Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tôi sẽ hãi-hùng ai?”

“Tôi sẽ hãi-hùng ai?”

“Tôi sẽ hãi-hùng ai?”

“Dầu giặc-giã dấy nghịch cùng tôi, khi ấy tôi cũng có lòng tin-cậy vững-bền”.—THI 27:3.

THEO NHỮNG CÂU KINH THÁNH SAU ĐÂY, ĐIỀU GÌ CÓ THỂ GIÚP BẠN CÓ LÒNG CAN ĐẢM?

Thi-thiên 27:1

Thi-thiên 27:4

Thi-thiên 27:11

1. Thi-thiên bài 27 sẽ giúp chúng ta hiểu điều gì?

Tại sao công việc rao giảng của chúng ta càng tiến triển bất kể tình hình thế giới ngày càng tồi tệ? Tại sao chúng ta sẵn sàng dùng thời gian và năng lực để làm công việc ấy trong thời buổi kinh tế khó khăn này? Làm sao chúng ta có thể giữ lòng can đảm trong khi nhiều người khác đang lo sợ về tương lai? Bài Thi-thiên 27, một bài ca được soi dẫn của vua Đa-vít, cho chúng ta câu trả lời.

2. Cảm giác hãi hùng có thể ảnh hưởng đến một người như thế nào? Nhưng chúng ta có niềm tin chắc nào?

2 Đa-vít mở đầu bài Thi-thiên này bằng những lời sau: “Đức Giê-hô-va là ánh-sáng và là sự cứu-rỗi tôi: Tôi sẽ sợ ai? Đức Giê-hô-va là đồn-lũy của mạng-sống tôi: Tôi sẽ hãi-hùng ai?” (Thi 27:1). Nỗi sợ làm cho một người suy yếu, nhưng sự hãi hùng còn có ảnh hưởng tai hại hơn. Thế nhưng, không sự hãi hùng nào khiến cho người kính sợ Đức Giê-hô-va phải hoang mang (1 Phi 3:14). Nếu để Đức Giê-hô-va là đồn lũy của mình, chúng ta “sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào” (Châm 1:33; 3:25). Tại sao?

“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ÁNH-SÁNG VÀ LÀ SỰ CỨU-RỖI TÔI”

3. Đức Giê-hô-va là ánh sáng của chúng ta theo nghĩa nào? Nhưng chúng ta phải làm gì?

3 Phép ẩn dụ ‘Đức Giê-hô-va là ánh-sáng tôi’ làm chúng ta nghĩ đến việc Đức Giê-hô-va giải thoát chúng ta khỏi sự ngu muội và tối tăm về thiêng liêng (Thi 27:1). Ngọn đèn giúp chúng ta nhìn thấy mối nguy hiểm hay chướng ngại vật trên đường nhưng không dẹp bỏ chúng. Vì thế, chúng ta phải khôn ngoan hành động theo những gì mình thấy. Tương tự, như ngọn đèn, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho chúng ta biết ý nghĩa của những biến cố đang xảy ra trên thế giới. Ngài cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm trong thế gian gian ác này. Ngài cho chúng ta các nguyên tắc Kinh Thánh hữu ích, nhưng chúng ta phải áp dụng những điều mình học. Khi làm thế, chúng ta có thể trở nên khôn ngoan như người viết Thi-thiên. Ông nói: “Các điều-răn Chúa làm cho tôi khôn-ngoan hơn kẻ thù-nghịch tôi,... có trí hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi”.—Thi 119:98, 99, 130.

4. (a) Tại sao Đa-vít có thể khẳng định: “Đức Giê-hô-va... là sự cứu-rỗi tôi”? (b) Khi nào Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu các tôi tớ của ngài?

4 Lời của Đa-vít nơi Thi-thiên 27:1 cho thấy ông không quên việc Đức Giê-hô-va đã từng giải cứu ông. Chẳng hạn, ngài cứu ông “khỏi vấu sư-tử và khỏi cẳng gấu”. Đức Giê-hô-va cũng giúp ông đánh bại tên khổng lồ Gô-li-át. Sau này, vua Sau-lơ toan giết Đa-vít bằng mũi giáo, nhưng lần nào Đức Giê-hô-va cũng giải cứu ông (1 Sa 17:37, 49, 50; 18:11, 12; 19:10). Vậy, không ngạc nhiên gì khi Đa-vít khẳng định: “Đức Giê-hô-va... là sự cứu-rỗi tôi”! Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu các tôi tớ ngài như ngài đã giải cứu Đa-vít. Như thế nào? Ngài sẽ giải cứu họ qua “hoạn nạn lớn” sắp tới.—Khải 7:14; 2 Phi 2:9.

