Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ tình nguyện đến—Ecuador

Họ tình nguyện đến—Ecuador

Họ tình nguyện đến—Ecuador

Một anh trẻ ở Ý, tên là Bruno, gặp áp lực. Anh vừa đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp trung học, và giờ đây người thân cùng thầy cô khuyến khích anh tiếp tục học lên cao. Tuy nhiên, vài năm trước, Bruno đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và hứa nguyện là sẽ đặt việc làm theo ý muốn của ngài lên hàng đầu trong đời sống. Vậy, anh quyết định thế nào? Anh giải thích: “Qua lời cầu nguyện, tôi hứa với Đức Giê-hô-va rằng tôi sẽ sống đúng với sự dâng mình và đặt ngài lên hàng đầu. Tôi cũng thật lòng cho ngài biết tôi không muốn sống một đời sống tẻ nhạt, nhưng muốn một đời sống phong phú có nhiều hoạt động trong việc phụng sự ngài”.

Vài năm sau, Bruno có mặt ở Ecuador, Nam Mỹ. Anh nói: “Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi hơn cả điều tôi mong đợi”. Khi đến Ecuador, Bruno rất ngạc nhiên vì có nhiều người trẻ khác cũng chuyển đến đây để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn.

NHỮNG NGƯỜI TRẺ ‘THỬ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA’

Như hàng ngàn người trẻ khác trên khắp thế giới, Bruno đã hưởng ứng lời mời này của Đức Giê-hô-va: ‘Khá thử ta, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi chăng’ (Mal 3:10). Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời đã thúc đẩy họ quyết định ‘thử ngài’ qua việc tình nguyện dùng thời gian, năng lực và của cải để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời ở một nước có nhu cầu lớn hơn.

Khi những người trẻ này đến nhiệm sở mới, họ sớm cảm nghiệm rằng “mùa gặt thì trúng mà thợ gặt thì ít” (Mat 9:37). Chẳng hạn, chị Jaqueline, đến từ Đức, viết thư cho chi nhánh ở Ecuador: “Chỉ mới phụng sự ở Ecuador được hơn hai năm, tôi đã có 13 học hỏi Kinh Thánh, 4 học viên tham dự nhóm họp đều đặn. Đây chẳng phải là điều tuyệt vời sao?”. Chị Chantal, đến từ Canada, kể: “Năm 2008, tôi chuyển đến một vùng ven biển Ecuador, nơi chỉ có một hội thánh. Hiện nay, ở đó có ba hội thánh và hơn 30 người tiên phong. Không gì sánh cho bằng được thấy nhiều người mới đang tiến bộ!”. Chị nói thêm: “Tôi mới chuyển đến một thành phố ở độ cao 2.743m trên rặng Andes. Thành phố này có hơn 75.000 dân, nhưng chỉ có một hội thánh. Quả là một cánh đồng màu mỡ! Tôi vô cùng vui thích với công việc thánh chức tại đây”.

THỬ THÁCH ĐI KÈM

Dĩ nhiên, việc phụng sự ở nước ngoài có không ít khó khăn. Thậm chí, lúc chưa chuyển đi, một số người trẻ đã gặp trở ngại rồi. Chị Kayla, đến từ Hoa Kỳ, viết: “Phản ứng tiêu cực của một số anh chị có thiện chí ở quê nhà làm em nản lòng. Họ không hiểu tại sao em muốn chuyển ra nước ngoài làm tiên phong. Có lúc, điều đó làm em phân vân không biết quyết định của mình có đúng không”. Dù vậy, Kayla đã quyết định chuyển đi. Chị giải thích: “Em cầu nguyện nhiều với Đức Giê-hô-va và nói chuyện nhiều với các anh chị thành thục. Điều này đã giúp em thấy rằng Đức Giê-hô-va ban phước cho những người có tinh thần tình nguyện”.

Đối với nhiều anh chị, việc học ngôn ngữ mới cũng là một trở ngại. Chị Siobhan, đến từ Ai Len, nhớ lại: “Tôi cảm thấy rất khó chịu khi không diễn tả được điều mình muốn nói. Tôi đã phải tập kiên trì, siêng năng học hỏi và cười trước sai sót của mình”. Chị Anna, đến từ Estonia, nói thêm: “Việc thích nghi với cái nóng bức của vùng nhiệt đới, bụi bặm và tắm nước lạnh không là gì so với việc học tiếng Tây Ban Nha. Có lúc em muốn bỏ cuộc. Em phải tập chú tâm đến sự tiến bộ thay vì chú tâm đến sai sót của mình”.

Ngoài ra, nỗi nhớ nhà cũng là một thử thách không nhỏ. Anh Jonathan, đến từ Hoa Kỳ, thừa nhận: “Thời gian ngắn sau khi đến đây, em cảm thấy nản lòng vì xa gia đình và bạn bè. Nhưng em đã vượt qua những cảm xúc này bằng cách tập trung vào việc học hỏi cá nhân và thánh chức. Chẳng bao lâu, những kinh nghiệm hào hứng trong thánh chức và những người bạn mới trong hội thánh đã giúp em vui vẻ trở lại”.

