Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đứng vững và tránh bẫy của Sa-tan!

Đứng vững và tránh bẫy của Sa-tan!

Đứng vững và tránh bẫy của Sa-tan!

“Đứng vững trước những mưu kế của Kẻ Quỷ Quyệt”.—Ê-PHÊ 6:11.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Làm thế nào tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể tránh bị sa vào lối sống vật chất?

Điều gì có thể giúp những tín đồ đã kết hôn không rơi vào bẫy ngoại tình?

Theo bạn, chúng ta được lợi ích nào khi đứng vững và kháng cự lối sống vật chất và sự vô luân?

1, 2. (a) Tại sao Sa-tan không thương xót những người được xức dầu và “các chiên khác”? (b) Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận hai loại bẫy nào của Sa-tan?

Sa-tan, Kẻ Quỷ Quyệt, không có lòng thương xót người ta, nhất là những người phụng sự Đức Giê-hô-va. Thật vậy, Sa-tan đang gây chiến với các tín đồ được xức dầu còn sót lại (Khải 12:17). Những tín đồ can đảm này đang dẫn đầu công việc rao giảng trong thời hiện đại và đã vạch trần bộ mặt của kẻ cai trị thế gian. Kẻ Quỷ Quyệt cũng chẳng yêu thương gì “các chiên khác”, là nhóm người ủng hộ những tín đồ được xức dầu và đang đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu, triển vọng mà Sa-tan đã đánh mất (Giăng 10:16). Không lạ gì khi hắn rất giận dữ! Dù chúng ta có hy vọng lên trời hoặc sống mãi trên đất, Sa-tan chẳng màng đến lợi ích của chúng ta. Mục tiêu của hắn là nuốt chửng chúng ta.—1 Phi 5:8.

2 Để đạt được mục tiêu, Sa-tan giăng ra nhiều loại bẫy. Hắn “làm mù tâm trí” những người không tin đạo nên họ không chấp nhận tin mừng và không thể thấy được các bẫy này. Tuy nhiên, Sa-tan cũng “bắt được” một số người đã chấp nhận thông điệp Nước Trời (2 Cô 4:3, 4). Trong bài trước, chúng ta đã học cách tránh ba loại bẫy của Sa-tan: (1) mất tự chủ trong lời nói, (2) nỗi sợ hãi và áp lực, (3) mang nặng mặc cảm tội lỗi. Giờ đây, chúng ta hãy xem làm thế nào chúng ta có thể đứng vững và chống lại hai loại bẫy khác của Sa-tan: lối sống vật chất và ngoại tình.

BẪY “BÓP NGHẸT”—LỐI SỐNG VẬT CHẤT

3, 4. Làm thế nào nỗi lo lắng về đời này khiến người ta hướng đến lối sống vật chất?

3 Trong một minh họa, Chúa Giê-su đề cập đến hạt giống rơi giữa bụi gai. Ngài giải thích là một số người nghe lời giảng về Nước Trời “nhưng những mối lo lắng trong đời này và sự cám dỗ của giàu sang khiến lời ấy bị bóp nghẹt, không kết quả” (Mat 13:22). Thật vậy, lối sống thiên về vật chất là một loại bẫy mà Sa-tan giăng ra.

4 Có hai yếu tố mà khi kết hợp lại thì làm cho “lời ấy bị bóp nghẹt”. Yếu tố thứ nhất là “những mối lo lắng trong đời”. Trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” này, nhiều điều có thể khiến bạn lo lắng (2 Ti 3:1). Với thực trạng chi phí đắt đỏ và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, có thể bạn thấy khó sống. Có lẽ bạn cũng lo lắng về tương lai và băn khoăn không biết khi về hưu rồi, mình có đủ sống hay không. Vì các nỗi lo âu như thế mà một số người đã gắng sức làm giàu, nghĩ là đồng tiền sẽ đảm bảo cho tương lai của mình.

5. Sự giàu sang có thể lừa dối chúng ta như thế nào?

5 Yếu tố thứ hai mà Chúa Giê-su nói đến là “sự cám dỗ [“sự lừa dối”, Ghi-đê-ôn] của giàu sang”. Yếu tố này kết hợp với nỗi lo lắng có thể bóp nghẹt thông điệp Nước Trời. Kinh Thánh công nhận rằng “tiền-bạc che thân” (Truyền 7:12). Tuy nhiên, theo đuổi việc làm giàu là đường lối thiếu khôn ngoan. Nhiều người nhận thấy rằng càng phấn đấu làm giàu thì họ càng bị của cải vật chất siết chặt. Thậm chí một số người còn làm tôi cho tiền của.—Mat 6:24.

