Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tự truyện

Đức Giê-hô-va dạy tôi để làm theo ý muốn ngài

Đức Giê-hô-va dạy tôi để làm theo ý muốn ngài

Do anh Max Lloyd kể lại

Vào một đêm khuya năm 1955, tôi và một bạn giáo sĩ đang ở nhiệm sở tại Paraguay, Nam Mỹ. Nhà mà chúng tôi đang ở bị một đám đông dữ tợn bao vây. Bọn chúng hét lên: “Thần của chúng tao là thần khát máu, ngài muốn máu người nước ngoài”. Vậy, tại sao chúng tôi, là người nước ngoài, lại có mặt ở đây?

Đối với tôi, mọi chuyện bắt đầu cách đây nhiều năm ở Úc, nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng là nơi Đức Giê-hô-va bắt đầu dạy tôi để làm theo ý muốn ngài. Vào năm 1938, cha tôi nhận sách Kẻ thù (Enemies) từ một Nhân Chứng. Ngay cả trước đó, cha mẹ đã bất mãn với hàng giáo phẩm địa phương, những người gọi một số phần trong Kinh Thánh là chuyện truyền thuyết. Khoảng một năm sau khi nhận sách, cha mẹ tôi làm báp-têm để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Từ đó trở đi, việc làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va trở thành điều quan trọng nhất trong gia đình chúng tôi. Chị tôi là Lesley, lớn hơn tôi năm tuổi, là người làm báp-têm kế tiếp. Năm 1940, tôi làm báp-têm lúc chín tuổi.

Không lâu sau khi Thế Chiến II bùng nổ, việc in ấn và phân phát ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán ở Úc. Thế nên, từ nhỏ tôi đã biết cách giải thích niềm tin của mình chỉ qua Kinh Thánh. Tôi thường đem theo Kinh Thánh đến trường để cho biết lý do tôi không chào cờ hoặc ủng hộ chiến tranh giữa nước này với nước nọ.—Xuất 20:4, 5; Mat 4:10; Giăng 17:16; 1 Giăng 5:21.

Nhiều bạn ở trường không chơi với tôi vì tôi bị đặt cho biệt danh “tên gián điệp Đức”. Vào thời đó, phim được trình chiếu ở trường học. Trước lúc chiếu phim, mọi người phải đứng lên hát quốc ca. Khi tôi vẫn ngồi im một chỗ, hai hay ba đứa bạn cố nắm lấy tóc tôi để kéo tôi đứng dậy. Cuối cùng, tôi bị đuổi học vì giữ lập trường dựa vào Kinh Thánh. Tuy nhiên, tôi có thể tự học ở nhà.

ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU

Tôi đặt mục tiêu là đến năm 14 tuổi, tôi sẽ làm thánh chức trọn thời gian với tư cách là tiên phong. Vì thế, tôi rất thất vọng khi cha mẹ tôi bảo rằng trước tiên tôi phải tìm một công việc. Cha mẹ yêu cầu tôi đóng tiền ăn, ở nhưng hứa là khi 18 tuổi, tôi có thể làm tiên phong. Điều này thường dẫn đến các “cuộc thảo luận” về số tiền tôi kiếm được. Tôi nói là tôi muốn để dành số tiền đó cho công việc tiên phong, nhưng cha mẹ lại lấy hết.

Đến thời điểm tôi làm tiên phong, cha mẹ ngồi lại với tôi và cho biết họ đã gửi ngân hàng toàn bộ số tiền của tôi. Họ trả lại hết cho tôi để mua quần áo và các thứ cần dùng cho công việc tiên phong. Qua cách này, cha mẹ dạy tôi cách tự lo cho mình và không dựa vào người khác. Giờ đây, khi nhìn lại, bài học đó đã giúp tôi rất nhiều.

Khi hai chị em tôi còn ở nhà, các anh chị tiên phong thường đến nhà chúng tôi, và chúng tôi rất thích đi rao giảng với họ. Gia đình tôi dành những ngày cuối tuần để đi rao giảng từng nhà, ngoài đường phố và điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Trong những năm ấy, mỗi người công bố được khuyến khích đạt mục tiêu là rao giảng 60 giờ/tháng. Hầu như tháng nào mẹ tôi cũng đạt được mục tiêu ấy nên nêu gương tốt cho chị em tôi.