Một thử thách khác là điều kiện sống. Hẳn là điều kiện sống ở nước bạn chuyển đến không như ở quê nhà. Anh Beau, đến từ Canada, nói: “Ở nước của bạn, các dịch vụ như điện, nước lúc nào cũng có sẵn. Nhưng ở đây thì khác, điện nước lúc có lúc không”. Sự nghèo nàn, phương tiện đi lại không thuận tiện và nạn mù chữ cũng thường thấy ở nhiều nước đang phát triển. Chị Ines, đến từ Áo, đối phó với điều kiện sống như vậy bằng cách tập trung vào những điểm tốt của người địa phương. Chị nói: “Họ rất hiếu khách, hiền lành, sẵn sàng giúp đỡ và khiêm nhường. Quan trọng nhất là họ rất muốn biết thêm về Đức Chúa Trời”.

‘PHƯỚC NHIỀU ĐẾN NỖI KHÔNG CHỖ CHỨA’

Dù tất cả những anh chị trẻ đang phụng sự ở Ecuador đã hy sinh nhiều, nhưng họ cảm nhận rằng Đức Giê-hô-va ban cho “nhiều hơn gấp bội những gì” họ mong đợi (Ê-phê 3:20). Thật vậy, họ cảm thấy mình nhận được ‘phước nhiều đến nỗi không chỗ chứa’ (Mal 3:10). Sau đây là những cảm nhận của họ về thánh chức:

Bruno: “Tôi bắt đầu thánh chức ở Ecuador tại vùng Amazon đầy huyền bí. Sau đó, tôi phụ giúp công việc mở rộng văn phòng chi nhánh tại Ecuador. Giờ đây, tôi đang làm trong Bê-tên. Khi còn ở Ý, tôi đã quyết định đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, và ngài thật sự đã thỏa mãn ước nguyện của tôi là có đời sống phong phú và thú vị khi phụng sự ngài”.

Beau: “Vì ở Ecuador tôi có thể dùng toàn bộ thời gian cho các hoạt động thiêng liêng, nên tôi gần gũi Đức Giê-hô-va hơn rất nhiều. Đồng thời, tôi có thêm ân phước là được tham quan những thắng cảnh hữu tình, điều mà trước đây tôi luôn ao ước”.

Anna: “Vì là nữ và còn độc thân, trước đây, em chưa bao giờ nghĩ là mình có thể có đời sống giống như một giáo sĩ. Nhưng giờ em biết rằng điều đó là có thể. Nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va, em rất hạnh phúc trong công việc đào tạo môn đồ, xây Phòng Nước Trời và có những người bạn mới”.

Elke: “Tại quê nhà ở Áo, em thường cầu xin Đức Giê-hô-va cho em một học hỏi Kinh Thánh thôi cũng được. Ở đây, em có 15 học hỏi Kinh Thánh! Được thấy gương mặt hạnh phúc của những học viên tiến bộ, em mãn nguyện vô cùng”.

Joel: “Thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi được đến một nơi hoàn toàn xa lạ để phụng sự Đức Giê-hô-va. Mình phải tập nương cậy nơi ngài nhiều hơn, và thật lý thú khi thấy nỗ lực của mình được Đức Giê-hô-va ban phước! Trong năm đầu tôi từ Hoa Kỳ đến đây, nhóm mà tôi kết hợp gia tăng từ 6 đến 21 người công bố. Có 110 người tham dự Lễ Tưởng Niệm”.

CÒN BẠN THÌ SAO?

Hỡi các anh chị trẻ tuổi, hoàn cảnh của bạn có cho phép mình phụng sự tại một nước có nhu cầu lớn hơn không? Dĩ nhiên, đưa ra một quyết định lớn như thế đòi hỏi phải hoạch định cẩn thận, nhưng quan trọng nhất là một người phải có tình yêu thương sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va và người lân cận. Nếu có tình yêu thương đó và hội đủ những điều kiện khác, hãy tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về việc phụng sự ngài ở một nước khác. Ngoài ra, hãy nói chuyện với cha mẹ và các trưởng lão về ước muốn của bạn. Biết đâu bạn sẽ đi đến kết luận rằng mình cũng có thể tham gia vào việc phụng sự đầy hào hứng và thỏa nguyện này.

[Câu nổi bật nơi trang 3]

“Em cầu nguyện nhiều với Đức Giê-hô-va và nói chuyện nhiều với các anh chị thành thục. Điều này đã giúp em thấy rằng Đức Giê-hô-va ban phước cho những người có tinh thần tình nguyện”.—Kayla đến từ Hoa Kỳ

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Cách chuẩn bị cho việc phụng sự ở nước ngoài

• Tạo thói quen tốt trong việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân

• Ôn lại Thánh Chức Nước Trời tháng 8-2011, trang 4-6

• Nói chuyện với những anh chị từng phụng sự ở nước ngoài

• Tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của nước đó

• Tham gia một khóa học căn bản về ngôn ngữ

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Một số anh chị phụng sự ở nước ngoài tự trang trải chi phí bằng cách...

• làm việc vài tháng mỗi năm tại nước của họ

• cho thuê nhà, căn hộ hoặc cơ sở kinh doanh

• làm việc qua mạng

[Các hình nơi trang 4, 5]

1 Jaqueline từ Đức

2 Bruno từ Ý

3 Beau từ Canada

4 Siobhan từ Ai Len

5 Joel từ Hoa Kỳ

6 Jonathan từ Hoa Kỳ

7 Anna từ Estonia

8 Elke từ Áo

9 Chantal từ Canada

10 Ines từ Áo