Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va nhóm hiệp gia đình của ngài

Đức Giê-hô-va nhóm hiệp gia đình của ngài

Đức Giê-hô-va nhóm hiệp gia đình của ngài

‘Tôi kêu gọi anh em gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí’.—Ê-PHÊ 4:1, 3.

BẠN GIẢI THÍCH THẾ NÀO?

Sự quản lý của Đức Chúa Trời có mục đích gì?

Làm thế nào chúng ta “gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí”?

Điều gì sẽ giúp chúng ta “tử tế với nhau”?

1, 2. Đức Giê-hô-va có ý định gì đối với trái đất và con người?

“Gia đình”. Bạn nghĩ đến điều gì khi nghe từ này? Có phải sự ấm áp? Hạnh phúc? Cùng hợp tác nhắm đến mục tiêu chung? Một bến đỗ yên bình để khôn lớn, học hỏi và cùng chia sẻ ý nghĩ? Hẳn bạn nghĩ đến những điều này nếu bạn sống trong một gia đình yêu thương. Chính Đức Giê-hô-va là đấng sáng lập gia đình (Ê-phê 3:14, 15). Ngài có ý định là tất cả các tạo vật của ngài, cả trên trời lẫn dưới đất, cảm thấy an toàn, tin cậy nhau và thật sự hợp nhất.

2 Sau khi phạm tội, con người không còn chỗ đứng trong gia đình hoàn vũ của Đức Chúa Trời nữa, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn không từ bỏ ý định của ngài. Chắc chắn, ngài sẽ làm cho khắp đất trở thành địa đàng, có đầy dân cư là con cháu của A-đam và Ê-va (Sáng 1:28; Ê-sai 45:18). Ngài đã chuẩn bị sẵn mọi việc để hoàn thành ý định của mình. Một số sắp đặt này được nêu ra trong sách Ê-phê-sô, sách xoay quanh chủ đề về sự hợp nhất. Chúng ta hãy xem xét một số câu trong sách này và xem cách chúng ta có thể hợp tác với ý định Đức Giê-hô-va là hợp nhất các tạo vật.

SỰ QUẢN LÝ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA SỰ QUẢN LÝ

3. Ê-phê-sô 1:10 đề cập đến sự quản lý nào của Đức Chúa Trời? Giai đoạn thứ nhất bắt đầu khi nào?

3 Hành động và ý định của Đức Giê-hô-va luôn hòa hợp với nhau. Thế nên, “vào lúc kết thúc thời điểm được ấn định”, Đức Chúa Trời bắt đầu “quản lý sự việc”, tức tiến hành những bước để hợp nhất các tạo vật thông minh thành một gia đình. (Đọc Ê-phê-sô 1:8-10). Sự quản lý này có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là trang bị cho các tín đồ được xức dầu để sống trên trời dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su Ki-tô. Giai đoạn này bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Đức Giê-hô-va khởi sự thu nhóm những người sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời (Công 2:1-4). Qua sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô, Đức Chúa Trời tuyên bố những người được xức dầu là công chính để nhận sự sống. Họ biết mình được nhận là “con cái Đức Chúa Trời”.—Rô 3:23, 24; 5:1; 8:15-17.

4, 5. Giai đoạn thứ hai của sự quản lý là gì?

4 Giai đoạn thứ hai là trang bị cho những người sẽ sống trong địa đàng dưới sự cai trị của Nước Đấng Mê-si. “Đám đông” tạo nên phần đầu tiên trong nhóm người này (Khải 7:9, 13-17; 21:1-5). Phần còn lại của nhóm bao gồm hàng tỉ người được sống lại trong Triều Đại Một Ngàn Năm (Khải 20:12, 13). Hãy hình dung sự hợp nhất của chúng ta sẽ nổi bật thế nào vào thời đó! Cuối một ngàn năm, “vật dưới đất” sẽ chịu thử thách lần cuối. Những người chứng tỏ mình trung thành sẽ được nhận là “con cái Đức Chúa Trời” ở trên đất.—Rô 8:21; Khải 20:7, 8.

5 Cả hai giai đoạn nằm trong sự quản lý của Đức Chúa Trời hiện đang tiến triển. Làm sao mỗi người chúng ta có thể hợp tác với sự quản lý này?

