Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bình an trong Một Ngàn Năm và mãi mãi!

Bình an trong Một Ngàn Năm và mãi mãi!

“Hầu cho Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”.—1 CÔ 15:28.

1. Triển vọng huy hoàng nào đang chờ đón “đám đông”?

Hãy hình dung một chính phủ hùng mạnh cầm quyền trong một ngàn năm, người lãnh đạo là vị vua công bằng và đầy lòng trắc ẩn. Hẳn chính phủ ấy mang lại mọi điều tốt lành cho công dân. Quả thật, nhiều điều tuyệt diệu đang chờ đón “đám đông không ai có thể đếm được”. Họ là những người sống sót qua “hoạn nạn lớn”, thời điểm mà thế gian gian ác hiện tại bị kết liễu.—Khải 7:9, 14.

2. Nhân loại đã trải qua điều gì trong 6.000 năm nay?

2 Trong suốt 6.000 năm lịch sử nhân loại, sự tự quyết và tự trị của con người đã gây ra biết bao đau khổ. Từ lâu Kinh Thánh đã nói: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy” (Truyền 8:9). Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến điều gì? Ngoài các cuộc chiến tranh và bạo loạn, có nhiều vấn đề tai hại khác như nghèo đói, bệnh tật, môi trường bị hủy hoại, khí hậu biến đổi, v.v. Các viên chức chính phủ cảnh báo rằng nếu không thay đổi ý niệm “sống ngày nào hay ngày đó” thì chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.

3. Triều Đại Một Ngàn Năm sẽ mang lại điều gì?

3 Dưới sự lãnh đạo của Vua Mê-si và 144.000 người đồng cai trị, Nước Đức Chúa Trời sẽ từng bước xóa bỏ mọi thiệt hại do con người gây ra cũng như khôi phục lại trái đất, ngôi nhà của nhân loại. Triều Đại Một Ngàn Năm sẽ làm ứng nghiệm lời hứa đầy ấm lòng của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17). Vậy, chúng ta đang mong chờ những điều tuyệt diệu nào? Qua những lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta hãy xem xét những điều tuyệt vời mà mình “không thấy được”, tức chưa xảy ra.—2 Cô 4:18.

‘DÂN TA SẼ XÂY NHÀ VÀ TRỒNG VƯỜN NHO’

4. Nhiều người ngày nay gặp khó khăn nào về nhà ở?

4 Có ai không muốn sở hữu một căn nhà riêng, nơi mình cùng gia đình cảm thấy yên ổn và bình an? Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, việc có đủ nhà ở là một vấn đề nan giải. Người ta đổ xô vào các thành phố đông đúc. Nhiều người phải tạm cư trong các khu nhà ổ chuột, lụp xụp. Đối với họ, sở hữu một căn nhà riêng chỉ là mơ ước.

5, 6. (a) Ê-sai 65:21 và Mi-chê 4:4 sẽ được ứng nghiệm như thế nào? (b) Làm sao chúng ta có thể nhận được ân phước ấy?

5 Dưới sự cai trị của Nước Trời, ước mơ sở hữu một căn nhà riêng của mỗi công dân sẽ thành hiện thực, vì Ê-sai đã tiên tri: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái” (Ê-sai 65:21). Tuy nhiên, sở hữu nhà riêng không phải là triển vọng duy nhất. Một số người ngày nay có nhà riêng, thậm chí có người sở hữu biệt thự hoặc điền trang đồ sộ. Dù thế, họ luôn phấp phỏng lo sợ là mình có thể mất nhà do sự bất ổn tài chính, hoặc sợ kẻ xấu đột nhập để cướp của hay làm điều tồi tệ khác. Nhưng với sự cai trị của Nước Trời, người ta sẽ không còn lo âu nữa! Nhà tiên tri Mi-chê viết: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ”.—Mi 4:4.

