Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thế gian này sẽ đến hồi kết như thế nào?

Thế gian này sẽ đến hồi kết như thế nào?

“Anh em không ở trong bóng tối, nên ngày ấy không đến với anh em một cách bất ngờ như ánh sáng ban ngày bất ngờ đến với kẻ trộm”.—1 TÊ 5:4.

1. Điều gì giúp chúng ta tiếp tục thức canh và đương đầu với thử thách?

Những biến cố làm rúng động địa cầu sắp xảy ra. Sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong Kinh Thánh chứng thực điều này, nên chúng ta cần tiếp tục thức canh. Điều gì giúp chúng ta làm thế? Sứ đồ Phao-lô thúc giục chúng ta hãy “chú tâm vào những điều không thấy được”. Thật vậy, chúng ta hãy luôn nhớ đến phần thưởng là sự sống vĩnh cửu, dù trên trời hay trên đất. Văn cảnh cho thấy Phao-lô viết những lời này để khuyến khích anh em đồng đạo tập trung vào kết quả đầy vui mừng của lối sống trung thành. Khi làm thế, họ được giúp để đương đầu với thử thách và sự bắt bớ.—2 Cô 4:8, 9, 16-18; 5:7.

2. (a) Để giữ vững niềm hy vọng, chúng ta phải làm gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này và bài sau?

2 Lời khuyên của Phao-lô dạy chúng ta một bài học quan trọng: Để giữ vững niềm hy vọng, chúng ta phải nhìn xa hơn những điều ngay trước mắt. Chúng ta cần chú tâm đến những biến cố quan trọng mà mình chưa thấy (Hê 11:1; 12:1, 2). Vậy, chúng ta hãy xem xét mười biến cố trong tương lai liên quan chặt chẽ đến hy vọng sống đời đời của chúng ta *.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NGAY TRƯỚC THỜI ĐIỂM KẾT THÚC?

3. (a) Biến cố nào chưa xảy ra được đề cập nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3? (b) Giới lãnh đạo chính trị sẽ làm gì, và có thể ai sẽ cùng tham gia?

3 Phao-lô nhắc đến một trong những biến cố ấy trong lá thư ông viết cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3). Ông nói đến “ngày của Đức Giê-hô-va”. Như được dùng trong câu này, “ngày của Đức Giê-hô-va” ám chỉ một giai đoạn, khởi đầu là sự hủy diệt tôn giáo sai lầm và đỉnh điểm là trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Tuy nhiên, ngay trước khi ngày của Đức Giê-hô-va đến, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tuyên bố: “Hòa bình và an ninh!”. Điều này có thể nói đến một biến cố hoặc một loạt biến cố. Nhiều nước có thể nghĩ rằng họ sắp giải quyết được những vấn đề lớn của họ. Còn giới lãnh đạo tôn giáo thì sao? Họ thuộc về thế gian nên có thể họ sẽ cùng với các nhà lãnh đạo chính trị tuyên bố điều đó (Khải 17:1, 2). Nếu làm thế, họ sẽ đi theo vết xe đổ của các tiên tri giả trong xứ Giu-đa thời xưa. Đức Giê-hô-va nói về các tiên tri ấy: “Họ [nói] rằng: Bình-an! bình-an! mà không bình-an chi hết”.—Giê 6:14; 23:16, 17.

4. Khác với đa số người ta, chúng ta hiểu điều gì?

4 Dù ai tuyên bố “Hòa bình và an ninh!” đi nữa thì biến cố đó cũng đánh dấu sự khởi đầu của ngày Đức Giê-hô-va. Phao-lô nói: “Anh em không ở trong bóng tối, nên ngày ấy không đến với anh em một cách bất ngờ như ánh sáng ban ngày bất ngờ đến với kẻ trộm, vì hết thảy anh em là con của ánh sáng” (1 Tê 5:4, 5). Khác với đa số người ta, chúng ta hiểu ý nghĩa của các biến cố hiện thời. Lời tiên tri về sự tuyên bố “Hòa bình và an ninh!” sẽ được ứng nghiệm chính xác như thế nào? Chúng ta phải chờ xem. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy quyết tâm “tỉnh thức và giữ mình tỉnh táo”.—1 Tê 5:6; Sô 3:8.

“NỮ VƯƠNG” TÍNH SAI NƯỚC CỜ

5. (a) “Hoạn nạn lớn” sẽ bắt đầu như thế nào? (b) “Nữ vương” tính sai nước cờ là ai?