“GÌN GIỮ SỰ HỢP NHẤT CÓ ĐƯỢC NHỜ THẦN KHÍ”

6. Những câu Kinh Thánh nào cho thấy các tín đồ phải nhóm lại với nhau?

6 Kinh Thánh cho thấy các tín đồ phải nhóm lại với nhau (1 Cô 14:23; Hê 10:24, 25). Tuy nhiên, để hợp nhất, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ gặp nhau ở một địa điểm, giống như người ta đi chợ hoặc đến đấu trường thể thao. Muốn hợp nhất, chúng ta cần làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và để thần khí ngài uốn nắn mình.

7. “Gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí” có nghĩa gì?

7 Dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã tuyên bố những tín đồ được xức dầu là công chính với tư cách là con ngài, và tuyên bố các chiên khác là công chính với tư cách là bạn ngài (Rô 5:9; Gia 2:23). Dù vậy, bao lâu còn sống trên đất trong thời đại này thì bấy lâu chúng ta vẫn gặp sự bất đồng với nhau. Vì thế, Kinh Thánh mới khuyên chúng ta “chịu đựng nhau”. Vậy, làm thế nào để hợp nhất với anh em đồng đạo? Chúng ta hãy “luôn khiêm nhường, mềm mại”. Hơn nữa, Phao-lô khuyến khích chúng ta nên “sống hòa thuận với nhau và hết lòng gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí”. (Đọc Ê-phê-sô 4:1-3). Làm theo lời khuyên này bao hàm việc để thần khí tác động và giúp chúng ta sinh ra bông trái thần khí. Bông trái thần khí hàn gắn lại vết rạn nứt giữa chúng ta với người khác, còn việc làm của xác thịt thì luôn gây sự chia rẽ.

8. Các việc làm của xác thịt gây chia rẽ như thế nào?

8 Hãy xem “các việc làm của xác thịt” gây chia rẽ thế nào. (Đọc Ga-la-ti 5:19-21). Sự gian dâm chia rẽ một người với Đức Giê-hô-va và với hội thánh, còn ngoại tình có thể chia rẽ vợ với chồng, cha mẹ với con cái. Sự ô uế ảnh hưởng đến sự hợp nhất của một người với Đức Chúa Trời cũng như với những người yêu mến người ấy. Một người cố gắn hai vật lại với nhau biết là bề mặt của cả hai phải sạch trước khi gắn lại. Hành vi trâng tráo cho thấy một người xem thường các điều luật công chính của Đức Chúa Trời. Các việc làm khác của xác thịt chia rẽ người ta với Đức Chúa Trời và với người khác. Các việc làm ấy tuyệt đối không phù hợp với các đức tính của Đức Giê-hô-va.

9. Làm thế nào chúng ta có thể đánh giá xem mình có đang “hết lòng gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí” hay không?

9 Vậy, chúng ta hãy tự hỏi: “Mình đang cố gắng đến mức nào để ‘gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí’? Mình phản ứng thế nào khi vấn đề nảy sinh? Mình có phàn nàn trước đông người để mong nhận được sự ủng hộ không? Mình có nghĩ rằng trưởng lão là người cần cố gắng giải quyết bất đồng, chứ không phải mình? Mình có tránh mặt người khác vì sợ họ nhớ lại những điều bất bình với mình, như thể mình muốn giữ khoảng cách an toàn với họ không?”. Nếu làm những điều trên, chúng ta có thật sự cho thấy mình đang hành động hòa hợp với ý định của Đức Giê-hô-va là nhóm hiệp muôn vật lần nữa trong Đấng Ki-tô không?

10, 11. (a) Giữ sự hòa thuận với anh em quan trọng thế nào? (b) Chúng ta có thể góp phần mang lại sự bình an và thịnh vượng về thiêng liêng trong hội thánh như thế nào?

10 Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em mang lễ vật đến bàn thờ tế lễ nhưng chợt nhớ một người anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để lễ vật nơi bàn thờ và đi làm hòa với người đó trước, rồi mới trở lại dâng lễ vật... Hãy nhanh chóng dàn xếp vấn đề” (Mat 5:23-25). Gia-cơ viết: “Hạt giống của trái công chính được gieo trong sự hòa thuận, giữa những người tạo sự hòa thuận” (Gia 3:17, 18). Vậy, chúng ta không thể giữ hạnh kiểm công chính nếu không có sự hòa thuận.

