Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giữ tinh thần cấp bách

Giữ tinh thần cấp bách

Giữ tinh thần cấp bách

“Hãy giảng lời Đức Chúa Trời, cấp bách làm điều đó”.—2 TI 4:2.

BẠN GIẢI THÍCH THẾ NÀO?

Tại sao Ti-mô-thê được thúc giục giảng Lời Đức Chúa Trời cách cấp bách?

Làm sao chúng ta có thể giữ tinh thần cấp bách?

Tại sao hiện nay việc rao giảng về Nước Trời cấp bách hơn bao giờ hết?

1, 2. Về lời khuyên ‘giảng lời Đức Chúa Trời cách cấp bách’, những câu hỏi nào được nêu lên?

Những người làm công việc cứu mạng thường có tinh thần khẩn cấp. Chẳng hạn, lính cứu hỏa tức tốc đến nơi xảy ra hỏa hoạn, họ biết tính mạng của người ta đang gặp nguy hiểm.

2 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta mong giúp người ta được cứu. Chính vì vậy, chúng ta xem công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời là nhiệm vụ quan trọng. Dĩ nhiên, chúng ta không làm một cách cuống cuồng. Vậy, sứ đồ Phao-lô có ý gì khi cho lời khuyên: “Hãy giảng lời Đức Chúa Trời, cấp bách làm điều đó”? (2 Ti 4:2). Làm thế nào chúng ta có thể rao giảng cách cấp bách? Tại sao công việc này cấp bách đến thế?

TẠI SAO VIỆC RAO GIẢNG RẤT CẤP BÁCH?

3. Cách người ta phản ứng với thông điệp Nước Trời quan trọng thế nào?

3 Khi ý thức rằng công việc rao giảng liên quan đến sự sống còn, hẳn bạn cảm thấy phải cấp bách nói cho người khác biết về tin mừng (Rô 10:13, 14). Đức Chúa Trời phán: “Khi ta nói cùng kẻ dữ rằng: Mầy chắc chết! nếu kẻ dữ ấy xây-bỏ tội-lỗi mình, theo luật-pháp và hiệp với lẽ thật;... thì chắc nó sẽ sống và không chết đâu. Chẳng có một tội nào nó đã phạm sẽ được nhớ lại nghịch cùng nó” (Ê-xê 33:14-16). Thật vậy, Kinh Thánh nói với những người giảng dạy thông điệp Nước Trời: “Con sẽ cứu được chính mình và những người lắng nghe mình”.—1 Ti 4:16; Ê-xê 3:17-21.

4. Tại sao Ti-mô-thê cần có tinh thần cấp bách?

4 Để hiểu tại sao Phao-lô thúc giục Ti-mô-thê có tinh thần cấp bách, hãy xem xét văn cảnh của câu Kinh Thánh chủ đề: “Hãy giảng lời Đức Chúa Trời, cấp bách làm điều đó trong khi thuận tiện lẫn khi khó khăn, hãy sửa dạy, khiển trách, khuyên dỗ, với tất cả lòng kiên nhẫn và nghệ thuật giảng dạy. Vì sẽ có một thời người ta không chịu lắng nghe sự dạy dỗ đúng đắn, nhưng lại theo ham muốn riêng mà tập họp các thầy dạy quanh mình để nghe những lời êm tai. Họ sẽ không còn chịu nghe sự thật” (2 Ti 4:2-4). Chúa Giê-su đã báo trước rằng sẽ có một làn sóng bội đạo nổi lên (Mat 13:24, 25, 38). Trước khi điều đó xảy ra, Ti-mô-thê phải cấp bách “giảng lời Đức Chúa Trời”, ngay cả trong hội thánh, để tín đồ đạo Đấng Ki-tô không bị lừa gạt bởi các lời mật ngọt của sự dạy dỗ sai lầm. Tính mạng của họ đang lâm nguy. Ngày nay thì sao?

5, 6. Trong thánh chức, chúng ta có thể gặp những quan điểm phổ biến nào?

5 Hiện nay, sự bội đạo lan tràn khắp nơi (2 Tê 2:3, 8). Những sự dạy dỗ nào đang làm êm tai người ta? Tại nhiều nơi, người ta cuồng nhiệt ủng hộ thuyết tiến hóa chẳng khác gì một tôn giáo. Dù thuyết này thường được trình bày bằng ngôn ngữ khoa học nhưng thật ra nó đã trở nên như một tôn giáo, ảnh hưởng đến quan điểm của người ta về Đức Chúa Trời và người khác. Một sự dạy dỗ phổ biến khác là Đức Chúa Trời không quan tâm đến chúng ta, nên chúng ta chẳng cần quan tâm đến ngài. Tại sao những sự dạy dỗ này êm ái đến nỗi ru cho hàng triệu người ngủ về thiêng liêng? Vì cả hai sự dạy dỗ ấy đều hàm ý: “Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn vì không cần phải khai trình với ai”. Quả thật, ý niệm này đã làm êm tai nhiều người.—Đọc Thi-thiên 10:4.