5 Kế tiếp là biến cố nào? Phao-lô nói: “Khi nào người ta nói ‘Hòa bình và an ninh!’ thì lúc ấy sự hủy diệt sẽ thình lình ập đến trên họ”. Giai đoạn đầu của ‘sự hủy diệt thình lình’ này là cuộc tấn công chống lại “Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo sai lầm, cũng được gọi là “ả kỹ nữ” (Khải 17:5, 6, 15). Tất cả các tôn giáo sai lầm, kể cả khối đạo xưng theo Chúa Giê-su, sẽ bị tấn công. Điều này đánh dấu sự khởi đầu “hoạn nạn lớn” (Mat 24:21; 2 Tê 2:8). Nhiều người sẽ sửng sốt khi biến cố này xảy ra. Tại sao? Vì trước đó, ả kỹ nữ tự tin cho rằng mình là “nữ vương”, “không bao giờ phải than khóc”. Thế nhưng, y thị sẽ bất ngờ nhận ra mình đã tính sai nước cờ. Y thị sẽ bị tiêu diệt cách chớp nhoáng, như là chỉ ‘trong một ngày’.—Khải 18:7, 8.

6. Thế lực nào sẽ hủy diệt tôn giáo sai lầm?

6 Lời Đức Chúa Trời tiết lộ thế lực tấn công ả kỹ nữ là một “con thú dữ” có “mười sừng”. Khi xem xét kỹ sách Khải huyền, chúng ta hiểu rằng con thú dữ này ám chỉ Liên Hiệp Quốc. “Mười sừng” tượng trưng cho tất cả các thế lực chính trị hiện đang ủng hộ “con thú dữ sắc đỏ” này * (Khải 17:3, 5, 11, 12). Cuộc tấn công gây thiệt hại đến mức nào? Các nước thuộc Liên Hiệp Quốc sẽ chiếm đoạt tài sản của ả kỹ nữ, vạch trần bộ mặt thật của y thị và “thiêu hủy [y thị] trong lửa”. Tôn giáo sai lầm sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn.—Đọc Khải huyền 17:16.

7. Điều gì sẽ châm ngòi cho cuộc tấn công của “con thú dữ”?

7 Lời tiên tri của Kinh Thánh cũng cho biết điều gì sẽ châm ngòi cho cuộc tấn công này. Bằng cách nào đó, Đức Giê-hô-va sẽ đặt kế hoạch vào lòng những nhà lãnh đạo chính trị để họ “thực hiện ý định của ngài”, đó là tiêu diệt ả kỹ nữ (Khải 17:17). Các tổ chức tôn giáo tiếp tục gây chiến và phá vỡ sự ổn định trên thế giới, vì thế các nước có thể nghĩ rằng việc tiêu diệt ả kỹ nữ sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia của mình. Khi mở cuộc tấn công, các nhà lãnh đạo chính trị sẽ cho rằng họ làm theo ý của họ. Nhưng thật ra, họ chỉ là công cụ mà Đức Chúa Trời dùng để xóa bỏ tất cả tôn giáo sai lầm. Như vậy, hệ thống của Sa-tan bị chia rẽ, thành phần này tấn công thành phần kia, và Sa-tan sẽ hoàn toàn bất lực.—Mat 12:25, 26.

DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI BỊ TẤN CÔNG

8. Cuộc tấn công của “Gót ở đất Ma-gốc” là gì?

8 Sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, các tôi tớ Đức Chúa Trời vẫn “ở yên-ổn”, “trong những nơi không có tường” (Ê-xê 38:11, 14). Theo quan điểm của người ta, nhóm người phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ không có sự che chở nào. Điều gì xảy ra với họ? Dường như “nhiều dân” sẽ dốc toàn lực tấn công họ. Lời Đức Chúa Trời gọi đó là cuộc tấn công của “Gót ở đất Ma-gốc”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:2, 15, 16). Chúng ta nên có quan điểm nào về cuộc tấn công này?

9. (a) Mối quan tâm chính yếu của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là gì? (b) Chúng ta nên làm gì để củng cố đức tin của mình?

