Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Tôi ở cùng anh em’

‘Tôi ở cùng anh em’

‘Tôi ở cùng anh em’

“Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên”.—ĐA 12:4.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Trong thời hiện đại, “sự hiểu biết thật” được phổ biến như thế nào?

Bằng chứng nào cho thấy ‘nhiều người’ đã chấp nhận sự hiểu biết chính xác?

Sự hiểu biết chính xác “được thêm lên” qua những cách nào?

1, 2. (a) Làm thế nào chúng ta biết Chúa Giê-su đang và sẽ ở cùng thần dân của ngài? (b) Theo Đa-ni-ên 12:4, việc nghiên cứu Kinh Thánh kỹ lưỡng mang lại kết quả nào?

Hãy hình dung bạn đang ở trong địa đàng. Mỗi buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy thoải mái và háo hức bắt đầu một ngày mới. Bạn không hề cảm thấy đau đớn, mọi bệnh tật trước đây đã biến mất. Tất cả các giác quan của bạn—thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác—đều hoạt động hoàn hảo. Bạn tràn đầy sức sống, có công việc thích thú, nhiều bạn bè và không còn lo lắng nữa. Đó là những ân phước mà bạn sẽ được hưởng dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su Ki-tô, vị vua được bổ nhiệm, sẽ ban phước cho thần dân và truyền đạt cho họ sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va.

2 Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng những tôi tớ trung thành khi họ tham gia công việc giáo dục toàn cầu ấy trong tương lai. Trong hàng thế kỷ, Đức Chúa Trời và Con ngài đã ở cùng những người trung tín. Trước khi về trời, Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ trung thành rằng ngài sẽ ở cùng họ. (Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20). Để củng cố niềm tin nơi lời đảm bảo này, chúng ta hãy cùng xem một câu trong một lời tiên tri của Đức Chúa Trời được viết cách đây hơn 2.500 năm, tại Ba-by-lôn cổ xưa. Nói về “kỳ cuối-cùng” mà chúng ta đang sống, nhà tiên tri Đa-ni-ên viết: “Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức [“sự hiểu biết thật”, Bản Phổ thông] sẽ được thêm lên” (Đa 12:4). Hiểu theo nghĩa bóng và dựa vào những sự kiện đã xảy ra, chúng ta thấy cụm từ Hê-bơ-rơ được dịch là “đi qua đi lại” muốn nói đến việc xem xét kỹ lưỡng. Lời tiên tri cho thấy những người nghiên cứu Kinh Thánh kỹ lưỡng được ban phước dồi dào, đó là họ sẽ có “sự hiểu biết thật”, hay sự hiểu biết chính xác, về Lời Đức Chúa Trời. Lời tiên tri cũng cho biết sẽ có nhiều người chấp nhận “sự hiểu biết thật”. Hơn nữa, sự hiểu biết đó sẽ “thêm lên”, tức được phổ biến rộng rãi. Khi xem xét sự ứng nghiệm của lời tiên tri này, chúng ta sẽ vững tin rằng ngày nay Chúa Giê-su vẫn ở cùng các môn đồ, và Đức Giê-hô-va hoàn toàn có khả năng thực hiện mọi lời ngài hứa.

“SỰ HIỂU BIẾT THẬT” ĐƯỢC TÌM THẤY

3. Điều gì xảy ra sau khi các sứ đồ qua đời?

3 Như được báo trước, sau khi các sứ đồ qua đời, sự bội đạo mọc lên như nấm trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Công 20:28-30; 2 Tê 2:1-3). Trong nhiều thế kỷ sau, cả người không biết Kinh Thánh và người nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su đều không có “sự hiểu biết thật”. Dù cho rằng mình tin Kinh Thánh, nhưng giới lãnh đạo của khối đạo tự nhận là theo Chúa Giê-su lại dạy người ta những điều dối trá, tức “sự dạy dỗ của ác thần”, bôi nhọ Đức Chúa Trời (1 Ti 4:1). Họ dạy những giáo lý sai như thuyết Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và hỏa ngục. Hậu quả là người ta bị kìm kẹp trong sự tối tăm về thiêng liêng.

4. Một nhóm nhỏ tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thập niên 1870 đã bắt đầu tìm kiếm “sự hiểu biết thật” như thế nào?

4 Tuy nhiên, vào thập niên 1870, khoảng bốn thập kỷ trước khi “những ngày sau cùng” bắt đầu, một nhóm nhỏ tín đồ đạo Đấng Ki-tô có lòng thành thật ở Pennsylvania, Hoa Kỳ, nhóm lại để nghiên cứu Kinh Thánh và tìm kiếm “sự hiểu biết thật” (2 Ti 3:1). Họ lấy tên là Học viên Kinh Thánh. Họ không phải là những “người khôn ngoan và trí thức” mà Chúa Giê-su từng nói là sẽ không được biết sự thật (Mat 11:25). Họ là những người khiêm nhường, chân thành muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ đã cầu nguyện và cẩn thận đọc, thảo luận cũng như suy ngẫm các câu Kinh Thánh. Họ cũng đối chiếu các đoạn Kinh Thánh và xem xét những tư liệu nghiên cứu của “các bậc tiền bối”. Dần dần, những Học viên Kinh Thánh này thấy rõ các sự thật Kinh Thánh đã bị che khuất trong nhiều thế kỷ.

