Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em nói ‘có’ thì phải là có”

“Anh em nói ‘có’ thì phải là có”

“Khi anh em nói ‘có’ thì phải là có, ‘không’ thì phải là không”.—MAT 5:37.

1. Chúa Giê-su nói gì về việc lập lời thề, và tại sao?

Nói chung, tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cần phải thề vì họ vâng theo những lời sau của Chúa Giê-su: “Khi anh em nói ‘có’ thì phải là có”. Ý của ngài là một người nên giữ lời. Trước khi nói những lời trên, Chúa Giê-su nói: “Đừng thề chi hết”. Ngài nói vậy vì nhiều người có thói quen hứa tùy tiện mà không có ý định thực hiện. Một người hứa mà không làm là người như thế nào? Có lẽ người ấy không thật sự đáng tin và bị “Kẻ Ác” ảnh hưởng.—Đọc Ma-thi-ơ 5:33-37.

2. Hãy giải thích tại sao việc lập lời thề không luôn là sai.

2 Có phải Chúa Giê-su muốn nói mọi lời thề đều xấu? Không. Như đã thảo luận trong bài trước, Đức Giê-hô-va và tôi tớ công chính của ngài là Áp-ra-ham đã thề vào những dịp quan trọng. Luật pháp của Đức Chúa Trời cũng đòi hỏi phải thề để giải quyết một số vấn đề (Xuất 22:10, 11; Dân 5:21, 22). Vậy, tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể cần phải thề sẽ nói sự thật khi làm chứng trước tòa, để giải quyết một vấn đề hay để cam đoan điều gì đó. Khi thầy tế lễ thượng phẩm bắt Chúa Giê-su thề, ngài không phản đối nhưng đã trả lời Tòa Tối Cao một cách thành thật (Mat 26:63, 64). Thật sự là ngài không cần thề với bất cứ ai. Nhưng để khẳng định những lời của mình hoàn toàn đáng tin cậy, Chúa Giê-su nhiều lần mở đầu những gì ngài nói bằng cụm từ: “Tôi nói thật” (Giăng 1:51, 13:16, 20, 21, 38). Hãy xem chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su, Phao-lô cũng như những người khác nói “có” và giữ lời.

CHÚA GIÊ-SU—GƯƠNG MẪU TUYỆT HẢO

3. Chúa Giê-su hứa điều gì với Cha qua lời cầu nguyện, và Cha ngài đã đáp lại như thế nào?

3 ‘Đức Chúa Trời ơi! Con đến để làm theo ý muốn ngài’ (Hê 10:7). Qua những lời đầy ý nghĩa này, Chúa Giê-su trình diện với Đức Chúa Trời để thực hiện mọi điều đã tiên tri về Dòng Dõi được hứa trước, bao gồm việc để Sa-tan “cắn gót chân” (Sáng 3:15). Chưa từng có một người nào tình nguyện đảm nhận trách nhiệm nặng nề như vậy. Từ trời, Đức Giê-hô-va công khai tuyên bố ngài hoàn toàn tin cậy Chúa Giê-su, mà không đòi hỏi Con phải thề sẽ giữ lời.—Lu 3:21, 22.

4. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su nói “có” nghĩa là có?

4 Chúa Giê-su nói “có” nghĩa là có. Ngài không để bất cứ điều gì khiến mình lơ là nhiệm vụ Cha giao, đó là rao giảng tin mừng về Nước Trời và giúp những người mà Cha kéo đến trở thành môn đồ (Giăng 6:44). Kinh Thánh nhấn mạnh sự đáng tin cậy của Chúa Giê-su khi nói: “Dù các lời hứa của Đức Chúa Trời nhiều bao nhiêu thì tất cả đều trở thành ‘Có’ qua đấng ấy” (2 Cô 1:20). Quả thật, Chúa Giê-su nêu gương tốt nhất trong việc luôn làm đúng theo những lời đã hứa với Cha. Tiếp theo, hãy xem xét gương của một người đã nỗ lực bắt chước Chúa Giê-su.

