Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Coi chừng bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt!

Coi chừng bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt!

Coi chừng bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt!

“Thoát khỏi bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt”.​—2 TI 2:26.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Nếu có khuynh hướng chỉ trích người khác, bạn cần xem xét điều gì?

Qua trường hợp của Phi-lát và Phi-e-rơ, bạn học được gì về việc không để áp lực và nỗi sợ loài người lấn át mình?

Làm thế nào bạn có thể tránh mang nặng mặc cảm tội lỗi?

1, 2. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những loại bẫy nào của Kẻ Quỷ Quyệt?

Kẻ Quỷ Quyệt săn đuổi tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Mục tiêu của hắn không nhất thiết là tiêu diệt họ như người thợ săn giết con mồi to. Thay vì thế, mục tiêu chính của hắn là bắt sống người ta và buộc họ làm theo ý hắn.—Đọc 2 Ti-mô-thê 2:24-26.

2 Để bắt sống con mồi, người thợ săn có thể dùng nhiều bẫy khác nhau. Ông có thể nhử con mồi ra khỏi chỗ ẩn nấp và dùng bẫy thòng lọng để bắt chúng. Hoặc có lúc ông dùng một bẫy được ngụy trang, có một cái lẫy để khiến con mồi sập bẫy bất thình lình. Kẻ Quỷ Quyệt dùng những bẫy tương tự để bắt sống tôi tớ Đức Chúa Trời. Để không bị sa bẫy, chúng ta phải cảnh giác và chú ý đến “biển cảnh báo” là gần đây có một bẫy của Sa-tan. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét cách mình có thể nhận ra và tránh ba loại bẫy mà Kẻ Quỷ Quyệt đã dùng một cách thành công. Đó là (1) mất tự chủ trong lời nói, (2) nỗi sợ hãi và áp lực, (3) mang nặng mặc cảm tội lỗi. Bài kế tiếp sẽ xem xét thêm hai loại bẫy khác của Sa-tan.

BẪY LỬA—MẤT TỰ CHỦ TRONG LỜI NÓI

3, 4. Hậu quả có thể là gì nếu không kiểm soát cái lưỡi? Hãy cho ví dụ.

3 Để khiến con mồi chạy ra khỏi nơi ẩn nấp, người thợ săn có thể châm lửa để gây cháy rồi bắt con mồi khi chúng cố chạy thoát. Theo nghĩa bóng, Kẻ Quỷ Quyệt cũng muốn gây cháy trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Nếu thành công, hắn có thể kéo những thành viên của hội thánh ra khỏi nơi an toàn đó và rơi vào nanh vuốt của hắn. Và nếu không cẩn thận, chúng ta có thể vô tình tiếp tay cho Sa-tan và sa vào bẫy của hắn. Như thế nào?

4 Môn đồ Gia-cơ ví cái lưỡi như một ngọn lửa. (Đọc Gia-cơ 3:6-8). Nếu không kiểm soát lưỡi, chúng ta có thể “châm lửa để gây cháy” trong hội thánh. Điều này có thể xảy ra như thế nào? Hãy xem một ví dụ. Tại một buổi họp của hội thánh, có thông báo là một chị được bổ nhiệm làm tiên phong đều đều. Sau nhóm họp, hai chị công bố nói chuyện về thông báo đó. Một chị thì rất vui và mong những điều tốt đến với chị tiên phong mới. Còn chị kia thì nghi vấn về động cơ của chị tiên phong và ngụ ý rằng chị tiên phong ấy chỉ muốn gây sự chú ý trong hội thánh mà thôi. Trong hai chị công bố này, bạn muốn làm bạn với ai? Không khó để biết trong hai chị đó, ai là người “châm lửa để gây cháy” trong hội thánh qua lời nói của mình.

5. Để dập tắt ngọn lửa là lời nói không tự chủ, chúng ta nên xem xét điều gì?