LÀM TIÊN PHONG Ở TASMANIA

Nhiệm sở đầu tiên của tôi là đảo Tasmania thuộc nước Úc. Chị tôi và anh rể cũng phụng sự ở đó. Nhưng không lâu sau, anh chị đi học khóa thứ 15 của Trường Ga-la-át. Tôi rất nhút nhát và chưa bao giờ sống xa nhà. Một số người dự đoán là tôi chỉ ở đó được ba tháng là cùng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm, vào năm 1950, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội đoàn (nay được gọi là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão). Sau đó, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt và được cộng tác với một anh trẻ khác.

Nhiệm sở của chúng tôi là một thị trấn hẻo lánh và khai thác mỏ đồng, không có Nhân Chứng nào ở đó. Chúng tôi đi xe buýt và đến nhiệm sở mới vào xế chiều. Đêm đầu tiên, chúng tôi ở trong một khách sạn cũ kỹ. Ngày hôm sau, vừa đi rao giảng từng nhà, chúng tôi vừa hỏi chủ nhà xem họ có biết ai cho thuê phòng không. Đến tối mới có một người cho chúng tôi biết là nhà của mục sư, kế bên nhà thờ Trưởng Lão, hiện không có ai ở. Người ấy bảo chúng tôi đến hỏi chấp sự của nhà thờ. Ông này thân thiện và cho chúng tôi thuê nhà. Mỗi ngày bước ra khỏi nhà của một chức sắc Tin Lành để đi rao giảng thấy ngồ ngộ làm sao!

Cánh đồng nơi đây rất “màu mỡ”. Chúng tôi có những cuộc thảo luận thú vị và bắt đầu nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh. Khi giới chức sắc của giáo hội ở ngoài thủ phủ biết được điều này và nghe tin Nhân Chứng Giê-hô-va đang ở nhà của mục sư, họ yêu cầu ông chấp sự đuổi chúng tôi ra khỏi nhà liền. Thế là chúng tôi lại không có chỗ ở!

Sau khi rao giảng cho đến khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi tìm một nơi để ngủ qua đêm. Khán đài sân vận động là chỗ tốt nhất chúng tôi tìm được. Chúng tôi giấu va-li ở đây và đi rao giảng tiếp. Dù trời bắt đầu tối, chúng tôi quyết định đi viếng thăm một vài nhà nữa cho hết đường ấy. Thật bất ngờ, một chủ nhà đề nghị chúng tôi ở trong căn nhà nhỏ có hai phòng, phía sau miếng đất của ông!

CÔNG VIỆC VÒNG QUANH VÀ TRƯỜNG GA-LA-ÁT

Sau khoảng tám tháng rao giảng ở đây, văn phòng chi nhánh Úc đã mời tôi làm giám thị vòng quanh. Nhận tin này, tôi bị sốc vì lúc đó tôi chỉ mới 20 tuổi. Sau khi được huấn luyện hai tuần, tôi bắt đầu viếng thăm và khích lệ các hội thánh. Những anh chị lớn tuổi hơn đều tôn trọng công việc tôi làm và không khinh thường tôi, một giám thị trẻ tuổi.

Khi di chuyển từ hội thánh này đến hội thánh khác, tôi đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Có tuần đi xe buýt, có tuần đi xe điện, rồi đi tiếp xe hơi hoặc ngồi sau xe máy cùng với cái va-li và cặp rao giảng. Ở chung với anh em đồng đạo thật là vui. Một anh tôi tớ hội đoàn nhiệt tình bảo tôi đến ở chung dù nhà anh chưa xây xong. Trong tuần đó, tôi ngủ trong bồn tắm. Dù vậy, đó quả là tuần lễ đầy khích lệ cho cả hai chúng tôi!

