Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tự truyện

Bảy mươi năm nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa

Bảy mươi năm nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa

Do Leonard Smith kể lại

Khi khoảng 13 tuổi, có hai câu Kinh Thánh đã tác động đến tôi. Đến nay, hơn 70 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lúc mình hiểu rõ ý nghĩa của câu Xa-cha-ri 8:23. Câu này nói về “mười người... nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa”. Họ nói với người Giu-đa: “Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”.

Người Giu-đa tượng trưng cho các tín đồ được xức dầu, còn “mười người” tượng trưng cho “chiên khác”, hay “lớp người Giô-na-đáp”, như được gọi vào thời đó (Giăng 10:16) *. Khi hiểu sự thật này, tôi nhận ra rằng hy vọng tuyệt diệu của tôi là được sống vĩnh cửu trên đất tùy thuộc nhiều vào việc tôi trung thành ủng hộ lớp người được xức dầu.

Tôi cũng rất ấn tượng về minh họa của Chúa Giê-su liên quan đến “chiên” và “dê” nơi Ma-thi-ơ 25:31-46. “Chiên” tượng trưng cho những người được Đức Chúa Trời phán xét cách thuận lợi trong thời kỳ sau cùng vì họ làm điều tốt cho các anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô vẫn còn sống trên đất. Với tư cách là người Giô-na-đáp trẻ, tôi tự nhủ: “Nếu muốn được Đấng Ki-tô xem là chiên thì mình phải ủng hộ các anh em được xức dầu của ngài, công nhận là họ có quyền dẫn dắt, vì Đức Chúa Trời ở cùng họ”. Sự hiểu biết này đã hướng dẫn tôi suốt hơn bảy thập niên.

“VỊ TRÍ CỦA TÔI Ở ĐÂU?”

Năm 1925, mẹ tôi làm báp-têm tại phòng họp ở Bê-tên. Phòng này được gọi là Đền tạm Luân Đôn và được các anh chị địa phương dùng làm nơi nhóm họp. Tôi chào đời ngày 15-10-1926. Vào tháng 3 năm 1940, tôi làm báp-têm trong hội nghị được tổ chức tại Dover, thuộc vùng ven biển Anh Quốc. Càng ngày tôi càng yêu mến sự thật trong Kinh Thánh. Vì mẹ tôi là người được xức dầu, nên có thể nói ‘vạt áo người Giu-đa’ đầu tiên mà tôi nắm là của mẹ. Lúc đó, cha và chị của tôi chưa phụng sự Đức Giê-hô-va. Mẹ con tôi đi hội thánh Gillingham ở đông nam Anh Quốc, phần lớn các anh chị trong hội thánh này là những người được xức dầu. Mẹ đã nêu gương tốt về lòng sốt sắng trong công việc rao giảng.

Vào tháng 9 năm 1941, tại hội nghị ở thành phố Leicester, có một bài giảng mang tựa đề “Lòng trung kiên”, xem xét về vấn đề quyền cai trị hoàn vũ. Qua bài giảng này, tôi mới hiểu rằng vấn đề giữa Đức Giê-hô-va và Sa-tan liên quan đến chúng ta. Thế nên, chúng ta cần đứng về phía Đức Giê-hô-va và giữ lòng trung kiên với Đấng Cai Trị Hoàn Vũ.

Hội nghị này cũng nhấn mạnh nhiều đến công việc tiên phong, và những người trẻ được khuyến khích vươn tới mục tiêu đó. Bài giảng có tựa đề “Vị trí của người tiên phong trong tổ chức” khiến tôi tự nhủ “vị trí của mình ở đâu?”. Hội nghị ấy đã giúp tôi tin chắc rằng là người Giô-na-đáp, tôi phải cố hết sức để ủng hộ lớp người được xức dầu trong công việc rao giảng. Ngay tại hội nghị ở Leicester, tôi đã điền đơn xin làm tiên phong.

