Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để Đức Giê-hô-va dẫn bạn đến sự tự do thật

Hãy để Đức Giê-hô-va dẫn bạn đến sự tự do thật

Hãy để Đức Giê-hô-va dẫn bạn đến sự tự do thật

“Xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo, tức luật pháp dẫn đến tự do”.—GIA 1:25.

BẠN GIẢI THÍCH THẾ NÀO?

Luật pháp nào mang lại sự tự do thật, và ai nhận được lợi ích từ luật pháp ấy?

Bí quyết để có được sự tự do thật là gì?

Sự tự do nào đang chờ đón tất cả những ai đi trên con đường dẫn đến sự sống?

1, 2. (a) Sự tự do trên thế giới đang có xu thế nào, và tại sao? (b) Tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ được hưởng sự tự do nào?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự tham lam, phạm pháp và bạo lực ngày càng gia tăng (2 Ti 3:1-5). Để kiểm soát, các chính phủ lập thêm luật, tăng cường lực lượng cảnh sát và lắp đặt những hệ thống giám sát. Ở một số nước, người dân cố gắng tăng cường an ninh tại nhà bằng cách lắp đặt hệ thống báo động, khóa phụ và thậm chí còn có hàng rào điện. Nhiều người không ra ngoài vào buổi tối hoặc không để con cái chơi bên ngoài một mình, ngay cả vào ban ngày. Rõ ràng, sự tự do ngày càng bị bó hẹp, và dường như xu thế này sẽ còn tiếp diễn.

2 Thời ban đầu trong vườn Ê-đen, Sa-tan quả quyết rằng bí quyết để có sự tự do thật là tách biệt khỏi Đức Giê-hô-va. Đúng là lời dối trá hiểm độc và tàn ác! Quả thật, con người càng lờ đi những giới hạn về tâm linh và đạo đức mà Đức Chúa Trời đặt ra thì xã hội càng chịu thiệt thòi. Tình trạng xấu này cũng ảnh hưởng đến chúng ta, là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, chúng ta có hy vọng nhìn thấy nhân loại được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự mục nát để rồi hưởng “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:21). Trên thực tế, Đức Giê-hô-va đã bắt đầu chuẩn bị cho các tôi tớ ngài có được sự tự do đó. Như thế nào?

3. Đức Giê-hô-va ban cho môn đồ Chúa Giê-su luật pháp nào? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Câu trả lời nằm trong điều mà Gia-cơ gọi là ‘luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do’. (Đọc Gia-cơ 1:25). Phần này cũng được dịch là ‘luật pháp để giải thoát con người’ (Bản Phổ thông) và “luật pháp của sự tự do” (Ghi-đê-ôn). Thường khi nói đến luật pháp, người ta nghĩ ngay đến sự gò bó, chứ không phải sự tự do. Vậy, ‘luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do’ là luật pháp nào? Và làm thế nào luật pháp ấy có thể mang lại tự do cho chúng ta?

MỘT LUẬT PHÁP GIẢI THOÁT CON NGƯỜI

4. Thế nào là ‘luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do’? Ai được lợi ích từ luật pháp này?

4 ‘Luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do’ không phải là Luật pháp Môi-se, vì Luật pháp Môi-se chỉ ra cho dân Y-sơ-ra-ên biết mình là người có tội và Luật pháp ấy đã được ứng nghiệm nơi Đấng Ki-tô (Mat 5:17; Ga 3:19). Thế thì Gia-cơ nói đến luật pháp nào? Ông muốn nói đến “luật pháp của Đấng Ki-tô”, cũng được gọi là “luật về đức tin” và ‘luật pháp của một dân tộc tự do’ (Ga 6:2; Rô 3:27; Gia 2:12). Vậy, “luật pháp hoàn hảo” bao gồm mọi điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta. Cả những tín đồ được xức dầu lẫn “chiên khác” đều được lợi ích từ luật pháp này.—Giăng 10:16.

5. Tại sao luật pháp của sự tự do không hề nặng nề?

5 Khác với các bộ luật của nhiều nước, “luật pháp hoàn hảo” gồm những điều răn đơn giản và nguyên tắc cơ bản, chứ không phức tạp hoặc nặng nề (1 Giăng 5:3). Chúa Giê-su nói: “Ách của tôi dễ chịu và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mat 11:29, 30). Hơn nữa, “luật pháp hoàn hảo” không cần một danh sách hình phạt dài lê thê. Luật pháp này dựa trên tình yêu thương và được khắc vào lòng và trí, chứ không phải trên các bảng đá.—Đọc Hê-bơ-rơ 8:6, 10.