PHAO-LÔ—MỘT NGƯỜI ĐÁNG TIN CẬY

5. Phao-lô nêu gương mẫu nào cho chúng ta?

5 “Tôi phải làm sao, thưa Chúa?” (Công 22:10, Bản Phổ thông). Sau-lơ, sau này là Phao-lô, đã đáp lại Chúa Giê-su bằng những lời chân thành trên. Chúa Giê-su hiện ra với Sau-lơ trong khải tượng để ngăn ông bắt bớ môn đồ của ngài. Sau-lơ đã khiêm nhường ăn năn, làm báp-têm và nhận sứ mệnh đặc biệt là làm chứng về Chúa Giê-su cho dân ngoại. Từ đó, Phao-lô tiếp tục gọi Chúa Giê-su là “Chúa” và hành động phù hợp với cách gọi đó cho đến khi ông kết thúc đời sống trên đất (Công 22:6-16; 2 Cô 4:5; 2 Ti 4:8). Phao-lô khác với những người mà Chúa Giê-su từng nói: “Sao anh em gọi tôi là Chúa mà không làm theo điều tôi nói?” (Lu 6:46). Thật vậy, Chúa Giê-su mong muốn tất cả những người nhận ngài là Chúa phải đáng tin cậy như sứ đồ Phao-lô.

6, 7. (a) Tại sao Phao-lô thay đổi kế hoạch thăm hội thánh Cô-rinh-tô, và vì sao không hợp lý khi một số người nghi ngờ sự trung thực của ông? (b) Chúng ta nên có thái độ nào đối với những anh được bổ nhiệm để dẫn đầu?

6 Phao-lô sốt sắng rao truyền thông điệp Nước Trời khắp vùng Tiểu Á và châu Âu, thành lập và thăm nhiều hội thánh. Đôi khi, ông thấy cần phải thề những gì mình viết là đúng (Ga 1:20). Khi một số người ở Cô-rinh-tô cáo buộc Phao-lô không đáng tin, ông bào chữa: “Như Đức Chúa Trời là đấng đáng tin cậy, chúng tôi cũng không thể vừa nói ‘Có’, vừa nói ‘Không’ với anh em” (2 Cô 1:18). Phao-lô viết những lời đó khi đã rời Ê-phê-sô và đang trên đường tới Ma-xê-đô-ni-a trong chuyến hành trình đến Cô-rinh-tô. Lúc đầu, ông có kế hoạch thăm hội thánh Cô-rinh-tô trước khi đến Ma-xê-đô-ni-a (2 Cô 1:15, 16). Nhưng như các chuyến viếng thăm của giám thị lưu động ngày nay, đôi khi lộ trình buộc phải thay đổi. Sự thay đổi đó không phải tùy hứng hay vì lý do ích kỷ nhưng vì việc khẩn cấp nào đó. Trong trường hợp của Phao-lô, ông hoãn cuộc viếng thăm hội thánh Cô-rinh-tô vì lợi ích của anh em ở đó. Như thế nào?

7 Khi ở Ê-phê-sô, Phao-lô nhận được tin đáng lo ngại là hội thánh Cô-rinh-tô có sự chia rẽ và dung túng hành vi vô luân (1 Cô 1:11; 5:1). Để cải thiện tình hình, ông viết những lời khuyên thẳng thắn trong lá thư thứ nhất gửi cho anh em ở thành Cô-rinh-tô. Sau đó, thay vì đáp tàu đi thẳng từ Ê-phê-sô đến Cô-rinh-tô, Phao-lô quyết định cho anh em ở đó thêm thời gian để áp dụng lời khuyên của ông. Nhờ thế, khi ông đến thăm, họ sẽ được khích lệ nhiều hơn. Trong lá thư thứ hai, Phao-lô đảm bảo với anh em ở thành Cô-rinh-tô rằng đó chính là lý do ông đã thay đổi kế hoạch. Ông viết: “Tôi lấy mạng sống mình mà thề trước mặt Đức Chúa Trời rằng sở dĩ tôi chưa đến Cô-rinh-tô là vì không muốn anh em buồn hơn” (2 Cô 1:23). Chúng ta không bao giờ muốn giống như những người chỉ trích Phao-lô. Thay vì thế, chúng ta hãy hết lòng kính trọng những anh được bổ nhiệm để dẫn đầu. Chúng ta nên bắt chước Phao-lô, như ông đã bắt chước Đấng Ki-tô.—1 Cô 11:1; Hê 13:7.

