Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tự truyện

Tôi thích đến gần những anh chị thành thục, lớn tuổi

Tôi thích đến gần những anh chị thành thục, lớn tuổi

Do chị Elva Gjerde kể lại

Khoảng 70 năm trước, có người khách đến thăm nhà của chúng tôi và cho cha tôi một lời gợi ý. Lời ấy đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Kể từ ngày quan trọng đó, cũng có những người khác tác động đến đời sống của tôi. Trong thời gian ấy, tôi hưởng được một tình bạn quý hơn bất cứ điều gì khác. Hãy để tôi giải thích.

Tôi sinh ra năm 1932, ở Sydney, Úc. Cha mẹ tôi tin nơi Đức Chúa Trời nhưng họ không đi nhà thờ. Mẹ dạy tôi rằng Đức Chúa Trời luôn theo dõi và sẵn sàng trừng phạt nếu tôi ngỗ nghịch. Điều này khiến tôi sợ Đức Chúa Trời. Dù thế, tôi rất thích Kinh Thánh. Mỗi cuối tuần, dì tôi đến thăm và kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị trong Kinh Thánh. Tôi luôn mong chờ đến ngày được gặp dì.

Khi tôi ở tuổi thanh thiếu niên, cha tôi đọc một bộ sách mà mẹ nhận được từ người phụ nữ lớn tuổi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha tôi rất ấn tượng với những gì đọc được trong các ấn phẩm ấy đến nỗi ông đồng ý học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Vào một buổi tối, trong khi học Kinh Thánh, cha bắt quả tang tôi đang nghe lén. Ông bảo tôi đi ngủ, nhưng vị khách nói: “Anh để cho Elva ngồi học chung được không?”. Lời gợi ý đó đã đánh dấu sự khởi đầu lối sống mới của tôi và tình bạn của tôi với Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va.

Không lâu sau đó, cha con tôi bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Những điều học được thôi thúc cha thay đổi đời sống. Thậm chí, ông còn kiềm chế được tính nóng nảy. Điều này thúc đẩy mẹ và anh trai tôi là Frank bắt đầu tham dự nhóm họp *. Cả bốn người chúng tôi tiến bộ và sau đó làm báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Kể từ đấy, nhiều anh chị lớn tuổi ảnh hưởng tích cực đến tôi trong mỗi chặng đường đời.

KHI CHỌN CÔNG VIỆC

Khi còn ở tuổi thanh thiếu niên, tôi thích đến gần các anh chị lớn tuổi trong hội thánh. Trong số đó có chị Alice Place, người đầu tiên rao giảng cho gia đình tôi. Chị như là người bà của tôi. Chị Alice đã huấn luyện tôi trong thánh chức và khuyến khích tôi vươn tới mục tiêu làm báp-têm. Tôi đạt được mục tiêu này năm 15 tuổi.

Tôi cũng đã thích đến gần một cặp vợ chồng lớn tuổi là anh Percy và chị Madge [Margaret] Dunham. Việc kết hợp với họ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của tôi. Lúc ấy, tôi yêu thích toán học và luôn ao ước được dạy môn này. Anh Percy và chị Madge đã phụng sự với tư cách là giáo sĩ ở Latvia vào thập niên 1930. Khi Thế Chiến II nổ ra ở châu Âu, họ được mời vào làm việc tại nhà Bê-tên Úc, tọa lạc trong vùng ngoại ô của Sydney. Anh Percy và chị Madge rất quan tâm đến tôi. Họ kể nhiều kinh nghiệm thú vị trong công việc giáo sĩ. Nhờ thế, tôi thấy rõ rằng việc dạy Kinh Thánh thỏa nguyện hơn việc dạy toán rất nhiều. Vì vậy, tôi quyết tâm trở thành giáo sĩ.

Anh chị Dunham khuyến khích tôi làm tiên phong để vươn tới công việc giáo sĩ. Trong hội thánh tại quê tôi ở Hurstville, Sydney, có 10 người trẻ đang vui thích trong công việc tiên phong. Năm 1948, khi 16 tuổi, tôi gia nhập hàng ngũ tiên phong cùng họ.