9 Biết trước về cuộc tấn công ấy không làm chúng ta quá lo sợ. Mối quan tâm chính yếu của chúng ta không phải là sự cứu rỗi của mình, mà là danh của Đức Giê-hô-va được nên thánh và quyền tối thượng của ngài được biện minh. Thật vậy, trong nguyên ngữ, hơn 60 lần, Đức Chúa Trời tuyên bố là “các ngươi sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va!” (Ê-xê 6:7). Chúng ta háo hức được thấy khía cạnh này trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên ứng nghiệm. Chúng ta cũng tin rằng “Đức Giê-hô-va biết cách giải cứu người có lòng sùng kính ra khỏi cơn thử thách” (2 Phi 2:9). Trong khi chờ đợi, chúng ta muốn tận dụng mọi cơ hội để củng cố đức tin của mình hầu có thể giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va, dù phải đương đầu với bất cứ thử thách nào. Vậy chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, cũng như chia sẻ thông điệp Nước Trời cho người khác. Khi làm thế, chúng ta giữ cho hy vọng của mình về sự sống vĩnh cửu luôn vững chắc như “một cái neo”.—Hê 6:19; Thi 25:21.

CÁC NƯỚC PHẢI NHẬN BIẾT ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

10, 11. Điều gì đánh dấu sự khởi đầu của trận chiến Ha-ma-ghê-đôn? Trận chiến sẽ diễn ra như thế nào?

10 Biến cố rúng động nào sẽ xảy ra khi dân của Đức Giê-hô-va bị tấn công? Đức Giê-hô-va sẽ dùng Chúa Giê-su và đội binh trên trời để ra tay hành động vì lợi ích của dân ngài (Khải 19:11-16). Đó sẽ là “cuộc chiến diễn ra vào ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng”, gọi là trận chiến Ha-ma-ghê-đôn.—Khải 16:14, 16.

11 Qua Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va tuyên bố về cuộc chiến đó: “Ta sẽ gọi gươm đến nghịch cùng [Gót] ở trên mọi núi của ta. Ai nấy sẽ xây gươm lại nghịch cùng anh em mình”. Trong trận chiến khốc liệt ấy, những kẻ theo phe Sa-tan sẽ hoảng loạn và chém giết lẫn nhau. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ khiến những trận mưa dầm, mưa đá, lửa và diêm-sinh đổ xuống trên [Gót], trên đạo-binh nó, và dân đông đi với nó” (Ê-xê 38:21, 22). Hành động này của Đức Chúa Trời sẽ đưa đến kết cuộc nào?

12. Các nước sẽ buộc phải làm gì?

12 Các nước sẽ phải thừa nhận là chính Đức Giê-hô-va khiến họ bị thất bại thê thảm như thế. Khi đó, giống như quân Ai Cập thời xưa đánh đuổi dân Y-sơ-ra-ên đến Biển Đỏ, có thể lực lượng của Sa-tan sẽ kêu than một cách tuyệt vọng: “Đức Giê-hô-va thế dân đó mà chiến-cự cùng chúng ta”! (Xuất 14:25). Đúng vậy, các nước sẽ buộc phải nhận biết Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:23). Làm sao chúng ta biết chuỗi biến cố ấy đã gần kề?

SẼ KHÔNG XUẤT HIỆN CƯỜNG QUỐC THẾ GIỚI NÀO KHÁC

13. Chúng ta biết gì về phần thứ năm của pho tượng được mô tả trong sách Đa-ni-ên?

13 Một lời tiên tri nơi sách Đa-ni-ên giúp chúng ta biết mình đang ở thời điểm nào trong dòng thời gian. Đa-ni-ên mô tả một pho tượng hình người được làm từ nhiều kim loại (Đa 2:28, 31-33). Pho tượng này tượng trưng cho các cường quốc thế giới có ảnh hưởng lớn đến dân Đức Chúa Trời, trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Các cường quốc đó là Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy Lạp, La Mã và một cường quốc khác xuất hiện vào thời chúng ta. Khi nghiên cứu lời tiên tri của Đa-ni-ên, chúng ta biết cường quốc thế giới cuối cùng này tương ứng với phần bàn chân và ngón chân của pho tượng. Trong Thế Chiến I, Anh Quốc và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác đặc biệt. Vậy, phần thứ năm của pho tượng là Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ. Bàn chân là phần cuối cùng của pho tượng, điều này cho thấy sau Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, sẽ không có bất cứ cường quốc thế giới nào khác xuất hiện. Bàn chân và ngón chân của pho tượng được làm từ sắt và đất sét, điều này tượng trưng cho tình trạng suy yếu của Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ.