6 Ngoài ra, người ta còn thích những điều êm tai khác. Một số người đi nhà thờ ưa nghe những lời như “dù bạn làm gì đi nữa thì Đức Chúa Trời vẫn yêu bạn”. Các linh mục và mục sư cũng làm êm tai các tín đồ bằng cách khiến họ tin rằng những nghi lễ, Lễ Mi-sa, lễ hội và hình tượng mang đến phước lành cho họ. Những tín đồ ấy không nhận ra mình đang trong tình thế nguy hiểm (Thi 115:4-8). Thế nhưng, nếu chúng ta đánh thức họ về thiêng liêng để hiểu thông điệp thật sự của Kinh Thánh thì họ có thể nhận được ân phước mà Nước Trời mang lại.

RAO GIẢNG CÁCH CẤP BÁCH CÓ NGHĨA GÌ?

7. Làm thế nào chúng ta cho thấy tinh thần cấp bách?

7 Một bác sĩ phẫu thuật tận tâm phải tập trung cao độ khi đang mổ vì đây là vấn đề sinh tử của bệnh nhân. Trong thánh chức, chúng ta có thể cho thấy tinh thần cấp bách qua việc tập trung vào thánh chức, chẳng hạn như nghĩ về các vấn đề, câu hỏi hay những thông tin mà người ta có thể quan tâm. Tinh thần cấp bách cũng có thể thúc đẩy chúng ta điều chỉnh thời gian biểu để đến rao giảng cho người ta vào những lúc thuận tiện cho họ.—Rô 1:15, 16; 1 Ti 4:16.

8. Có tinh thần cấp bách bao hàm điều gì?

8 Có tinh thần cấp bách cũng bao hàm việc sắp xếp thứ tự ưu tiên. (Đọc Sáng-thế Ký 19:15). Chẳng hạn, hãy tưởng tượng, sau khi nhận kết quả xét nghiệm của bạn, bác sĩ gọi bạn vào văn phòng và nghiêm túc nói: “Nghe này, tình trạng của anh rất cấp bách. Anh chỉ còn nhiều nhất là một tháng để trị bệnh”. Dĩ nhiên, lúc ấy bạn không chạy vụt ra khỏi phòng như lính cứu hỏa tức tốc đến nơi xảy ra hỏa hoạn. Nhưng hẳn bạn sẽ nghe những lời chỉ dẫn của bác sĩ, về nhà và suy nghĩ kỹ về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên.

9. Tại sao có thể nói rằng Phao-lô rao giảng với tinh thần cấp bách khi ở Ê-phê-sô?

9 Chúng ta hiểu rõ hơn tinh thần cấp bách của Phao-lô khi xem xét những gì ông nói với các trưởng lão ở Ê-phê-sô về việc rao giảng của ông trong vùng A-si-a. (Đọc Công vụ 20:18-21). Dường như ngay từ lúc đặt chân đến vùng A-si-a, ông đã bắt tay vào việc rao giảng tin mừng từ nhà này sang nhà kia. Hơn nữa, trong hai năm, ông làm theo một lịch trình nhất định là “hằng ngày thuyết giảng trong trường Ti-ra-nu” (Công 19:1, 8-10). Rõ ràng, tinh thần cấp bách của Phao-lô tác động đến thói quen của ông. Lời kêu gọi ‘rao giảng cấp bách’ không có ý làm chúng ta cảm thấy choáng ngợp trước công việc này. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt việc rao giảng lên hàng ưu tiên trong đời sống.

10. Tại sao chúng ta phấn khởi vì các Học viên Kinh Thánh đã rao giảng cách cấp bách?

10 Trường hợp của một nhóm nhỏ Học viên Kinh Thánh vào trước năm 1914 đã khởi sự rao giảng tin mừng cho thấy tinh thần cấp bách có nghĩa gì. Dù chỉ có vài ngàn người, nhưng họ ý thức được thời kỳ khẩn cấp và nhiệt tình tham gia công việc rao giảng Nước Trời. Họ đã đăng những bài giảng trên hơn 2.000 tờ báo và chiếu “Kịch ảnh về sự sáng tạo” gồm những đoạn phim và hình ảnh. Qua cách này, họ đã mang tin mừng đến cho hàng triệu người. Nếu họ không có tinh thần cấp bách thì bao nhiêu người trong chúng ta được nghe thông điệp Nước Trời?—Đọc Thi-thiên 119:60.

