Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào để cho lời khuyên?

Làm thế nào để cho lời khuyên?

Làm thế nào để cho lời khuyên?

Có bao giờ người khác xin bạn cho lời khuyên chưa? Chẳng hạn, có lẽ người ấy hỏi: “Tôi nên làm gì? Tôi có nên đến buổi họp mặt này không? theo đuổi nghề nghiệp này không? tìm hiểu người ấy với mục tiêu là kết hôn không?”.

Có thể những người thành thật sẽ nhờ bạn giúp khi họ đứng trước những quyết định có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ đối với bạn bè, gia đình hay thậm chí là Đức Giê-hô-va. Bạn sẽ dựa vào đâu để cho lời khuyên? Bạn thường khuyên người khác như thế nào? Cho dù vấn đề có thể là quan trọng hay không thì “lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”, như Châm-ngôn 15:28 nói. Hãy xem xét làm thế nào năm nguyên tắc Kinh Thánh sau đây có thể giúp bạn khi cho lời khuyên.

1 Hiểu rõ hoàn cảnh thật sự.

“Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”.CHÂM 18:13.

Muốn cho lời khuyên hữu ích, chúng ta phải hiểu hoàn cảnh và quan điểm của người đang tìm sự trợ giúp. Để minh họa: Nếu một người gọi cho bạn và hỏi đến nhà bạn đi đường nào tốt nhất, bạn cần biết điều gì để giúp người ấy? Nếu chưa biết anh ấy đang ở địa điểm nào thì liệu bạn có thể chỉ cho anh lộ trình hợp lý nhất không? Dĩ nhiên không! Tương tự, để đưa ra lời khuyên đúng đắn, bạn cần hiểu rõ “địa điểm” hiện tại của người đang cần sự chỉ dẫn, tức hoàn cảnh và quan điểm của người đó. Có trường hợp ngoại lệ nào cần được xét đến trước khi đưa ra lời khuyên? Nếu không hiểu đúng hoàn cảnh, lời khuyên của chúng ta có thể càng khiến người xin lời khuyên bối rối hơn.—Lu 6:39.

Xác định xem người ấy đã tìm hiểu vấn đề đến đâu. Đôi khi đặt những câu hỏi sau với người cần lời khuyên là điều khôn ngoan: “Anh/Chị nghĩ mình có thể áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh nào?”, “Anh/Chị thấy có những thuận lợi và bất lợi nào trong mỗi lựa chọn?”, “Anh/Chị đã nghiên cứu được gì?”, “Những người khác, như các trưởng lão, cha mẹ hay người hướng dẫn Kinh Thánh, đã khuyên anh/chị những gì?”.

Những câu trả lời của họ giúp chúng ta thế nào? Chúng ta có thể hiểu người ấy đã nỗ lực đến đâu để tìm hướng đi. Chúng ta cũng sẽ biết người khác đã khuyên những gì. Ngoài ra, có lẽ chúng ta còn biết có phải thực tế người ấy chỉ muốn tìm một người cố vấn nói “những lời êm tai” hay không.—2 Ti 4:3.

2 Tránh hấp tấp cho lời khuyên.

“Mỗi người phải mau nghe, chậm nói”.GIA 1:19.

Với ý tốt, chúng ta có thể nhanh chóng đưa ra lời khuyên. Nhưng làm vậy có khôn ngoan không, nhất là khi đang thảo luận một đề tài mà mình chưa nghiên cứu kỹ? Châm-ngôn 29:20 nói: “Con có thấy kẻ hấp-tấp trong lời nói mình chăng? Một kẻ ngu-muội còn có sự trông-cậy hơn hắn”.