5 Làm sao chúng ta có thể dập tắt ngọn lửa là mất tự chủ trong lời nói? Chúa Giê-su nói: “Lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Vì thế, bước đầu tiên chúng ta cần làm là xem xét lòng mình. Chúng ta nên loại bỏ những cảm xúc tiêu cực có thể khiến mình nói những lời gây tổn thương. Chẳng hạn, khi nghe tin một anh chị nào đó nhận được đặc ân, chúng ta tin rằng người ấy có động cơ tốt hoặc nghi ngờ là người ấy có động cơ ích kỷ? Nếu có khuynh hướng nghi ngờ người khác, chúng ta cần nhớ rằng Kẻ Quỷ Quyệt từng nghi ngờ động cơ của Gióp, một tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời (Gióp 1:9-11). Thay vì nghi ngờ anh chị nào đó, chúng ta hãy xem tại sao mình có khuynh hướng chỉ trích người ấy. Có lý do chính đáng khiến chúng ta làm thế không? Hay chúng ta đã bị tiêm nhiễm tinh thần thiếu tình thương đang phổ biến trong những ngày sau cùng này?—2 Ti 3:1-4.

6, 7. (a) Một số lý do nào có thể khiến chúng ta có khuynh hướng chỉ trích người khác? (b) Nếu bị nhục mạ, chúng ta nên phản ứng ra sao?

6 Hãy xem xét một số lý do khác khiến chúng ta có khuynh hướng chỉ trích người khác. Một lý do có thể là chúng ta muốn việc mình làm được người khác chú ý đến nhiều hơn. Qua việc chỉ trích anh chị nào đó, chúng ta cố cho thấy mình nổi trội hơn anh chị ấy. Hoặc có thể chúng ta muốn bào chữa cho việc mình không làm mà đáng ra mình nên làm. Dù gì đi nữa, nếu chúng ta để cho sự kiêu ngạo, lòng đố kỵ hoặc sự tự ti điều khiển thì chúng ta sẽ lãnh chịu hậu quả khôn lường.

7 Có thể chúng ta cảm thấy mình có lý do chính đáng để chỉ trích một anh chị nào đó. Có lẽ người ấy từng nói điều gì đó làm tổn thương chúng ta. Nếu vậy thì việc trả đũa không phải là giải pháp. Làm thế, chúng ta chỉ thêm dầu vào lửa và làm theo ý của Kẻ Quỷ Quyệt, chứ không phải ý của Đức Chúa Trời (2 Ti 2:26). Vậy, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su. Khi bị nhục mạ, “ngài chẳng nhục mạ lại”. Thay vì thế, ngài “phó chính mình cho đấng xét xử công bằng” (1 Phi 2:21-23). Chúa Giê-su tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết vấn đề theo cách tốt nhất, vào đúng thời điểm. Chúng ta cũng nên có lòng tin cậy như thế nơi Đức Chúa Trời. Khi nói những lời khích lệ, chúng ta góp phần gìn giữ sự hòa thuận trong hội thánh.Đọc  Ê-phê-sô 4:1-3.

BẪY THÒNG LỌNG—NỖI SỢ HÃI VÀ ÁP LỰC

8, 9. Tại sao Phi-lát kết án tử hình Chúa Giê-su?

8 Một con mồi bị mắc bẫy thì không còn tự do để làm theo ý của mình nữa. Tương tự, một người đầu hàng trước nỗi sợ hãi và áp lực thì mất đi phần nào khả năng kiểm soát đời sống của mình. (Đọc Châm-ngôn 29:25). Chúng ta hãy xem trường hợp của hai người đã để áp lực và nỗi sợ hãi lấn át, từ đó rút ra bài học cho bản thân.