6 Với triển vọng tuyệt vời ấy trong trí, chúng ta nên làm gì? Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều cần nhà ở. Tuy vậy, thay vì nỗ lực để sở hữu một “căn nhà như trong mơ” ngay bây giờ và có lẽ bị nợ nần chồng chất, chẳng phải điều khôn ngoan là chúng ta nên tập trung vào lời hứa của Đức Giê-hô-va sao? Hãy nhớ những gì Chúa Giê-su nói về mình: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Lu 9:58). Chúa Giê-su có khả năng xây hoặc sở hữu căn nhà đẹp nhất. Tại sao ngài không làm thế? Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn tránh bất cứ điều gì khiến ngài đặt Nước Trời xuống hàng thứ yếu. Chúng ta hãy noi gương của Chúa Giê-su và giữ mắt đơn thuần, không để mình bị mắc bẫy vật chất và sự lo lắng.—Mat 6:33, 34.

“MUÔNG-SÓI VỚI CHIÊN CON SẼ ĂN CHUNG”

7. Theo ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va, con người có nhiệm vụ nào đối với loài vật?

7 Trong quá trình sáng tạo mọi vật trên đất, Đức Giê-hô-va tạo ra con người sau cùng. Đức Giê-hô-va cho Thợ Cái, tức Con Đầu Lòng, biết ý định cụ thể của ngài dành cho con người: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản-trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc-vật, loài côn-trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng 1:26). A-đam và Ê-va, rồi đến con cháu họ, đều được Đức Chúa Trời giao cho nhiệm vụ cai quản mọi loài vật.

8. Các nhà khoa học cho biết loài vật có khả năng biểu hiện điều gì?

8 Có thật là con người có thể cai quản mọi loài vật và sống hòa thuận với chúng không? Thực tế cho thấy, nhiều người rất thân thiết với thú cưng của mình, chẳng hạn như chó và mèo. Nhưng còn dã thú thì sao? Một báo cáo cho biết: “Những nhà khoa học nghiên cứu và sống gần thú dữ đã nhận thấy rằng mọi động vật có vú đều có cảm xúc”. Dĩ nhiên, chúng ta biết động vật có thể sợ hãi hoặc giận dữ khi bị đe dọa, nhưng chúng có khả năng biểu lộ tình cảm trìu mến không? Báo cáo cho biết thêm: “Trong thời kỳ nuôi con, các loài động vật có vú biểu lộ thuộc tính tuyệt vời nhất của nó, đó là khả năng thể hiện tình cảm nồng ấm đáng kinh ngạc”.

9. Chúng ta mong chờ những thay đổi nào liên quan đến loài vật?

9 Vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi Kinh Thánh cho biết loài người và loài vật sẽ sống hòa thuận với nhau. (Đọc Ê-sai 11:6-9; 65:25). Khi gia đình Nô-ê ra khỏi tàu sau trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va nói với họ: ‘Các loài vật ở trên đất đều sẽ kinh-khủng ngươi’. Nỗi sợ loài người giúp chúng sinh tồn (Sáng 9:2, 3). Nhưng Đức Giê-hô-va có thể khiến cho loài vật bớt sợ loài người để muôn loài được hòa thuận như ý định ban đầu của ngài (Ô-sê 2:18). Quả là thời kỳ tuyệt diệu đang chờ đợi những người sẽ sống trên đất vào thời điểm ấy!

“NGÀI SẼ LAU HẾT NƯỚC MẮT”

10. Con người thường khóc vì lý do nào?

10 Khi Sa-lô-môn nghĩ đến “mọi sự hà-hiếp làm ra ở dưới mặt trời”, ông than van: “Kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ!” (Truyền 4:1). Ngày nay cũng vậy, thậm chí còn tệ hơn nữa. Có ai trong chúng ta chưa rơi lệ vì một lý do nào đó? Đành rằng, đôi khi chúng ta khóc vì mừng vui. Nhưng, nhìn chung nước mắt là dấu hiệu cho thấy một người chan chứa đau khổ.

