53:1). Số khác thì nghĩ Đức Chúa Trời không quan tâm đến con người, nên không có lý do gì mình phải quan tâm đến ngài. Còn những người khác thì nghĩ mình là bạn của Đức Chúa Trời vì mình thuộc về một nhà thờ. Tất cả những người ấy đang ngủ về thiêng liêng và họ cần phải “thức dậy”. Làm sao chúng ta có thể giúp họ?

CHÚNG TA PHẢI TỈNH THỨC

6. Tại sao các tín đồ phải cố gắng tỉnh thức về thiêng liêng?

6 Muốn đánh thức người khác thì chính chúng ta phải tỉnh thức. Việc này bao hàm điều gì? Lời Đức Chúa Trời liên kết việc ngủ về thiêng liêng với “những việc làm thuộc về bóng tối” như truy hoan trác táng, say sưa, gian dâm, trâng tráo, tranh đấu và ghen ghét. (Đọc Rô-ma 13:11-14). Tránh các hành vi kể trên có thể là thách đố đối với chúng ta. Cảnh giác là điều cần thiết. Tài xế có thể mất mạng nếu xem thường mối nguy hiểm của việc ngủ khi lái xe. Một tín đồ ý thức rằng việc ngủ về thiêng liêng có thể gây nguy hại đến tính mạng thật quan trọng biết bao!

7. Quan điểm sai về những người trong khu vực có thể dẫn đến điều gì?

7 Chẳng hạn, một tín đồ có thể ngủ về thiêng liêng khi cho rằng tất cả mọi người trong khu vực đã bác bỏ tin mừng và họ sẽ không bao giờ thay đổi (Châm 6:10, 11). Người ấy có thể lý luận: “Nếu không có ai hưởng ứng thì sao mình cứ phải vất vả như thế để giúp họ?”. Đành rằng, hiện nay nhiều người đang ngủ về thiêng liêng, nhưng hoàn cảnh và thái độ của họ có thể thay đổi. Một số người đã “thức dậy” và hưởng ứng. Chúng ta có thể giúp họ nếu chúng ta tỉnh thức, chẳng hạn như thử những cách mới để trình bày thông điệp Nước Trời sao cho thu hút. Một điều giúp chúng ta tỉnh thức là luôn nhớ tầm quan trọng của thánh chức.

TẠI SAO THÁNH CHỨC CỦA CHÚNG TA RẤT QUAN TRỌNG?

8. Tại sao thánh chức của chúng ta rất quan trọng?

8 Hãy nhớ rằng dù hiện nay người ta phản ứng ra sao, thì công việc rao giảng của chúng ta vẫn tôn vinh Đức Giê-hô-va và góp phần vào việc thực thi ý định của ngài. Chẳng bao lâu nữa, những ai không hưởng ứng tin mừng sẽ chịu án phạt. Cách người ta phản ứng với tin mừng sẽ là một cơ sở cho việc phán xét (2 Tê 1:8, 9). Ngoài ra, thật sai lầm nếu một tín đồ cho rằng không cần thiết phải sốt sắng rao giảng vì “sẽ có sự sống lại của người công chính và không công chính” (Công 24:15). Lời Đức Chúa Trời cho biết những ai bị xác định là “dê” thì “sẽ chịu hình phạt là sự chết vĩnh viễn”. Công việc rao giảng là một biểu hiện về lòng thương xót của Đức Chúa Trời, mở đường cho người ta thay đổi và “nhận được sự sống vĩnh cửu” (Mat 25:32, 41, 46; Rô 10:13-15). Nếu chúng ta không rao giảng, làm sao người ta có cơ hội nghe thông điệp cứu mạng?

9. Việc rao giảng tin mừng mang lại lợi ích nào cho bạn và người khác?

9 Công việc rao giảng tin mừng cũng mang lại lợi ích cho chúng ta. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:16). Khi nói về Đức Giê-hô-va và hy vọng Nước Trời, đức tin và tình yêu thương của bạn đối với ngài mạnh hơn phải không? Chẳng phải công việc này đã giúp bạn vun trồng các đức tính tin kính sao? Chẳng phải chúng ta hạnh phúc hơn khi được bày tỏ tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua công việc thánh chức? Nhiều anh chị có đặc ân dạy Kinh Thánh cho người khác đã cảm nhận được niềm vui khi thấy thần khí của Đức Chúa Trời giúp họ thay đổi lối sống.

