Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin cậy Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”

Tin cậy Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”

Tin cậy Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”

“Chính Ngài thay-đổi thì-giờ và mùa, bỏ và lập các vua”.—ĐA 2:21.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Làm thế nào sự sáng tạo và các lời tiên tri được ứng nghiệm cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại?

Khi biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”, chúng ta được thôi thúc làm gì?

Tại sao lịch trình của Đức Giê-hô-va không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện trên thế giới và kế hoạch của con người?

1, 2. Tại sao có thể nói Đức Giê-hô-va biết rõ về thời gian?

Từ rất lâu trước khi tạo nên con người, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã sắm sẵn những phương tiện để đo thời gian. Vào ngày sáng tạo thứ tư, Đức Chúa Trời phán: “Phải có các vì sáng trong khoảng-không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì-tiết, ngày và năm” (Sáng 1:14, 19, 26). Tất nhiên, điều này đã xảy ra đúng theo ý muốn ngài.

2 Dù vậy, đến nay các nhà khoa học vẫn tranh luận về bản chất của thời gian. Một từ điển bách khoa nhận xét: “Thời gian là một trong những bí ẩn lớn nhất trên thế giới. Không ai có thể nói chính xác nó là gì”. Nhưng Đức Giê-hô-va thì biết rõ về thời gian. Điều này thật dễ hiểu, vì ngài là “Đấng đã dựng nên các từng trời... đã tạo-thành đất và làm ra nó”. Đức Giê-hô-va cũng “rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên” (Ê-sai 45:18; 46:10). Để củng cố đức tin nơi ngài và Lời ngài là Kinh Thánh, chúng ta hãy xem xét làm sao sự sáng tạo và các lời tiên tri được ứng nghiệm chứng tỏ Đức Giê-hô-va là Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại.

SỰ SÁNG TẠO CỦNG CỐ ĐỨC TIN NƠI ĐẤNG ẤN ĐỊNH THÌ GIỜ VĨ ĐẠI

3. Ví dụ nào cho thấy thời gian được ấn định một cách chính xác trong thế giới vật chất?

3 Thời gian được ấn định một cách chính xác trong thế giới vật chất, ở cả phạm vi nhỏ và lớn. Chẳng hạn, nguyên tử dao động với tần số nhất định; các đồng hồ chuẩn quốc tế dựa vào dao động nguyên tử thì cực kỳ chính xác, sau 80 triệu năm mới chênh lệch một giây. Còn các thiên thể di chuyển một cách trật tự và chính xác về thời gian, nên từ lâu loài người đã dùng vị trí của chúng để xác định mùa và phương hướng. Đức Giê-hô-va, đấng đã tạo ra các “đồng hồ” chính xác ấy, quả có “quyền-năng... rất cao” và đáng cho chúng ta ngợi khen.—Đọc Ê-sai 40:26.

4. Độ chính xác về thời gian trong thế giới sinh học phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời như thế nào?

4 Độ chính xác về thời gian cũng được thấy trong thế giới sinh học. Nhiều động vật và thực vật hoạt động theo đồng hồ sinh học. Ví dụ, nhiều loài chim tự biết thời điểm di trú (Giê 8:7). Con người cũng có đồng hồ sinh học, những đồng hồ này thường được điều tiết bởi chu kỳ 24 giờ của ngày và đêm. Sau một chuyến bay đi qua nhiều múi giờ, thường cơ thể của hành khách cần vài ngày để chỉnh lại đồng hồ sinh học. Thật vậy, cách thời gian được ấn định trong sự sáng tạo chứng tỏ quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”. (Đọc Thi-thiên 104:24). Rõ ràng, Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại là toàn năng và khôn ngoan tột bậc. Chúng ta có thể tin chắc rằng ngài có khả năng thực hiện điều ngài muốn!

CÁC LỜI TIÊN TRI ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM ĐÚNG THỜI ĐIỂM GIÚP CỦNG CỐ ĐỨC TIN

5. (a) Chúng ta chỉ có thể biết về tương lai của nhân loại qua cách duy nhất nào? (b) Vì sao Đức Giê-hô-va có thể báo trước về những điều chưa xảy ra?