ĐỀ PHÒNG VIỆC MẤT TINH THẦN CẤP BÁCH

11. Điều gì đã khiến một số tín đồ mất tinh thần cấp bách?

11 Sự phân tâm có thể khiến một người không còn thấy được tầm quan trọng của công việc rao giảng. Sa-tan cố dùng thế gian này để khiến chúng ta mải mê theo đuổi sở thích cá nhân và những điều kém quan trọng (1 Phi 5:8; 1 Giăng 2:15-17). Một số người từng ưu tiên công việc thánh chức đã mất tinh thần cấp bách. Chẳng hạn, một tín đồ vào thế kỷ thứ nhất là Đê-ma, từng là “cộng sự” của Phao-lô, đã bị phân tâm bởi thế gian không tin kính. Thay vì tiếp tục ưu tiên việc làm vững mạnh Phao-lô trong lúc khó khăn, Đê-ma lại rời bỏ cộng sự của mình.—Phi-lê 23, 24; 2 Ti 4:10.

12. Hiện nay chúng ta có cơ hội nào? Chúng ta sẽ có những cơ hội nào trong tương lai?

12 Để giữ tinh thần cấp bách, chúng ta cần kháng cự ham muốn hưởng thụ những gì thế gian cung hiến. Chúng ta phải nỗ lực để “nắm chắc sự sống thật” (1 Ti 6:18, 19). Hẳn bạn tin rằng đời sống vĩnh cửu trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời sẽ cho chúng ta vô số cơ hội để làm những điều thú vị. Nhưng hiện nay, chúng ta có một cơ hội đặc biệt là giúp người khác được sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn.

13. Điều gì có thể giúp chúng ta giữ tinh thần cấp bách?

13 Điều gì có thể giúp chúng ta giữ tinh thần cấp bách trong khi đa số những người xung quanh đang ngủ về thiêng liêng? Chúng ta cần nhớ rằng mình cũng từng ở trong sự tăm tối, ngủ về thiêng liêng. Nhưng chúng ta đã được đánh thức và Đấng Ki-tô đã chiếu sáng trên chúng ta. Giờ đây, chúng ta có đặc ân là những người mang ánh sáng. (Đọc Ê-phê-sô 5:14). Sau khi đề cập điều đó, Phao-lô viết: “Hãy giữ gìn cẩn thận cách ăn ở của anh em, chớ ăn ở như người dại dột nhưng như người khôn ngoan, hãy tận dụng thì giờ vì chúng ta đang sống trong thời buổi xấu xa” (Ê-phê 5:15, 16). Trong thế giới gian ác này, chúng ta cần “tận dụng thì giờ” cho các hoạt động giúp mình tỉnh thức về thiêng liêng.

CHÚNG TA SỐNG TRONG THỜI KỲ TRỌNG ĐẠI

14-16. Điều gì khiến việc rao giảng về Nước Trời cấp bách hơn bao giờ hết?

14 Từ xưa đến nay, công việc rao giảng luôn là điều cấp bách, nhưng hiện nay càng khẩn cấp hơn. Từ năm 1914, dấu hiệu tổng hợp được tiên tri trong Lời Đức Chúa Trời ngày càng thấy rõ (Mat 24:3-51). Tính mạng của con người đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Bất chấp những thỏa thuận gần đây, các siêu cường quốc vẫn có đến 2.000 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng để bắn. Theo báo cáo của các nhà chức trách, có hàng trăm vụ “mất” vật liệu hạt nhân. Có lẽ nào một lượng trong số đó đã rơi vào tay những kẻ khủng bố? Các chuyên gia cho rằng nhân loại rất có thể bị hủy diệt bởi cuộc chiến do một kẻ khủng bố khởi xướng. Tuy nhiên, chiến tranh không phải là mối đe dọa duy nhất cho con người.

15 Theo một báo cáo năm 2009 của tạp chí y khoa The Lancet và trường đại học University College London, “sự biến đổi khí hậu là mối đe dọa về y tế toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21”. Báo cáo cho biết: “Sự biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nước trong những thập kỷ sau và càng đe dọa tính mạng và sức khỏe của hàng tỷ người”. Hậu quả có thể là nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt, bão tố, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên. Thật vậy, chiến tranh và các thảm họa đang đe dọa xã hội loài người.