Trong vòng bốn năm, tôi làm tiên phong tại bốn thị trấn khác, tất cả đều thuộc bang New South Wales và Queensland. Một trong những học viên Kinh Thánh đầu tiên của tôi là Betty Law (hiện là Betty Remnant). Betty là một cô gái ân cần, lớn hơn tôi hai tuổi. Sau này, cô trở thành bạn cùng làm tiên phong với tôi ở Cowra, một thị trấn cách Sydney khoảng 230km về phía tây. Dù chỉ cùng làm tiên phong trong một thời gian ngắn, nhưng cho đến nay, tôi và Betty vẫn là bạn tốt của nhau.

Tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt và được phái đến Narrandera, một thị trấn cách Cowra 220km về phía tây nam. Bạn đồng hành mới của tôi là chị Joy Lennox (hiện là Joy Hunter), một tiên phong sốt sắng, cũng lớn hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi là những Nhân Chứng duy nhất trong thị trấn này. Tôi và chị Joy thuê phòng của một cặp vợ chồng hiếu khách là anh Ray và chị Esther Irons. Họ cùng với con trai và ba con gái chú ý đến sự thật Kinh Thánh. Trong tuần, anh Ray và con trai làm việc trên trang trại nuôi cừu và trồng lúa mì bên ngoài thị trấn, còn chị Esther và các con gái thì ở nhà quản lý nhà trọ. Chủ nhật nào tôi và chị Joy cũng làm món thịt nướng cho gia đình anh Ray và khoảng 12 khách trọ—tất cả đều là công nhân đường sắt đói bụng. Nhờ việc này, chúng tôi trả tiền thuê phòng ít hơn. Sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi đãi gia đình anh Ray một bữa ăn thiêng liêng bổ dưỡng—buổi học Tháp Canh hằng tuần. Anh Ray, chị Esther và bốn con của họ trở thành người thờ phượng Đức Chúa Trời và là những thành viên đầu tiên của hội thánh Narrandera.

Năm 1951, tôi tham dự hội nghị địa hạt của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Sydney. Tại đó, tôi tham dự một buổi họp đặc biệt dành cho những người tiên phong muốn làm giáo sĩ. Buổi họp đó được tổ chức trong một lều lớn và có hơn 300 người tham dự. Trong buổi họp này, anh Nathan Knorr từ Bê-tên Brooklyn giải thích rõ tầm quan trọng của việc cấp bách rao truyền tin mừng ra khắp đất. Chúng tôi chú ý đến từng lời anh nói. Sau này, nhiều anh chị tham dự buổi họp đó đã mở rộng công việc Nước Trời ở Nam Thái Bình Dương và những vùng khác. Tôi rất vui sướng vì mình nằm trong số 17 anh chị người Úc được mời tham dự khóa thứ 19 của Trường Ga-la-át vào năm 1952. Chỉ mới 20 tuổi, mơ ước làm giáo sĩ của tôi đã trở thành hiện thực!

KHI CẦN ĐIỀU CHỈNH

Sự dạy dỗ trong Trường Ga-la-át và việc kết hợp với mọi người ở đây không chỉ giúp tôi gia tăng sự hiểu biết về Kinh Thánh và củng cố đức tin, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của tôi. Vì còn trẻ và thiếu thực tế nên tôi có khuynh hướng đòi hỏi mình cũng như người khác phải hoàn hảo. Một số quan điểm của tôi quá khắt khe. Chẳng hạn, khi nhìn thấy anh Knorr chơi banh với một nhóm thành viên trẻ của nhà Bê-tên, tôi đã bị sốc.

Các giảng viên Trường Ga-la-át đều là những anh thông sáng và có nhiều năm kinh nghiệm. Chắc là thấy tôi cần sự giúp đỡ nên họ quan tâm và giúp tôi điều chỉnh lối suy nghĩ. Dần dần, tôi bắt đầu thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương và đầy ân nghĩa, chứ không phải một đấng khắt khe và đòi hỏi quá nhiều. Một số học viên cùng khóa cũng giúp đỡ tôi. Tôi nhớ là một người trong số họ đã nói: “Elva, Đức Giê-hô-va không dùng roi đâu. Đừng quá khắt khe với chính mình!”. Những lời thẳng thắn ấy đã động đến lòng tôi.