6, 7. (a) Tại sở làm, chúng ta có thể bị lôi cuốn theo đuổi sự giàu sang như thế nào? (b) Một tín đồ nên suy xét điều gì nếu được đề nghị làm thêm giờ?

6 Nếu không cẩn thận, một người dễ bị lôi cuốn theo đuổi sự giàu sang. Chẳng hạn, hãy xem bối cảnh này. Người chủ đến nói với bạn: “Có tin mừng cho anh nè! Công ty mình trúng thầu to. Trong vài tháng tới, anh phải làm thêm giờ rồi, nhưng tôi bảo đảm là anh sẽ được trả công xứng đáng”. Bạn phản ứng thế nào trước lời đề nghị ấy? Dĩ nhiên, chu cấp cho gia đình là một trách nhiệm quan trọng, nhưng đó không phải là trách nhiệm duy nhất của bạn (1 Ti 5:8). Bạn cũng cần suy xét một số khía cạnh khác. Bạn sẽ làm thêm bao nhiêu giờ? Liệu công việc này có ảnh hưởng đến các hoạt động thiêng liêng của bạn, trong đó có các buổi nhóm họp của hội thánh và Buổi thờ phượng của gia đình không?

7 Khi quyết định, bạn sẽ chú trọng đến điều nào: việc kiếm thêm tiền hay tình trạng thiêng liêng? Liệu nỗi ham mê kiếm tiền có khiến bạn không còn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống không? Hậu quả sẽ ra sao nếu bạn để cho lối sống vật chất khiến bạn lơ là việc chăm sóc sức khỏe thiêng liêng của mình cũng như của gia đình? Nếu tình trạng thiêng liêng của bạn đang bị đe dọa, làm sao bạn có thể đứng vững, không để lối sống vật chất bóp nghẹt mình?—Đọc 1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

8. Các trường hợp nào trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta xem lại lối sống của mình?

8 Để không bị lối sống vật chất bóp nghẹt, hãy đều đặn xem lại lối sống của bạn. Hẳn bạn không muốn như Ê-sau, người đã khinh thường những điều thiêng liêng! (Sáng 25:34; Hê 12:16). Và chắc chắn bạn cũng không muốn giống chàng trai giàu có, người được Chúa Giê-su đề nghị bán hết của cải để chia cho người nghèo và đi theo ngài. Thay vì chấp nhận lời đề nghị ấy, người này “buồn rầu bỏ đi vì anh ta có rất nhiều của cải” (Mat 19:21, 22). Bị vướng vào bẫy vật chất, chàng trai này đã đánh mất đặc ân lớn, đó là trở thành môn đồ của người vĩ đại nhất đã từng sống! Chúng ta nên cẩn thận để không đánh mất đặc ân làm môn đồ của Chúa Giê-su.

9, 10. Dựa trên Kinh Thánh, bạn nên có quan điểm nào về của cải vật chất?

9 Để bớt lo lắng về vật chất, hãy làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Chớ bao giờ lo lắng mà nói: ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì?’. Vì đó là những điều dân ngoại luôn mải lo tìm kiếm. Cha trên trời biết anh em cần mọi thứ ấy”.—Mat 6:31, 32; Lu 21:34, 35.

10 Thay vì để sự giàu sang lừa dối, hãy tập có quan điểm như một người viết Kinh Thánh là A-gu-rơ: “Đừng bắt con nghèo, cũng đừng cho con giàu, xin cho con vừa đủ cần dùng” (Châm 30:8, Bản Diễn Ý). Rõ ràng, A-gu-rơ hiểu là đồng tiền có thể “che thân”, đồng thời cũng hiểu sự giàu sang có thể “lừa dối”. Hãy nhận ra rằng các mối lo lắng của đời này cùng sự lừa dối của giàu sang có thể dẫn đến tình trạng suy sụp về thiêng liêng. Lo lắng thái quá về vật chất có thể khiến bạn không còn thì giờ, sức lực và động lực để theo đuổi quyền lợi Nước Trời. Thế nên, bạn hãy cương quyết đừng để mình bị mắc bẫy vật chất của Sa-tan!—Đọc Hê-bơ-rơ 13:5.

BẪY HỐ—NGOẠI TÌNH

11, 12. Làm thế nào một tín đồ có thể rơi vào bẫy ngoại tình tại sở làm?