5. Mục đích của loạt sách mỏng Giáo lý xưa là gì?

5 Dù các Học viên Kinh Thánh rất phấn khởi về những điều họ khám phá, nhưng họ không để điều đó làm mình trở nên kiêu ngạo, họ cũng không cho rằng mình đã tìm được điều gì mới (1 Cô 8:1). Thay vì thế, họ xuất bản một loạt sách mỏng có tựa đề Giáo lý xưa (The Old Theology). Mục tiêu là giúp độc giả làm quen với các sự thật được ghi trong Kinh Thánh. Nơi trang cuối của sách mỏng đầu tiên có lời mời nhận “thêm tài liệu để hỗ trợ cho việc nghiên cứu Kinh Thánh, với mục tiêu là loại bỏ tất cả các tập tục sai lầm của loài người và khôi phục toàn bộ giáo lý thời xưa của Chúa chúng ta và các sứ đồ”.—The Old Theology, số 1, tháng 4-1889, trg 32.

6, 7. (a) Kể từ thập niên 1870, chúng ta được giúp để hiểu những sự thật nào? (b) Bạn đặc biệt thích thú khi biết sự thật nào?

6 Những sự thật đã được khám phá kể từ cuộc khởi đầu khiêm tốn cách đây hơn 100 năm quả là tuyệt vời *! Khác với những điều vô vị và trừu tượng mà các nhà thần học thường thích tranh luận, những sự thật này rất kỳ diệu, có thể giải thoát người ta, mang đến cho họ một đời sống có ý nghĩa, tràn ngập niềm vui và hy vọng. Những sự thật ấy giúp chúng ta biết về Đức Giê-hô-va, về các đức tính và ý định của ngài. Những sự thật ấy cũng làm sáng tỏ vai trò của Chúa Giê-su, giải thích tại sao ngài xuống thế và hy sinh, đồng thời giúp chúng ta hiểu hiện nay ngài đang làm gì. Qua những sự thật quý báu này, chúng ta cũng biết lý do Đức Chúa Trời cho phép có sự gian ác, tại sao chúng ta chết, cách chúng ta nên cầu nguyện và làm sao để có hạnh phúc thật.

7 Hiện nay, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của những lời tiên tri từng bị “đóng lại” trong hàng thế kỷ (Đa 12:9). Nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh, đặc biệt trong các sách Phúc âm và Khải huyền, đang được ứng nghiệm trong thời kỳ sau cùng này. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta hiểu những sự kiện mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường như việc Chúa Giê-su lên ngôi, cuộc chiến trên trời và việc Sa-tan bị quăng xuống đất (Khải 12:7-12). Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những biến cố mà chúng ta có thể nhìn thấy, như chiến tranh, động đất, đói kém, dịch bệnh và sự xấu xa của người ta, điều góp phần tạo nên “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” này.—2 Ti 3:1-5; Lu 21:10, 11.

8. Ai giúp chúng ta hiểu sự thật?

8 Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hạnh phúc cho mắt nào được thấy những điều anh em thấy. Vì tôi nói với anh em: Nhiều nhà tiên tri và vua chúa ước ao thấy những điều anh em thấy, nghe những điều anh em nghe nhưng không được” (Lu 10:23, 24). Thật vậy, chúng ta hạnh phúc vì được biết sự thật. Chúng ta công nhận rằng chính Đức Giê-hô-va đã giúp chúng ta thấy và nghe những điều ấy. Chúng ta biết ơn Đức Chúa Trời vô cùng vì ngài đã ban “sự trợ giúp”, tức thần khí, để giúp môn đồ Chúa Giê-su “hiểu trọn vẹn sự thật”! (Đọc Giăng 16:7, 13). Mong sao chúng ta luôn quý trọng “sự hiểu biết thật” và sẵn sàng chia sẻ điều đó cho người khác!