9 Quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát biết Chúa Giê-su là người vô tội và dường như ông không muốn làm hại ngài. Thật vậy, Phi-lát nói rằng Chúa Giê-su “chẳng phạm tội gì đáng chết cả”. Tuy nhiên, Phi-lát đã kết án tử hình ngài. Tại sao? Vì ông không vượt qua được áp lực của đám đông (Lu 23:15, 21-25). Những kẻ chống đối hét lên: “Nếu ngài thả hắn, ngài không phải là bạn của Sê-sa”. Họ muốn gây áp lực buộc ông làm theo ý họ (Giăng 19:12). Có thể Phi-lát sợ mất chức, thậm chí mất mạng, nếu ông bảo vệ Đấng Ki-tô. Vậy, ông đã đầu hàng trước áp lực và làm theo ý của Kẻ Quỷ Quyệt.

10. Điều gì khiến Phi-e-rơ chối bỏ Chúa Giê-su?

10 Sứ đồ Phi-e-rơ là một trong những người bạn thân cận nhất của Chúa Giê-su. Ông công khai tuyên bố Chúa Giê-su là Đấng Mê-si (Mat 16:16). Phi-e-rơ vẫn trung thành khi nhiều môn đồ khác không hiểu những lời của Chúa Giê-su và từ bỏ ngài (Giăng 6:66-69). Và khi kẻ thù đến bắt Chúa Giê-su, Phi-e-rơ dùng gươm để bảo vệ Thầy mình (Giăng 18:10, 11). Tuy vậy, sau đó, ông đã bị khuất phục bởi nỗi sợ hãi, và khăng khăng nói rằng mình không biết Chúa Giê-su Ki-tô. Lúc ấy, sứ đồ Phi-e-rơ bị mắc bẫy sợ loài người và mất đi lòng can đảm.—Mat 26:74, 75.

11. Chúng ta phải kháng cự những ảnh hưởng xấu nào?

11 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta cần kháng cự áp lực khiến mình làm những điều buồn lòng Đức Chúa Trời. Chủ hoặc người khác có thể cố ép chúng ta làm điều thiếu trung thực hoặc vô luân. Các em trẻ có thể bị bạn bè gây áp lực để gian lận trong thi cử, xem tài liệu khiêu dâm, hút thuốc lá, dùng chất ma túy, uống rượu hoặc có hành vi vô luân. Vậy, điều gì có thể giúp chúng ta tránh bị mắc bẫy là nỗi sợ và áp lực khiến mình làm điều buồn lòng Đức Giê-hô-va?

12. Qua trường hợp của Phi-lát và Phi-e-rơ, chúng ta rút ra bài học nào?

12 Qua trường hợp của Phi-lát và Phi-e-rơ, chúng ta rút ra bài học nào? Phi-lát không biết nhiều về Đấng Ki-tô. Dù vậy, ông biết Chúa Giê-su vô tội và không phải là người thường. Nhưng vấn đề là Phi-lát thiếu sự khiêm nhường và lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Kẻ Quỷ Quyệt dễ dàng bắt sống ông. Phi-e-rơ có cả sự hiểu biết chính xác và lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có lúc ông thiếu khiêm tốn, trở nên sợ hãi và để cho nỗi sợ lấn át. Trước khi Chúa Giê-su bị bắt, ông đã tự hào nói: “Dù những người kia vấp ngã, nhưng tôi sẽ không” (Mác 14:29). Sứ đồ này có thể được chuẩn bị tốt hơn để kháng cự lại những thử thách sắp đến nếu ông có lòng tin cậy như người viết Thi-thiên: “Đức Giê-hô-va bênh-vực tôi, tôi chẳng sợ; loài người sẽ làm chi tôi?” (Thi 118:6). Trong đêm cuối cuộc đời trên đất, Chúa Giê-su dẫn Phi-e-rơ và hai sứ đồ khác đi sâu vào vườn Ghết-sê-ma-nê. Thay vì giữ tinh thần cảnh giác, Phi-e-rơ và hai sứ đồ kia ngủ thiếp đi. Chúa Giê-su đánh thức họ và nói: “Hãy luôn thức canh và cầu nguyện để anh em khỏi sa vào sự cám dỗ” (Mác 14:38). Thế nhưng, Phi-e-rơ lại ngủ thiếp đi và sau đó ông đã rơi vào bẫy là nỗi sợ hãi và áp lực.