Năm 1953, một bất ngờ nữa đến với tôi khi tôi được gửi cho một đơn xin tham dự khóa thứ 22 của Trường Ga-la-át. Nhưng tôi vừa mừng vừa lo. Chị tôi và anh rể đã tốt nghiệp Trường Ga-la-át vào ngày 30-7-1950, và được bổ nhiệm đến Pakistan. Chưa đầy một năm sau, chị mắc bệnh rồi qua đời tại đó. Tôi băn khoăn không biết cha mẹ tôi cảm thấy thế nào nếu tôi lại đi đến một nơi xa xôi khác. Tuy nhiên, cha mẹ bảo: “Hãy đi và phụng sự Đức Giê-hô-va đi con, đến bất cứ nơi nào ngài muốn”. Tôi không gặp lại cha mình. Ông qua đời vào cuối thập niên 1950.

Chẳng bao lâu sau, tôi cùng với năm anh chị cùng nước đi tàu sáu tuần để đến thành phố New York. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi đọc và học Kinh Thánh cũng như làm chứng cho các hành khách. Trước khi đến nơi học ở South Lansing, bang New York, chúng tôi tham dự hội nghị quốc tế tại sân vận động Yankee vào tháng 7 năm 1953. Số người tham dự lên đến 165.829 người!

Khóa học của chúng tôi gồm 120 học viên đến từ khắp thế giới. Đến ngày tốt nghiệp, chúng tôi mới biết mình được bổ nhiệm đi đâu. Ngay khi biết được, chúng tôi chạy nhanh đến thư viện của Trường Ga-la-át để tìm hiểu về các nước mình sẽ đến. Tôi được bổ nhiệm đi Paraguay, một nước có bề dày lịch sử về cách mạng chính trị. Một đêm nọ, không lâu sau khi đến đây, tôi nghe tiếng ồn ào nên sáng ra tôi hỏi các anh chị giáo sĩ khác là người ta tổ chức lễ gì mà om sòm, tiệc tùng suốt đêm vậy. Họ mỉm cười đáp: “Anh đã trải qua cuộc cách mạng đầu tiên rồi đó. Hãy nhìn ra cửa xem”. Các toán lính ở khắp mọi ngõ ngách!

TRẢI NGHIỆM KHÓ QUÊN

Một dịp nọ, tôi cùng anh giám thị vòng quanh đến thăm một hội thánh đơn lẻ và chiếu bộ phim Xã hội thế giới mới đang hoạt động (The New World Society in Action) cho mọi người xem. Trước tiên, chúng tôi đi bằng tàu hỏa, sau đó là xe ngựa và cuối cùng là xe bò. Chúng tôi mang theo máy phát điện và máy chiếu phim. Sau khoảng tám hay chín tiếng, chúng tôi đến nơi. Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm các nông trại, mời mọi người đến xem phim vào buổi tối hôm ấy. Khoảng 15 người đã đến.

Khi chiếu phim được khoảng 20 phút, mọi người bảo chúng tôi hãy đi vào nhà ngay. Chúng tôi liền đem máy chiếu vào nhà. Lúc đó, như tôi đã nói ở trên, một đám đàn ông xuất hiện, rồi la hét, bắn súng và gào thét liên tục: “Thần của chúng tao là thần khát máu, ngài muốn máu người nước ngoài”. Chỉ có hai người nước ngoài ở đây, tôi là một trong hai! Những người đến xem phim đã chặn họ lại, không cho xông vào nhà. Nhưng khoảng 3 giờ sáng, những kẻ chống đối này quay lại, bắn súng nữa và thề là sẽ “khử” chúng tôi trên đường quay về thị trấn.

Các anh địa phương liên lạc với quận trưởng và ông ấy đã đến vào giờ trưa, đem theo hai con ngựa để chúng tôi cưỡi về thị trấn. Trên đường đi, mỗi khi đến chỗ nào có nhiều cây rậm rạp, ông rút súng ra và đi trước để kiểm tra nơi đó. Tôi nhận ra rằng ngựa là phương tiện hữu ích nên sau này tôi cũng có một con.

CÓ THÊM GIÁO SĨ ĐẾN

Công việc rao giảng tiếp tục tiến triển dù hàng giáo phẩm không ngừng chống đối. Vào năm 1955, có thêm năm giáo sĩ đến đây, trong đó có một chị trẻ người Canada tên là Elsie Swanson, chị đã tốt nghiệp khóa thứ 25 của Trường Ga-la-át. Chúng tôi từng gặp nhau tại văn phòng chi nhánh trước khi chị được bổ nhiệm đến thị trấn khác. Chị đã cống hiến đời mình để phụng sự Đức Giê-hô-va mà không có sự trợ giúp của cha mẹ, những người không chấp nhận sự thật Kinh Thánh. Vào ngày 31-12-1957, tôi và Elsie kết hôn và hai vợ chồng tôi sống trong nhà giáo sĩ (chỉ có hai chúng tôi) tại miền nam nước Paraguay.