NHỚ LẠI SỰ TRỢ GIÚP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

5, 6. (a) Việc hồi tưởng lại quá khứ giúp chúng ta có thêm can đảm như thế nào? (b) Việc nhớ lại cách Đức Giê-hô-va đã giúp dân của ngài trong quá khứ mang lại lợi ích cho chúng ta như thế nào?

5 Một yếu tố quan trọng giúp chúng ta có thêm lòng can đảm được nêu ra nơi Thi-thiên 27:2, 3. (Đọc). Đa-vít nhớ lại những lần Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông (1 Sa 17:34-37). Sự hồi tưởng như thế giúp ông vững tin để đối mặt với những hoàn cảnh cam go. Những trải nghiệm trong quá khứ có giúp bạn như thế không? Chẳng hạn, có khi nào bạn tha thiết cầu nguyện lúc gặp khó khăn, rồi cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan hoặc sức mạnh để bạn đương đầu? Có khi nào Đức Giê-hô-va giúp bạn vượt qua một trở ngại mà đã khiến bạn mất niềm vui trong việc phụng sự ngài, hoặc mở một cánh cửa lớn để bạn mở rộng thánh chức? (1 Cô 16:9). Khi nhớ lại những điều đó, bạn cảm thấy thế nào? Hẳn những ký ức đó khiến bạn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể giúp bạn vượt qua hoặc chịu đựng ngay cả những trở ngại hoặc nghịch cảnh lớn hơn.—Rô 5:3-5.

6 Nói sao nếu một chính phủ có quyền lực mưu toan diệt trừ Nhân Chứng Giê-hô-va với tư cách là một tổ chức? Trong thời hiện đại, nhiều người cố làm thế, nhưng họ đã thất bại. Khi nhớ lại cách Đức Giê-hô-va đã giúp dân ngài trong quá khứ, chúng ta sẽ được củng cố để đối mặt với tương lai.—Đa 3:28.

QUÝ TRỌNG SỰ THỜ PHƯỢNG THANH SẠCH

7, 8. (a) Nơi Thi-thiên 27:4, Đa-vít đã xin Đức Giê-hô-va điều gì? (b) Đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va là gì? Chúng ta thờ phượng nơi đền thờ đó qua những cách nào?

7 Một yếu tố quan trọng khác giúp chúng ta hành động can đảm là lòng yêu mến đối với sự thờ phượng thật. (Đọc Thi-thiên 27:4). Vào thời Đa-vít, “nhà Đức Giê-hô-va” là đền tạm. Sau này, một đền thờ lộng lẫy được xây lên, chính Đa-vít đã hoạch định chi tiết và con ông là Sa-lô-môn tiến hành việc xây cất. Hàng thế kỷ sau, Chúa Giê-su giải thích rằng sẽ đến thời người ta không còn phải đến đền thờ để thờ phượng Đức Giê-hô-va nữa (Giăng 4:21-23). Trong chương 8-10 của sách Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô cho biết một đền thờ thiêng liêng vĩ đại đã được hình thành khi Chúa Giê-su làm báp-têm vào năm 29 CN. Lúc đó, ngài trình diện để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va (Hê 10:10). Đền thờ thiêng liêng vĩ đại là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để sự thờ phượng của chúng ta được ngài chấp nhận, với điều kiện là chúng ta thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Chúng ta thờ phượng nơi đền thờ đó bằng cách nào? Bằng cách cầu nguyện “với tấm lòng thành thật và đức tin trọn vẹn”; công bố niềm hy vọng mà không hề nao núng; quan tâm và khuyến khích anh em đồng đạo tại các buổi nhóm họp và Buổi thờ phượng của gia đình (Hê 10:22-25). Lòng quý trọng sự thờ phượng thật làm vững mạnh chúng ta trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này.

8 Trên khắp thế giới, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đang gia tăng thánh chức, học ngôn ngữ mới và chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Hành động của họ cho thấy họ chỉ muốn xin Đức Giê-hô-va một điều, như người viết Thi-thiên. Đó là họ muốn cảm nghiệm được sự tốt đẹp của ngài và tiếp tục phụng sự ngài dù có bất cứ điều gì xảy ra.—Đọc Thi-thiên 27:6.

TIN CẬY NƠI SỰ TRỢ GIÚP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

9, 10. Lời đảm bảo nơi Thi-thiên 27:10 mang ý nghĩa nào?