5 Sự sáng tạo cho chúng ta biết nhiều về các ‘đặc tính vô hình’ của Đức Giê-hô-va nhưng không giải đáp một số câu hỏi quan trọng, chẳng hạn như “Tương lai của nhân loại sẽ ra sao?” (Rô 1:20). Muốn biết câu trả lời, chúng ta phải xem những gì Đức Chúa Trời tiết lộ trong Kinh Thánh. Khi xem xét sách này, chúng ta thấy những lời tiên tri luôn được ứng nghiệm đúng thời điểm! Đức Giê-hô-va có khả năng tiết lộ về những điều chưa xảy ra vì ngài có thể thấy rõ tương lai. Hơn nữa, các lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm đúng thời điểm vì Đức Giê-hô-va có thể khiến những sự kiện xảy ra đúng với ý định và lịch trình của ngài.

6. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hiểu các lời tiên tri trong Kinh Thánh?

6 Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài hiểu và nhận lợi ích từ các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Dù Đức Chúa Trời không bị bó buộc bởi sự nhận thức về thời gian của con người, nhưng khi tiên tri về một điều nào đó, ngài dùng từ ngữ mà con người có thể hiểu được. (Đọc Thi-thiên 90:4). Ví dụ, sách Khải huyền nói về “bốn thiên sứ... đã được chuẩn bị sẵn cho giờ, ngày, tháng và năm”, đây là những đơn vị thời gian chúng ta hiểu được (Khải 9:14, 15). Những lời tiên tri được ứng nghiệm vào đúng thời điểm ấn định giúp củng cố đức tin nơi Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa” cũng như Lời ngài. Chúng ta hãy xem xét một số ví dụ.

7. Làm thế nào sự ứng nghiệm lời tiên tri của Giê-rê-mi về Giê-ru-sa-lem và Giu-đa chứng tỏ Đức Giê-hô-va là Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại?

7 Trước hết, chúng ta hãy trở lại thế kỷ thứ bảy TCN. “Trong năm thứ tư đời Giê-hô-gia-kim, con trai Giô-si-a, vua của Giu-đa”, Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại “phán cùng Giê-rê-mi về cả dân Giu-đa” (Giê 25:1). Đức Giê-hô-va báo trước việc thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá và dân Do Thái sẽ bị lưu đày từ Giu-đa sang Ba-by-lôn. Tại đó, họ phải “phục-sự vua Ba-by-lôn trong bảy mươi năm”. Đúng vậy, vào năm 607 TCN, quân Ba-by-lôn đã tàn phá Giê-ru-sa-lem, và người Do Thái ở xứ Giu-đa đã bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi 70 năm chấm dứt? Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va hứa: “Ta sẽ thăm-viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt-lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất nầy” (Giê 25:11, 12; 29:10). Lời tiên tri này được ứng nghiệm vào đúng thời điểm là năm 537 TCN, sau khi người Mê-đi và Phe-rơ-sơ trả tự do cho dân Do Thái.

8, 9. Làm sao những lời tiên tri của Đa-ni-ên về sự xuất hiện của Đấng Mê-si và việc thành lập Nước Trời cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”?

8 Hãy xem một lời tiên tri khác liên quan đến dân Đức Chúa Trời thời xưa. Khoảng hai năm trước khi dân Do Thái rời khỏi Ba-by-lôn, qua nhà tiên tri Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời báo trước rằng từ khi có lệnh xây lại thành Giê-ru-sa-lem cho đến lúc Đấng Mê-si xuất hiện là 483 năm. Lệnh này được vua của Mê-đi và Phe-rơ-sơ ban hành vào năm 455 TCN. Đúng 483 năm sau, vào năm 29 CN, Giê-su thành Na-xa-rét được xức dầu bằng thần khí, như vậy ngài trở thành Đấng Mê-si *.—Nê 2:1, 5-8; Đa 9:24, 25; Lu 3:1, 2, 21, 22.

9 Bây giờ hãy chú ý những điều Kinh Thánh báo trước liên quan đến Nước Trời. Kinh Thánh cho biết Nước của Đấng Mê-si sẽ được thành lập ở trên trời vào năm 1914. Chẳng hạn, Kinh Thánh đưa ra “dấu hiệu” về sự hiện diện của Chúa Giê-su, và cho biết lúc đó sẽ có sự khốn đốn trên đất do Sa-tan bị đuổi khỏi trời (Mat 24:3-14; Khải 12:9, 12). Ngoài ra, cũng có những lời tiên tri giúp chúng ta biết chính xác là vào năm 1914, “thời kỳ của dân ngoại chấm dứt” và Chúa Giê-su bắt đầu trị vì ở trên trời.—Lu 21:24; Đa 4:10-17. *

10. Những sự kiện nào chắc chắn sẽ xảy ra vào đúng thời điểm đã định?

10 “Hoạn nạn lớn” mà Chúa Giê-su báo trước sắp đến. Sau đó là Triều Đại Một Ngàn Năm của ngài. Những sự kiện này chắc chắn sẽ xảy ra vào đúng thời điểm đã định. Lúc Chúa Giê-su còn ở trên đất, Đức Giê-hô-va đã ấn định “ngày và giờ” của những sự kiện này rồi.—Mat 24:21, 36; Khải 20:6.