BIẾT QUAN SÁT

10, 11. (a) Chúa Giê-su và Phao-lô đã tinh ý quan sát như thế nào? (b) Làm sao việc tinh ý quan sát có thể giúp chúng ta trong thánh chức?

10 Mỗi người mỗi khác, nên chúng ta phải dùng nhiều cách để “đánh thức” họ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tinh ý quan sát. Chúa Giê-su nêu gương cho chúng ta. Là người hoàn hảo, Chúa Giê-su có thể nhận ra sự tức giận trong lòng một người Pha-ri-si, sự ăn năn thành thật của một phụ nữ tội lỗi và tinh thần hy sinh của một góa phụ (Lu 7:37-50; 21:1-4). Ngài có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh của mỗi người. Dù không hoàn hảo nhưng tôi tớ Đức Chúa Trời vẫn có thể là những người biết quan sát. Gương của sứ đồ Phao-lô cho thấy điều này. Ông đã điều chỉnh cách trình bày sao cho thu hút được mọi người.—Công 17:22, 23, 34; 1 Cô 9:19-23.

11 Nếu tinh ý quan sát như Chúa Giê-su và Phao-lô, chúng ta có thể nhận ra cách tốt nhất để gợi lên mối quan tâm trong lòng của những người mình gặp. Chẳng hạn, khi tiếp cận người nào, hãy nhận ra dấu hiệu cho thấy văn hóa, sở thích hoặc hoàn cảnh gia đình của họ. Đồng thời, nếu để ý thấy lúc đó họ đang làm gì, chúng ta có thể tế nhị đề cập đến việc ấy khi bắt chuyện.

12. Khi tham gia thánh chức, tại sao chúng ta nên cẩn thận về việc trò chuyện?

12 Một người tinh ý quan sát cố gắng không để mình bị phân tâm. Khi tham gia thánh chức, việc trò chuyện với bạn đồng hành có thể xây dựng lẫn nhau. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mục tiêu của chúng ta khi tham gia thánh chức là rao giảng cho người khác (Truyền 3:1, 7). Vì thế, chúng ta nên cẩn thận để cuộc trò chuyện của mình không cản trở mục tiêu này. Nói chuyện với bạn đồng hành về những điều mình muốn chia sẻ với người chú ý là cách tốt để giữ tâm trí tập trung vào mục tiêu. Cũng cần lưu ý, dù điện thoại di động có thể giúp ích trong thánh chức, nhưng chúng ta nên đảm bảo rằng điện thoại không gây cản trở cho cuộc nói chuyện của mình với chủ nhà.

BIỂU LỘ LÒNG QUAN TÂM

13, 14. (a) Muốn biết mối quan tâm của chủ nhà, chúng ta cần làm gì? (b) Chủ nhà có thể quan tâm đến những điều gì?

13 Một người rao giảng thể hiện sự tỉnh táo khi chăm chú lắng nghe người mình gặp. Bạn có thể nêu lên câu hỏi nào để khuyến khích những người trong khu vực bày tỏ cảm nghĩ? Người đó có lo lắng về sự xuất hiện của nhiều tôn giáo mới, bạo lực trong khu vực hoặc sự thất bại của các chính phủ không? Bạn có thể gợi lên sự quan tâm của họ qua việc nói về sự thiết kế tuyệt vời trong thiên nhiên hoặc lời khuyên thiết thực của Kinh Thánh không? Những người thuộc hầu hết các nền văn hóa, kể cả một số người vô thần, đều quan tâm đến việc cầu nguyện. Nhiều người thắc mắc không biết có ai nghe lời cầu nguyện không. Người khác có lẽ chú ý đến những câu hỏi như: Đức Chúa Trời có nghe mọi lời cầu nguyện không? Nếu không, chúng ta nên làm gì để ngài nghe lời cầu nguyện của mình?.