‘NHIỀU NGƯỜI’ ĐÓN NHẬN “SỰ HIỂU BIẾT THẬT”

9. Tháp Canh tháng 4 năm 1881 đưa ra lời kêu gọi nào?

9 Chưa đầy hai năm kể từ khi số Tháp Canh đầu tiên được xuất bản, Tháp Canh tháng 4 năm 1881 đưa ra lời kêu gọi 1.000 người rao giảng. Bài đó viết: “Đối với những người mà hoàn cảnh cho phép họ dành ra một nửa hoặc hơn số thời gian của mình để làm công việc của Chúa, chúng tôi có đề nghị... là: Hãy đi đến những thành phố nhỏ hoặc lớn, tùy khả năng. Với tư cách là người phân phát sách đạo hoặc người truyền giảng tin mừng, hãy tìm kiếm những tín đồ đạo Đấng Ki-tô tận tâm, trong đó có nhiều người sốt sắng về Đức Chúa Trời nhưng không dựa trên sự hiểu biết, hãy dạy cho họ biết Cha của chúng ta giàu lòng ân nghĩa thế nào và Lời ngài tuyệt vời ra sao”.

10. Nhiều người hưởng ứng thế nào trước lời kêu gọi 1.000 người rao giảng trọn thời gian?

10 Lời kêu gọi đó cho thấy các Học viên Kinh Thánh nhận ra rằng một công việc trọng yếu của tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính là rao giảng tin mừng. Dù vậy, lời kêu gọi 1.000 người rao giảng trọn thời gian là điều táo bạo, vì lúc đó chỉ có vài trăm người tham dự các buổi nhóm họp của Học viên Kinh Thánh. Tuy nhiên, sau khi đọc một tờ chuyên đề hoặc một tạp chí, nhiều người nhận ra tiếng chuông sự thật và sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi. Chẳng hạn, năm 1882, sau khi đọc một Tháp Canh và sách nhỏ do Học viên Kinh Thánh xuất bản, một độc giả ở Luân Đôn, Anh, viết: “Xin hướng dẫn cho tôi biết rao giảng như thế nào và rao giảng về điều gì để tôi có thể làm công việc tốt lành mà Chúa muốn thực hiện”.

11, 12. (a) Chúng ta và những người phân phát sách đạo thời xưa có cùng mục tiêu nào? (b) Những người phân phát sách đạo lập các “lớp”, tức các hội thánh, như thế nào?

11 Đến năm 1885, có khoảng 300 Học viên Kinh Thánh tham gia công việc phân phát sách đạo. Những người rao giảng trọn thời gian ấy có cùng mục tiêu với chúng ta ngày nay, đó là đào tạo môn đồ của Chúa Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, phương pháp của họ khác với chúng ta. Ngày nay, chúng ta thường giúp từng người học Kinh Thánh, rồi mời người học đến kết hợp với một hội thánh đã được thành lập rồi. Còn thời xưa, những người phân phát sách đạo phân phát sách, rồi tập hợp những người chú ý lại thành một nhóm để học Kinh Thánh. Thay vì giúp từng người, họ lập các “lớp”, tức các hội thánh.

12 Chẳng hạn, năm 1907, một nhóm người phân phát sách đạo đi khắp một thành phố để tìm những người đã có sách Bình minh của Triều Đại Một Ngàn Năm (Millennial Dawn), cũng được gọi là Khảo cứu Kinh Thánh (Studies in the Scriptures). Tháp Canh cho biết: “[Những người chú ý] được nhóm họp lại tại nhà của một người trong số họ. Người phân phát sách đạo thảo luận với họ về đề tài Kế hoạch các thời đại của Đức Chúa Trời trong suốt ngày chủ nhật, và chủ nhật tuần sau anh đề nghị họ tiếp tục nhóm lại đều đặn”. Năm 1911, cách thức này được điều chỉnh. Có 58 người truyền giáo lưu động đi nói bài giảng công cộng trên khắp Hoa Kỳ và Canada. Những anh này ghi tên và địa chỉ của những người chú ý đã đến nghe bài giảng, rồi nhóm họ lại tại nhà riêng để lập những “lớp” mới. Đến năm 1914, khắp thế giới có 1.200 hội thánh của Học viên Kinh Thánh.

13. Bạn có ấn tượng nào về tầm mức lan rộng của “sự hiểu biết thật”?

13 Ngày nay, có khoảng 109.400 hội thánh trên khắp thế giới, và khoảng 895.800 anh chị phụng sự với tư cách là tiên phong. Hiện có gần tám triệu người chấp nhận “sự hiểu biết thật” và đang áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống. (Đọc Ê-sai 60:22 *). Điều này đặc biệt ấn tượng vì Chúa Giê-su báo trước rằng các môn đồ ngài sẽ “bị mọi người thù ghét” vì danh ngài. Họ sẽ bị bắt bớ, bỏ tù và thậm chí bị giết (Lu 21:12-17). Bất kể sự chống đối của Sa-tan, các ác thần theo phe hắn và người đồng loại, dân Đức Giê-hô-va vẫn gặt hái được những thành quả đáng kinh ngạc trong sứ mạng đào tạo môn đồ. Ngày nay, họ đang rao giảng trên “khắp đất”, từ vùng nhiệt đới đến vùng băng giá, từ thành thị nhộn nhịp đến thôn quê hẻo lánh, ngay cả miền núi và hoang mạc (Mat 24:14). Điều này không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của Đức Chúa Trời.