LÀM TIÊN PHONG TRONG THỜI CHIẾN

Vào ngày 1-12-1941, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt, lúc đó tôi mới 15 tuổi. Mẹ là người bạn cùng làm tiên phong đầu tiên của tôi, nhưng khoảng một năm sau, bà phải ngưng vì vấn đề sức khỏe. Sau đó, văn phòng chi nhánh tại Luân Đôn đã cho anh Ron Parkin làm tiên phong cùng tôi. Hiện nay, anh đang phụng sự trong Ủy ban chi nhánh tại Puerto Rico.

Chúng tôi được bổ nhiệm đến hai thị trấn ven biển là Broadstairs và Ramsgate trong vùng Kent. Chúng tôi thuê một phòng tại đây. Phụ cấp hàng tháng cho tiên phong đặc biệt thời đó tương đương khoảng 8 đô la Mỹ. Thế nên, đến lúc trả tiền thuê nhà, chúng tôi còn rất ít để chi tiêu và không biết bữa ăn sau sẽ ra sao. Nhưng qua cách này hay cách khác, Đức Giê-hô-va luôn chu cấp cho chúng tôi những nhu cầu thiết yếu.

Chúng tôi đạp xe rất nhiều, chất nhiều đồ và chạy ngược hướng gió mạnh thổi từ Biển Bắc. Chúng tôi cũng phải đối phó với những cuộc oanh tạc và bom V-1 của Đức bay thấp qua Kent rồi rơi xuống Luân Đôn. Một lần, tôi phải nhảy khỏi xe và lao xuống một cái hào khi quả bom lướt qua đầu và phát nổ ở cánh đồng gần đó. Dù thế, những năm tháng làm tiên phong ở Kent là quãng thời gian thật hạnh phúc.

LÀM “THÀNH VIÊN NHÀ BÊ-TÊN”

Mẹ tôi luôn nói về nhà Bê-tên một cách đầy ngưỡng mộ. Bà nói: “Mẹ không mong ước gì hơn là được nhìn thấy con làm thành viên nhà Bê-tên”. Vì thế, hãy hình dung tôi ngạc nhiên và vui mừng thế nào khi tháng 1 năm 1946, tôi được mời làm việc ở Bê-tên Luân Đôn trong ba tuần. Vào cuối những tuần này, anh Pryce Hughes, người trông nom chi nhánh, mời tôi ở lại Bê-tên. Sự huấn luyện mà tôi nhận được tại đây đã uốn nắn tôi trong suốt quãng đời còn lại.

Gia đình Bê-tên ở Luân Đôn lúc đó có khoảng 30 thành viên, hầu hết là các anh độc thân trẻ nhưng cũng có nhiều anh được xức dầu, trong đó có anh Pryce Hughes, Edgar Clay và Jack Barr, người sau này là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Quả là một đặc ân được ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô khi làm việc dưới sự hướng dẫn của các anh “cột trụ” này!—Ga 2:9.

Ngày nọ, một anh bảo tôi rằng có một chị đang đứng ở cửa vào Bê-tên và muốn gặp tôi. Thật bất ngờ, người đó chính là mẹ và bà mang một gói đồ. Mẹ không muốn vào trong để không làm gián đoạn công việc của tôi, nhưng bà đưa cho tôi gói đồ và đi. Bên trong gói đồ là một cái áo choàng ấm áp. Cử chỉ yêu thương của mẹ làm tôi nhớ đến việc bà An-ne mang đến cho Sa-mu-ên một cái áo khi Sa-mu-ên đang phụng sự tại đền tạm.—1 Sa 2:18, 19.

GA-LA-ÁT—MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Vào năm 1947, năm người chúng tôi đang phụng sự tại Bê-tên được mời tham dự Trường Ga-la-át ở Hoa Kỳ, và năm sau chúng tôi tham dự khóa thứ 11. Lúc đó, trường nằm ở miền bắc của bang New York. Khi chúng tôi đến, thời tiết ở đó rất lạnh. Thật hạnh phúc biết bao khi được khoác lên người cái áo choàng ấm áp mẹ tặng!