“HÃY TẬN DỤNG THÌ GIỜ”

11. Chúng ta nên làm gì khi biết mình đang sống trong kỳ cuối cùng?

11 Chúng ta nên làm gì khi biết Nước Trời đang trị vì và mình đang sống trong “kỳ cuối-cùng”? (Đa 12:4). Dù thấy tình hình trên thế giới ngày càng tồi tệ, nhưng nhiều người không công nhận rằng các diễn biến này làm ứng nghiệm điều Kinh Thánh báo trước về những ngày sau cùng. Có thể họ nghĩ rằng sớm muộn gì thế gian này cũng sẽ sụp đổ. Hoặc có lẽ họ cho rằng bằng cách này hay cách khác, con người sẽ đạt đến “hòa bình và an ninh” nhờ nỗ lực của mình (1 Tê 5:3). Còn chúng ta thì sao? Nếu ý thức mình đang tiến sâu vào những ngày sau cùng của thế gian này, chẳng lẽ chúng ta không muốn dùng thời gian còn lại để phụng sự Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa” và giúp người khác biết về ngài sao? (2 Ti 3:1). Chúng ta cần dùng thời gian của mình một cách khôn ngoan.—Đọc Ê-phê-sô 5:15-17.

12. Chúng ta học được gì từ lời Chúa Giê-su nói về thời Nô-ê?

12 “Tận dụng thì giờ” trong thế gian đầy sự phân tâm này không phải là điều dễ. Chúa Giê-su cảnh báo: “Thời Nô-ê thế nào khi Con Người hiện diện cũng sẽ như thế”. Vậy, thời của Nô-ê như thế nào? Đức Chúa Trời đã báo trước rằng ngài sẽ kết liễu thế gian thời đó. Kẻ ác sẽ bị nhận chìm trong trận nước lụt toàn cầu. Là “người rao giảng sự công chính”, Nô-ê trung thành loan báo thông điệp của Đức Chúa Trời cho những người cùng thời (Mat 24:37; 2 Phi 2:5). Thế nhưng, họ “ăn uống, cưới gả... và họ không để ý gì hết cho tới khi trận Đại Hồng Thủy đến cuốn trôi tất cả mọi người”. Vì thế, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Hãy sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ” (Mat 24:38, 39, 44). Chúng ta phải noi gương Nô-ê, chứ đừng bắt chước những người vào thời ông. Điều gì có thể giúp chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng?

13, 14. Trong khi chờ đợi Con Người đến, việc ghi nhớ điều gì về Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta trung thành phụng sự ngài?

13 Dù Con Người sẽ đến vào giờ mà chúng ta không ngờ, nhưng chúng ta cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Ấn Định Thì Giờ Vĩ Đại. Cho dù trên thế giới xảy ra bất cứ sự kiện nào và con người có kế hoạch gì thì lịch trình của ngài không bị ảnh hưởng. Đức Giê-hô-va kiểm soát được thời điểm và kết quả của các sự kiện liên quan đến ý định của ngài. (Đọc Đa-ni-ên 2:21). Thật vậy, Châm-ngôn 21:1 cho biết: “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy. Ngài làm nghiêng-lệch nó bề nào Ngài muốn”.

14 Đức Giê-hô-va có thể kiểm soát các sự việc sao cho ý định của ngài được hoàn thành vào đúng thời điểm. Nhiều biến động trên thế giới làm ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh, nhất là các lời tiên tri về công việc rao giảng Nước Trời trên toàn cầu. Hãy nghĩ đến sự thay đổi chế độ chính trị tại Liên bang Xô Viết và hệ quả của sự kiện đó. Ít ai ngờ rằng những biến động chính trị đó có thể xảy ra nhanh đến thế. Nhưng nhờ những thay đổi này mà tin mừng đang được rao giảng tại nhiều nước trước đây đã gặp khó khăn. Thế nên, hãy tận dụng thì giờ để trung thành phụng sự Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa”.