‘SỰ HIỂU BIẾT THẬT ĐƯỢC THÊM LÊN’

14. “Sự hiểu biết thật” đã được phổ biến thế nào qua sách báo?

14 ‘Sự hiểu biết thật được thêm lên’ đến mức dư dật qua nỗ lực của những người công bố tin mừng. Ngoài ra, sự hiểu biết đó cũng dư dật qua sách báo. Tháng 7 năm 1879, Học viên Kinh Thánh xuất bản số Tháp Canh đầu tiên, tựa đề là Tháp Canh Si-ôn và sứ giả loan báo sự hiện diện của Đấng Ki-tô (Zion’s Watch Tower and Herald of Christ’s Presence). Số Tháp Canh đó, do một công ty thương mại in, chỉ có trong tiếng Anh với lượng phát hành là 6.000 cuốn. Anh Charles Taze Russell, 27 tuổi, được chọn là người biên tập. Cũng có sự cộng tác đều đặn của năm Học viên Kinh Thánh thành thục khác. Hiện nay, Tháp Canh được xuất bản trong 195 ngôn ngữ. Tạp chí này có lượng phát hành cao nhất thế giới, với 42.182.000 cuốn mỗi số. Đứng thứ hai là tạp chí Tỉnh Thức! với lượng phát hành 41.042.000 cuốn trong 84 ngôn ngữ. Ngoài ra, mỗi năm tổ chức còn in khoảng 100 triệu cuốn sách và Kinh Thánh.

15. Việc in ấn của chúng ta được tài trợ như thế nào?

15 Công việc khổng lồ này được tài trợ do sự đóng góp tình nguyện. (Đọc Ma-thi-ơ 10:8). Những người trong ngành in ấn, hiểu về giá cả máy in, giấy, mực in và những thứ khác, phải kinh ngạc về điều này. Một anh tham gia vào việc mua sắm thiết bị và vật liệu cho các nhà in của tổ chức đã nói: “Những doanh nhân đến thăm nhà in của chúng ta rất đỗi kinh ngạc khi biết nhà in lớn với thiết bị công nghệ tiên tiến như vậy là do sự đóng góp tình nguyện. Họ cũng ấn tượng khi thấy các thành viên trẻ trung và vui vẻ của nhà Bê-tên”.

SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ ĐẦY KHẮP TRÁI ĐẤT

16. Mục đích của việc phổ biến “sự hiểu biết thật” là gì?

16 “Sự hiểu biết thật” đã trở nên dư dật vì một mục đích tốt lành. Ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về sự thật” (1 Ti 2:3, 4). Đức Giê-hô-va muốn người ta biết sự thật để họ có thể thờ phượng ngài đúng cách và nhận được ân phước của ngài. Qua việc phổ biến “sự hiểu biết thật”, Đức Giê-hô-va thu nhóm phần còn lại của những tín đồ được xức dầu. Ngài cũng đang thu nhóm “đám đông” người từ “mọi nước, chi phái, dân tộc và mọi tiếng”, là những người có hy vọng sống vĩnh cửu trên đất.—Khải 7:9.

17. Sự bành trướng của sự thờ phượng thật cho thấy điều gì?

17 Sự bành trướng của sự thờ phượng thật trong hơn 130 năm qua cho thấy rõ rằng Đức Chúa Trời và vị vua được ngài bổ nhiệm là Chúa Giê-su Ki-tô luôn ở cùng các tôi tớ trên đất của Đức Giê-hô-va qua việc hướng dẫn, bảo vệ, tổ chức và giáo dục họ. Thực tế cho thấy Đức Giê-hô-va đã thực hiện lời hứa là giúp nhiều người trong thời chúng ta biết sự thật. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ thực hiện những lời hứa về tương lai. “Thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển” (Ê-sai 11:9). Khi ấy, nhân loại sẽ được hưởng nhiều ân phước biết bao!

[Chú thích]

^ đ. 6 Bạn sẽ nhận được lợi ích khi xem DVD có tựa đề Nhân Chứng Giê-hô-va—Đức tin qua hành động, phần 1: Ra khỏi bóng tối (Jehovah’s Witnesses—Faith in Action, Part 1: Out of Darkness) và Nhân Chứng Giê-hô-va—Đức tin qua hành động, phần 2: Hãy để ánh sáng chiếu rạng (Jehovah’s Witnesses—Faith in Action, Part 2: Let the Light Shine).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 6]

Các Học viên Kinh Thánh là những người khiêm nhường, chân thành muốn làm theo ý Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 7]

Đức Giê-hô-va xem trọng nỗ lực và sự đóng góp của chúng ta trong công việc lan truyền “sự hiểu biết thật”