11 Muốn bắt được con mồi to, một số thợ săn đào cái hố trên đường con vật hay đi qua. Cái hố thường được ngụy trang bằng một lớp đất và cành cây. Sa-tan cũng dùng loại bẫy giống như thế và đây là một trong những cách cám dỗ thành công nhất của hắn. Đó là tội vô luân (Châm 22:14; 23:27). Một số tín đồ đã mắc bẫy này khi để mình rơi vào tình huống khiến mình dễ phạm tội. Trong đó có những tín đồ đã kết hôn nhưng vướng vào chuyện yêu đương dẫn đến việc ngoại tình.

12 Chuyện yêu đương như thế có thể xảy ra tại sở làm. Thật vậy, theo một nghiên cứu, hơn 50% phụ nữ ngoại tình và gần 75% đàn ông ngoại tình đã ngoại tình với một đồng nghiệp. Công việc ngoài đời có đòi hỏi bạn phải tiếp xúc với người khác phái không? Nếu có, tính chất của mối quan hệ ấy là gì? Bạn có lập ra một ranh giới trong mối quan hệ với đồng nghiệp khác phái để không nảy sinh tình cảm lãng mạn không? Chẳng hạn, sau khi thường xuyên trò chuyện với một đồng nghiệp nam, một nữ tín đồ có thể bắt đầu xem người này là bạn tâm tình, thậm chí còn kể cho người này nghe những chuyện rắc rối trong hôn nhân của mình. Trường hợp khác, sau khi thân thiện với một đồng nghiệp nữ, một nam tín đồ có thể lý luận: “Cô ấy xem trọng ý kiến của mình và thật lòng lắng nghe khi mình nói. Cô ấy quý mình. Ước gì ở nhà mình cũng được đối xử như vậy!”. Chắc bạn đồng ý rằng những tín đồ trên có nguy cơ rơi vào bẫy ngoại tình phải không?

13. Chuyện yêu đương bất chính có thể nảy sinh trong hội thánh như thế nào?

13 Chuyện yêu đương như thế cũng có thể nảy sinh trong hội thánh. Hãy xem một kinh nghiệm có thật. Anh Daniel và vợ là Sarah * làm tiên phong đều đều. Anh Daniel cũng là một trưởng lão không bao giờ nói từ “không”, anh nhiệt tình đón nhận bất cứ đặc ân nào. Anh Daniel có năm học viên Kinh Thánh là những anh trẻ, trong đó ba người đã làm báp-têm. Các anh mới làm báp-têm này cần được giúp đỡ nhiều. Khi anh Daniel tất bật với các công việc trong hội thánh, chị Sarah thường thay chồng để giúp các anh ấy. Điều này đã trở thành điệp khúc: Các học viên cũ của anh Daniel cần được khích lệ và chị Sarah đã giúp họ. Chị cũng cần được quan tâm, và thế là các học viên của anh Daniel đã đáp lại sự mong mỏi của chị. Một cái bẫy chết người đã được giăng ra. Anh Daniel cho biết: “Vì dành nhiều thời gian lo cho người khác trong nhiều tháng nên vợ tôi kiệt quệ về tinh thần lẫn thiêng liêng, cộng thêm việc tôi không chú ý đến cô ấy, nên đã dẫn đến một kết cuộc bi thảm. Vợ tôi ngoại tình với một học viên cũ của tôi. Vợ tôi yếu đi về thiêng liêng ngay trước mắt tôi nhưng vì quá chú tâm đến các đặc ân nên tôi chẳng để ý”. Làm sao bạn có thể tránh rơi vào thảm kịch như thế?

14, 15. Những tín đồ đã kết hôn nên làm gì để tránh bẫy ngoại tình?

14 Để tránh sụp bẫy hố ngoại tình, hãy suy ngẫm về ý nghĩa của kết ước hôn nhân. Chúa Giê-su nói: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ” (Mat 19:6). Đừng bao giờ nghĩ rằng các đặc ân trong hội thánh quan trọng hơn người hôn phối của mình. Hơn nữa, hãy lưu ý là nếu bạn thường xuyên dành thời gian cho các hoạt động riêng thì có lẽ hôn nhân của bạn đang gặp vấn đề, điều này có thể dẫn đến sự cám dỗ và nguy cơ phạm tội trọng.

15 Dĩ nhiên, nếu là trưởng lão, bạn có trách nhiệm với hội thánh. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã được giao cho anh em, không phải vì bị ép buộc, nhưng sẵn lòng mà làm; không phải vì ham mê lợi phi nghĩa, nhưng sốt sắng mà làm” (1 Phi 5:2). Bạn không thể lơ là việc chăm sóc hội thánh. Tuy nhiên, bạn không nên quá chú tâm đến trách nhiệm làm trưởng lão đến nỗi không làm tròn trách nhiệm của người chồng. Nếu bạn chỉ chú tâm vào việc cho hội thánh “ăn”, còn vợ mình đang bị “đói” ở nhà thì không hợp lý, thậm chí còn nguy hiểm là đằng khác. Anh Daniel cho biết: “Cố ôm đồm nhiều đặc ân trong khi gia đình phải chịu thiệt thòi thì thật không đáng chút nào”.