9 Đa-vít nêu bật lòng tin cậy của mình nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va qua những lời sau: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp-nhận tôi” (Thi 27:10). Theo lời tường thuật nơi 1 Sa-mu-ên chương 22, chúng ta có thể kết luận rằng cha mẹ của Đa-vít không bỏ ông. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người phải chịu cảnh bị gia đình từ bỏ. Dù vậy, nhiều người trong số đó đã tìm được sự trợ giúp và bảo vệ trong vòng hội thánh đạo Đấng Ki-tô.

10 Nếu Đức Giê-hô-va sẵn sàng trợ giúp các tôi tớ của ngài khi họ bị từ bỏ, chẳng lẽ ngài lại không gìn giữ họ qua bất cứ thử thách nào khác hay sao? Chẳng hạn, có thể chúng ta lo lắng, không biết làm sao có thể chu cấp cho gia đình. Nếu vậy, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ (Hê 13:5, 6). Ngài hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của tất cả tôi tớ trung thành của ngài.

11. Lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va tác động đến người khác như thế nào? Hãy cho ví dụ.

11 Hãy xem trường hợp của chị Victoria, một học viên Kinh Thánh ở Liberia. Khi chị đang học Kinh Thánh, người đàn ông chung sống với chị đã bỏ chị và ba con. Dù không nhà cửa và không việc làm nhưng chị tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Sau khi chị làm báp-têm, con gái 13 tuổi của chị nhặt được một ví đầy tiền. Để tránh bị cám dỗ, mẹ con chị quyết định không đếm tiền. Họ liên lạc ngay với chủ nhân của chiếc ví, đó là một người lính. Người lính đó nói với mẹ con chị là nếu mọi người đều trung thực như Nhân Chứng Giê-hô-va thì thế giới sẽ tốt đẹp và yên bình hơn. Chị Victoria dùng Kinh Thánh để chia sẻ với anh lời hứa của Đức Giê-hô-va về một thế giới mới. Cảm kích trước lòng trung kiên của chị, người lính lấy một phần tiền tặng cho mẹ con chị. Thật vậy, nhờ lòng tin cậy tuyệt đối nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Nhân Chứng Giê-hô-va có tiếng là những người trung thực.

12. Khi tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể những thiệt thòi về vật chất, chúng ta cho thấy điều gì? Hãy cho ví dụ.

12 Cũng hãy xem trường hợp của anh Thomas, một người công bố chưa báp-têm ở Sierra Leone. Anh bắt đầu dạy học trong một trường trung học, nhưng anh phải đợi đến khi thủ tục hoàn tất thì mới được nhận lương. Anh phải đợi bao lâu? Đến gần một năm. Điều kiện cuối cùng để được nhận lương là gì? Đó là anh phải qua một cuộc phỏng vấn với hiệu trưởng, là linh mục. Ông linh mục nói rằng niềm tin của Nhân Chứng Giê-hô-va không phù hợp để làm việc trong trường này. Ông ta nhất quyết yêu cầu anh Thomas phải chọn giữa công việc và niềm tin dựa trên Kinh Thánh. Anh Thomas đã nghỉ việc và bị mất gần một năm tiền lương. Sau đó, anh tìm được việc khác, đó là sửa chữa radio và điện thoại di động. Kinh nghiệm này và vô số kinh nghiệm tương tự cho thấy, dù người đời thường “hãi-hùng” trước cảnh thiếu thốn, nhưng chúng ta có cơ sở vững chắc để tin rằng Đức Giê-hô-va, đấng tạo ra muôn vật cũng là đấng bảo vệ dân ngài, sẽ luôn chăm sóc chúng ta.

13. Công việc rao giảng về Nước Trời phát triển thế nào trong những nước khó khăn?

13 Trong nhiều nước có điều kiện sống khó khăn, những người công bố về Nước Trời thường rất sốt sắng. Tại sao? Một văn phòng chi nhánh báo cáo: “Nhiều chủ nhà đồng ý học Kinh Thánh là người thất nghiệp và vì thế họ có nhiều thời gian trong ngày để học. Các anh chị cũng có nhiều thời gian hơn để đi rao giảng”. Báo cáo ấy cũng cho biết là dân trong nước đó, đặc biệt ở những vùng nghèo nàn nhất, đồng ý ngay rằng hiện nay là thời kỳ sau cùng vì họ tận mắt thấy bằng chứng xung quanh. Tại một nước khác, trung bình mỗi người công bố có ba học hỏi Kinh Thánh. Một giáo sĩ đã phụng sự ở đó hơn 12 năm viết: “Vì nhiều người công bố có đời sống đơn giản và ít bị phân tâm, thường họ có thêm thời gian để đi rao giảng và giúp người ta học Kinh Thánh”.

14. Đám đông sẽ được Đức Chúa Trời bảo vệ như thế nào?