Hãy dành thời gian để cân nhắc xem lời khuyên của bạn có phù hợp với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hay không. Bạn có thể tự hỏi: “Lối suy nghĩ của tôi có bị lối suy nghĩ và ‘tinh thần của thế gian’ ảnh hưởng không?” (1 Cô 2:12, 13). Hãy nhớ rằng chỉ có thiện chí thôi thì chưa đủ. Chẳng hạn, sau khi biết nhiệm vụ khó khăn của Chúa Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên ngài: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy? Điều đó sẽ không xảy ra đâu”. Chúng ta học được gì từ phản ứng của Phi-e-rơ? Đó là nếu không cẩn thận, một người có ý tốt có thể cổ vũ “quan điểm của loài người chứ không phải của Đức Chúa Trời” (Mat 16:21-23). Suy nghĩ trước khi nói thật quan trọng biết bao! Xét cho cùng, so với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời thì kinh nghiệm của chúng ta thật ít ỏi làm sao.—Gióp 38:1-4; Châm 11:2.

3 Khiêm nhường áp dụng Lời Đức Chúa Trời.

“Tôi không tự mình làm gì, nhưng nói những điều Cha đã dạy”.GIĂNG 8:28.

Liệu bạn sẽ trả lời: “Tôi mà là anh, tôi sẽ...”? Ngay cả khi câu trả lời dường như là hiển nhiên, bạn vẫn nên học theo gương khiêm nhường của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su có sự khôn ngoan và kinh nghiệm vượt xa bất cứ người nào trên đất, thế mà ngài nói rằng: “Tôi không nói theo ý riêng, nhưng chính Cha... đã truyền lệnh cho tôi phải nói gì và dạy gì” (Giăng 12:49, 50). Mọi lời dạy dỗ và khuyên bảo của Chúa Giê-su đều dựa theo ý của Cha ngài.

Chẳng hạn, Lu-ca 22:49 cho biết lúc Chúa Giê-su bị bắt, các môn đồ hỏi ngài là họ có nên chống trả hay không. Một môn đồ đã dùng đến gươm. Đáng lưu ý, lời tường thuật nơi Ma-thi-ơ 26:52-54 về cùng sự kiện cho thấy là ngay cả trong tình huống đó, Chúa Giê-su vẫn dành thời gian lý luận với môn đồ này về ý định của Đức Giê-hô-va. Biết những nguyên tắc nơi Sáng-thế Ký 9:6 và những lời tiên tri nơi Thi-thiên 22 và Ê-sai 53, Chúa Giê-su đã đưa ra lời chỉ dẫn khôn ngoan có thể cứu mạng nhiều người và làm vui lòng Đức Giê-hô-va.

4 Sử dụng thư viện thần quyền của bạn.

“Ai thật sự là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà Chủ đã giao nhiệm vụ coi sóc các đầy tớ mình để cung cấp thức ăn đúng giờ?”.MAT 24:45.

Chúa Giê-su đã bổ nhiệm một lớp đầy tớ đáng tin cậy để cung cấp thức ăn thiêng liêng. Khi cho lời khuyên và sự chỉ dẫn về những vấn đề quan trọng, bạn có dành thời gian để tra cứu cẩn thận các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh không?

“Mục lục các bài trong Tháp Canh” ở những trang cuối của Tháp Canh ngày 15 tháng 12 hằng năm liệt kê nhiều bài có thể giúp bạn khi cho lời khuyên. Bạn cũng có thể nhờ anh chị nào đó tìm giúp bạn thông tin hữu ích trong Thư viện Tháp Canh (Anh ngữ) *. Thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua nguồn thông tin dồi dào này! Có hàng ngàn đề tài được nêu ra, trong đó có nhiều bài có thể giúp một người đang tìm lời khuyên. Bạn có biết cách giúp người khác đào sâu các nguyên tắc Kinh Thánh và lý luận dựa trên Lời Đức Chúa Trời không? Giống như tấm bản đồ có thể giúp một người xác định mình đang ở đâu và tìm được đường đi, những công cụ nghiên cứu giúp người ấy biết mình đang đi đường nào và hiểu rõ làm sao để tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự sống.