14. Cường quốc nào là bá chủ thế giới khi trận chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ?

14 Trong lời tiên tri ấy, Nước Đức Chúa Trời được tượng trưng bởi hòn đá lớn được đục ra từ núi của Đức Giê-hô-va vào năm 1914. Ngọn núi này tượng trưng cho quyền tối thượng của ngài. Chẳng bao lâu nữa, hòn đá ấy sẽ đập vào bàn chân của pho tượng. Tại trận Ha-ma-ghê-đôn, bàn chân và phần còn lại của pho tượng sẽ bị đập vụn nát. (Đọc Đa-ni-ên 2:44, 45). Vì thế, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ vẫn đang là bá chủ thế giới khi trận chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Thật tuyệt vời biết bao khi được chứng kiến lời tiên tri này ứng nghiệm trọn vẹn *! Thế nhưng, Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với Sa-tan?

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA VỚI KẺ THÙ CHÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI?

15. Sau trận Ha-ma-ghê-đôn, điều gì sẽ xảy ra với Sa-tan và các ác thần?

15 Trước tiên, Sa-tan sẽ phải chứng kiến từ đầu đến cuối tổ chức trên đất của hắn bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau đó, chính hắn là đối tượng kế tiếp. Sứ đồ Giăng ghi lại điều sẽ xảy ra sau đó. (Đọc Khải huyền 20:1-3). Chúa Giê-su Ki-tô, vị thiên sứ “cầm chìa khóa vực sâu”, sẽ xiềng Sa-tan và các ác thần theo phe hắn, quăng chúng xuống vực sâu và giam chúng trong một ngàn năm (Lu 8:30, 31; 1 Giăng 3:8). Hành động đó là bước khởi đầu của việc giày đạp đầu con rắn *.—Sáng 3:15.

16. Sa-tan bị quăng xuống “vực sâu” có nghĩa gì?

16 Vực sâu mà Sa-tan và các ác thần bị quăng xuống là nơi nào? Từ Hy Lạp aʹbys·sos mà Giăng dùng ở đây có nghĩa là “cực kỳ sâu”. Từ này cũng được dịch là “mênh mông, không bờ bến” và “khoảng không vô tận”. Vì thế, vực sâu ở đây muốn nói đến một nơi không ai có thể đến được, ngoại trừ Đức Giê-hô-va và thiên sứ được giao cho “chìa khóa vực sâu”. Ở đó, Sa-tan sẽ trong tình trạng không hoạt động, giống như chết, nên “hắn không lừa dối các dân được nữa”. Thật vậy, “sư tử gầm rống” ấy sẽ phải câm lặng!—1 Phi 5:8.

NHỮNG BIẾN CỐ DẪN ĐẾN THỜI KỲ BÌNH AN

17, 18. (a) Chúng ta đã xem xét năm biến cố nào? (b) Sau những biến cố này, chúng ta sẽ được sống trong thời kỳ nào?

17 Những biến cố làm rúng động địa cầu đã gần kề. Chúng ta nóng lòng muốn thấy lời tuyên bố “Hòa bình và an ninh!” diễn ra như thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ chứng kiến Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, cuộc tấn công của “Gót ở đất Ma-gốc” và trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Tiếp theo, Sa-tan và các ác thần bị quăng xuống vực sâu. Sau những biến cố đó, khi sự gian ác không còn, cuộc đời chúng ta sẽ rẽ sang trang mới, đó là Triều Đại Một Ngàn Năm, thời kỳ mang lại “bình-yên dư-dật” cho chúng ta.—Thi 37:10, 11.

18 Ngoài năm biến cố mà chúng ta đã xem xét trong bài này, cũng có những biến cố khác “không thấy được” mà chúng ta muốn “chú tâm vào”. Những biến cố ấy sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.

^ đ. 2 Mười biến cố sẽ được xem xét trong bài này và bài sau.

^ đ. 6 Xin xem sách Khải huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Revelation—Its Grand Climax at Hand!), trang 251-258.

^ đ. 14 Cụm từ “hủy-diệt hết các nước trước kia” nơi Đa-ni-ên 2:44 nói đến các cường quốc thế giới được tượng trưng bởi pho tượng. Tuy nhiên, một lời tiên tri tương ứng cho biết “các vua trên khắp đất” sẽ nổi dậy chống lại Đức Giê-hô-va trong “ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng” (Khải 16:14; 19:19-21). Vì thế, không chỉ các cường quốc được tượng trưng bởi pho tượng sẽ bị hủy diệt mà tất cả các nước khác trên thế giới cũng đồng chịu kết cuộc tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn.

^ đ. 15 Việc giày đạp đầu con rắn sẽ hoàn tất sau khi giai đoạn một ngàn năm kết thúc, khi Sa-tan và các ác thần “bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh”.—Khải 20:7-10; Mat 25:41.