11 Hãy nghĩ về điều này: Trong một số nước bị chiến tranh tàn phá, người ta ước tính là có hơn 25% diện tích đất không thể trồng trọt được vì sợ có mìn. Khi mìn nổ, đồng ruộng bị bỏ, dân làng mất kế sinh nhai, còn người thành thị thì thiếu lương thực, thực phẩm. Tương tự thế, sự tiến bộ về thiêng liêng của chúng ta sẽ bị cản trở nếu mình có những cá tính mà có thể phá vỡ sự hòa thuận với anh em. Nhưng nếu nhanh chóng tha thứ và làm điều tốt cho người khác, chúng ta sẽ góp phần mang lại sự thịnh vượng về thiêng liêng trong hội thánh.

12. Làm thế nào các trưởng lão có thể giúp chúng ta hợp nhất?

12 Ngoài ra, những trưởng lão là “các món quà” giúp đẩy mạnh sự hợp nhất. Họ giúp chúng ta “hợp nhất về niềm tin” (Ê-phê 4:8, 13). Khi trưởng lão kề vai sát cánh với chúng ta trong việc phụng sự và đưa ra lời khuyên hữu ích dựa vào Lời Đức Chúa Trời, họ giúp chúng ta tiến bộ trong việc mặc lấy nhân cách mới (Ê-phê 4:22-24). Bạn có nhận thấy qua lời khuyên của họ, Đức Giê-hô-va đang trang bị bạn để sống trong thế giới mới dưới sự cai trị của Con ngài không? Hỡi các trưởng lão, các anh có tập trung vào mục tiêu này khi cố gắng sửa đổi người khác không?—Ga 6:1.

“HÃY TỬ TẾ VỚI NHAU”

13. Hậu quả ra sao nếu chúng ta không áp dụng lời khuyên nơi Ê-phê-sô 4:25-32?

13 Như được nhắc đến nơi Ê-phê-sô 4:25-29, chúng ta không nên nói dối, tức giận, biếng nhác và nói những lời tục tĩu. Thay vì thế, chúng ta nên nói những lời tốt lành, làm vững mạnh người nghe. Nếu không làm theo lời khuyên này, một người sẽ làm buồn thần khí Đức Chúa Trời, vì thần khí là một lực đẩy mạnh sự hợp nhất (Ê-phê 4:30). Chúng ta cũng cần áp dụng những lời khuyên tiếp theo của Phao-lô để giữ sự hòa thuận và hợp nhất: “Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc, tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ cùng mọi điều gây tổn thương. Hãy tử tế với nhau, có lòng trắc ẩn, sẵn lòng tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã sẵn lòng tha thứ cho anh em nhờ Đấng Ki-tô”.—Ê-phê 4:31, 32.

14. (a) Lời khuyên “hãy tử tế” ngụ ý gì? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta tử tế?

14 Lời khuyên “hãy tử tế” ngụ ý rằng ở một mức độ nào đó, có lẽ chúng ta chưa tử tế và cần cải thiện. Thật hợp lý biết bao khi xem cảm xúc của người khác quan trọng hơn cảm xúc của mình! (Phi-líp 2:4). Đôi khi mình muốn nói điều gì đó mà theo mình là khôi hài hoặc thông minh, nhưng liệu nói như vậy có tử tế không? Suy nghĩ trước khi nói sẽ giúp chúng ta làm theo lời khuyên “hãy tử tế”.

HỌC YÊU THƯƠNG VÀ TÔN TRỌNG TRONG GIA ĐÌNH

15. Nơi Ê-phê-sô 5:28, Phao-lô muốn nói đến khía cạnh nào của việc Đấng Ki-tô đối xử với hội thánh?

15 Kinh Thánh ví mối quan hệ của Đấng Ki-tô và hội thánh với mối quan hệ của người chồng và người vợ. Điều này giúp chúng ta biết rằng người chồng cần hướng dẫn, yêu thương và chăm sóc vợ, còn vợ thì phải vâng phục chồng (Ê-phê 5:22-33). Phao-lô viết: “Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình”. Vậy, “thể” ông muốn nói ở đây là gì? (Ê-phê 5:28). Những câu trước nói về cách “Đấng Ki-tô yêu thương và hy sinh thân mình vì hội thánh,... tẩy sạch [hội thánh] bằng nước, là lời Đức Chúa Trời”. Thật vậy, để hành động hòa hợp với ý định của Đức Giê-hô-va là nhóm hiệp muôn vật một lần nữa trong Đấng Ki-tô, người chồng phải chú ý chăm sóc gia đình về thiêng liêng.