14 Chúng ta có thể học được nhiều về nghệ thuật bắt chuyện khi quan sát những người công bố có kinh nghiệm. Hãy để ý cách họ khéo đặt câu hỏi để chủ nhà không cảm thấy khó chịu hay thấy như bị chất vấn. Hãy để ý làm sao giọng nói cùng nét mặt của họ cho thấy họ quan tâm đến quan điểm của chủ nhà.—Châm 15:13.

TỬ TẾ VÀ KHÉO LÉO

15. Tại sao chúng ta nên tử tế khi rao giảng?

15 Bạn có muốn bị đánh thức khi đang ngủ ngon không? Nhiều người không thích bị đánh thức bất thình lình, nhưng thích được đánh thức một cách nhẹ nhàng. Khi cố gắng đánh thức người ta về thiêng liêng, chúng ta cũng cần lưu ý điều đó. Nếu rao giảng cho một người mà người ấy tỏ ra giận dữ, bạn nên phản ứng thế nào? Thường cách tốt nhất là tử tế cám ơn người ấy vì đã thẳng thắn, rồi bình tĩnh rời khỏi đó (Châm 15:1; 17:14; 2 Ti 2:24). Sự tử tế của bạn có thể khiến người ấy phản ứng tích cực hơn khi gặp Nhân Chứng khác vào lần sau.

16, 17. Chúng ta có thể tỏ ra sáng suốt trong thánh chức như thế nào?

16 Trong trường hợp khác, dù người ta phản ứng tiêu cực, bạn vẫn có thể tiếp tục cuộc nói chuyện. Có lẽ một người nói “cám ơn, tôi có đạo rồi” hoặc “tôi không quan tâm” chỉ vì họ nghĩ đây là cách dễ nhất để chấm dứt cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, với sự khéo léo và kiên nhẫn, đôi khi bạn có thể nêu ra câu hỏi gợi sự chú ý và khiến chủ nhà quan tâm về những điều thiêng liêng.—Đọc Cô-lô-se 4:6.

17 Nếu gặp những người cảm thấy họ quá bận rộn, không thể nghe thì đôi khi tốt nhất là chúng ta rao giảng cho người khác. Tuy nhiên, lúc khác chúng ta có thể nói một điều gì đó ngắn gọn và có ý nghĩa. Một số anh chị trình bày thông điệp chỉ trong vòng một phút, bao gồm việc mở Kinh Thánh, đọc một câu Kinh Thánh gợi sự chú ý và để lại một câu hỏi cho chủ nhà. Lời trình bày ngắn gọn của những anh chị ấy khiến một số chủ nhà nhận ra rằng mình vẫn có một chút thì giờ để thảo luận tiếp. Vậy, tại sao chúng ta không thử làm điều này khi có thể?

18. Chúng ta có thể làm gì để hữu hiệu hơn trong việc làm chứng bán chính thức?

18 Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều người. Nếu chuẩn bị trước để làm chứng bán chính thức, chúng ta có thể giúp họ chú ý đến tin mừng. Ví dụ, mỗi khi đi đâu, nhiều anh chị mang theo vài ấn phẩm. Có lẽ họ cũng nghĩ đến một câu Kinh Thánh để chia sẻ với người khác nếu có cơ hội. Bạn có thể hỏi giám thị công tác hoặc các anh chị tiên phong trong hội thánh để biết thêm về cách chuẩn bị cho việc làm chứng bán chính thức.