14 Đức Giê-hô-va hứa giúp, bảo vệ và giải cứu dân ngài với tư cách là một nhóm, cả về thể chất lẫn tâm linh, và chúng ta tin nơi lời hứa đó (Thi 37:28; 91:1-3). Sẽ có một đám đông được giải thoát qua “hoạn nạn lớn” (Khải 7:9, 14). Như vậy, Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ nhóm người đó trong những ngày còn lại của thời kỳ sau cùng, không để họ bị tuyệt diệt với tư cách là một nhóm. Họ sẽ được cung cấp mọi thứ cần thiết để chịu đựng thử thách và gìn giữ mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Rồi trong giai đoạn cuối của hoạn nạn lớn, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu dân ngài.

“HỠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, XIN CHỈ-DẠY TÔI CON ĐƯỜNG NGÀI”

15, 16. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi làm theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời? Hãy cho ví dụ.

15 Để giữ lòng can đảm, chúng ta cần tiếp tục để Đức Chúa Trời dạy dỗ mình. Điều này thấy rõ qua lời cầu xin của Đa-vít: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin chỉ-dạy tôi con đường Ngài; nhân vì các kẻ thù-nghịch tôi, xin hãy dẫn tôi vào lối bằng-thẳng” (Thi 27:11). Chúng ta cho thấy mình có cùng tâm tình với Đa-vít khi cẩn thận xem xét mọi chỉ dẫn mà chúng ta nhận được qua tổ chức của Đức Giê-hô-va, rồi áp dụng ngay. Chẳng hạn, nhiều anh chị đã áp dụng lời khuyên khôn ngoan là đơn giản hóa đời sống. Họ trả hết nợ và bán những thứ không cần thiết. Vì thế, khi nền kinh tế xuống dốc, họ không phải lo lắng nhiều về tiền bạc. Thay vì phải vất vả để chi trả cho những thứ không cần thiết, giờ đây họ sẵn sàng mở rộng thánh chức. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Mình có nhanh chóng áp dụng mọi điều mình đọc trong Kinh Thánh và trong các ấn phẩm do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp, ngay cả khi điều đó đòi hỏi sự hy sinh không?”.—Mat 24:45.

16 Khi để Đức Giê-hô-va dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta trong đường lối công chính, chúng ta không có lý do gì phải sợ. Một người tiên phong đều đều ở Hoa Kỳ điền đơn xin một công việc khác có thể giúp anh và cả gia đình tiếp tục phụng sự trọn thời gian. Người quản lý của anh nói rằng anh sẽ không bao giờ nhận được công việc ấy nếu như không có bằng đại học. Nếu điều này xảy ra với bạn, bạn có hối tiếc vì đã quyết định phụng sự trọn thời gian thay vì học lên cao không? Hai tuần sau, người quản lý của anh bị mất việc, và một quản lý khác hỏi về mục tiêu của anh. Anh giải thích rằng vợ chồng anh là Nhân Chứng Giê-hô-va, dành một số giờ nhất định mỗi tháng để giúp người ta tìm hiểu Kinh Thánh, và muốn tiếp tục làm công việc này. Anh chưa kịp nói tiếp thì người quản lý nói: “Tôi biết anh không giống người khác! Trong những ngày cuối đời của bố tôi, hai người cùng đạo của anh đến và đọc Kinh Thánh cho bố tôi nghe mỗi ngày. Tôi tự hứa với lòng là chỉ cần có cơ hội giúp một Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi sẽ làm thế”. Sáng hôm sau, anh nhận được chính công việc mà người quản lý cũ từ chối giao cho anh. Thật vậy, khi chúng ta đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống, Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa của ngài là ban cho chúng ta những gì mình cần.—Mat 6:33.

ĐỨC TIN VÀ HY VỌNG LÀ NHỮNG ĐIỀU TRỌNG YẾU

17. Điều gì có thể giúp chúng ta vững tin khi đối mặt với tương lai?

17 Kế tiếp, Đa-vít nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin và hy vọng khi nói: “Ôi! Nếu tôi không tin chắc rằng sẽ thấy ơn của Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống, thì tôi hẳn đã ngã lòng rồi!” (Thi 27:13). Thật vậy, chúng ta không biết mình sẽ ra sao nếu không có niềm hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho và không quý trọng những điều đã thảo luận trong bài Thi-thiên 27. Vậy, mong sao chúng ta tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh và giải cứu chúng ta khi chúng ta đối mặt với những biến cố dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn.—Đọc Thi-thiên 27:14.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Đa-vít được thêm sức nhờ nhớ lại những hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 25]

Chúng ta có xem sự khó khăn về kinh tế là cơ hội để mở rộng thánh chức không?