11. Lời tường thuật nào trong Kinh Thánh đặc biệt khiến bạn cảm động?

11 Hãy nhớ lại nhiều cảnh cảm động trong Kinh Thánh. Khi Sa-ra qua đời ở tuổi 127, “Áp-ra-ham đến chịu tang cho Sa-ra và than-khóc người” (Sáng 23:1, 2). Khi Na-ô-mi từ giã hai con dâu góa phụ, “hai nàng cất tiếng lên khóc” rồi “lại cất tiếng lên khóc” (Ru 1:9, 14). Khi vua Ê-xê-chia mắc bệnh và biết mình sẽ không qua khỏi, ông cầu nguyện Đức Chúa Trời và “khóc rất thảm-thiết” (2 Vua 20:1-5). Và hẳn chúng ta đều cảm động khi đọc về lời tường thuật lúc Phi-e-rơ chối bỏ Chúa Giê-su. Khi nghe tiếng gà gáy, Phi-e-rơ “ra ngoài khóc lóc cay đắng”.—Mat 26:75.

12. Làm thế nào Nước Trời sẽ mang đến niềm an ủi cho nhân loại?

12 Vì những thảm kịch xảy ra trong đời sống nên nhân loại rất cần được an ủi và giải thoát. Họ sẽ nhận được những điều đó trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Kinh Thánh cho biết: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa” (Khải 21:4). Chẳng những sự than van, đau đớn và khóc lóc sẽ biến mất, Đức Chúa Trời còn hứa là sẽ đánh bại kẻ thù sau cùng của nhân loại, tức sự chết. Điều này diễn ra như thế nào?

‘MỌI NGƯỜI TRONG MỒ MẢ SẼ RA KHỎI’

13. Từ khi A-đam phạm tội, sự chết đã ảnh hưởng thế nào đến nhân loại?

13 Kể từ khi A-đam phạm tội, sự chết như một vua cai trị trên nhân loại. Nó là kẻ thù không người nào đánh bại được, là kết cục của con người tội lỗi, là nguồn gốc của biết bao đau khổ và cay đắng (Rô 5:12, 14). Thật vậy, “vì sợ hãi cái chết” mà hàng triệu người “suốt đời bị làm nô lệ”.—Hê 2:15.

14. Kết quả sẽ ra sao khi sự chết không còn?

14 Kinh Thánh cho biết sẽ đến ngày ‘kẻ thù sau cùng là sự chết bị hủy diệt’ (1 Cô 15:26). Hãy xem điều này có nghĩa gì đối với hai nhóm người. Đối với “đám đông”, họ có triển vọng sống sót qua hoạn nạn lớn và tiếp tục sống mãi trong thế giới mới. Đối với hàng tỉ người đã qua đời, họ có thể được sống lại. Hãy tưởng tượng nỗi vui mừng khôn xiết khi những người được sống sót chào đón những người được sống lại! Việc xem những lời tường thuật về sự sống lại trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta hình dung cảnh tượng lúc đó.—Đọc Mác 5:38-42; Lu-ca 7:11-17.

15. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi gặp lại người thân yêu đã qua đời?

15 Hãy nghĩ đến những cụm từ “họ vui mừng khôn xiết” và ‘ai nấy đều tôn vinh Đức Chúa Trời’. Nếu có mặt vào lúc đó, hẳn bạn cũng cảm thấy như thế. Thật vậy, chúng ta sẽ vô cùng mừng rỡ khi gặp lại người thân yêu đã qua đời. Chúa Giê-su nói: “Giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ mả nghe tiếng ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28, 29). Chưa ai trong chúng ta chứng kiến sự sống lại. Chắc chắn đây là một trong những điều tuyệt vời nhất sẽ xảy ra trong tương lai.

ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ LÀ “ĐẤNG CAI TRỊ DUY NHẤT TRÊN MUÔN VẬT”

16. (a) Tại sao chúng ta nên phấn khởi nói về những ân phước mình chưa thấy? (b) Phao-lô đã nói về điều gì để khích lệ anh em ở Cô-rinh-tô?

