Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy coi chừng men của người Pha-ri-si”

“Hãy coi chừng men của người Pha-ri-si”

“Hãy coi chừng men của người Pha-ri-si”

Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Hãy coi chừng men của người Pha-ri-si, đó là sự giả hình” (Lu 12:1). Một lời tường thuật khác về cùng sự kiện cho thấy rõ Chúa Giê-su muốn lên án “lời dạy” của người Pha-ri-si.—Mat 16:12.

Đôi khi Kinh Thánh dùng “men” để tượng trưng cho sự bại hoại. Chắc chắn, cả lời dạy và thái độ của người Pha-ri-si ảnh hưởng tai hại đến người nghe. Tại sao lời dạy của người Pha-ri-si lại nguy hiểm?

1 Người Pha-ri-si tự hào rằng mình là công chính, và họ khinh dể thường dân.

Chúa Giê-su nói đến thái độ này trong một dụ ngôn của ngài. Ngài nói: “Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm rằng: ‘Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn ngài vì con không như người khác, tống tiền, tội lỗi, ngoại tình, cũng không như tên thu thuế kia. Con kiêng ăn một tuần hai lần và nộp một phần mười mọi thứ con kiếm được’. Còn người thu thuế đang đứng đằng xa thì thậm chí không dám ngước mắt lên trời, nhưng cứ đấm ngực mà nói: ‘Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’”.—Lu 18:11-13.

Chúa Giê-su khen người thu thuế vì có thái độ khiêm nhường. Ngài nói: “Tôi nói với anh em: Người này trở về nhà được xem là công chính hơn [người Pha-ri-si]; vì ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lu 18:14). Dù những người thu thuế có tiếng là không trung thực nhưng Chúa Giê-su muốn giúp những ai trong số họ lắng nghe ngài. Ít nhất hai người thu thuế là Ma-thi-ơ và Xa-ki-ơ đã trở thành môn đồ ngài.

Nói sao nếu chúng ta cho rằng mình hơn người khác vì được Đức Chúa Trời ban cho khả năng hay đặc ân, hoặc vì thấy người khác có điểm yếu và sai sót? Nếu vậy, chúng ta cần nhanh chóng loại bỏ những suy nghĩ như thế. Kinh Thánh nói: “Người có tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế. Người có tình yêu thương thì không ghen tị, không khoe khoang, không tự cao, không cư xử khiếm nhã, không tìm lợi riêng, không dễ nổi giận, không ghi nhớ điều gây tổn thương. Người có tình yêu thương thì không vui mừng trước sự bất chính [“không vui khi người khác phạm tội”, The New English Bible], nhưng vui mừng trước sự thật”.—1 Cô 13:4-6.

Chúng ta nên có thái độ giống như sứ đồ Phao-lô. Sau khi đề cập đến việc “Đấng Ki-tô Giê-su đã đến thế gian để cứu những kẻ tội lỗi”, ông nói thêm: “Trong số đó ta là kẻ đứng đầu”.—1 Ti 1:15.

Câu hỏi để suy ngẫm:

Tôi có nhận ra mình là một người tội lỗi và sự cứu rỗi của mình tùy thuộc vào lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va không? Hay tôi có xem việc trung thành phụng sự lâu năm, những đặc ân trong tổ chức hay khả năng bẩm sinh là những điều cho thấy mình hơn người khác không?

2 Người Pha-ri-si làm điều lành trước mặt người khác để tỏ vẻ mình là công chính. Họ ham muốn địa vị và tước vị nổi trội.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảnh báo: “Họ làm việc gì cũng để cho người ta thấy, bởi vậy họ đeo hộp kinh lớn hơn và mặc áo có tua dài hơn. Họ thích ngồi ở chỗ đầu trong bữa tiệc và ở hàng ghế đầu trong nhà hội; họ ưa được người ta chào hỏi ở chợ và gọi mình là Ráp-bi” (Mat 23:5-7). Thái độ của Chúa Giê-su thì hoàn toàn ngược lại với họ. Dù là Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời, ngài rất khiêm nhường. Khi một người gọi Chúa Giê-su là “tốt lành”, ngài nói: “Sao anh gọi tôi là tốt lành? Không ai là tốt lành, ngoại trừ Đức Chúa Trời” (Mác 10:18). Một dịp khác, Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đồ, qua cách này, ngài nêu gương cho họ về tính khiêm nhường.—Giăng 13:1-15.

Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính nên phục vụ anh em đồng đạo (Ga 5:13). Những anh muốn hội đủ điều kiện làm giám thị trong hội thánh càng nên làm thế. “Vươn tới trách nhiệm giám thị” là điều đáng khen, nhưng mục tiêu này nên xuất phát từ ước muốn giúp đỡ người khác. Đây là “trách nhiệm” chứ không phải “quyền cao chức trọng”. Những anh làm giám thị cần có “lòng khiêm nhường” như Chúa Giê-su.—1 Ti 3:1, 6; Mat 11:29.

Câu hỏi để suy ngẫm:

Tôi có khuynh hướng lấy lòng những anh có trách nhiệm trong hội thánh, có lẽ hy vọng nhận được vị thế hoặc thêm đặc ân không? Trong sự thờ phượng, tôi có thường chọn làm những việc mà tôi nghĩ sẽ khiến người khác chú ý và khen mình không? Tôi có đang cố gắng tỏa sáng trước người khác không?

3 Luật lệ và truyền thống của người Pha-ri-si đã khiến Luật pháp trở thành gánh nặng cho dân chúng.

Luật pháp Môi-se là khuôn mẫu để dân Y-sơ-ra-ên biết cách thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, Luật này không đưa ra những quy định quá chi tiết. Chẳng hạn, Luật pháp cấm làm việc trong ngày Sa-bát nhưng không nói rõ công việc cụ thể là gì (Xuất 20:10). Người Pha-ri-si cho rằng Luật pháp có kẽ hở và tìm cách lấp các kẽ hở đó bằng các điều luật, quy định và truyền thống của họ. Chúa Giê-su không làm theo những luật lệ tùy tiện ấy nhưng ngài vâng giữ Luật pháp Môi-se (Mat 5:17, 18; 23:23). Chúa Giê-su không chỉ hiểu những điều luật ghi trên giấy, ngài còn hiểu tinh thần nằm sau Luật pháp và việc cần phải có lòng thương xót và trắc ẩn. Chúa Giê-su luôn phải lẽ, ngay cả khi các môn đồ làm ngài thất vọng. Thí dụ, dù ngài đã khuyên ba sứ đồ tỉnh táo và thức canh vào đêm ngài bị bắt, nhưng họ vẫn ngủ gật nhiều lần. Dù vậy, ngài tỏ lòng thông cảm khi nói: “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối”.—Mác 14:34-42.

Câu hỏi để suy ngẫm:

Tôi có đặt ra luật lệ tùy tiện, cứng nhắc hoặc biến quan điểm riêng của mình thành điều luật không? Tôi có phải lẽ và không đòi hỏi quá nhiều nơi người khác không?

Hãy suy ngẫm sự khác biệt giữa lời dạy của Chúa Giê-su và của người Pha-ri-si. Bạn có thấy những điểm mà mình cần cải thiện không? Nếu có, sao không quyết tâm làm thế?

[Hình nơi trang 28]

Người Pha-ri-si đeo những hộp kinh.—Mat 23:2, 5

[Các hình nơi trang 29]

Khác với người Pha-ri-si kiêu ngạo, những trưởng lão khiêm nhường phục vụ người khác

[Hình nơi trang 30]

Như Chúa Giê-su, bạn có phải lẽ và không đòi hỏi quá nhiều nơi người khác không?