Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có đang phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va?

Bạn có đang phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va?

Bạn có đang phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va?

“Chúng ta... như cái gương phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va”.—2 CÔ 3:18.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Dù trong tình trạng tội lỗi nhưng tại sao chúng ta có thể phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?

Làm sao việc cầu nguyện và tham dự nhóm họp giúp chúng ta phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?

Điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục tôn vinh Đức Giê-hô-va?

1, 2. Tại sao việc chúng ta có thể bắt chước những đức tính của Đức Giê-hô-va là điều hợp lý?

Tất cả chúng ta đều giống cha mẹ mình, dù ít hay nhiều. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi chúng ta nghe ai đó nói với một cậu bé: “Em giống cha như đúc”, hay một em gái được bảo rằng: “Nhìn em là biết mẹ em”. Trẻ em cũng thường bắt chước những gì chúng thấy nơi cha mẹ. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể bắt chước Cha trên trời là Đức Giê-hô-va không? Dù không thấy ngài nhưng chúng ta có thể biết được những đức tính tuyệt vời của ngài khi quan sát sự sáng tạo, học Kinh Thánh và suy ngẫm những gì được ghi trong đó, nhất là lời nói và việc làm của Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su (Giăng 1:18; Rô 1:20). Chúng ta có thể bắt chước các đức tính của Đức Giê-hô-va và qua đó phản chiếu sự vinh hiển của ngài.

2 Trước khi tạo ra A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời tin tưởng rằng loài người có thể thực hiện ý muốn của ngài, phản ánh các đức tính của ngài và mang đến sự vinh hiển cho ngài. (Đọc Sáng-thế Ký 1:26, 27). Là những người có đời sống tin kính, chúng ta nên thể hiện các đức tính của đấng tạo ra mình. Khi làm thế, chúng ta có đặc ân quý báu là được phản chiếu sự vinh hiển của ngài bất kể mình có chủng tộc, văn hóa hoặc trình độ học vấn nào. Tại sao? Vì “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận”.—Công 10:34, 35.

3. Khi phụng sự Đức Giê-hô-va, các tín đồ cảm thấy thế nào?

3 Các tín đồ được xức dầu phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô, bản thân là người được xức dầu, viết: “Tất cả chúng ta khi không có tấm khăn che mặt thì như cái gương phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, được biến đổi giống với hình ảnh của ngài, phản chiếu sự vinh hiển ngày càng nhiều” (2 Cô 3:18). Khi nhà tiên tri Môi-se mang các bảng đá khắc Mười Điều Răn từ trên núi Si-na-i đi xuống, gương mặt của ông sáng rực vì Đức Giê-hô-va đã nói chuyện với ông (Xuất 34:29, 30). Dù điều này không xảy ra với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô, nhưng họ vui mừng rạng rỡ khi được nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va, các đức tính của ngài cũng như ý định tuyệt diệu mà ngài dành cho nhân loại. Vì thế, như tấm gương kim loại được đánh bóng, các tín đồ được xức dầu và bạn đồng hành của họ là chiên khác phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va qua đời sống và thánh chức (2 Cô 4:1). Bạn có đang phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm tin kính và việc đều đặn rao giảng tin mừng về Nước Trời không?

CHÚNG TA MUỐN PHẢN CHIẾU SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

4, 5. (a) Như Phao-lô, chúng ta có sự đấu tranh nào? (b) Tội lỗi đã ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

4 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta muốn phản chiếu sự vinh hiển của ngài trong mọi khía cạnh của đời sống. Thế nhưng, dù trong lòng muốn làm điều đúng, chúng ta vẫn cứ làm điều sai. Chính Phao-lô đã đấu tranh với vấn đề này. (Đọc Rô-ma 7:21-25). Ông giải thích lý do chúng ta phải đấu tranh như thế là vì tất cả chúng ta đều phạm tội nên không thể phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời một cách hoàn hảo (Rô 3:23). Thật vậy, vì bị di truyền tội lỗi từ A-đam nên nhân loại trở thành nô lệ cho tội lỗi, là “vua” khắc nghiệt.—Rô 5:12; 6:12.