“LUẬT PHÁP HOÀN HẢO” GIẢI THOÁT CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

6, 7. Chúng ta có thể nói gì về tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va? Luật pháp của sự tự do cho phép chúng ta làm gì?

6 Đức Giê-hô-va đặt ra những giới hạn cho các tạo vật thông minh nhằm bảo vệ và mang lại lợi ích cho họ. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những định luật vật lý chi phối vật chất và năng lượng. Người ta không xem những luật ấy là gánh nặng. Thay vì thế, họ quý trọng chúng và công nhận rằng các luật trong thiên nhiên là cần thiết cho sự an sinh của họ. Tương tự, những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về tâm linh và đạo đức, được phản ánh trong “luật pháp hoàn hảo” của Đấng Ki-tô, mang lại lợi ích cho con người.

7 Ngoài việc bảo vệ chúng ta, luật pháp của sự tự do cũng cho phép chúng ta thỏa mãn mọi ước muốn chính đáng mà không gây hại cho mình, cũng không xâm phạm quyền lợi và sự tự do của người khác. Thế nên, bí quyết để có sự tự do thật—để có thể làm điều chúng ta mong muốn—là vun trồng ước muốn chính đáng, phù hợp với tiêu chuẩn cũng như ý muốn của Đức Giê-hô-va. Nói cách khác, chúng ta phải tập yêu mến những gì Đức Giê-hô-va yêu mến và ghét những gì ngài ghét. Luật pháp của sự tự do sẽ giúp chúng ta thực hiện được điều đó.—A-mốt 5:15.

8, 9. Những người làm theo luật pháp của sự tự do nhận được lợi ích nào? Hãy cho ví dụ.

8 Vì bất toàn nên chúng ta phải phấn đấu để chống lại các ham muốn sai trái. Tuy nhiên, nếu luôn làm theo luật pháp của sự tự do, ngay bây giờ chúng ta có thể cảm nhận được phần nào sự tự do mà luật pháp ấy mang lại. Ví dụ: Một học viên Kinh Thánh mới, tên là Jay, từng nghiện thuốc lá. Khi biết Đức Giê-hô-va không hài lòng với thói xấu ấy, anh phải quyết định là tiếp tục phục tùng ham muốn của xác thịt hay phục tùng Đức Giê-hô-va. Thật khôn ngoan, anh đã chọn phụng sự Đức Chúa Trời, dù rất thèm thuốc lá. Sau khi bỏ được thói xấu ấy, anh cảm thấy thế nào? Anh nói: “Tôi cảm thấy rất tự do và quá đỗi vui mừng”.

9 Qua kinh nghiệm bản thân, anh Jay hiểu rằng sự tự do của thế gian, điều cho phép người ta “chú tâm đến xác thịt”, thật ra là kìm kẹp người ta; còn sự tự do của Đức Giê-hô-va, đồng nghĩa với “chú tâm đến thần khí”, thì giải thoát người ta và đem đến cho họ “sự sống và bình an” (Rô 8:5, 6). Nhờ đâu mà anh Jay có được sức mạnh để từ bỏ thói xấu ấy? Nhờ sức của Đức Chúa Trời, chứ không phải sức riêng của anh. Anh nói: “Tôi đã học Kinh Thánh đều đặn, cầu xin thần khí và tìm kiếm sự giúp đỡ đầy yêu thương trong hội thánh”. Những điều ấy cũng có thể giúp tất cả chúng ta có sự tự do thật. Như thế nào? Chúng ta hãy cùng xem.

XEM XÉT KỸ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

10. “Xem xét kỹ” luật pháp của Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

10 Gia-cơ 1:25 nói: “Người xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo, tức luật pháp dẫn đến tự do, và kiên trì làm theo thì... sẽ được hạnh phúc khi làm thế”. Từ Hy Lạp được dịch là “xem xét kỹ” có nghĩa là “cúi xuống nhìn vào” và ám chỉ sự nỗ lực. Thật vậy, nếu muốn luật pháp của sự tự do tác động đến tâm trí, chúng ta phải làm phần của mình là siêng năng học hỏi Kinh Thánh và suy ngẫm những gì học được.—1 Ti 4:15.

11, 12. (a) Chúa Giê-su nhấn mạnh thế nào về tầm quan trọng của việc sống theo đường lối sự thật? (b) Ví dụ trên cho thấy chúng ta, nhất là người trẻ, phải tránh mối nguy hiểm nào?