16, 17. (a) Tại sở làm, các tín đồ đã kết hôn có thể áp dụng các phương pháp thực tế nào để cho thấy mình không thích lăng nhăng? (b) Hãy cho một thí dụ về tài liệu trong ấn phẩm có thể giúp các tín đồ tránh ngoại tình.

16 Tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! cung cấp nhiều lời khuyên hữu ích nhằm giúp các tín đồ đã kết hôn tránh rơi vào bẫy ngoại tình. Chẳng hạn, Tháp Canh ngày 15-9-2006 có lời khuyên: “Ở nơi làm việc cũng như những nơi khác, hãy coi chừng những tình huống có thể dẫn đến sự thân mật. Thí dụ, làm việc ngoài giờ và gần gũi với người khác phái có thể tạo điều kiện cho cám dỗ. Là người đã có gia đình, bạn nên biểu lộ qua lời nói và thái độ, cho thấy rõ là bạn không thích lăng nhăng. Là người đeo đuổi sự tin kính, chắc chắn bạn không muốn khêu gợi sự chú ý của người khác bằng cách đùa cợt hoặc ăn mặc khiếm nhã... Khi trưng hình người hôn phối và con cái ở nơi làm việc, điều này sẽ nhắc nhở bạn cũng như người khác rằng gia đình bạn là quan trọng. Hãy cương quyết không bao giờ khuyến khích, ngay cả dung túng, sự gạ gẫm của người khác”.

17 Tỉnh Thức! tháng 4-2009 (Anh ngữ) có đăng bài “Chung thủy có nghĩa gì?”. Bài này cảnh báo việc tơ tưởng tình dục với người không phải là người hôn phối của mình. Bài cũng cho biết việc tơ tưởng tình dục làm tăng nguy cơ phạm tội ngoại tình (Gia 1:14, 15). Nếu đã kết hôn, cả hai vợ chồng nên dành thời gian xem lại thông tin như vậy. Hôn nhân là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va, là điều thánh khiết. Dành thời gian củng cố hôn nhân của mình là cách rất tốt để cho thấy bạn quý trọng những điều thánh.—Sáng 2:21-24.

18, 19. (a) Hậu quả của việc ngoại tình là gì? (b) Sự chung thủy mang lại lợi ích nào?

18 Nếu nhận thấy mình bị cám dỗ vào chuyện yêu đương bất chính, hãy nghĩ đến hậu quả tai hại của hành vi vô luân và ngoại tình (Châm 7:22, 23; Ga 6:7). Những người phạm tội vô luân làm Đức Giê-hô-va buồn lòng, làm người hôn phối bị tổn thương và gây hại cho chính mình. (Đọc Ma-la-chi 2:13, 14). Cũng hãy nghĩ đến lợi ích mà những người giữ hạnh kiểm trong sạch nhận được. Họ không những có hy vọng sống vĩnh cửu mà còn hưởng được đời sống hạnh phúc nhất ngay bây giờ và một lương tâm tốt.—Đọc Châm-ngôn 3:1, 2.

19 Người viết Thi-thiên hát: “Phàm kẻ nào yêu-mến luật-pháp Chúa được bình-yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã” (Thi 119:165). Thế nên, trong thời buổi xấu xa này, hãy yêu mến sự thật và “giữ gìn cẩn thận cách ăn ở của anh em, chớ ăn ở như người dại dột nhưng như người khôn ngoan” (Ê-phê 5:15, 16). Con đường chúng ta đang đi đầy dẫy cạm bẫy của Sa-tan. Tuy nhiên, chúng ta được trang bị để tự bảo vệ mình. Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta những điều cần thiết hầu chúng ta có thể “đứng vững” và “dập tắt mọi mũi tên lửa của Kẻ Ác”!—Ê-phê 6:11, 16.

[Chú thích]

^ đ. 13 Các tên đã được thay đổi.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Lối sống vật chất có thể khiến một người bị bóp nghẹt về thiêng liêng. Đừng để điều này xảy ra cho bạn

[Hình nơi trang 29]

Tán tỉnh hoặc đáp lại sự tán tỉnh có thể khiến một người rơi vào bẫy ngoại tình