NHỮNG GƯƠNG TỐT KHÁC

8. Rê-bê-ca nêu gương nào cho chúng ta?

8 “Tôi muốn đi” (Sáng 24:58). Rê-bê-ca đáp những lời giản dị trên khi mẹ và anh trai hỏi nàng có muốn trở thành vợ Y-sác, con trai của Áp-ra-ham hay không. Nàng phải rời nhà ngay hôm đó và đi chặng đường dài hơn 800km cùng với một người lạ (Sáng 24:50-58). Rê-bê-ca đã giữ lời và chứng tỏ là người vợ tốt, trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Suốt quãng đời còn lại, Rê-bê-ca phải cư ngụ trong lều tại Đất Hứa, với tư cách là người ngoại quốc. Việc giữ lời mang lại cho nàng phần thưởng là trở thành tổ mẫu của Dòng Dõi được hứa trước, Chúa Giê-su Ki-tô.—Hê 11:9, 13.

9. Ru-tơ đã giữ lời như thế nào?

9 “Không, chúng con sẽ đi với mẹ, cùng về quê hương của mẹ” (Ru 1:10, Bản Dịch Mới). Hai góa phụ người Mô-áp là Ru-tơ và Ọt-ba đã nói những lời trên với mẹ chồng góa là Na-ô-mi. Khi đang trên đường từ Mô-áp trở về Bết-lê-hem, Na-ô-mi cố khuyên hai nàng dâu trở lại quê hương họ. Cuối cùng Ọt-ba trở về, nhưng Ru-tơ nói “không” thì nghĩa là không. (Đọc Ru-tơ 1:16, 17). Ru-tơ trung thành gắn bó với Na-ô-mi, nàng sẵn sàng xa gia đình mãi mãi và từ bỏ sự thờ phượng sai lầm của xứ Mô-áp. Nàng trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va và nhận được phần thưởng là trở thành một trong năm người nữ được Ma-thi-ơ nhắc đến trong gia phả của Đấng Ki-tô.—Mat 1:1, 3, 5, 6, 16.

10. Tại sao Ê-sai là gương tốt cho chúng ta?

10 “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8). Trước khi nói những lời này, Ê-sai thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên ngôi trong một khải tượng. Trong khi chăm chú nhìn cảnh rực rỡ này, Ê-sai nghe Đức Giê-hô-va phán hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”. Đây là lời mời làm phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va để mang thông điệp đến với dân ương ngạnh của ngài. Ê-sai nói “có” nghĩa là có. Trong hơn 46 năm, ông trung thành phụng sự với tư cách là nhà tiên tri, rao truyền thông điệp lên án mạnh mẽ cũng như những lời hứa tuyệt vời về việc khôi phục sự thờ phượng thật.

11. (a) Tại sao việc giữ lời là quan trọng? (b) Kinh Thánh nêu một số gương cảnh báo nào về việc không giữ lời?

11 Tại sao Đức Giê-hô-va cho ghi lại những trường hợp trên trong Kinh Thánh? Và việc “nói ‘có’ thì phải là có” quan trọng như thế nào? Kinh Thánh thẳng thắn cảnh báo rằng những người cố tình “thất hứa” mà không chịu thay đổi thì “đáng chết” (Rô 1:31, 32). Pha-ra-ôn của Ai Cập, vua Sê-đê-kia của Giu-đa, A-na-nia và Sa-phi-ra là những gương cảnh báo về việc không giữ lời. Họ đều phải gánh chịu hậu quả thê thảm.—Xuất 9:27, 28, 34, 35; Ê-xê 17:13-15, 19, 20; Công 5:1-10.

12. Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ lời?

12 Vì sống trong “những ngày sau cùng” nên xung quanh chúng ta là những người “bất trung”, những người “bề ngoài có vẻ sùng kính nhưng lại không thể hiện trong đời sống” (2 Ti 3:1-5). Thay vì kết hợp với những người như thế, chúng ta hãy đều đặn kết hợp với những người luôn cố gắng giữ lời.—Hê 10:24, 25.

LỜI HỨA QUAN TRỌNG NHẤT CỦA BẠN

13. Lời hứa quan trọng nhất của môn đồ Chúa Giê-su là gì?

13 Lời hứa quan trọng nhất của một tín đồ là khi dâng mình cho Đức Chúa Trời. Những người muốn từ bỏ chính mình để trở thành môn đồ của Chúa Giê-su có cơ hội nói lên ước muốn đó trong ba dịp đặc biệt (Mat 16:24). Khi phỏng vấn người muốn trở thành người công bố chưa báp-têm, hai trưởng lão sẽ hỏi người ấy: “Anh/Chị có thật sự muốn trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va không?”. Khi người ấy tiến bộ và xin làm báp-têm, người ấy được hỏi: “Anh/Chị đã dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chưa?”. Rồi vào ngày báp-têm, tất cả ứng viên được hỏi: “Dựa trên căn bản sự hy sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, các anh chị có ăn năn tội lỗi và dâng mình cho Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn của ngài không?”. Trước mặt các nhân chứng, những ứng viên trả lời “có”. Lời xác nhận này cho thấy họ muốn phụng sự Đức Chúa Trời mãi mãi.