Sau khi tốt nghiệp, tôi và bốn học viên khác được bổ nhiệm đến Namibia, châu Phi. Chẳng bao lâu, chúng tôi hướng dẫn 80 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Tôi rất yêu thích Namibia và đời sống giáo sĩ, nhưng tôi phải lòng một anh học cùng khóa tại Trường Ga-la-át, người đã được bổ nhiệm đến Thụy Sĩ. Sau một năm ở Namibia, tôi chuyển đến Thụy Sĩ để phụng sự cùng chồng sắp cưới. Sau khi cưới nhau, tôi đi cùng với chồng làm việc vòng quanh.

KHI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH

Sau 5 năm vui thích với công việc vòng quanh, chúng tôi được mời vào phụng sự tại nhà Bê-tên Thụy Sĩ. Tại đây, tôi rất vui vì xung quanh mình có nhiều anh chị lớn tuổi và thành thục về thiêng liêng.

Không lâu sau đó, tôi bị một cú sốc khủng khiếp. Tôi phát hiện chồng tôi đã phản bội tôi và Đức Giê-hô-va. Rồi anh ấy bỏ tôi. Tinh thần tôi hoàn toàn suy sụp! Tôi không biết mình sẽ đối phó với vấn đề ra sao nếu không có tình yêu thương và sự giúp đỡ của những người bạn lớn tuổi, thân thương trong gia đình Bê-tên. Họ lắng nghe mỗi khi tôi cần tâm sự, để cho tôi nghỉ ngơi mỗi khi cần. Những lời an ủi và hành động nhân từ của họ đã trợ giúp tôi chịu đựng nỗi đau không diễn tả được và giúp tôi càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

Tôi cũng nhớ những lời của các anh chị lớn tuổi từ nhiều năm trước. Những người có kinh nghiệm này từng để cho thử thách rèn luyện mình. Trong đó có lời của chị Madge Dunham. Một lần, chị nói với tôi: “Elva, trong cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va, em sẽ gặp nhiều thử thách, nhưng những thử thách khó khăn nhất có thể sẽ đến từ người thân cận của mình. Khi gặp thử thách, hãy đến gần Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ là em phụng sự ngài, chứ không phải loài người bất toàn!”. Lời khuyên của chị Madge đã khích lệ tôi trong những giai đoạn đen tối của cuộc đời. Tôi quyết tâm không để những lỗi lầm của chồng khiến mình xa rời Đức Giê-hô-va.

Cuối cùng, tôi quyết định trở về Úc làm tiên phong để gần gia đình hơn. Trong chuyến trở về nhà bằng đường biển, tôi đã có nhiều cuộc thảo luận về Kinh Thánh rất thú vị với một nhóm hành khách. Trong nhóm có một người đàn ông trầm lặng người Na Uy, tên là Arne Gjerde. Anh thích những điều mình được nghe. Sau đó, anh Arne đến thăm tôi và gia đình ở Sydney. Anh tiến bộ nhanh về thiêng liêng và làm báp-têm. Vào năm 1963, tôi và anh Arne cưới nhau, và hai năm sau đó, tôi sinh bé trai, tên là Gary.

KHI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỬ THÁCH KHÁC

Vợ chồng tôi cùng Gary sống thỏa nguyện trong một gia đình hạnh phúc. Chẳng bao lâu, anh Arne nới rộng nhà ra để mời cha mẹ tôi về ở chung. Tuy nhiên, sau khi kết hôn được sáu năm, chúng tôi bị một cú sốc khác. Anh Arne được chẩn đoán là bị ung thư não. Mỗi ngày, tôi đến bệnh viện thăm anh khi anh trải qua một đợt xạ trị kéo dài. Trong thời gian ngắn, sức khỏe của anh tốt hơn, nhưng rồi tình trạng của anh lại xấu đi và anh bị đột quỵ. Bác sĩ nói anh chỉ còn sống được vài tuần nữa thôi. Thế nhưng, anh Arne đã vượt qua. Cuối cùng, anh được về nhà. Tôi chăm sóc tốt cho anh và anh dần bình phục. Với thời gian, anh có thể đi đứng trở lại và tiếp tục làm trưởng lão. Tính tình vui vẻ, khôi hài của anh đã góp phần giúp anh bình phục cũng như giúp tôi chăm sóc anh dễ dàng hơn.