Nhiều trưởng lão đã giúp người công bố dùng “Mục lục các bài trong Tháp Canh” hoặc Thư viện Tháp Canh trong CD-ROM để tìm tài liệu. Nhờ thế, các anh chị học cách lý luận dựa trên Kinh Thánh. Sự hỗ trợ ấy không chỉ giúp người công bố giải quyết vấn đề trước mắt mà còn tạo cho họ thói quen tra cứu và dựa vào những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va về thiêng liêng. Qua cách này, ‘khả năng nhận thức của họ được luyện tập để phân biệt điều đúng, điều sai’.—Hê 5:14.

5 Tránh quyết định cho người khác.

“Mỗi người sẽ tự gánh lấy trách nhiệm riêng”.GA 6:5.

Cuối cùng thì mỗi người phải quyết định mình sẽ làm theo lời khuyên nào. Đức Giê-hô-va cho chúng ta quyền tự quyết định làm theo nguyên tắc của ngài hay không (Phục 30:19, 20). Một số trường hợp liên quan đến nhiều nguyên tắc Kinh Thánh và cuối cùng thì chính người tìm kiếm lời khuyên phải tự quyết định. Tùy vào vấn đề hoặc tuổi tác của người tìm kiếm lời khuyên mà chúng ta có thể tự hỏi: “Liệu tôi có thẩm quyền để giải đáp thắc mắc này không?”. Đối với một số vấn đề, tốt nhất nên nhờ đến các trưởng lão, hoặc nếu người xin lời khuyên là người trẻ thì nên nhờ cha mẹ em ấy giúp giải quyết.

[Chú thích]

^ đ. 20 Hiện nay, Thư viện Tháp Canh trong CD-ROM có trong 39 thứ tiếng.

[Khung/​Hình nơi trang 8]

Kế hoạch cho Buổi thờ phượng của gia đình

Gần đây có ai xin bạn cho lời khuyên về một vấn đề nào đó không? Nếu có, sao không dùng câu hỏi của người ấy làm đề tài nghiên cứu cho Buổi thờ phượng của gia đình? Bạn thấy những bài hoặc nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp người ấy? Chẳng hạn, giả sử một anh chị nào đó hỏi bạn về việc hẹn hò với một người để tiến tới hôn nhân. Khi dùng “Mục lục các bài trong Tháp Canh” hằng năm, hãy xem những phần “Bài học chính” hoặc “Đời sống và đức tính của tín đồ đạo Đấng Ki-tô”. Bạn cũng có thể tìm thấy thông tin hữu ích trong mục Publications Index của Thư viện Tháp Canh trong CD-ROM (Anh ngữ), dưới những đề tài “Dating” (hẹn hò) hoặc “Marriage” (hôn nhân).

[Khung nơi trang 9]

Nhờ những gì Đức Giê-hô-va cung cấp qua tổ chức của ngài, chúng ta có thể cho và nhận những lời khuyên tốt nhất. Truyền-đạo 12:11 nhận định: “Lời của người khôn-ngoan giống như đót; sắp chọn các câu châm-ngôn khác nào đinh đóng chặt: Nó do một đấng chăn chiên mà truyền ra”. Như “đót”, là một cây gậy nhọn dùng để lùa súc vật, lời khuyên yêu thương và hữu hiệu hướng dẫn những người thành thật đi theo đường lối đúng. “Đinh đóng chặt” giữ cho công trình được chắc chắn. Tương tự, đưa ra lời khuyên tốt có thể mang lại kết quả chắc chắn. Những người khôn ngoan thấy vui thích khi xem xét “các câu châm-ngôn” phản ánh sự khôn ngoan của “đấng chăn chiên”, Đức Giê-hô-va.

Hãy phản ánh quan điểm của Đấng Chăn Chiên khi cho lời khuyên. Quả là một đặc ân khi có thể lắng nghe và cho lời khuyên hữu ích! Nếu lời khuyên của chúng ta theo sát những nguyên tắc Kinh Thánh thì đó sẽ là lời khuyên đúng đắn, có thể mang lại lợi ích lâu dài cho người nghe.