13. Làm thế nào chúng ta có thể kháng cự áp lực làm điều sai trái?

13 Trường hợp của Phi-lát và Phi-e-rơ dạy chúng ta rằng muốn kháng cự áp lực cách thành công, chúng ta phải hội đủ mọi yếu tố: sự hiểu biết chính xác, sự khiêm nhường, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và lòng kính sợ ngài, chứ không phải sợ loài người. Nếu đức tin của chúng ta dựa trên sự hiểu biết chính xác, chúng ta sẽ can đảm nói về niềm tin của mình với lòng tin chắc. Điều này giúp chúng ta kháng cự áp lực và khắc phục nỗi sợ loài người. Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ được quá tự tin. Thay vì thế, chúng ta nên khiêm nhường nhận ra rằng mình cần sức của Đức Chúa Trời để kháng cự áp lực. Chúng ta cần cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí, đồng thời để tình yêu thương đối với ngài thúc đẩy chúng ta sống theo tiêu chuẩn của ngài và không làm điều gì khiến danh thánh của ngài bị bôi nhọ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chuẩn bị để ứng phó với áp lực trước khi gặp thử thách. Chẳng hạn, việc chuẩn bị trước và cầu nguyện có thể giúp các em trẻ đáp lại một cách hiệu quả khi bạn học cố lôi kéo các em làm những điều sai trái *.—2 Cô 13:7.

BẪY ĐÈ—MANG NẶNG MẶC CẢM TỘI LỖI

14. Liên quan đến tội lỗi của chúng ta trong quá khứ, Kẻ Quỷ Quyệt muốn chúng ta kết luận thế nào?

14 Đôi khi, thợ săn dùng bẫy là một khúc gỗ nặng hoặc khối đá treo lơ lửng trên đường con vật đi qua. Một con vật bất cẩn mắc vào dây bẫy, khiến cho khúc gỗ hoặc khối đá rơi xuống và đè lên nó. Mang nặng mặc cảm tội lỗi có thể ví như khúc gỗ hay khối đá đè nặng. Khi nghĩ về những tội lỗi trong quá khứ, chúng ta có thể cảm thấy “mệt-nhọc và rêm nhiều quá”. (Đọc Thi-thiên 38:3-5, 8). Sa-tan muốn chúng ta kết luận rằng lòng thương xót của Đức Giê-hô-va không đủ để tha thứ cho chúng ta, và chúng ta không thể làm theo các đòi hỏi của ngài.

15, 16. Làm thế nào bạn có thể tránh mang nặng mặc cảm tội lỗi?

15 Làm thế nào để tránh bẫy đè? Nếu bạn đã phạm tội trọng, hãy hành động ngay để khôi phục tình bạn với Đức Giê-hô-va. Hãy đến gặp trưởng lão và xin họ giúp đỡ (Gia 5:14-16). Hãy làm những gì có thể để sửa chữa sai lầm (2 Cô 7:11). Nếu bạn bị sửa phạt, đừng thất vọng. Sự sửa phạt là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương bạn (Hê 12:6). Hãy kiên quyết không tái phạm lỗi lầm, và tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến mình quay lại đường cũ. Sau khi bạn ăn năn và quay trở lại, hãy tin rằng qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho bạn.—1 Giăng 4:9, 14.

16 Một số người cứ mang nặng mặc cảm về những tội lỗi đã được tha thứ. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó, hãy nhớ rằng Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đã từ bỏ Chúa Giê-su trong giờ phút cam go nhất của ngài, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn tha thứ cho họ. Đức Giê-hô-va cũng tha thứ cho người đàn ông đã bị đuổi khỏi hội thánh ở Cô-rinh-tô vì tội loạn luân nhưng sau này ăn năn (1 Cô 5:1-5; 2 Cô 2:6-8). Kinh Thánh đề cập đến những người phạm tội trọng nhưng đã ăn năn và được Đức Chúa Trời tha thứ.—2 Sử 33:2, 10-13; 1 Cô 6:9-11.