5 Tội lỗi là gì? Là bất cứ điều gì trái ngược với đức tính, đường lối, tiêu chuẩn và ý muốn của Đức Giê-hô-va. Tội lỗi gây hại cho mối quan hệ của một người với Đức Chúa Trời. Tội lỗi khiến chúng ta đi trật mục tiêu, giống như một thiện xạ bắn mũi tên trật mục tiêu. Một trường hợp phạm tội có thể do vô tình hoặc cố ý (Dân 15:27-31). Tội lỗi đã ăn sâu vào con người và trở thành một rào cản, ngăn cách họ với Đấng Tạo Hóa (Thi 51:5; Ê-sai 59:2; Cô 1:21). Thế nên, nhân loại nhìn chung thì xa cách Đức Giê-hô-va và đánh mất cơ hội vô giá là được phản chiếu sự vinh hiển của ngài. Chắc chắn, tội lỗi là căn bệnh đáng sợ nhất của con người.

6. Dù trong tình trạng tội lỗi, tại sao chúng ta có thể phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?

6 Dù chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn “ban hy vọng” cho chúng ta (Rô 15:13). Ngài cung cấp phương tiện để xóa bỏ tội lỗi, đó là sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Khi thể hiện đức tin nơi sự hy sinh ấy, chúng ta không còn “làm nô lệ cho tội lỗi” nữa, mà có thể phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va (Rô 5:19; 6:6; Giăng 3:16). Khi giữ gìn mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta được ngài ban phước ngay bây giờ, và trong tương lai sẽ sống mãi mãi trong tình trạng hoàn hảo. Dù chúng ta vẫn là người tội lỗi, nhưng Đức Chúa Trời tin tưởng rằng chúng ta có thể phản chiếu sự vinh hiển của ngài. Đây quả là một vinh dự lớn!

PHẢN CHIẾU SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

7. Muốn phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta phải thừa nhận điều gì?

7 Muốn phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta phải thành thật thừa nhận bản chất tội lỗi của mình (2 Sử 6:36). Để thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời, chúng ta cần thừa nhận là mình có những khuynh hướng tội lỗi và cố gắng kiểm soát chúng. Chẳng hạn, nếu phạm tội xem tài liệu khiêu dâm, chúng ta phải thừa nhận là mình cần sự giúp đỡ của các trưởng lão (Gia 5:14, 15). Xin họ giúp đỡ là bước đầu để chúng ta hướng đến một đời sống thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời. Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải luôn tự kiểm điểm, xem mình có đang làm theo tiêu chuẩn công chính của ngài không (Châm 28:18; 1 Cô 10:12). Dù khuynh hướng tội lỗi của mình là gì đi nữa, chúng ta phải tiếp tục kiểm soát chúng để có thể phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

8. Dù không hoàn hảo, nhưng chúng ta nên làm gì?

8 Chúa Giê-su là người duy nhất luôn làm vui lòng Đức Chúa Trời và phản chiếu sự vinh hiển của Cha một cách hoàn hảo. Dù không hoàn hảo như Chúa Giê-su nhưng chúng ta có thể và nên cố gắng noi gương ngài (1 Phi 2:21). Đức Giê-hô-va để ý đến nỗ lực và sự tiến bộ của chúng ta, và ngài ban phước cho chúng ta trong mọi nỗ lực để mang đến sự vinh hiển cho ngài.

9. Kinh Thánh đóng vai trò nào trong đời sống của các tín đồ muốn làm theo đòi hỏi của Đức Chúa Trời?

9 Lời của Đức Giê-hô-va có thể soi sáng để giúp chúng ta biết mình cần cải thiện điểm nào. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng và suy ngẫm Kinh Thánh là điều thiết yếu (Thi 1:1-3). Đọc Kinh Thánh mỗi ngày sẽ giúp chúng ta tiến bộ. (Đọc Gia-cơ 1:22-25). Sự hiểu biết về Kinh Thánh là nền tảng cho đức tin của chúng ta và có thể giúp chúng ta quyết tâm làm vui lòng Đức Giê-hô-va và tránh phạm tội trọng.—Thi 119:11, 47, 48.