11 Đồng thời, chúng ta phải “kiên trì” áp dụng Lời Đức Chúa Trời, như vậy chúng ta sống theo đường lối sự thật. Chúa Giê-su nói với một số người tin theo ngài điều tương tự: “Nếu anh em hằng giữ lời tôi, anh em thật sự là môn đồ tôi, anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát anh em” (Giăng 8:31, 32). Một tài liệu tham khảo nhận xét rằng từ “biết” ở đây cũng bao hàm việc quý trọng điều được biết vì kiến thức đó quan trọng hoặc có giá trị. Vì thế, chúng ta “biết” sự thật theo nghĩa trọn vẹn nhất khi sống theo đường lối sự thật. Chỉ khi đó mới có thể nói rằng “lời Đức Chúa Trời” đang “tác động” đến chúng ta, đang uốn nắn nhân cách của chúng ta hầu chúng ta có thể theo sát gương của Cha trên trời hơn.—1 Tê 2:13.

12 Hãy tự hỏi: “Mình có thật sự biết sự thật không? Mình có sống theo đường lối sự thật không? Hay là mình vẫn muốn có một số ‘tự do’ của thế gian?”. Nhìn lại thời trẻ, một chị có cha mẹ là tín đồ đạo Đấng Ki-tô viết: “Khi được lớn lên trong sự thật thì Đức Giê-hô-va luôn hiện diện trong đời sống của mình. Nhưng tôi lại không bao giờ chủ động tạo mối quan hệ với ngài. Tôi không bao giờ tập ghét những điều ngài ghét. Tôi không bao giờ nghĩ rằng những điều tôi làm ảnh hưởng đến ngài. Khi gặp khó khăn, không bao giờ tôi tập nương cậy nơi ngài nhưng lại nương cậy nơi sự thông sáng của mình. Giờ đây, tôi thấy điều đó thật nực cười vì lúc ấy tôi chẳng biết gì cả”. Đáng mừng là sau này chị nhận ra rằng suy nghĩ như thế là sai. Chị đã thực hiện một số thay đổi lớn. Giờ đây, chị làm tiên phong đều đều.

THẦN KHÍ CÓ THỂ GIÚP BẠN CÓ SỰ TỰ DO

13. Làm thế nào thần khí Đức Chúa Trời giúp chúng ta có tự do?

13 Câu 2 Cô-rinh-tô 3:17 cho biết: “Nơi nào có thần khí của Đức Giê-hô-va, nơi đó có tự do”. Làm thế nào thần khí giúp chúng ta có tự do? Thần khí giúp chúng ta vun trồng các đức tính cần thiết để có tự do: “tình yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhịn, tử tế, nhân đức, đức tin, mềm mại, tự chủ” (Ga 5:22, 23). Nếu không có những đức tính này, nhất là tình yêu thương, thì xã hội không thể có sự tự do thật. Điều này được thấy rõ trong thế giới ngày nay. Đáng lưu ý là sau khi liệt kê các khía cạnh của trái thần khí, sứ đồ Phao-lô nói thêm: “Không có luật nào cấm những điều đó”. Ý của Phao-lô là gì? Đó là không luật nào có thể ngăn cản một người phát huy các đức tính đó (Ga 5:18). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vun trồng và thể hiện những đức tính này ngay bây giờ và mãi mãi, mà không có bất cứ sự hạn chế nào.

14. Tinh thần thế gian biến người ta thành nô lệ như thế nào?

14 Những người bị tinh thần thế gian lôi cuốn và chiều theo các ham muốn xác thịt có thể nghĩ rằng mình có sự tự do. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:18, 19). Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Hàng núi luật lệ và quy định phải được lập ra để kiểm soát hành vi và ham muốn tai hại của họ. Phao-lô nói: “Luật pháp không được lập ra cho người công chính mà cho những kẻ phạm pháp và nổi loạn” (1 Ti 1:9, 10). Họ cũng làm nô lệ cho tội lỗi, bị lôi cuốn để làm theo “những ham muốn của xác thịt”, và xác thịt là người chủ độc ác (Ê-phê 2:1-3). Bị ham muốn của mình điều khiển, những người ấy giống như con ruồi đậu vào bát mật ong, và thế là mật ngọt chết ruồi!—Gia 1:14, 15.

SỰ TỰ DO TRONG HỘI THÁNH

15, 16. Việc kết hợp với hội thánh mang lại những lợi ích nào? Trong hội thánh, chúng ta hưởng được sự tự do như thế nào?