THỂ HIỆN ĐỨC TIN NƠI ĐẤNG ẤN ĐỊNH THÌ GIỜ

15. Trước những điều chỉnh của tổ chức, chúng ta có thể thể hiện đức tin bằng cách nào?

15 Để tiếp tục rao giảng về Nước Trời trong những ngày sau cùng này, chúng ta phải tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý định của ngài vào đúng thời điểm ấn định. Tình hình thế giới thay đổi có thể đòi hỏi một số điều chỉnh về cách thi hành công việc đào tạo môn đồ. Thỉnh thoảng, tổ chức cũng có những điều chỉnh nhằm giúp chúng ta rao giảng cách hiệu quả nhất. Chúng ta thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời của “thì-giờ và mùa” bằng cách hết lòng làm theo mỗi khi có điều chỉnh như thế, và trung thành phụng sự ngài dưới sự lãnh đạo của “đầu hội thánh” là Chúa Giê-su.—Ê-phê 5:23.

16. Vì sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ vào lúc chúng ta cần?

16 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta không ngần ngại cầu nguyện bất cứ lúc nào, với lòng tin chắc rằng ngài sẽ ‘giúp đỡ khi chúng ta cần’ (Hê 4:16). Chẳng phải điều này cho thấy ngài yêu thương và quan tâm đến cá nhân chúng ta sao? (Mat 6:8; 10:29-31). Chúng ta thể hiện đức tin nơi ngài khi thường xuyên cầu xin sự giúp đỡ, rồi hành động phù hợp với điều mình cầu xin và sự hướng dẫn của ngài. Ngoài ra, chúng ta không quên cầu nguyện cho anh em đồng đạo.

17, 18. (a) Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì để chống lại kẻ thù? (b) Chúng ta cần tránh mắc phải điều gì?

17 Đây không phải là lúc để “lay chuyển”, mà là lúc để trở nên mạnh mẽ về đức tin (Rô 4:20). Những kẻ thù của Đức Chúa Trời, tức Sa-tan và tay sai của hắn, đang ra sức ngăn chặn công việc mà Chúa Giê-su giao cho các môn đồ, trong đó có chúng ta (Mat 28:19, 20). Dù Sa-tan tấn công chúng ta nhưng chúng ta biết Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng Cứu Rỗi mọi loại người, nhất là những người trung thành”. Ngài “biết cách giải cứu người có lòng sùng kính ra khỏi cơn thử thách”.—1 Ti 4:10; 2 Phi 2:9.

18 Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt thế giới gian ác này. Dù không biết hết mọi chi tiết và chính xác khi nào điều này xảy ra, nhưng chúng ta biết chắc rằng vào đúng thời điểm, Đấng Ki-tô sẽ quét sạch kẻ thù của Đức Chúa Trời, và quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va sẽ được biện minh. Vậy, thật sai lầm nếu chúng ta không nhận ra mình đang sống trong “thì giờ và kỳ hạn” nào! Mong sao chúng ta không bao giờ mắc phải lối suy nghĩ là “mọi thứ vẫn còn nguyên như từ lúc tạo ra thế gian”.—1 Tê 5:1; 2 Phi 3:3, 4.

HÃY CHỜ ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

19, 20. Tại sao chúng ta nên chờ đợi Đức Giê-hô-va?

19 Theo ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va, nhân loại sẽ có thời gian bất tận để tìm hiểu về ngài và các công trình tuyệt đẹp ngài tạo ra. Truyền-đạo 3:11 nói: “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không [thể] hiểu được”.

20 Chúng ta thật vui mừng vì Đức Giê-hô-va không hề thay đổi ý định của ngài đối với nhân loại! (Mal 3:6). Ngài “không thay đổi hoặc xê dịch như cái bóng” (Gia 1:17). Lịch trình của ngài không bị bó buộc bởi các phương tiện đo thời gian của con người, như vòng quay của trái đất. Ngài là “Vua muôn đời” (1 Ti 1:17). Thế nên, hãy “chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi [chúng ta]” (Mi 7:7). Vậy, “hỡi các người trông-cậy nơi Đức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí”.—Thi 31:24.

[Chú thích]

^ đ. 8 Xin xem sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!, trang 186-195.

^ đ. 9 Xin xem sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!, trang 94-97.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 19]

Đa-ni-ên tin rằng lời tiên tri của Đức Chúa Trời sẽ được ứng nghiệm

[Hình nơi trang 21]

Bạn có tận dụng thì giờ để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va?