10. Làm thế nào việc cầu nguyện có thể giúp chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn?

10 Để phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần “kiên trì cầu nguyện” (Rô 12:12). Chúng ta nên cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta phụng sự theo cách ngài chấp nhận. Để làm được điều này, chúng ta có thể cầu xin ngài ban thần khí, cho thêm đức tin, sức mạnh để kháng cự cám dỗ và khả năng “giảng dạy lời chân thật của ngài một cách đúng đắn” (2 Ti 2:15; Mat 6:13; Lu 11:13; 17:5). Như một đứa bé nương cậy cha mình, chúng ta cần nương cậy Cha trên trời là Đức Giê-hô-va. Nếu cầu xin ngài giúp để chúng ta phụng sự trọn vẹn hơn thì chắc chắn ngài sẽ đáp lời. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình làm phiền ngài! Thay vì thế, qua lời cầu nguyện chúng ta hãy ca ngợi, cảm tạ ngài và xin ngài hướng dẫn, đặc biệt trong lúc gặp thử thách. Cũng hãy cầu xin ngài giúp chúng ta phụng sự ngài sao cho danh thánh của ngài được tôn vinh.—Thi 86:12; Gia 1:5-7.

11. Làm thế nào các buổi nhóm họp giúp chúng ta phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?

11 Đức Chúa Trời đã giao phó bầy chiên quý giá của ngài cho “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” chăm sóc (Mat 24:45-47; Thi 100:3). Lớp người này rất muốn giúp chúng ta phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Một cách họ làm là qua các buổi nhóm họp. Các buổi nhóm họp giúp chúng ta điều chỉnh lối sống và cải thiện phẩm chất của người tín đồ, giống như một thợ may chỉnh sửa quần áo của chúng ta và làm cho chúng ta trông nhã nhặn hơn (Hê 10:24, 25). Cho nên, chúng ta hãy đến đúng giờ, vì nếu thường đến trễ, chúng ta sẽ mất nhiều cơ hội được “chỉnh sửa” về thiêng liêng, là điều cần thiết để phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va tốt hơn.

HÃY BẮT CHƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI

12. Làm sao chúng ta có thể bắt chước Đức Chúa Trời?

12 Nếu muốn phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải “bắt chước ngài” (Ê-phê 5:1). Một cách để bắt chước ngài là có cùng quan điểm với ngài về các vấn đề. Nếu không có cùng quan điểm với ngài, chúng ta sẽ làm ô danh ngài cũng như gây hại cho chính mình. Vì sống trong thế gian dưới ảnh hưởng của Kẻ Ác, tức Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, chúng ta phải tập ghét những gì Đức Giê-hô-va ghét và yêu mến những gì ngài yêu mến (Thi 97:10; 1 Giăng 5:19). Hãy hết lòng tin chắc rằng chỉ có một cách đúng đắn duy nhất để phụng sự Đức Chúa Trời là làm mọi việc vì sự vinh hiển của ngài.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:31.

13. Tại sao phải ghét tội lỗi? Khi ghét tội lỗi, chúng ta sẽ làm gì?

13 Đức Giê-hô-va ghét tội lỗi và chúng ta cũng nên làm thế. Thật vậy, nếu ghét tội lỗi, chúng ta sẽ tránh càng xa càng tốt bất cứ điều gì có thể khiến mình phạm tội. Chẳng hạn, chúng ta cần đề phòng sự bội đạo, một tội khiến chúng ta không đủ tư cách để tôn vinh Đức Chúa Trời (Phục 13:6-9). Thế nên, chúng ta phải tránh xa kẻ bội đạo hay bất cứ người nào xưng là anh em nhưng lại làm ô danh Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải làm thế cho dù người ấy là thành viên trong gia đình (1 Cô 5:11). Việc cố bác bỏ lý lẽ của kẻ bội đạo hoặc những người chỉ trích tổ chức của Đức Giê-hô-va không mang lại lợi ích gì. Xem các tài liệu của họ, dù trong sách báo hay trên Internet, là điều không đúng và gây nguy hại về thiêng liêng.—Đọc Ê-sai 5:20; Ma-thi-ơ 7:6.

14. Chúng ta nên thể hiện đức tính chính yếu nào khi cố gắng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và tại sao?

14 Thể hiện tình yêu thương là một trong những cách chính yếu để bắt chước Cha trên trời (1 Giăng 4:16-19). Tình yêu thương trong vòng dân sự Đức Chúa Trời là dấu hiệu cho thấy chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-su và là tôi tớ của Đức Giê-hô-va (Giăng 13:34, 35). Tình trạng tội lỗi đôi lúc khiến chúng ta khó thể hiện tình yêu thương. Dù vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng thể hiện đức tính này vào mọi lúc. Vun đắp tình yêu thương và các đức tính tin kính khác sẽ giúp chúng ta không làm những điều thiếu tử tế và sai trái.—2 Phi 1:5-7.