16 Có lẽ một số người nghĩ rằng chiến tranh hạt nhân có thể dẫn đến những biến cố làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng. Tuy nhiên, phần lớn người ta không hiểu ý nghĩa thật sự của lời tiên tri ấy. “Dấu hiệu” đã được thấy rõ trong nhiều thập kỷ nay, điều này cho thấy Chúa Giê-su đã hiện diện và thời kỳ kết liễu của thế gian này sắp đến (Mat 24:3). Chưa bao giờ chúng ta thấy nhiều khía cạnh của dấu hiệu rõ như ngày nay. Đã đến lúc những người đang ngủ về thiêng liêng phải thức dậy. Tham gia thánh chức là cách chúng ta có thể giúp họ.

17, 18. (a) Việc sống trong những ngày sau cùng tác động đến chúng ta như thế nào? (b) Điều gì có thể khiến người ta thay đổi quan điểm về thông điệp Nước Trời?

17 Chỉ còn một thời gian ngắn để chúng ta chứng tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và hoàn tất công việc rao giảng mà ngài giao trong những ngày sau cùng. Những gì sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ ở Rô-ma vào thế kỷ thứ nhất càng có ý nghĩa với chúng ta ngày nay. Ông nói: “Anh em biết mình đang sống trong thời kỳ nào. Bây giờ là thời điểm anh em phải tỉnh thức, vì sự cứu rỗi của chúng ta gần hơn lúc chúng ta mới tin Chúa”.—Rô 13:11.

18 Những biến cố xảy ra trong những ngày sau cùng có thể khiến một số người ý thức được nhu cầu tâm linh của mình. Số khác thì chú ý đến thông điệp Nước Trời khi họ thấy các chính phủ không ngăn chặn được những cuộc khủng hoảng về kinh tế, mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, tội ác hoặc sự hủy hoại môi sinh. Ngoài ra, một số người ý thức được nhu cầu tâm linh sau những biến cố xảy ra trong gia đình, chẳng hạn như bệnh tật, ly dị, việc mất người thân. Khi tham gia thánh chức, chúng ta có thể giúp những người như vậy.

ĐƯỢC THÚC ĐẨY NHỜ TINH THẦN CẤP BÁCH

19, 20. Tinh thần cấp bách đã thúc đẩy nhiều tín đồ thực hiện thay đổi gì trong đời sống?

19 Tinh thần cấp bách đã thúc đẩy nhiều tín đồ tham gia nhiều hơn trong thánh chức. Thí dụ, một cặp vợ chồng trẻ người Ecuador quyết định đơn giản hóa đời sống sau khi nghe chương trình hội nghị đặc biệt một ngày của năm 2006 có chủ đề “Hãy giữ cho mắt đơn thuần”. Họ đã liệt kê những thứ không cần thiết và trong vòng ba tháng, họ đã chuyển từ một căn hộ có ba phòng ngủ đến căn hộ chỉ có một phòng ngủ, bán vài thứ và trả hết nợ nần. Chẳng bao lâu, họ làm tiên phong phụ trợ và theo đề nghị của giám thị vòng quanh, họ đã đến phục vụ tại một hội thánh có nhu cầu lớn hơn.

20 Một anh ở Bắc Mỹ viết: “Khi tham dự hội nghị vòng quanh năm 2006, vợ chồng tôi đã báp-têm được 30 năm. Trên đường về nhà, chúng tôi bàn bạc làm sao để áp dụng lời khuyên về việc đơn giản hóa đời sống (Mat 6:19-22). Lúc đó, chúng tôi có ba ngôi nhà, đất đai, những ô-tô hạng sang, một xuồng máy và một nhà lưu động. Cảm thấy mình như là các tín đồ ngốc nghếch, chúng tôi quyết định thay đổi và đặt mục tiêu phụng sự trọn thời gian. Năm 2008, chúng tôi làm tiên phong đều đều cùng con gái. Được hợp tác với các anh chị nhiều hơn thật hạnh phúc biết bao! Chúng tôi được phục vụ ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Ngoài ra, khi làm nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va, chúng tôi càng gần gũi với ngài. Một ân phước lớn là được thấy ánh mắt người ta sáng ngời lên khi nghe và hiểu sự thật trong Lời Đức Chúa Trời”.

21. Sự hiểu biết nào thúc đẩy chúng ta hành động?

21 Chúng ta biết “ngày phán xét và hủy diệt những kẻ không tin kính” sắp đến (2 Phi 3:7). Sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta sốt sắng rao báo về hoạn nạn lớn sắp xảy ra và thế giới mới sẽ đến ngay sau đó. Chúng ta hãy tiếp tục mang niềm hy vọng thật sự đến cho người ta với tinh thần cấp bách. Khi hết lòng tham gia vào công việc cấp bách này, chúng ta cho thấy mình thật sự yêu thương Đức Chúa Trời và người đồng loại.

[Câu hỏi thảo luận]