14. Chúng ta nên thường xuyên tự hỏi điều gì?

14 Dù là người mới báp-têm hay đã phụng sự Đức Chúa Trời nhiều năm, bạn cần thường xuyên xét lại bản thân và tự hỏi những câu như: “Mình có luôn noi gương Chúa Giê-su trong việc giữ lời hứa quan trọng nhất không? Mình có luôn vâng lời Chúa Giê-su bằng cách xem việc rao giảng và đào tạo môn đồ là trọng tâm của đời sống không?”.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 13:5.

15. Chúng ta phải giữ lời trong những lĩnh vực quan trọng nào của đời sống?

15 Giữ lời hứa nguyện dâng mình cũng bao hàm việc chúng ta phải trung tín trong những vấn đề quan trọng khác. Chẳng hạn, nếu bạn đã lập gia đình, hãy luôn xem trọng lời hứa của bạn là mãi yêu thương và quý mến bạn đời. Nếu bạn đã ký một hợp đồng kinh doanh hoặc điền đơn để xin được nhận một đặc ân thần quyền, hãy giữ lời mà bạn đã cam kết. Nếu bạn đã nhận lời mời dùng bữa của một anh chị không mấy khá giả, đừng hủy cuộc hẹn ấy khi nhận được lời mời khác dường như hấp dẫn hơn. Hoặc nếu bạn gặp một người chú ý khi đi rao giảng từng nhà và hứa sẽ trở lại giúp người ấy hiểu thêm về Kinh Thánh, hãy giữ lời và Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho bạn trong thánh chức.—Đọc Lu-ca 16:10.

NHỮNG LỢI ÍCH DO VUA KIÊM THẦY TẾ LỄ THƯỢNG PHẨM MANG LẠI

16. Nếu lỡ thất hứa, chúng ta nên làm gì?

16 Là người bất toàn, “hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần”, nhất là trong lời nói (Gia 3:2). Chúng ta nên làm gì khi lỡ thất hứa? Trong Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, có một sự sắp đặt dành cho những người “sơ-ý thề-thốt”, tức là hứa mà chưa suy nghĩ trước (Lê 5:4-7, 11). Ngày nay cũng có một sự sắp đặt yêu thương cho những tín đồ đạo Đấng Ki-tô lỡ thất hứa. Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm là Chúa Giê-su giúp chúng ta có lại ân huệ của Đức Chúa Trời. Do đó, nếu chúng ta thú tội với Đức Giê-hô-va, ngài sẽ rộng lượng tha thứ (1 Giăng 2:1, 2). Tuy nhiên, để giữ được ân huệ đó, chúng ta phải chứng tỏ sự ăn năn bằng cách không để việc thất hứa trở thành thói quen, đồng thời cố gắng bù đắp thiệt hại do việc thất hứa gây ra (Châm 6:2, 3). Dĩ nhiên, tốt hơn chúng ta nên suy nghĩ trước để tránh hứa những điều mình không thực hiện được.—Đọc Truyền-đạo 5:2.

17, 18. Tương lai tuyệt diệu nào đang chờ đón những người luôn cố gắng giữ lời?

17 Một tương lai tuyệt diệu đang chờ đón những người thờ phượng Đức Giê-hô-va và luôn cố gắng giữ lời! Lớp người được xức dầu gồm 144.000 người sẽ nhận được sự sống bất tử ở trên trời và “cùng làm vua cai trị với [Chúa Giê-su] trong một ngàn năm” (Khải 20:6). Hàng triệu người sống trong địa đàng sẽ nhận được ân phước dưới sự trị vì của Vua Nước Trời là Chúa Giê-su. Họ sẽ được giúp để đạt đến tình trạng hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần.—Khải 21:3-5.

18 Nếu trung thành chịu đựng thử thách sau cùng vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, chúng ta sẽ được sống trong một thế giới mà không có lý do để nghi ngờ lời nói của bất cứ ai (Khải 20:7-10). Những lời nói “có” sẽ là có và “không” sẽ là không. Tất cả mọi người sẽ noi gương “Đức Chúa Trời chân-thật” một cách trọn vẹn.—Thi 31:5.