Tôi không thể nào quên được quãng thời gian sáu tháng học ở Trường Ga-la-át. Việc kết hợp với các học viên đến từ 16 nước đã mở mang tầm nhìn của tôi. Không những tôi được củng cố về thiêng liêng nhờ khóa học mà còn được lợi ích khi kết hợp với các anh chị thành thục. Một bạn học của tôi là anh Lloyd Barry, một trong các giảng viên là anh Albert Schroeder, và anh John Booth là giám thị Nông trại Nước Trời (nơi có Trường Ga-la-át), tất cả sau này đều là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Tôi rất quý lời khuyên yêu thương mà các anh này đã dành cho tôi cũng như gương về lòng trung thành của họ đối với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài.

LÀM GIÁM THỊ VÒNG QUANH VÀ TRỞ LẠI BÊ-TÊN

Sau khi hoàn tất khóa học ở Trường Ga-la-át, tôi được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh ở bang Ohio, Hoa Kỳ. Lúc đó, mới ở tuổi 21, tôi có lòng nhiệt huyết và các anh chị đã hoan nghênh chào đón tôi. Trong vòng quanh ấy, tôi học được nhiều điều từ các anh lớn tuổi có kinh nghiệm.

Sau vài tháng, tôi được mời trở lại Bê-tên ở Brooklyn để được huấn luyện thêm. Trong thời gian này, tôi biết các anh “cột trụ” như anh Milton Henschel, Karl Klein, Nathan Knorr, T. J. (Bud) Sullivan và Lyman Swingle. Tất cả những anh này từng là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Tôi nhận được nhiều lợi ích khi tận mắt thấy cách họ làm việc cũng như thể hiện các đức tính của người tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nhờ thế, lòng tin cậy nơi tổ chức của Đức Giê-hô-va càng lớn mạnh trong tôi. Sau đó, tôi được bổ nhiệm trở lại phụng sự ở châu Âu.

Mẹ tôi qua đời vào tháng 2 năm 1950. Sau tang lễ, tôi nói chuyện thẳng thắn với cha và chị mình là Dora. Tôi hỏi họ bây giờ họ quyết định ra sao về việc học Kinh Thánh vì mẹ đã qua đời, còn tôi thì không sống với họ. Họ biết và nể một anh lớn tuổi được xức dầu là anh Harry Browning, và đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh với anh. Trong vòng một năm, cha và chị tôi làm báp-têm. Sau đó, cha tôi được bổ nhiệm làm phụ tá trong hội thánh Gillingham. Sau khi cha mất, chị Dora kết hôn với một trưởng lão trung thành là anh Roy Moreton. Chị đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến khi qua đời vào năm 2010.

GIÚP ĐỠ TẠI PHÁP

Khi còn đi học, tôi học tiếng Pháp, Đức và La-tinh, trong đó tiếng Pháp là ngôn ngữ gây nhiều rắc rối cho tôi nhất. Thế nên, tôi có cảm giác vui buồn lẫn lộn khi được mời làm việc tại Bê-tên ở Paris, Pháp. Nơi đây, tôi có đặc ân được làm việc cùng với anh trông nom chi nhánh là Henri Geiger, một anh được xức dầu lớn tuổi. Công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng và dĩ nhiên tôi có nhiều sơ sót, nhưng tôi học được nhiều về cách cư xử giữa người với người.

Hội nghị quốc tế đầu tiên ở Paris sau thế chiến được dự kiến diễn ra năm 1951, và tôi cũng được góp phần tổ chức hội nghị này. Một anh giám thị lưu động trẻ là Léopold Jontès đã đến Bê-tên giúp tôi. Sau này, anh Léopold được bổ nhiệm làm giám thị chi nhánh. Hội nghị được tổ chức ở một cung thể thao (Palais des sports), gần Tháp Eiffel. Đại biểu đến từ 28 quốc gia. Ngày cuối của hội nghị, 6.000 Nhân Chứng người Pháp quá đỗi vui mừng khi thấy 10.456 người tham dự!

Khi mới đến đây, tiếng Pháp của tôi rất tệ. Hơn nữa, tôi sai lầm nghĩ rằng khi nào tự tin về tiếng Pháp của mình thì tôi mới nói chuyện. Nhưng nếu bạn không nói sai, thì sẽ không có ai sửa bạn lại, và bạn không tiến bộ được.