NHẸ NHÀNG “ĐÁNH THỨC” NGƯỜI THÂN

19. Tại sao chúng ta nên tiếp tục cố gắng giúp người thân?

19 Dĩ nhiên, chúng ta muốn giúp người thân của mình chấp nhận tin mừng (Giô-suê 2:13; Công 10:24, 48; 16:31, 32). Nếu ban đầu chúng ta rao giảng cho người thân và bị họ từ chối, có thể mình không còn hăng hái để thử lần nữa. Chúng ta có thể bi quan nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ thay đổi, bất kể chúng ta nói hay làm gì. Tuy nhiên, các biến cố trong cuộc đời có thể khiến người thân chúng ta thay đổi quan điểm. Hoặc có lẽ qua thời gian, bạn đã cải thiện khả năng giải thích niềm tin của mình nên giờ đây có thể bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

20. Khi làm chứng cho người thân, làm sao chúng ta cho thấy mình quan tâm đến cảm xúc của họ?

20 Chúng ta nên quan tâm đến cảm xúc của người thân (Rô 2:4). Chẳng lẽ chúng ta nói chuyện tử tế với những người mình gặp trong thánh chức mà lại không nói chuyện tử tế với người thân sao? Hãy nói cách mềm mại và tôn trọng. Thay vì thuyết giảng, hãy cho họ thấy sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời đã tác động đến bạn thế nào (Ê-phê 4:23, 24). Hãy cho họ thấy rõ đời sống bạn tốt hơn ra sao nhờ Đức Giê-hô-va ‘dạy cho bạn được ích’ (Ê-sai 48:17). Hãy làm gương để người thân của bạn thấy lối sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là thế nào.

21, 22. Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy lợi ích của việc kiên trì giúp người thân tìm hiểu Kinh Thánh.

21 Gần đây, một chị viết: “Tôi đã luôn cố gắng làm chứng cho 13 anh chị em của mình qua lời nói và hạnh kiểm. Năm nào tôi cũng viết thư cho mỗi người. Tuy nhiên, trong 30 năm, tôi vẫn là Nhân Chứng duy nhất trong nhà”.

22 Chị kể tiếp: “Một ngày nọ, tôi gọi điện cho chị gái, chị sống cách xa tôi hàng trăm cây số. Chị nói rằng chị đã đề nghị một chức sắc trong nhà thờ của chị dạy chị Kinh Thánh, nhưng ông ấy không bao giờ làm. Khi tôi đề nghị là tôi sẽ giúp, chị nói: ‘Được rồi, nhưng chị nói trước là chị sẽ không bao giờ trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va đâu’. Sau khi gửi cho chị sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, cứ cách vài ngày tôi lại gọi điện cho chị. Tuy nhiên, chị vẫn chưa muốn mở sách. Cuối cùng, tôi đề nghị chị lấy sách ra, và trong khoảng 15 phút qua điện thoại, chúng tôi đã đọc và thảo luận vài câu Kinh Thánh được trích dẫn. Sau vài cuộc điện thoại, chị muốn học hơn 15 phút. Sau đó, chị đã gọi điện cho tôi để học Kinh Thánh, thỉnh thoảng vào lúc tôi chưa kịp thức dậy và có khi một ngày hai lần. Năm sau, chị làm báp-têm và năm sau đó, chị làm tiên phong”.

23. Tại sao chúng ta không nên chùn bước trong việc nỗ lực đánh thức những người đang ngủ về thiêng liêng?

23 Giúp người ta thức dậy về thiêng liêng là một nghệ thuật và đòi hỏi sự kiên trì. Tuy nhiên, vẫn có những người nhu mì đang hưởng ứng. Trung bình mỗi tháng có trên 20.000 người làm báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta hãy làm theo những lời mà sứ đồ Phao-lô khuyên môn đồ A-chíp vào thế kỷ thứ nhất: “Hãy luôn chú tâm vào việc hoàn tất chức vụ thánh mà anh đã nhận khi làm môn đồ Chúa” (Cô 4:17). Bài kế tiếp sẽ giúp chúng ta hiểu việc rao giảng với tinh thần cấp bách có nghĩa gì.

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 13]

CÁCH GIỮ MÌNH TỈNH THỨC

▪ Luôn bận rộn trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời

▪ Tránh các việc làm thuộc về bóng tối

▪ Nhận biết mối nguy hiểm của việc ngủ về thiêng liêng

▪ Giữ quan điểm tích cực về những người trong khu vực

▪ Thử những cách thức rao giảng mới

▪ Luôn nhớ tầm quan trọng của thánh chức