15. Làm thế nào tình yêu thương ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với người khác?

15 Tình yêu thương thôi thúc chúng ta muốn làm việc lành cho người khác (Rô 13:8-10). Chẳng hạn, tình yêu thương giữa vợ chồng sẽ giúp họ luôn chung thủy với nhau. Tình yêu thương đối với trưởng lão và lòng tôn trọng công việc của họ sẽ giúp chúng ta vâng lời cũng như làm theo sự hướng dẫn của các anh. Con cái yêu thương cha mẹ sẽ vâng lời, kính trọng và không nói xấu cha mẹ. Nếu yêu thương người đồng loại, chúng ta sẽ không xem họ thấp kém hơn mình hoặc nói vô lễ với họ (Gia 3:9). Còn những trưởng lão yêu thương bầy của Đức Chúa Trời sẽ đối xử với chiên cách trìu mến.—Công 20:28, 29.

16. Tình yêu thương giúp chúng ta thế nào trong thánh chức?

16 Tình yêu thương cũng là yếu tố quan trọng trong thánh chức. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm nên chúng ta không nản lòng mà tiếp tục rao giảng tin mừng, dù một số chủ nhà thờ ơ hoặc thoái thác. Tình yêu thương sẽ thôi thúc chúng ta chuẩn bị kỹ và cố gắng sao cho hữu hiệu trong thánh chức. Nếu thật sự yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận, chúng ta sẽ không chỉ xem công việc rao giảng là một trách nhiệm mà còn xem đó là một đặc ân và vui mừng thực thi.—Mat 10:7.

TIẾP TỤC TÔN VINH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17. Tại sao việc thừa nhận bản chất tội lỗi giúp ích cho chúng ta?

17 Khác với phần đông người trong thế gian, chúng ta hiểu được mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Vì thế, chúng ta ý thức mình phải kháng cự khuynh hướng tội lỗi. Thừa nhận bản chất tội lỗi sẽ giúp chúng ta uốn nắn lương tâm mình. Một lương tâm được rèn luyện sẽ thôi thúc chúng ta loại bỏ ngay những ham muốn sai trái bắt đầu nảy sinh (Rô 7:22, 23). Đúng là chúng ta yếu đuối, nhưng Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta mạnh mẽ để làm điều phải trong mọi hoàn cảnh.—2 Cô 12:10.

18, 19. (a) Điều gì có thể giúp chúng ta chiến thắng các thế lực ác thần? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

18 Nếu muốn tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng phải kháng cự lại các thế lực ác thần. Bộ khí giới thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban sẽ giúp chúng ta chiến thắng (Ê-phê 6:11-13). Sa-tan không ngừng cố gắng đoạt lấy sự vinh hiển mà chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng nhận được. Kẻ Quỷ Quyệt cũng luôn ra sức phá hủy mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Quả là một thất bại cho Sa-tan khi chúng ta cùng hàng triệu người bất toàn khác, gồm nam, nữ và trẻ em, giữ lòng trung kiên và tôn vinh Đức Chúa Trời! Thế nên, chúng ta hãy tiếp tục ngợi khen Đức Giê-hô-va, như các tạo vật thần linh trên trời đã thốt lên: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng con, ngài xứng đáng nhận sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng, vì ngài đã tạo nên muôn vật, và bởi ý muốn ngài mà muôn vật hiện hữu và được tạo nên”.—Khải 4:11.

19 Mong sao chúng ta quyết tâm tiếp tục tôn vinh Đức Giê-hô-va cho dù có chuyện gì xảy ra. Chắc chắn, ngài vui mừng khi thấy rất nhiều người trung thành đang cố gắng hết sức để bắt chước ngài và phản chiếu sự vinh hiển của ngài (Châm 27:11). Mong sao chúng ta có đồng tâm tình với Đa-vít. Ông hát: “Hỡi Chúa, là Đức Chúa Trời tôi, tôi hết lòng ngợi-khen Chúa, tôn-vinh danh Chúa đến mãi mãi” (Thi 86:12). Chúng ta mong đợi đến ngày mình sẽ phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cách hoàn hảo và có thể ca ngợi ngài mãi mãi. Nhân loại biết vâng lời sẽ cảm nghiệm niềm vui mừng đó. Vậy, bạn có đang phản chiếu sự vinh hiển của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngay bây giờ và hy vọng sẽ làm thế mãi mãi không?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 27]

Bạn có đang phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va qua những cách này không?