Tôi quyết tâm khắc phục tình trạng này bằng cách đăng ký học ở trường dạy tiếng Pháp cho người nước ngoài. Tôi học vào các buổi tối không có nhóm họp. Tôi bắt đầu yêu thích tiếng Pháp và càng ngày tôi càng thích. Điều này rất hữu ích vì tôi có thể giúp công việc dịch thuật ở chi nhánh Pháp. Với thời gian, tôi trở thành người dịch, từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Tôi thấy mình có đặc ân giúp các anh chị nói tiếng Pháp trên khắp thế giới có được đồ ăn thiêng liêng do lớp đầy tớ cung cấp.—Mat 24:45-47.

KẾT HÔN VÀ NHẬN THÊM ĐẶC ÂN

Vào năm 1956, tôi kết hôn với Esther, một tiên phong người Thụy Sĩ mà tôi đã gặp vài năm trước đó. Chúng tôi tổ chức hôn lễ ở Phòng Nước Trời (trước đây gọi là Đền tạm Luân Đôn, chỗ mẹ tôi làm báp-têm), kế bên nhà Bê-tên ở Luân Đôn. Anh Hughes làm bài giảng hôn lễ. Mẹ của Esther cũng có mặt và bà cũng có hy vọng lên trời. Hôn nhân không chỉ mang đến cho tôi người bạn đời đáng yêu và chung thủy, mà còn cho tôi nhiều thời gian quý báu để làm bạn với mẹ vợ, một người tốt và thành thục về thiêng liêng, cho đến khi bà kết thúc đời sống trên đất vào năm 2000.

Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi sống ở ngoài Bê-tên. Tôi thì vẫn tiếp tục công việc dịch thuật cho nhà Bê-tên, còn Esther làm tiên phong đặc biệt ở các vùng ngoại ô Paris. Vợ tôi đã giúp nhiều người trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Năm 1964, chúng tôi được mời vào Bê-tên. Vào năm 1976, khi mới có sự sắp đặt về việc thành lập Ủy ban chi nhánh, tôi được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban chi nhánh Pháp. Qua năm tháng, Esther luôn yêu thương kề vai sát cánh với tôi.

‘ANH EM KHÔNG CÓ TÔI MÃI ĐÂU’

Tôi có đặc ân là thỉnh thoảng trở lại trụ sở trung ương ở New York. Trong các cuộc viếng thăm này, tôi nhận được lời khuyên hữu ích từ các anh trong Hội đồng Lãnh đạo. Chẳng hạn, có lần tôi giãi bày mối lo lắng của mình về việc hoàn tất một công việc nào đó đúng thời hạn, anh Knorr mỉm cười nói: “Đừng lo, cứ làm đi!”. Từ đó trở đi, nhiều lần có công việc chồng chất, thay vì hoang mang, tôi bắt tay vào làm từng việc một và cuối cùng việc được hoàn tất, nhìn chung là đúng thời hạn.

Trước khi qua đời, Chúa Giê-su bảo các môn đồ: ‘Anh em không có tôi mãi đâu’ (Mat 26:11). Với tư cách là những chiên khác, chúng ta ý thức rằng anh em được xức dầu của Chúa Giê-su không ở mãi với chúng ta trên đất. Thế nên, tôi xem mình có đặc ân vô giá khi được kết hợp gần gũi với các tín đồ được xức dầu trong hơn 70 năm—tôi nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa với lòng biết ơn.

[Chú thích]

^ đ. 5 Để biết thêm về “Giô-na-đáp”, xin xem sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom), trang 83, 165, 166. Cũng xem Tháp Canh ngày 1-1-1998, trang 13, đoạn 5, 6.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Anh Knorr mỉm cười nói: “Đừng lo, cứ làm đi!”

[Các hình nơi trang 19]

(Bên trái) Cha mẹ tôi

(Bên phải) Tại trường Ga-la-át năm 1948, mặc áo choàng ấm áp mẹ tặng

[Hình nơi trang 20]

Thông dịch cho anh Lloyd Barry tại buổi lễ khánh thành chi nhánh Pháp, năm 1997

[Các hình nơi trang 21]

(Bên trái) Với Esther trong ngày cưới

(Bên phải) Đi rao giảng chung