16. Kết quả sẽ ra sao nếu cha mẹ hoàn thành trách nhiệm theo Kinh Thánh?

16 Cha mẹ nên nhớ rằng họ đang thực thi nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao phó. Đáng buồn thay, trong thế giới ngày nay, nhiều người “thiếu tình thương tự nhiên” (2 Ti 3:1, 3). Vô số người cha trốn tránh trách nhiệm, điều này khiến con cái nản lòng và bị thiệt hại. Phao-lô khuyên những người cha tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Đừng làm cho con bực tức, nhưng hãy luôn dùng sự sửa dạy và răn bảo của Đức Giê-hô-va mà nuôi dạy chúng” (Ê-phê 6:4). Gia đình chính là cái nôi để con cái hình thành khái niệm về tình yêu thương và quyền hành. Khi biến ngôi nhà của mình thành bến đỗ đầy tình yêu thương, không có nỗi tức giận, căm ghét và lăng mạ thì chúng ta đang dạy con cái những bài học quan trọng về cách thể hiện tình yêu thương và tôn trọng quyền hành. Cha mẹ dạy con những bài học hữu ích này là đang hành động hòa hợp với sự quản lý của Đức Giê-hô-va. Qua đó, con cái được trang bị để sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.

17. Chúng ta cần làm gì để kháng cự lại Kẻ Quỷ Quyệt?

17 Chúng ta cần nhận biết rằng Kẻ Quỷ Quyệt, kẻ đầu tiên phá vỡ sự bình an trong vũ trụ, sẽ chống đối gay gắt khi chúng ta nỗ lực làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Thực trạng hiện nay như tỉ lệ ly dị tăng vọt, sống chung mà không có hôn thú, và việc chấp nhận hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái đều đúng với ý muốn của Sa-tan. Chúng ta không bắt chước thái độ và hành vi đang phổ biến trong xã hội ngày nay. Đấng Ki-tô là gương mẫu của chúng ta (Ê-phê 4:17-21). Vì thế, chúng ta nên làm theo lời khuyên là “mang trọn bộ khí giới mà Đức Chúa Trời ban” để có thể kháng cự lại Kẻ Quỷ Quyệt và những ác thần theo phe hắn.—Đọc Ê-phê-sô 6:10-13.

“TIẾP TỤC SỐNG THEO ĐƯỜNG LỐI YÊU THƯƠNG”

18. Bí quyết để giữ sự hợp nhất giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô là gì?

18 Bí quyết để giữ sự hợp nhất giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô là tình yêu thương. Vì hết lòng yêu thương “một Chúa” là Chúa Giê-su, “một Đức Chúa Trời” là Đức Giê-hô-va và yêu thương lẫn nhau, chúng ta kiên quyết “gìn giữ sự hợp nhất có được nhờ thần khí” (Ê-phê 4:3-6). Chúa Giê-su đã cầu nguyện về sự yêu thương: “Con không chỉ cầu xin cho họ, mà cho cả những người tin con qua lời của họ; để tất cả họ đều trở nên một, như Cha hợp nhất với con và con hợp nhất với Cha, và cũng để họ hợp nhất với chúng ta... Con đã cho họ biết danh Cha và sẽ tiếp tục làm thế, để họ cũng thể hiện tình yêu thương như Cha đã yêu thương con và để con hợp nhất với họ”.—Giăng 17:20, 21, 26.

19. Bạn quyết tâm làm gì?

19 Nếu nhận thấy chúng ta khó thay đổi một tính cách nào đó, mong sao tình yêu thương thôi thúc chúng ta cầu nguyện như người viết Thi-thiên: “Xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài” (Thi 86:11). Chúng ta hãy quyết tâm kháng cự lại Kẻ Quỷ Quyệt khi hắn nỗ lực ngăn cách chúng ta với Cha yêu thương và những người được ngài chấp nhận. Như “con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời”, chúng ta hãy cố gắng “bắt chước ngài. Hãy tiếp tục sống theo đường lối yêu thương” trong gia đình, trong thánh chức và trong hội thánh.—Ê-phê 5:1, 2.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 29]

‘Để lễ vật nơi bàn thờ và đi làm hòa với anh em’

[Hình nơi trang 31]

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy dạy con cái tôn trọng người khác