17. Giá chuộc có thể giúp bạn như thế nào?

17 Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ và quên đi những sai phạm của bạn trong quá khứ nếu bạn thật sự ăn năn và chấp nhận lòng thương xót của ngài. Đừng bao giờ cảm thấy sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su không thể chuộc được tội lỗi của bạn. Suy nghĩ như thế là sa vào bẫy của Sa-tan. Dù Sa-tan muốn bạn tin gì đi nữa, nhưng huyết của Chúa Giê-su có thể chuộc được tội lỗi của tất cả những người đã phạm tội mà biết ăn năn (Châm 24:16). Việc tin nơi giá chuộc có thể giúp bạn gỡ bỏ gánh nặng mặc cảm tội lỗi và cho bạn sức để phụng sự Đức Chúa Trời hết lòng, hết mình và hết tâm trí.—Mat 22:37.

CHẲNG PHẢI CHÚNG TA KHÔNG BIẾT MƯU KẾ CỦA SA-TAN

18. Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị mắc bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt?

18 Đối với Sa-tan, chúng ta mắc bẫy nào không quan trọng, miễn là chúng ta rơi vào tay hắn. Nhưng chúng ta có thể tránh được vì chẳng phải chúng ta không biết mưu kế của hắn (2 Cô 2:10, 11). Chúng ta sẽ không bị mắc bẫy của Sa-tan nếu cầu xin Đức Chúa Trời cho chúng ta sự khôn ngoan để đối phó với thử thách. Gia-cơ viết: “Nếu ai trong anh em thiếu sự khôn ngoan thì hãy tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời, vì ngài rộng rãi ban cho mọi người mà không trách mắng gì; và người ấy sẽ nhận được sự khôn ngoan” (Gia 1:5). Chúng ta cần hành động phù hợp với lời cầu xin bằng cách đều đặn học hỏi và áp dụng Lời Đức Chúa Trời. Những ấn phẩm do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp có thể giúp chúng ta thấy rõ bẫy của Kẻ Quỷ Quyệt, và tránh bị mắc bẫy.

19, 20. Tại sao chúng ta cần ghét điều ác?

19 Việc cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh giúp chúng ta càng yêu thích điều lành. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tập ghét điều ác (Thi 97:10). Chúng ta có thể tránh các ham muốn sai trái nếu nghĩ đến hậu quả của việc theo đuổi chúng (Gia 1:14, 15). Khi chúng ta tập ghét điều ác và thật lòng yêu thích điều lành, thì những miếng mồi của Sa-tan không còn hấp dẫn đối với chúng ta nữa mà sẽ là thứ đáng gớm ghiếc.

20 Chúng ta thật biết ơn Đức Chúa Trời vì ngài giúp chúng ta không bị mắc vào bẫy của Sa-tan! Qua thần khí, Kinh Thánh và tổ chức của ngài, Đức Giê-hô-va cứu chúng ta “khỏi Kẻ Ác” (Mat 6:13). Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ học cách tránh hai loại bẫy khác mà Kẻ Quỷ Quyệt đã dùng một cách hiệu quả để bắt sống tôi tớ Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 13 Cha mẹ nên thảo luận với con thông tin trong Tháp Canh ngày 15-11-2010, trang 9-11, đoạn 11-15, và Thánh Chức Nước Trời tháng 7-2011, trang 2, đoạn 3. Có thể dùng tài liệu này trong Buổi thờ phượng của gia đình.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Mất tự chủ trong lời nói có thể “châm lửa để gây cháy” trong hội thánh

[Hình nơi trang 24]

Bạn có thể trút bỏ gánh nặng mặc cảm tội lỗi