Nhà chúng tôi không có nước máy mà chỉ có một cái giếng phía sau nhà. Thế nên, trong nhà không có buồng tắm vòi sen, bồn cầu, ngay cả tủ lạnh cũng không có. Chúng tôi mua đồ ăn mỗi ngày vì sợ bị hư. Nhưng lối sống đơn giản và mối quan hệ nồng ấm với anh em đồng đạo đã góp phần làm cho khoảng thời gian đó rất hạnh phúc.

Năm 1963, không lâu sau khi về Úc thăm mẹ tôi, mẹ bị cơn đau tim. Dường như nguyên nhân là do mẹ quá đỗi vui mừng khi gặp lại đứa con trai sau mười năm xa cách. Gần đến lúc quay về nhiệm sở ở Paraguay, chúng tôi đối mặt với một trong những quyết định khó nhất trong đời. Chúng tôi có nên để mẹ trong bệnh viện, hy vọng có người sẽ chăm sóc cho mẹ, rồi quay về nhiệm sở mà chúng tôi yêu thích tại Paraguay không? Sau nhiều lần cầu nguyện, chúng tôi quyết định ở lại để chăm sóc mẹ. Chúng tôi vừa chăm sóc mẹ, vừa làm thánh chức trọn thời gian ở Úc cho tới khi mẹ qua đời năm 1966.

Tôi có đặc ân được phụng sự trong công việc vòng quanh và địa hạt ở Úc trong nhiều năm và làm giảng viên cho Trường thánh chức Nước Trời dành cho trưởng lão. Sau đó, một sự thay đổi nữa lại đến trong đời chúng tôi. Tôi được bổ nhiệm làm thành viên của Ủy ban chi nhánh đầu tiên ở Úc. Khi xây dựng một văn phòng chi nhánh mới, tôi được bổ nhiệm làm điều phối viên của ủy ban xây cất. Với sự giúp đỡ của nhiều anh chị giàu kinh nghiệm và có tinh thần hợp tác, một chi nhánh xinh xắn đã được xây lên.

Kế đến, tôi được bổ nhiệm làm việc trong Ban công tác, ban này trông coi công việc rao giảng trong nước. Tôi cũng có đặc ân đến thăm nhiều chi nhánh trên khắp thế giới với tư cách là giám thị vùng hầu giúp đỡ và khích lệ anh em. Điều đặc biệt củng cố đức tin của tôi là được gặp những anh chị bị ở tù và trại tập trung trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, do giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va.

NHIỆM SỞ HIỆN TẠI

Năm 2001, khi trở về sau chuyến viếng thăm vùng mệt nhoài, tôi nhận được thư mời đến Brooklyn, New York, để phụng sự với tư cách là thành viên Ủy ban chi nhánh Hoa Kỳ mới thành lập. Sau khi cầu nguyện nhiều và cân nhắc, vợ chồng tôi vui mừng nhận lời mời này. Đã hơn 11 năm, hiện chúng tôi vẫn còn ở Brooklyn.

Tôi rất vui vì có một người vợ sẵn lòng làm bất cứ điều gì Đức Giê-hô-va muốn. Hiện nay, vợ chồng tôi đều 81 tuổi, sức khỏe cũng tạm ổn. Chúng tôi đang mong chờ được đón nhận sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va đến mãi mãi cũng như mọi ân phước dồi dào dành cho những người tiếp tục làm theo ý muốn ngài.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Có tuần đi xe buýt, có tuần đi xe điện, rồi đi tiếp xe hơi hoặc ngồi sau xe máy cùng với cái va-li và cặp rao giảng

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Chúng tôi đang mong chờ được đón nhận sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va đến mãi mãi

[Các hình nơi trang 18]

Bên trái: Làm công việc vòng quanh ở Úc

Bên phải: Với cha mẹ tôi

[Hình nơi trang 20]

Ngày cưới của chúng tôi, 31-12-1957