Nhiều năm sau, vào năm 1986, tình trạng của anh Arne suy yếu trở lại. Lúc đó, cha mẹ tôi đã qua đời, chúng tôi chuyển đến sống tại Blue Mountains, vùng ngoại ô xinh đẹp thuộc Sydney, ở đây thì chúng tôi gần bạn bè hơn. Sau đó, Gary lấy một chị thiêng liêng tính và đáng yêu là Karin. Gary và Karin đề nghị bốn người ở chung một nhà. Vài tháng sau, cả nhà chúng tôi chuyển đến sống chung trong một nhà, chỉ cách chỗ ở cũ của vợ chồng tôi vài con đường.

Trong 18 tháng cuối đời, anh Arne nằm liệt giường và cần được chăm sóc thường xuyên. Vì hầu hết thời gian là tôi ở nhà, nên tôi dành hai tiếng mỗi ngày để học Kinh Thánh và các ấn phẩm. Trong những buổi học hỏi, tôi tìm được lời khuyên khôn ngoan để đối phó với nghịch cảnh của mình. Tôi cũng được các anh chị lớn tuổi thân thương trong hội thánh đến thăm, trong đó có một số người từng trải qua thử thách giống tôi. Những cuộc viếng thăm của họ thật sự giúp tôi lên tinh thần! Anh Arne qua đời vào tháng 4 năm 2003, anh luôn vững tin vào sự sống lại.

SỰ TRỢ GIÚP LỚN NHẤT

Khi còn trẻ, tôi thiếu thực tế. Nhưng tôi nhận ra rằng đời sống hiếm khi xảy ra đúng như mình mong đợi. Tôi đã cảm nghiệm được vô vàn ân phước và cũng trải qua hai thảm kịch, đó là bị một bạn đời phản bội, còn người thứ hai qua đời vì mắc bệnh. Trong suốt thời gian đó, tôi nhận được sự hướng dẫn và an ủi từ nhiều nguồn. Nhưng nguồn trợ giúp lớn nhất đối với tôi là “Đấng Thượng-cổ”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Đa 7:9). Lời khuyên của ngài đã uốn nắn nhân cách tôi và giúp tôi có được những kinh nghiệm thỏa lòng trong công việc giáo sĩ. Khi gặp vấn đề, ‘sự nhân-từ của Đức Giê-hô-va nâng-đỡ tôi và sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi’ (Thi 94:18, 19). Tôi cũng hưởng được tình yêu thương và sự trợ giúp của gia đình và ‘những bằng-hữu sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn’ (Châm 17:17). Nhiều người trong số đó là những anh chị thành thục, lớn tuổi.

Tộc trưởng Gióp nói: “Người già-cả có sự khôn-ngoan, kẻ hưởng trường-thọ được điều thông-sáng” (Gióp 12:12). Nhìn lại cuộc đời mình, tôi hoàn toàn đồng ý với những lời đó. Lời khuyên của những anh chị lớn tuổi, khôn ngoan đã giúp đỡ tôi, sự an ủi của họ thêm sức cho tôi và tình bạn của họ làm cho đời sống tôi thêm phong phú. Tôi rất biết ơn vì được đến gần họ.

Giờ đây, ở tuổi 80, tôi cũng là người lớn tuổi. Những trải nghiệm trong đời khiến tôi nhạy cảm trước nhu cầu của các anh chị lớn tuổi khác. Tôi vẫn thích đến thăm và giúp đỡ họ. Tôi cũng thích kết hợp với những người trẻ. Nghị lực và lòng nhiệt huyết của các em là nguồn khích lệ cho tôi. Tôi cảm thấy rất vui khi có thể giúp những người trẻ đến nhờ tôi hướng dẫn và hỗ trợ.

[Chú thích]

^ đ. 7 Anh trai của Elva, Frank Lambert, đã là tiên phong sốt sắng tại vùng xa xôi hẻo lánh của Úc. Trong sách Niên giám 1983 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ), nơi trang 110-112 kể lại một trong nhiều chuyến rao giảng thú vị của anh.

[Hình nơi trang 14]

Làm tiên phong cùng chị Joy Lennox ở Narrandera

[Hình nơi trang 15]

Chị Elva cùng những thành viên trong gia đình Bê-tên Thụy Sĩ, năm 1960

[Hình nơi trang 16]

Chăm sóc anh Arne khi anh bị bệnh