16 Thật vậy, tương lai tươi sáng đang chờ đón những người trung thành với Đức Giê-hô-va trong thời kỳ khó đương đầu này! Việc ghi nhớ những ân phước chưa thấy sẽ giúp chúng ta luôn tập trung vào những điều thật sự quan trọng, chứ không bị phân tâm bởi những điều hào nhoáng của thế gian (Lu 21:34; 1 Ti 6:17-19). Chúng ta hãy phấn khởi nói về hy vọng của mình trong Buổi thờ phượng của gia đình, khi trò chuyện với anh em đồng đạo cũng như khi thảo luận Kinh Thánh với học viên và người chú ý. Điều này sẽ giúp chúng ta khắc ghi những hình ảnh ấy trong tâm trí. Chính sứ đồ Phao-lô cũng phấn khởi nói về hy vọng của mình với anh em đồng đạo. Ông giúp họ hướng đến thời kỳ cuối của Triều Đại Một Ngàn Năm. Hãy cố gắng hình dung ý nghĩa trọn vẹn trong lời của Phao-lô được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 15:24, 25, 28.Đọc.

17, 18. (a) Vào lúc khởi đầu lịch sử của nhân loại, Đức Giê-hô-va “là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật” như thế nào? (b) Bằng cách nào Chúa Giê-su sẽ khôi phục lại sự hòa thuận và hợp nhất?

17 Sứ đồ Phao-lô nói rằng vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, “Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”. Điều này có nghĩa gì? Hãy nghĩ đến thời điểm trong vườn Ê-đen khi hai người hoàn hảo, A-đam và Ê-va, thuộc gia đình hoàn vũ hòa thuận và hợp nhất của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va, Đấng Cai Trị Hoàn Vũ, trực tiếp cai trị mọi tạo vật, cả thiên sứ lẫn loài người. Họ có thể thông tri với ngài, thờ phượng ngài và được ngài ban phước. Lúc đó, Đức Giê-hô-va “là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”.

18 Mối quan hệ hòa thuận này bị rạn nứt khi loài người, dưới ảnh hưởng của Sa-tan, chống lại quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, kể từ năm 1914, Nước của Đấng Mê-si đã và đang thực hiện những bước để khôi phục lại sự hòa thuận và hợp nhất (Ê-phê 1:9, 10). Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, những điều mà ngày nay mình chưa thấy sẽ thành hiện thực. Rồi đến “lúc cuối cùng”, tức khi Triều Đại Một Ngàn Năm kết thúc, điều gì sẽ xảy ra? Dù được giao “mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất”, Chúa Giê-su không tham vọng. Ngài không có ý định chiếm vị thế của Cha. Ngài sẽ khiêm nhường “giao Nước cho Đức Chúa Trời là Cha ngài”. Thật vậy, Chúa Giê-su luôn dùng địa vị và uy quyền đặc biệt để “mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời”.—Mat 28:18; Phi-líp 2:9-11.

19, 20. (a) Làm thế nào thần dân Nước Trời sẽ cho thấy mình công nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va? (b) Triển vọng huy hoàng nào đang chờ đón chúng ta?

19 Lúc đó, thần dân trên đất của Nước Trời đã đạt đến tình trạng hoàn hảo. Họ sẽ noi theo gương Chúa Giê-su, khiêm nhường và sẵn lòng công nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Họ sẽ có cơ hội chứng tỏ điều đó bằng cách vượt qua thử thách cuối cùng một cách thành công (Khải 20:7-10). Sau đó, mọi kẻ phản nghịch, cả con người lẫn thần linh, sẽ bị loại trừ vĩnh viễn. Quả là thời kỳ tràn đầy vui mừng và hân hoan! Toàn thể gia đình hoàn vũ sẽ háo hức ca ngợi Đức Giê-hô-va, “Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”.—Đọc Thi-thiên 99:1-3.

20 Những triển vọng huy hoàng về Nước Trời có thôi thúc bạn dồn hết tâm trí vào việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời không? Bạn sẽ cảnh giác, không để mình bị đánh lừa bởi những ảo vọng và sự an ủi giả tạo đến từ thế gian của Sa-tan không? Bạn sẽ quyết tâm ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va không? Mong sao hành động của bạn cho thấy bạn muốn làm thế cho đến muôn đời. Bạn sẽ có đặc ân hưởng sự bình an và thịnh vượng trong một ngàn năm và mãi mãi!