15 Kết hợp với hội thánh không giống như việc gia nhập một câu lạc bộ giao lưu. Bạn vào hội thánh vì Đức Giê-hô-va kéo bạn đến chứ không phải bạn đăng ký vào (Giăng 6:44). Tại sao Đức Giê-hô-va làm thế? Có phải vì ngài đã thấy bạn là một người công chính, kính sợ ngài không? Có thể bạn trả lời rằng: “Không phải!”. Vậy, tại sao? Vì ngài nhìn thấy lòng bạn và biết bạn sẽ tiếp thu luật pháp của ngài và để cho ngài uốn nắn. Trong hội thánh, Đức Giê-hô-va nuôi dưỡng bạn về mặt tâm linh, giải thoát bạn khỏi sự mê tín, niềm tin sai lầm và dạy bạn cách mặc lấy nhân cách giống Đấng Ki-tô. (Đọc Ê-phê-sô 4:22-24). Nhờ thế, bạn có đặc ân được ở trong nhóm người duy nhất trên thế giới xứng đáng mang danh là “dân tộc tự do”.—Gia 2:12.

16 Hãy xem điều này: Khi ở trong vòng những người hết lòng yêu mến Đức Giê-hô-va, bạn có cảm thấy sợ hãi không? Bạn có nhìn trước, nhìn sau vì lo sợ không? Khi nói chuyện với các anh chị tại Phòng Nước Trời, bạn có khư khư ôm chặt túi đồ của mình, sợ nó biến mất? Hoàn toàn không. Trái lại, bạn cảm thấy thoải mái và tự do. Bạn có cảm thấy như thế khi ở ngoài thế gian không? Dĩ nhiên không. Rõ ràng, bạn đang hưởng được sự tự do trong vòng dân sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, còn có một sự tự do trọn vẹn hơn thế đang chờ đón bạn ở phía trước.

“SỰ TỰ DO VINH HIỂN CỦA CON CÁI ĐỨC CHÚA TRỜI”

17. Làm thế nào “sự vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời được tỏ lộ” giúp nhân loại có tự do?

17 Khi nói về sự tự do Đức Giê-hô-va sẽ ban cho tôi tớ trên đất của ngài, Phao-lô viết: “Các tạo vật đều háo hức trông mong sự vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời được tỏ lộ”. Rồi ông nói thêm: “[Các tạo vật] sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát và có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:19-21). “Các tạo vật” nói đến những người có hy vọng sống vĩnh cửu trên đất, họ sẽ nhận được lợi ích khi sự vinh hiển của con cái được xức dầu của Đức Chúa Trời được tỏ lộ. Sự tỏ lộ đó sẽ bắt đầu khi những người được xức dầu ở trên trời cùng với Chúa Giê-su xóa bỏ sự gian ác trên đất và đưa “một đám đông” vào thế giới mới.—Khải 7:9, 14.

18. Sự tự do của nhân loại biết vâng lời sẽ ngày càng được thêm lên như thế nào? Cuối cùng, họ sẽ hưởng được sự tự do nào?

18 Lúc đó, nhân loại được cứu chuộc sẽ cảm nghiệm một loại tự do hoàn toàn mới, đó là được thoát khỏi ảnh hưởng của Sa-tan và ác thần (Khải 20:1-3). Thật là nhẹ nhõm biết bao! Sau đó, 144.000 vua kiêm thầy tế lễ sẽ áp dụng những lợi ích của giá chuộc cho đến khi nhân loại hoàn toàn được thoát khỏi ảnh hưởng của tội lỗi di truyền và sự bất toàn (Khải 5:9, 10). Những ai trung thành, vượt qua thử thách sẽ được hưởng sự tự do trọn vẹn như ý định Đức Giê-hô-va, đó là “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”. Hãy nghĩ xem! Bạn sẽ không còn phải phấn đấu để làm điều đúng trước mắt Đức Chúa Trời, vì tâm trí và thể chất của bạn sẽ hoàn hảo, nhân cách của bạn sẽ hoàn toàn biến đổi theo hình ảnh của Đức Chúa Trời.

19. Ngày nay, chúng ta phải làm gì để tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự tự do thật?

19 Bạn có mong hưởng được “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” không? Nếu có, hãy để ‘luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do’ tiếp tục tác động đến tâm trí của bạn. Hãy siêng năng học Lời Đức Chúa Trời, sống theo đường lối sự thật, cầu xin thần khí và tận dụng các sắp đặt trong hội thánh cũng như tiếp nhận thức ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Đừng để Sa-tan lừa dối bạn, như hắn đã lừa dối Ê-va, khiến bạn nghĩ rằng đường lối của Đức Giê-hô-va là gò bó. Đúng là Kẻ Quỷ Quyệt rất tinh vi. Thế nhưng, chúng ta có thể thắng được hắn, “vì chẳng phải chúng ta không biết mưu kế của hắn”. Điều này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.—2 Cô 2:11.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 9]

Mình còn khao khát một số “tự do” của thế gian không?

[Các hình nơi trang 9]

Mình có đang sống theo đường lối sự thật không?